Chàng trai miền Tây thu nhập tiền triệu/ngày nhờ trồng sen bán bông

Thứ ba, 04/04/2023

Chuyển đổi đất lúa sang trồng sen bán bông, Huỳnh Lương Nhân (28 tuổi, ngụ P.Long Hưng, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) thu nhập hơn 1,5 triệu đồng/ngày.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống

Ruộng sen của anh Nhân rộng hơn 1 ha, nằm lọt thỏm giữa bốn bề ruộng lúa và vườn cây ăn trái, thuộc P.Long Hưng, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ. Dẫn chúng tôi tham quan, anh phấn khởi cho biết có thành quả như hôm nay là nhờ anh thuyết phục được cha mẹ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kiểng bán bông.

 
Nhờ chuyển đổi từ canh tác lúa sang trồng sen bán bông, anh Nhân thu nhập hơn 1,5 triệu đồng/ngày
DUY TÂN

 
Nhân kể năm 2017 tốt nghiệp ngành khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ và xin được việc làm đúng chuyên ngành. Quá trình làm việc, nhờ đi nhiều nơi, biết nhiều mô hình mới, nhận thấy trồng sen bán bông có hiệu quả kinh tế cao nên Nhân ấp ủ dự định khởi nghiệp với loại hoa này.

Năm 2020, Nhân thuyết phục cha mẹ chuyển đổi hoàn toàn đất trồng lúa sang trồng sen bán bông và được đồng ý. Ban đầu, Nhân mua sen giống của nhà vườn ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) đem về trồng thử nghiệm trên 3 công (0,3 ha) đất ruộng. Sau khi nắm rõ quá trình sinh trưởng của sen và kỹ thuật chăm sóc, Nhân đã nhân giống trồng thành công và mở rộng diện tích trồng hơn 1 ha.

"Nơi tôi ở xưa giờ bà con đều trồng lúa và cây ăn trái. Vì vậy, khi tôi đem sen về trồng, nhiều người không khỏi băn khoăn về mức độ thành công. Nhưng rồi, khi sen bén rễ, hoa nở rộ và cho thu nhập cao thì ai cũng trầm trồ", Nhân kể.
urrent Time0:01
Thu nhập khấm khá, mở rộng quy mô trồng

Các giống sen được Nhân chọn trồng gồm sen Quan Âm trắng, Quan Âm hồng và sen Juwaba. Những loại sen này có bông to, đẹp, nhiều cánh, lâu tàn…

Nhân cho biết đối với sen Quan Âm trắng và sen Quan Âm hồng, mỗi bông đều mang sắc màu thanh nhã, tỏa hương ngào ngạt. Khi nở to, bông có đường kính lên đến 30 cm, để lộ hàng trăm cánh nhỏ xinh bên trong nên nhiều người còn gọi là sen trăm cánh. Còn sen Juwaba có màu hồng, cánh kép, cánh hoa xòe rộng xếp thành từng lớp bao bọc nhụy vàng tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng.

Trồng sen lấy bông khác với trồng sen truyền thống lấy ngó, bởi sau 3 tháng thu hoạch bông phải bỏ hoàn toàn giống cũ, cải tạo đất, xuống giống mới lại. Nếu trồng tiếp mà không xử lý đất thì cây sẽ chết hoàn toàn.

HUỲNH LƯƠNG NHÂN
 

Sen trồng khoảng 2 tháng cho thu hoạch bông; sau 3 tháng thì tiến hành trục xới đất, xịt thuốc diệt ốc để xuống giống trồng mới. "Trồng sen lấy bông khác với trồng sen truyền thống lấy ngó, bởi sau 3 tháng thu hoạch bông phải bỏ hoàn toàn giống cũ, cải tạo đất, xuống giống mới lại. Nếu trồng tiếp mà không xử lý đất thì cây sẽ chết hoàn toàn", Nhân chia sẻ.

Theo Nhân, sen tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc. Việc chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh để cây ra hoa đúng thời điểm và màu chuẩn thì phải tuân thủ chặt quy trình trồng, bón phân, xịt thuốc đầy đủ.

Ngoài trồng sen bán bông, Nhân còn tận dụng tất cả các bộ phận của cây sen để kiếm thêm thu nhập, như: bông sen trắng làm trà, thân sen làm ống hút và lá sen bán cho chợ đầu mối dùng gói đồ…

Mỗi ngày, Nhân thu hoạch hơn 300 bông sen, bán sỉ với giá từ 5.000 - 6.000 đồng, nhờ đó thu nhập trung bình trên 1,5 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, Nhân còn nhân giống, trồng sen trong chậu làm kiểng bán với giá 35.000 đồng/chậu.

Sản phẩm được bán cho các chợ hoa sỉ ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Để đủ nguồn nguyên liệu cung cấp, Nhân còn liên kết với 6 hộ nông dân để mở rộng quy mô trồng sen lên 5 ha.

Ông Tư Hùng (ngụ P.Long Hưng, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: "Trước đây, tôi cũng canh tác lúa nhưng hiệu quả thấp. Thấy gia đình Nhân trồng sen thu nhập khá cao nên tôi nhờ hỗ trợ kỹ thuật, nguồn giống để trồng 3,5 công. Sau thời gian trồng, hiệu quả thật bất ngờ, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa và ít tốn công hơn so với trồng lúa".
 

Theo Thanh niên


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×