Cô gái 9X mở lớp hùng biện miễn phí

Thứ bảy, 02/09/2017

Coi quãng thời gian đại học là hành trình tìm lời đáp cho các câu hỏi về đam mê, sứ mệnh của mình, nữ sinh trường Ngoại thương Lê Khánh Linh đã ghi dấu ấn bằng những trải nghiệm thú vị và đầy ấn tượng.

Coi quãng thời gian đại học là hành trình tìm lời đáp cho các câu hỏi về đam mê, sứ mệnh của mình, nữ sinh trường Ngoại thương Lê Khánh Linh đã ghi dấu ấn bằng những trải nghiệm thú vị và đầy ấn tượng.

 

Thông tin cá nhân

 
Họ và tên: Lê Khánh Linh

Năm sinh 1995

Cựu là sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Hoạt động và thành tích cá nhân

Giải nhất cuộc thi tranh biện “Hướng về biển”

Giải nhì cuộc thi tranh biện “Khởi nghiệp”

Giải ba cuộc thi tranh luận, hùng biện “BnW 2014”

Giải ba học sinh giỏi quốc gia – Môn Ngữ văn

Đồng sáng lập Tổ chức hợp tác thanh niên Việt Nam – VYCO

Khách mời chương trình “Văn hóa, sự kiện, nhân vật”, gala “Việc tử tế” (VTV3), “Cuộc sống thường nhật” (VTV1), “Tôi lên tiếng”, chuỗi sê-ri “Kỹ năng sống” và gala 2016 (VTV6).

 
Lê Khánh Linh

Hành trình đi tìm lời đáp cho những câu hỏi

Theo báo Dân trí, như nhiều bạn trẻ khác, Linh bước vào đại học để tìm lời giải về những câu hỏi lớn: Mình sẽ thích nghi cuộc sống mới thế nào? Thế giới ngoài kia có những gì? Mình là ai? Tương lai làm gì?...

“Em nghĩ mình không thể ngồi trong phòng kín và suy nghĩ về cuộc đời, mà phải ra ngoài xem mới biết thời tiết nóng hay lạnh. Mình phải trải nắng, trải mưa mới biết cuộc sống như thế nào. Cuộc sống không phải dùng để quan sát, cuộc sống là để trải nghiệm”, Linh chia sẻ.

Và hoạt động đầu tiên Linh thử sức trong năm nhất đại học là cuộc thi hùng biện của tổ chức YVS. Sau đó, Linh tìm hiểu nhiều hơn, tham gia nhiều hơn lĩnh vực này và say mê lúc nào không biết. Với mong muốn học hỏi, khám phá bản thân, khám phá cuộc sống, Linh còn thử sức ở nhiều vai trò, nhiều sân chơi khác nhau: Phát thanh viên YMC (CLB truyền thông FTU), Hội SV trường, Đồng sáng lập VYCO (phụ trách mảng Nhân sự).

Với kĩ năng tranh biện, Linh thường đặt mình đứng ở những cương vị khác nhau để nhìn cuộc đời theo các cách khác nhau. Trong quá trình đó, Linh “góp nhặt” cho mình nhiều bài học và sàng lọc để chọn ra những giá trị phù hợp.

Ngoài hùng biện, Linh còn tìm thấy đam mê, mong muốn gắn bó với lĩnh vực giáo dục, truyền thông, nhân sự trong tương lai. Cũng vì điều này, Linh nhận ra ngành Kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương không phải là lĩnh vực dành cho mình. Tuy nhiên, Linh không từ bỏ, mà vẫn cố gắng hoàn thành chương trình đại học.

“Nếu cuộc sống đá mình một cái, hãy để nó đá ta về phía trước. Em đi tiếp, để biết mình sai ở đâu và không lặp lại nó nữa. Hơn nữa, nếu quay lại ở điểm xuất phát, thì em sẽ không biết điều gì chờ đợi mình ở phía sau. Đây là môi trường thực sự tốt, nên em mong chờ nhận những giá trị khác, ngoài kiến thức chuyên ngành.

Nếu bạn học Ngoại Thương nhưng lại mong muốn làm giáo dục, truyền thông hay nhân sự, thì hãy làm nó theo cách của một sinh viên ngoại thương đã được học”, Linh phân tích.


“Nếu cuộc sống đá mình một cái, hãy để nó đá ta về phía trước. Em đi tiếp, để biết mình sai ở đâu và không lặp lại nó nữa...", Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, trong năm nhất, vì mải mê tham gia các hoạt động, Linh ít khi về quê. Trong suy nghĩ của Linh lúc đó, gia đình là nơi bất cứ lúc nào mình quay đầu vẫn sẽ còn ở đấy. Còn những cái khác là cảnh quan dọc đường, nếu bỏ qua thì sẽ không quay lại nữa.

“Nhưng khi ông nội mất, em nhận ra rằng: Có những người sẽ không ở mãi với ta, nên khi còn có thể gặp gỡ ai đấy, em muốn quay về và gặp họ trước”, cô tâm sự. Do đó, từ năm thứ 2 đại học, Linh đã trưởng thành hơn bằng việc cân bằng giữa gia đình, học tập và hành trình trải nghiệm của mình.

Có duyên lên truyền hình

Linh tự “cười” mình là người có duyên lên truyền hình. Hồi còn nhỏ, Linh lên sóng chương trình Chúng em với an toàn giao thông (Đài truyền hình Thanh Hóa). Trong mấy năm đại học vừa qua, Linh tiếp tục tham gia nhiều chương trình của đài truyền hình VTV với tư cách khách mời.

Niềm vui Linh tham gia chương trình, không xuất phát từ mục đích nổi tiếng mà vì mong muốn lan tỏa tư duy tích cực của mình. Ngoài ra, việc tham gia các chương trình cũng là cách để Linh bồi đắp thêm các giá trị của mình. Ở chương trình “Tôi lên tiếng”, Linh tiếp xúc và lắng nghe quan điểm của các bạn trẻ, Linh có thêm nhiều góc nhìn mới. Nhưng cũng vì thế, mà Linh nhận ra trong tư tưởng của không ít người vẫn tồn tại các định kiến.

Cô cho biết: “Em mong chúng ta có thể gỡ bỏ dần những định kiến. Trên đời này không có gì là bình thường, cũng không có gì là bất bình thường. Có chăng là những điều thông thường thuộc về số đông. Và những điều không thuộc về số đông là không thông thường mà thôi”.


Linh và các thành viên đồng sáng lập Tổ chức hợp tác thanh niên Việt Nam - VYCO.

Mở lớp hùng biện miễn phí

Theo báo Thanh niên, gặp gỡ nhiều người, Linh nhận ra, xã hội vẫn còn nhiều định kiến. Một mình Linh không thể gỡ bỏ hết. Vì thế, tháng 7/2016, cô bạn quyết định mở một lớp hùng biện miễn phí. Đây là nơi Linh chia sẻ kinh nghiệm về hùng biện của mình cho những ai yêu thích nó. Mỗi khóa học kéo dài hơn 1 tháng với 8 buổi dạy, gồm 10 học viên.

"Lớp học là mong muốn ấp ủ từ lâu của mình, như một thứ gọi là 'dự án tuổi trẻ' của mình. Nhưng mình chưa đủ điều kiện để làm. Một buổi chiều, mình mạnh dạn quyết định đăng thông tin lên trang cá nhân và may mắn, mình được các anh chị, bạn bè chia sẻ, giúp đỡ", Khánh Linh cho biết.


Các bạn trẻ tham gia lớp hùng biện của Linh

Vì muốn lớp học miễn phí hoàn toàn nên Linh đã xin được địa điểm miễn phí. May mắn, ở khoá học đầu tiên, cô bạn được các anh chị "StepUp" giúp đỡ và hỗ trợ. Còn những chi phí nhỏ khác thì Linh tự bỏ tiền để trang trải.

Khánh Linh cho biết cô sẽ tiếp tục mở lớp học hùng biện đợt 2. Xa hơn nữa, Linh đang cố gắng tạo điều kiện mở một trung tâm giáo dục định hướng, phát triển và trang bị những kỹ năng về tư duy, tranh luận, hùng biện cho các học sinh THCS và THPT.

Ngọc Mai tổng hợp

 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×