Bất ngờ với những sáng tạo cực chất từ học sinh

Thứ bảy, 16/06/2018

Chất đuổi côn trùng từ lá cây, sản phẩm “loa thùng 3 trong 1”, keo giúp lành vết thương từ nha đam, bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý đến ứng phó với bắt nạt qua mạng... những sáng tạo của các em học sinh đã khiến người lớn phải bất ngờ.
Chất đuổi côn trùng từ lá cây, sản phẩm “loa thùng 3 trong 1”, keo giúp lành vết thương từ nha đam, bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý đến ứng phó với bắt nạt qua mạng... những sáng tạo của các em học sinh đã khiến người lớn phải bất ngờ.
 

Sản phẩm “loa thùng 3 trong 1”


Lê Tùng Bách (học sinh Trường THCS Hoa Lư, Q.9) với mô hình “Loa thùng 3 trong 1” vừa giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM.

Theo Tùng Bách, loa được tái chế sử dụng hộp nhựa trong để làm khung cho loa nên rất dễ tháo lắp, sửa chữa khi gặp trục trặc, vừa dùng để trang trí nhờ dãy led màu bên trong, vừa rẻ tiền, gọn nhẹ và dễ xách đi. Nguyên lý hoạt động là sử dụng mạch TDA 3116D2 nên âm thanh trung thực, sử dụng module giải mã âm thanh để có thể nghe bằng bluetooth hay nghe radio, mạch có hỗ trợ jack audio 3.5. Loa có thể dùng để trang trí nhờ dãy led EGB.

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoahọc công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) cuộc thi nhằm đẩy mạnh phong trào học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của thanh thiếu nhi thành phố. Qua đó, ban tổ chức sẽ tìm kiếm những mô hình, sản phẩm khả thi để ứng dụng vào thực tế, phục vụ tiện ích cho cộng đồng ngày một tốt hơn.

“Sản phẩm tham dự cuộc thi lần này là các mô hình, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật thuộc các lĩnh vực như: dụng cụ học tập, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày, lao động sản xuất, đồ chơi trẻ em, IoT ứng dụng cho giao thông, nông nghiệp, môi trường. Ngoài ra còn có các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện tình hình giao thông, chống ngập nước...” - Anh Kim Thành nói.
 
(Ảnh 1: Em Lê Tùng Bách (học sinh Trường THCS Hoa Lư, Q.9) trình bày mô hình sáng tạo “Loa thùng 3 trong 1” tại vòng chung kết)


Keo giúp lành vết thương từ nha đam


Ứng dụng hoạt tính kháng khuẩn của nha đam, em Bành Nguyệt Nhi - học sinh lớp 10A3 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM chiết xuất cao, gel nha đam rồi kết hợp với tá dược, phủ lên băng gạc/băng keo cá nhân trở thành sản phẩm y tế nhỏ gọn, tiện mang đi xa, khi cần sơ cứu nhanh.

Với sự giúp đỡ của giảng viên đại học và bệnh viện, Nguyệt Nhi thử nghiệm sản phẩm trên chuột bạch. Kết quả nghiên cứu định tính ban đầu cho thấy sản phẩm giúp giảm đau, mau lành vết thương hơn so với tốc độ tái tạo tự nhiên của cơ thể.
"Quá trình thực hiện đề tài, em được tiếp xúc và học hỏi một số giảng viên cũng theo đuổi keo dán sinh học làm lành vết thương", Nguyệt Nhi chia sẻ. "Em rất muốn có thể phát triển đề tài theo hướng phù hợp với nhiều loại vết thương, dung dịch xịt, bộ sản phẩm y tế cho người đi phượt".
 
(Ảnh 2: Em Bành Nguyệt Nhi thuyết trình và phản biện về băng keo giúp lành vết thương từ nha đam)
 

Điều chế chất đuổi côn trùng từ lá cây

 
Đó là công trình nghiên cứu của hai học sinh Nguyễn Hoàng Lân và Đinh Vũ Minh Quân, lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình.

Hoàng Lân giới thiệu: "Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt côn trùng bằng hóa chất. Tuy nhà sản xuất cam kết thuốc không gây hại đến sức khỏe con người, nhưng trên thực tế chúng chỉ an toàn khi tiếp xúc trong thời gian ngắn với hàm lượng ít.
Chính vì vậy, chúng em quyết định nghiên cứu, chiết xuất dung dịch từ lá cây hoa ngũ sắc để diệt côn trùng. Đây là loại cây mọc hoang quanh năm, rất dễ trồng, không kén đất, có thể mọc ở hầu hết các địa hình nên dễ tìm, ít tốn kém".

Minh Quân tiếp lời: "Thành phẩm một chai thuốc diệt côn trùng 450ml của chúng em có giá 13.500 đồng, trong khi giá ngoài thị trường (chai 500ml) là 45.000 đồng. Sản phẩm của chúng em có thể diệt được 100% sâu, 70% kiến và 80% gián, 80% châu chấu...".
Bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý qua nước tiểu
 
Công trình do hai học sinh Liêu Võ Khánh Huy - lớp 11CL2 và Phan Trung Anh - lớp 11CL1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - thực hiện.

Cả hai học sinh đều rất nhanh nhẹn và hoạt bát khi nói về sản phẩm của mình: "Sự bất thường trong nước tiểu có liên quan mật thiết đến 3 căn bệnh: tiểu đường, sỏi thận và u xơ tiền liệt tuyến. Khi cơ thể con người mắc bệnh, những chỉ số sinh hóa của nước tiểu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Nhóm chúng em đã tạo ra một thiết bị dùng để đo 3 chỉ số của nước tiểu: nồng độ pH, kali và lưu lượng nước tiểu. Thiết bị này sẽ được gắn tích hợp với bồn cầu gia dụng, sử dụng các thiết bị thông minh để truyền, gửi và lưu trữ dữ liệu. 
Từ đó, nước tiểu của người sử dụng thiết bị sẽ được kiểm tra đều đặn và có thể phát hiện các bệnh lý ngay từ khi bệnh vừa xuất hiện".
 
 
(Ảnh 3: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) giới thiệu đề tài "Bồn cầu cảnh báo sớm bệnh lý qua nước tiểu")
 

Biện pháp ứng phó với bắt nạt qua mạng


Đề tài do Đàm Đức Tài và Nguyễn Ngọc Thiên Ân - hai học sinh lớp 12A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên - thực hiện.
Thiên Ân giới thiệu đề tài: "Nạn nhân của tình trạng bắt nạt qua mạng đa số ở thành thị. Khi tiến hành khảo sát với các học sinh THCS và THPT ở TP.HCM, chúng em thu được kết quả: 49,7% đã bị bắt nạt qua mạng ở nhiều mức độ khác nhau. 
Các học sinh thường dùng Internet làm phương tiện giải trí và học tập, rồi bị tấn công qua mạng như: quấy rối, cô lập, lừa đảo, đeo bám... Nạn nhân dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, xa lánh xã hội, cảm thấy không an toàn khi ở trường, nặng nề hơn là tự tử".

Ân và Tài đã đưa ra các giải pháp như: lập câu lạc bộ, trang Facebook để chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ những nạn nhân bị bắt nạt qua mạng; tăng cường thông tin cảnh báo để các bạn trẻ phòng tránh...
 
Thế Ngọc tổng hợp từ báo Tuổi trẻ, Thanh niên

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×