Chính sách thu hút đối với người có tài năng

Thứ bảy, 01/10/2016

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đã có một số các quy định nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ những người có trình độ cao tham gia vào trong hoạt động công vụ. 
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đã có một số các quy định nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ những người có trình độ cao tham gia vào trong hoạt động công vụ.
 
Đại hội Tài năng trẻ VIệt Nam lần II năm 2015
Trước đây, Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ cũng đã có một số quy định ưu tiên công điểm trong tuyển dụng, xếp lương cao hơn những người khác khi tuyển dụng, nhằm trọng dụng và đãi ngộ người có trình độ cao; có chế độ khen thưởng đối với những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được suy tôn các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh, lao động tiên tiến.

 Luật cán bộ, công chức năm 2008, Nhà nước cũng đã có quy định khung về chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Nghị định số 24/2010/N Đ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức đã cho phép người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt: a) người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; b) người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; c) người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Luật Viên chức năm 2010, Nhà nước cũng đã có quy định khung về chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng đã cho phép người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được xem xét, tuyển dụng theo hình thức đặc biệt (không qua thi tuyển) đối với các trường hợp tưng tự nhue trên.

Căn cứ vào hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành (có phụ lục kèm theo), có thể thấy trong các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quản lý cán bộ, công chức đã có các chính sách đối với người có trình độ cao. Đó là chế độ ưu tiên trong thi tuyển và ưu đãi về tiền lương đối với người có trình độ cao. Trong thi tuyển, người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng 20 điểm vào tổng kết quả thi tuyển; Những người có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; những người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển. Đối với trường hợp xét tuyển cũng có ưu tiên đối với người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Việc tuyển dụng vào công chức đã thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, công bằng, khách quan và chất lượng. Người trúng tuyển vào công chức phải là người giỏi nhất trong số người dự tuyển. Thông qua nguyên tắc thi tuyển này, Nhà nước có thể lựa chọn được những người ưu tú nhất để bổ sung vào đội ngũ công chức. Việc thăng tiến của công chức đã được quy định theo nguyên tắc cạnh tranh trong các kỳ thi nâng ngạch để chọn người giỏi nhất.

Đối với người có trình độ cao, cũng có quy định về chính sách tập sự khi được tuyển dụng vào công chức: người tập sự có học vị thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thỡ được hưởng 85% lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng; người tập sự có học vị tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.

Bên cạnh các quy định chung của Nhà nước, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã căn cứ vào điều kiện, đặc điểm riêng của mình cũng đã chủ động ban hành các quy định để thu hút, ưu đãi người có trình độ cao tham gia vào đội ngũ công chức. Ưu tiên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp ngôn ngữ địa phương, thực hiện chế độ tập sự cấp Vụ và quy chế chuyên gia để phát hiện, bồi dưỡng, tuyển chọn người có tài năng (Bộ Ngoại giao). Việc tuyển chọn công chức đã được thực hiện thông qua các kỳ thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch để chọn được người giỏi hơn vào cơ quan; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và thực hiện các quy định về quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức để bồi dưỡng, lựa chọn được người có phẩm chất tốt và năng lực giỏi bổ nhiệm vào các vị trí và chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp. Một số Bộ, ngành và địa phương đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ để có phần lương tăng thêm nâng cao mức sống cho cán bộ, công chức làm việc trong các lĩnh vực đặc thù, giảm bớt và hạn chế xu hướng nguồn nhân lực có chất lượng cao dịch chuyển ra bên ngoài, kịp thời khen thưởng công chức có thành tích xuất sắc như biểu dương kịp thời những gương tiên tiến điển hình, nâng bậc lương trước thời hạn...Một số ít Bộ, ngành đã ban hành quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm hàm cấp Vụ nhằm thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức có quá trình công tác nhưng quá tuổi bổ nhiệm lãnh đạo và thu hút công chức giỏi về làm việc (Văn phòng Chính phủ).

Nhiều địa phương đã mạnh dạn tổ chức thí điểm thi tuyển cạnh tranh một số chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp (như Đà nẵng); ưu tiên tuyển chọn vào công chức là những người thủ khoa  trong kỳ thi tốt nghiệp đại học về làm việc tại các sở, ban, ngành...(như Hà nội); thực hiện chính sách ”trải thảm đỏ”, dành nhiều ưu đãi cho những người có trình độ cao như cấp nhà, chính sách lương, chính sách cho đi đào tạo, ưu tiên công việc cho cả vợ (chồng) đi kèm... (như tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Bắc Ninh, TP Đà Nẵng)....Tỉnh Bình Dương có chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức được tiếp nhận từ ngoài tỉnh theo định mức: giáo sư, tiến sỹ: 70 triệu đồng, phó giáo sư, tiến sỹ là 50 triệu đồng, tiến sỹ là 30 triệu đồng. Tỉnh Nghệ An có chính sách trợ cấp 40 triệu đối với giáo sư, 30 triệu động đối với Phó giáo sư, tiến sỹ, 20 triệu đối với thạc sỹ, 15 triệu đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về nhận công tác tại các cơ quan của tỉnh. Ở tỉnh Bắc Ninh, cán bộ, công chức, viên chức có học hàm, học vị tự nguyện chuyển về công tác tại Bắc Ninh được hỗ trợ 35 triệu đồng đối với giáo sư; 25 triệu đối với phó giáo sự, tiến sỹ, nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc nhân dân;  20 triệu đối với nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú.... Đối với những người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được tuyển dụng thẳng vào công chức, viên chức, đồng thời được hỗ trợ một lần với mức kinh phí như sau: Tiến sĩ: 20 triệu đồng, thạc sĩ 10 triệu, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi: 5 triệu đồng. Ở thành phố Đà Nẵng thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ như sau: 1) được hưởng phụ cấp thu hút bằng 50% mức lương trong thời hạn 2 năm; 2) Được bố trí nhà chung cư để ở và miễn tiền thuê nhà trong thời gian 7 năm; 3) nếu có nhu cầu mua nhà hoặc đất làm nhà thì được giảm từ 10% đến 30% so giá quy định; 4) Được trợ cấp một lần như sau: giáo sư: 100 triệu, phó giáo sư: 70 triệu, tiến sỹ 50 triệu, bác sỹ, dược sĩ chuyên khoa cấp 2: 30 triệu; đối với thạc sĩ: 15 triệu, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi: 10 triệu.

Kết quả là khi thực hiện chính sách này, một số bộ, ngành và địa phương đã tuyển dụng một số sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học và thu hút được một số người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công.
Như vậy, có thể thấy Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành một số chính sách nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ những người có tài năng trong hoạt động công vụ. Các chính sách này tập trung chủ yếu vào giải quyết chế độ thu hút và chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức. Góp phần bổ sung bước đầu về số lượng, tăng cường về chất lượng nguồn nhân lực. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng đã bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có trình độ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhìn chung, những người được thu hút về công tác tại tỉnh đều được các cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp với chuyên môn được đào tạo; có điều kiện phát huy năng lực, sở trường bản thân.

Chính sách thu hút được thực hiện đối với những người có trình độ cao, chuyên môn giỏi ở các khu vực và các tổ chức khác đến theo nhu cầu cần thiết của một  số ngành, lĩnh vực, thể hiện ở việc tuyển dụng, hỗ trợ một lần (tập trung vào người có trình độ cao hoặc tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trở lên), tạo điều kiện về nơi ở... Chính sách ưu đãi được thực hiện đối với cán bộ, công chức của Bộ, ngành, tỉnh, thể hiện ở việc tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, huấn luyện viên có thành tích xuất sắc được hỗ trợ 1 khoản tiền nhất định tùy thuộc vào khả năng của Bộ, ngành, tỉnh.
Hội nghi sơ kết dự án 600 trí thứ trẻ

- Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo trong cả nước, đã được triển khai từ năm 2012.

- Đề án "Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020". Phấn đấu đến năm 2015, tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới.

Với các chính sách nêu trên, qua thời gian thực hiện, các Bộ, ngành, địa phương chưa thu hút được nhiều người có năng lực, trình độ vào làm việc trong nền công vụ. Rất ít sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học trong và ngoài nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước; một số người được nhận vào làm việc, sau thời gian ngắn lại tìm đường ra đi do nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Các bộ, ngành chưa ban hành cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài như các địa phương vì trái với các quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức; kinh phí hoạt động hạn chế, không có nguồn thu thêm, các địa phương khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thiếu nguồn lực để thực hiện chính sách thu hút, bố trí, đãi ngộ người có tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước.

- Các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính để chủ động trong việc phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng vào làm việc.

Những khó khăn, vướng mắc:

- Nhận thức về tầm quan trọng của việc bổ sung người có năng lực, tài năng vào đội ngũ công chức để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ở mỗi ngành, mỗi cấp còn có nhiều mức độ khác nhau.

- Đến nay, Nhà nước chưa thống nhất cách hiểu về tài năng và người có tài năng trong hoạt động công vụ. Chính sách đối với nhân tài, kể cả của Nhà nước hay của Bộ, ngành, địa phương đều chủ yếu nghiêng về tiêu chí trình độ đào tạo (thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, ...) mà quên hoặc bỏ qua tiêu chí về năng lực làm việc.

- Nhà nước chưa có chiến lược quốc gia về nhân tài, việc phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ mặc dù đã có chủ trương của Đảng và được thể hiện trên một số mặt của công tác quản lý công chức nhưng chưa có tính đột phá, chưa có tính hấp dẫn, khả thi trong huy động, tập hợp, trọng dụng nhân tài, chưa bảo đảm tính thống nhất những chính sách cơ bản về nhân tài giữa các vùng, miền bên cạnh các chính sách mang tính đặc thù.

- Dưới khía cạnh tổ chức, cho đến nay việc thực hiện chính sách nhân tài chưa được giao chính thức cho một cơ quan cụ thể giúp Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về chính sách nhân tài, đồng thời chưa có cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và bảo vệ những người có tài năng (Trung quốc và Hoa kỳ đều có tổ chức bảo vệ nhân tài, công trạng trực thuộc Quốc vụ viện hoặc Tổng thống). Bên cạnh đó, cũng chưa có một tổ chức được giao quản lý nguồn lực về tài chính và thẩm quyền để thực hiện việc đánh giá, phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng, hỗ trợ khó khăn cho người có tài năng trong hoạt động công vụ (có thể gọi là Trung tâm hoặc Quỹ phát hiện và bảo vệ người có tài năng).    

- Cơ chế đánh giá công chức trong thực thi công vụ chưa được đổi mới để bảo đảm tính khách quan, trách nhiệm, chính xác và công bằng, do đó việc phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ vẫn còn nhiều hạn chế, do đó những người có tài năng ở các mức độ khác nhau chưa được kịp thời phát hiện, để bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng.

-  Chưa có cơ chế tiến cử với các quy định về vai trò và trách nhiệm của người tiến cử, bên cạnh biện pháp xử lý khi có vi phạm về vấn đề này, cần thiết phải có khen thưởng những người dám và có trách nhiệm đề xuất, giới thiệu tài năng cho Đảng và Nhà nước sử dụng.

- Trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị xã hội (thanh niên, phụ nữ, công đoàn...) từ Trung ương đến địa phương chưa thể hiện rõ trong việc giúp Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc tham gia phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng, tôn vinh những người có tài năng trong hoạt động công vụ.

- Cơ chế xây dựng và quản lý công chức (tuyển dụng, nâng ngạch, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, trả lương, đãi ngộ...) chậm được hoàn thiện, là một cản trở cho việc thực hiện chính sách nhân tài.

Nguyên nhân chính là:

- Chưa có nhận thức thống nhất về tài năng, năng lực và vị trí, vai trò của người có tài năng đối với chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước;

- Chính phủ chưa có chiến lược và chính sách nhân tài ở tầm quốc gia. Tiêu chí nhận biết và quy trình đánh giá người có tài năng trong công vụ chưa rõ ràng, nhất quán.

- Tâm lý và thói quen bình quân, cào bằng còn ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong các cơ quan nhà nước.

- Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng còn hạn chế, chưa được coi trọng đúng mức.

Thành Long (Nguồn Đ/c Trần Anh Tuấn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×