Cách thức phát hiện, tuyển chọn nhân tài ở một số quốc gia trên thế giới

Thứ ba, 22/01/2019

Nhân tài luôn là mối quan tâm ở mọi thời đại, mọi quốc gia. Dựa trên đặc thù về thể chế chính trị, kinh tế, chiến lược phát triển giáo dục, phát triển con người nên cách thức phát hiện và tuyển chọn nhân tài ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia cũng khác nhau.
Nhân tài luôn là mối quan tâm ở mọi thời đại, mọi quốc gia. Dựa trên đặc thù về thể chế chính trị, kinh tế, chiến lược phát triển giáo dục, phát triển con người nên cách thức phát hiện và tuyển chọn nhân tài ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia cũng khác nhau.

Trung Quốc thực hiện công tác phát hiện và tuyển chọn nhân tài một cách tương đối bài bản và khách quan tuân thủ bốn nguyên tắc theo tư tưởng Đặng Tiểu Bình: Thứ nhất, có cả đức và tài. Thứ hai, chọn người hiền đức, dùng người có năng lực. Thứ ba, nguyên tắc về việc chọn người. Thứ tư, nguyên tắc tùy tài mà sử dụng. Cách thức phát hiện và nhận biết tài năng là: phỏng vấn điều tra; đăng báo mời; thu thập thông tin, tìm những tác giả, những công trình khoa học nổi tiếng để phát hiện người có tài năng; thi tuyển; tiến cử và tự tiến cử (1). Để phát hiện và chọn được những người thực sự tài năng trong một lĩnh vực cụ thể, Trung Quốc không chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá người tài năng mà ở mỗi cấp đều thông qua giới thiệu đề cử của quần chúng nhân dân và qua một hội đồng tuyển chọn nhân tài. Hội đồng tuyển chọn nhân tài gồm nhiều đối tượng, lứa tuổi và kinh nghiệm trong hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, thực sự là những người tiêu biểu về trí tuệ, có uy tín trong quần chúng mới được tham gia.

Nhật Bản tập trung công tác phát hiện và tuyển chọn nhân tài ngay từ khi còn là học sinh. Nhật Bản không có chính sách phân luồng học sinh lớp chuyên, lớp chọn từ bậc học phổ thông mà chỉ lựa chọn những học sinh giỏi, xuất sắc sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và sát hạch qua một kỳ thi nghiêm ngặt để vào học các trường đại học uy tín của Nhật Bản. Nhật Bản đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển tài năng trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý. Những sinh viên loại giỏi ở các trường đại học có uy tín ở Nhật Bản sẽ được lựa chọn để bồi dưỡng trở thành những người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước của Nhật bản sau này. Hàng năm Viện Nhân sự Nhật Bản, cơ quan nhà nước độc lập với các bộ tổ chức 3 kỳ thi. Kỳ thi tuyển chọn công chức loại I (cấp cao) và các kỳ thi tuyển chọn công chức loại II và loại III (cấp thấp). Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai. Còn những người trúng tuyển các kỳ thi loại II, loại III sẽ làm các công việc chuyên môn nghiệp vụ cụ thể. Kỳ thi tuyển loại I được mở hàng năm, mỗi năm tuyển khoảng 1.000 cán bộ loại này, nhưng số người dự thi gấp hơn 50 lần. Số người thi thường là các sinh viên ưu tú của các trường đại học lớn và trong suốt quá trình học tập, thành tích phải đạt loại xuất sắc. Theo thống kê thì có tới một nửa số người thi trúng tuyển vào kỳ thi loại I đều là sinh viên ưu tú của đại học Tokyo, hầu hết là các sinh viên khoa luật và khoa kinh tế. Trong số trên 1.000 cán bộ mới được tuyển chọn mỗi năm có khoảng một nửa là công chức hành chính, số còn lại là công chức chuyên môn kỹ thuật. Sau khi đỗ kỳ thi loại I, các quan chức tương lai được quyền chọn nơi làm việc (1).

Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển giáo dục, coi phát triển giáo dục là điều kiện sống còn để phát triển đất nước. Song song với phát triển giáo dục đại trà, Hàn quốc đặc biệt coi trọng giáo dục để phát hiện, đào tạo nhân tài trong những lĩnh vực xác định là mũi nhọn của đất nước ngay từ khi còn là học sinh. “Hàn Quốc quan niệm trẻ em năng khiếu là một bộ phận không thể tách rời tổng thể tài nguyên và trí tuệ được coi là một loại tài nguyên quý nhất của một dân tộc, là tài sản quý nhất trong tương lai”. “Họ cho rằng giáo dục năng khiếu, tài năng là một chiến lược phát triển cơ bản phải được coi là ưu tiên số một so với bất kỳ ngành phát triển nào” (2). Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược cụ thể để phát hiện và tuyển chọn học sinh năng khiếu.

Mỹ phát hiện và tuyển chọn nhân tài từ rất sớm. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Mỹ đã quan tâm phát hiện trẻ em năng khiếu bằng cách sử dụng bộ trắc nghiệm để đo chỉ số phát triển trí tuệ (IQ) của học sinh. Đến bậc học phổ thông, việc phát hiện, tuyển chọn các học sinh năng khiếu thông qua các hình thức: biểu diễn, thi đấu, thi viết, thi diễn thuyết… được tổ chức hàng năm, qua đó lựa chọn những em có năng khiếu để có những hình thức giáo dục cho phù hợp. Để có thêm các nguồn thông tin từ xã hội đối với việc phát hiện các tài năng, Chính phủ Mỹ đã thành lập các trung tâm trưng cầu ý kiến để tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao và thực hiện tổ chức thi cử rất nghiêm ngặt và tuyệt đối loại trừ các hành vi gian lận (2). Đặc biệt, phương pháp tuyển chọn quan chức của Mỹ là tuyển chọn thông qua các cuộc thi tuyển công khai, dân chủ và tạo môi trường cạnh tranh để lựa chọn được người thật sự tài năng mà không phân biệt thành phần xuất thân, giới tính, tín ngưỡng hay đảng phái chính trị.

Ở Đức, cũng giống như Nhật Bản và Hàn Quốc coi phát triển giáo dục và đào tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng để phát hiện và tuyển chọn nhân tài. Theo quan điểm của Đức, “chỉ có những người được giáo dục và đào tạo tốt mới đưa nước Đức vào vị trí hàng đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu và đồng thời tự mình tham gia một cách tốt nhất vào sự phát triển đó. Giáo dục và Đào tạo là chìa khóa cho tương lai của sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước” (3). Nước Đức đã xác định vai trò của giáo dục đại học và sử dụng hệ thống giáo dục đại học như là một thể chế tạo ra những thế hệ tự phát triển tài năng. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục khoa học tại các trường đại học, tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục của Đức hàng năm là 5% GDP, trong đó giáo dục đại học cao đẳng chiếm 24%. Hiện tại Đức có khoảng 320 trường đại học, cao đẳng và thu hút hơn 2 triệu sinh viên. Chính phủ Đức từ trước đến nay đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nhân sự cho các trường đại học. Chính phủ có thể can thiệp nếu thấy cần thiết trong một số trường hợp nhằm đảm bảo tính trung thực, phát huy và nuôi dưỡng tài năng trẻ cho đất nước (1).

Khác với các quốc gia tập trung phát hiện tuyển chọn nhân tài trong nước, Singapore đặc biệt chú trọng phát hiện và tuyển dụng các sinh viên tài năng nước ngoài thông qua kênh giáo dục. Hiện tại, Singapore có 35.000 sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học ở đây. Tại các trường như Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Kỹ thuật Nanyang, Đại học Quản lý Singapore, số sinh viên nước ngoài chiếm 20%. Sinh viên nước ngoài theo học dưới dạng vay tiền của Chính phủ Singapore và đổi lại sau khi tốt nghiệp các sinh viên này có nghĩa vụ làm việc cho một công ty của Singapore (tại Singapore hoặc bất kỳ nước nào khác) trong thời gian tối thiểu ba năm để trả nợ. Với cách làm này, Chính phủ Singapore luôn có nguồn lao động chất lượng cao được bổ sung hằng năm để làm việc cho các công ty Singapore. Các trường đại học của Singapore bù lại cũng có điều kiện và động lực để đầu tư hiện đại hóa trường học theo chuẩn quốc tế và nhu cầu của thị trường lao động.

Đối với Việt Nam, công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài cũng khá đa dạng. Mỗi giai đoạn lịch sử hay lĩnh vực cụ thể lại có các cách thức phát hiện, tuyển chọn khác nhau. Trong lịch sử Việt Nam (nhất là thời kỳ phong kiến), phương thức chính để phát hiện và tuyển chọn tài năng trẻ chủ yếu là bằng thi cử (thi văn và thi võ), chỉ những người đỗ đạt trong các kỳ thi mới được ra làm quan (6). Những người không qua thi cử thường là những người “đột xuất có tài lạ” được vua chúa biết đến hay những người có thành tích trong hành động thực tế chiến đấu, những người do được tiến cử hoặc tự tiến cử (7). Trong thời kỳ hiện đại, các phương thức phát hiện và tuyển chọn tài năng trẻ cũng đa dạng hơn. Đó là, sự phát hiện lựa chọn của các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng; các cá nhân phát hiện và đề xuất với các cấp lãnh đạo; phát hiện từ dư luận xã hội, từ quần chúng nhân dân (5), hay do các cơ quan, các tổ chức xã hội tổ chức các giải thưởng, các cuộc thi, hội thi phát hiện và bình chọn.

Như vậy, tài năng không tự nhiên mà có, tài năng chỉ xuất hiện và bộc lộ trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định (4). Dù ở giai đoạn lịch sử nào, một Quốc gia nào, để xác định và đánh giá đó là một tài năng thì phải có những phương thức, công cụ cụ thể để phân biệt một người tài năng với một người bình thường khác, đó là thông qua kết quả các kỳ thi cử hoặc dựa trên kết quả hoạt động thực tiễn./.
TS Tống Mạnh Hùng
 
Tài liệu tham khảo
(1) Trần Văn Ngợi. 2015: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên Thế giới về thu hút và trọng dụng người có tài năng cho nền công vụ.
(2) Nguyễn Đắc Hưng. 2007. Phát triển nhân tài chấn hưng đất nước, NXB Chính trị quốc gia.  
(3) Trịnh Xuân Thắng. 2014. Kinh nghiệm đào tạo nhân lực của một số quốc gia trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam
(4) Tống Mạnh Hùng. 2015. Nghiên cứu tài năng trẻ việt nam thời gian qua và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Xã hội học số 4.
(5) Vũ Khoan. 2009. Phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài, Xây dựng Đảng Số 4.
(6) Phạm Hồng Tung. 2008. Lược khảo về kinh nghiệm phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài trong lịch sử Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia.
(7) Lê Thị Thanh Hòa. 1994. Lựa chọn và sử dụng nhân tài trong lịch sử, NXB Khoa học xã hội.

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×