Chàng trai kiếm doanh thu 150 triệu đồng/tháng từ loại cây bỏ đi

Thứ ba, 31/05/2022

Chứng kiến thực tế cứ đến mùa là người dân bỏ mặc trái mãng cầu rụng đầy vườn, nhiều hộ còn chặt bỏ vì không có giá trị kinh tế, thế là một chàng trai đã nghiên cứu tạo ra sản phẩm tiền triệu và kiếm doanh thu 150 triệu đồng/tháng từ loại cây bỏ đi này.
Chứng kiến thực tế cứ đến mùa là người dân bỏ mặc trái mãng cầu rụng đầy vườn, nhiều hộ còn chặt bỏ vì không có giá trị kinh tế, thế là một chàng trai đã nghiên cứu tạo ra sản phẩm tiền triệu và kiếm doanh thu 150 triệu đồng/tháng từ loại cây bỏ đi này.



Từ loại trái cây đến mùa là người dân phải bỏ đi vì mất giá, thì nay anh Sơn đã tạo ra được sản phẩm tiền triệu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trồng mãng cầu

Tạo sản phẩm mới, tăng giá trị kinh tế cho trái mãng cầu

 

Chàng trai ấy là Nguyễn Văn Sơn (30 tuổi) tốt nghiệp cao học ngành tài chính, sau đó về công tác tại một cơ quan nhà nước. Công việc đang rất ổn định và đúng như mong ước của gia đình, thế nhưng anh cảm thấy công việc hiện tại không phù hợp, và thường hay tự hỏi bản thân: “Chẳng lẽ cuộc đời mình cứ gắn bó công việc sáng đi, tối về như thế này?”.
 

Bên cạnh đó, điều thôi thúc anh Sơn nhiều nhất là khi chứng kiến người dân quê nhà ở Đắk Lắk cứ đến mùa mãng cầu là mất giá, hoặc thậm chí mùa mưa thương lái không đến mua nên người dân đành bỏ mặc, trái già chín rụng đầy gốc. Nhiều hộ dân vì không thấy được giá trị kinh tế nên đành chặt bỏ để trồng cây khác...
 

Những trăn trở và thắc mắc đó đã thôi thúc anh Sơn quyết tâm nghỉ việc và dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, tìm hướng đi mới cho trái mãng cầu.
 

“Lúc nộp đơn xin nghỉ việc mình không dám thông báo cho gia đình, vì mình biết nếu thông báo trước sẽ bị phản đối kịch liệt. Do cuộc sống làm nông của bố mẹ đã rất vất vả, nên từ nhỏ mình được bố mẹ định hướng phải cố gắng học để có công việc ổn định, thoát khỏi cảnh làm nông. Giờ đùng đùng bỏ ngang công việc sau khi đã tốt nghiệp cao học như thế này thì bố mẹ sẽ rất khó chấp nhận. Nhưng mình rất quyết tâm và tin con đường mình đang đi là đúng, nên dần dần bố mẹ cũng đã hiểu và ủng hộ”, anh Sơn kể lại.


 

Vì là tay ngang vào ngành sản xuất nên phải mất thời gian dài tìm hiểu, thử nghiệm qua một số sản phẩm và hư hỏng hàng tấn trái tươi thì cuối cùng anh Sơn mới tìm ra sản phẩm phù hợp là trà mãng cầu.
 

“Thời gian đầu chỉ thử bằng phương thức thủ công, nhiều lần bị hư hỏng dần dần rút kinh nghiệm, sau thời gian khoảng nửa năm thì mình tìm được công thức hoàn chỉnh cho loại trà mãng cầu này. Tưởng rằng tạo ra sản phẩm tốt là đã thành công, nhưng đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng thật sự là không hề dễ dàng”, anh Sơn chia sẻ và cho biết do lúc đó sản phẩm mới làm ra còn mới lạ, nhiều người chưa biết đây là sản phẩm gì nên anh Sơn phải lặn lội đi khắp nơi để chào hàng, từ nam ra bắc, không có nơi nào là anh Sơn từ bỏ.

Thế nhưng, không phải cứ chào hàng là sẽ được đón nhận: “Do sản phẩm mới quá, nên ban đầu chào hàng ở đâu cũng đều bị từ chối. Có những lúc nản quá muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại mình đã đi đến đây rồi, cứ cố gắng làm hết sức có thể. Thế là, cứ kiên trì đi nhiều hơn nữa, đến các hội chợ, triển lãm hay tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp… rồi chia sẻ, giới thiệu sản phẩm ở các cộng đồng, diễn đàn trên mạng. Cứ như thế, dần dần khách hàng cũng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn”.

Hành trình vươn ra thế giới

Đến nay sản phẩm trà mãng cầu mang thương hiệu Nguyễn Văn của anh Sơn đã có mặt ở nhiều thành phố lớn khắp cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000 và HACCP. Thế là từ loại cây từng được người dân chặt bỏ hoặc để rụng trái đầy vườn khi đến mùa, đến nay anh Sơn đã tạo ra được sản phẩm tiền triệu, với mỗi ký trà mãng cầu bán ra thị trường là 1,1 triệu đồng.

Người viết hỏi: “Thời điểm ban đầu để đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã khó, vậy bằng cách nào mà anh không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà còn xuất được hàng sang nước ngoài?”. Anh Sơn nói: “Cái này như là trong nguy luôn có cơ vậy đó”.
 

Anh Sơn kể hành trình để đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước thời gian đầu rất khó khăn, mãi cho đến giai đoạn trước dịch mới bắt đầu ổn ổn, nhưng sau đó dịch bùng phát thì mọi thứ bị chững lại. Nhưng không vì khó khăn của dịch bệnh mà anh Sơn chùn bước, ngược lại anh còn tìm kiếm thêm được thị trường mới cho sản phẩm của mình.
 

“Vì dịch mà tất cả các chương trình mình tham gia trước đó như hội chợ, triển lãm… đều đóng cửa, nên mình bắt đầu đẩy mạnh kênh trực tuyến. Mình tìm kiếm thêm nhu cầu khách hàng ở các nước và biết được ở Hàn Quốc tỷ lệ người dân bị ung thư nhiều nên họ tìm mọi cách, từ các loại thuốc đến đồ ăn thức uống làm sao để giúp chữa và phòng được ung thư. Trong đó, các sản phẩm về mãng cầu là thứ mà họ đang cần tìm. Thế là mình bắt đầu tìm hiểu các nền tảng mạng xã hội của Hàn Quốc và sau đấy mình kết nối, tìm kiếm khách hàng trên mạng để xuất sản phẩm trà mãng cầu sang Hàn Quốc”, anh Sơn kể.
 

Không chỉ đưa được sản phẩm xuất đi nước ngoài, sau khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường mới thì lượng khách hàng của trà mãng cầu Nguyễn Văn tăng lên hơn 50% so với trước đây.



 

“Trà mãng cầu có công dụng giúp ngủ ngon, ổn định huyết áp, hỗ trợ phòng ngừa ung thư… Nên rất nhiều khách hàng cũ luôn tin dùng, điều đặc biệt hơn là giai đoạn hậu Covid-19 tỷ lệ người bị mất ngủ nhiều, chính vì thế mà lượng khách hàng tìm đến sản phẩm ngày càng nhiều và tăng hơn 50% so với trước đó”, anh Sơn vui mừng chia sẻ và cho biết mỗi tháng trung bình doanh thu của công ty từ 100 - 150 triệu đồng.
 

Hiện nay, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế loại cây bỏ đi (trái mãng cầu) ở quê nhà khi được mùa, mà còn tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương mà anh Sơn còn hỗ trợ giá tốt để người dân có thêm thu nhập khấm khá hơn với loại trái mà thường đa phần chỉ bỏ đi khi đến mùa. Trước đây giá mãng cầu người dân bán cho thương lái chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng giờ anh Sơn thu mua với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg.

                                                                                                               Theo Báo Thanh niên


 

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×