Cơ hội việc làm nào cho sinh viên Việt Nam?

Thứ hai, 29/02/2016

Theo thống kê của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, cả nước với 90,5 triệu dân nhưng chỉ có 52.43 triệu người có việc làm trên tổng số 69,2 triệu người trong độ tuổi lao động, khiến tỉ lệ lao động thất nghiệp trong nước là không quá cao. Tuy nhiên, 178,000 lao động mang bằng cử nhân, thạc sĩ vẫn chưa có việc làm lại là điều đáng lo ngại.
Theo thống kê của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, cả nước với 90,5 triệu dân nhưng chỉ có 52.43 triệu người có việc làm trên tổng số 69,2 triệu người trong độ tuổi lao động, khiến tỉ lệ lao động thất nghiệp trong nước là không quá cao. Tuy nhiên, 178,000 lao động mang bằng cử nhân, thạc sĩ vẫn chưa có việc làm lại là điều đáng lo ngại.
 


Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2014-2015 là hơn 425.000 người. Những sinh viên mới ra trường này sẽ đóng vai trò là nguồn nhân lực trẻ, bổ sung cho thị trường tuyển dụng Việt Nam. Đặc biệt khi nền kinh tế có những dấu hiệu khá tốt về tăng trưởng với 65% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao vào nửa cuối năm 2015, chất lượng nguồn cung lao động trẻ lại là vấn đề đáng được quan tâm nhất tại thời điểm hiện tại.

Nhìn về phía nhu cầu tuyển dụng, quý 3/2015 chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế với nhiều dự án FDI được đầu tư hơn. Tính đến nay, trong cả nước đã có 17,499 dự án FDI trong tổng số 448.148 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, dự đoán sẽ mang lại sự tăng trưởng trong nhu cầu việc làm. Khảo sát của JobStreet.com cũng cho thấy 65% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao trong nửa cuối năm 2015, đặc biệt là trong ba lĩnh vực Kinh doanh/Bán hàng, CNTT và kỹ thuật.

Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào phân khúc nhân viên chiếm 59% và nhân sự cấp cao, trưởng nhóm chiến 21%. Chỉ có khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường việc làm sẽ dành cho phân khúc nhân sự mới ra trường, khiến vấn đề giải quyết việc làm cho nguồn lực trẻ này sẽ là thách thức lớn trong thời gian sắp tới.

Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, được dự đoán sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong nửa cuối năm 2015 cũng chỉ dành 19% cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp. Trong khi đó 3 ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực mới ra trường cao nhất trong quý 3 sẽ là CNTT, kỹ thuật và chăm sóc khách hàng.

Khảo sát của JobStreet.com với gần 3,000 sinh viên mới tốt nghiệp cho thấy đến 69% nguồn nhân lực này chưa có việc làm, trong khi đó cũng có đến 72% các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này.

Điều này cho thấy, tại phân khúc nhân lực trẻ, mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, thị trường vẫn có cả cung lẫn cầu. Tuy nhiên sinh viên mới tốt nghiệp vẫn không tránh khỏi “nỗi lo thất nghiệp”, bởi “mức lương cạnh tranh” của sinh viên mới ra trường không còn là yếu tố tiên quyết khiến các doanh nghiệp cân nhắc nhiều trong tuyển dụng, mà kỹ năng và tỉ lệ nhảy việc mới là điều khiến các công ty chú trọng hơn.

Nhìn vào mức lương dành cho cấp bậc mới ra trường của 10 vị trí có mức lương cao nhất được JobStreet.com công bố tháng 5/2015, vẫn còn 1 khoảng cách không nhỏ để người mới ra trường có thể đạt được mức lương dành cho vị trí nhân viên. Cụ thể, tại ngành Y tế, Kinh doanh/Bán hàng và Tiếp thị/Phát triển kinh doanh, nhân sự mới ra trường chỉ đạt mức lương bằng 1/3 đối với vị trí nhân viên là vào khoảng từ 5,263,148 VNĐ đến 7,268,985 VNĐ. Phần lớn các vị trí tại các chuyên ngành khác, nhân sự mới ra trường cần phải tăng “gấp đôi” mức lương hiện tại để đạt được mức lương dành cho vị trí nhân viên.


So sánh trực tiếp với Malaysia tại những vị trí kể trên, mức lương mà nhà tuyển dụng dành cho nhân sự mới ra trường tại Việt Nam cũng còn khá thấp, chỉ bằng 3/2 hoặc 1/2 so với sinh viên mới tốt nghiệp tại Malaysia.
 

Tuy nhiên, khi khảo sát đối với ứng viên, mức thu nhập của sinh viên mới ra trường tại Việt Nam thấp hơn đến 7 lần so với Malaysia khi phần lớn nhân sự phân khúc này chỉ đạt mức thu nhập từ 2,000,000 VNĐ – 5,000,000 VNĐ, trong khi lao động mới ra trường tại Malaysia trung bình nhận được 14,332,165 VNĐ – 16,052,025 VNĐ mỗi tháng.

Lương cao hơn, nhưng chi tiêu cũng nhiều hơn khiến 77% sinh viên mới tốt nghiệp tại Malaysia cũng gặp phải khó khăn tài chính mỗi cuối tháng và không có dư nhiều để tiết kiệm giống 82% người mới ra trường tại Việt Nam. Trung bình lao động mới ra trường tại Việt Nam chi tiêu từ 1,000,000 VNĐ đến 4,000,000 VNĐ mỗi tháng vào tiền thuê nhà, các khoản vay và mua các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, v.v. thì ở Malaysia, nguồn lao động này chi tiêu khoản 8,599,299 VNĐ vào ô tô và các phương tiện di chuyển, các khoản vay học phí và ăn uống.

 

Đối với các nước khác trong khu vực như Malaysia và Singapore, vấn đề nhà tuyển dụng quan tâm nhất khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường là mức lương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp lại đặt vấn đề kỹ năng của nhóm nhân lực này lên hàng đầu khi chỉ có 14% công ty quan tâm về chi phí lương, nhưng có đến 84% kỳ vọng vào chất lượng nguồn lực. Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy nguồn nhân lực mới ra trường tại Việt Nam không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn cần nhiều thời gian để đào tại lại các kỹ năng. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp vẫn có xu hướng tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm.

Một yếu tố nữa cũng khiến nhà tuyển dụng ái ngại ứng viên mới ra trường là phần lớn người lao động không “trung thành” với việc làm đầu tiên và thường có xu hướng “nhảy việc” sau một thời gian. Khảo sát của JobStreet.com trên toàn khu vực cũng cho thấy chỉ có từ khoảng từ 26% đến 29% người lao động “trung thành” với việc làm đầu tiên. Riêng tại Singapore, tỉ lệ này còn thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt mức 12%.

Khi được hỏi lý do không muốn tuyển dụng nhân sự mới ra trường, 67% doanh nghiệp Việt Nam quan ngại về kỹ năng, 33% lo lắng về tỉ lệ nhảy việc cao. Về phía Malaysia, 42% không hài lòng về thái độ và kỹ năng giao tiếp kém của ứng viên được thể hiện trong buổi phỏng vấn, 42% doanh nghiệp không đồng ý về yêu cầu lương cao từ phía ứng viên, trong khi chỉ có 16% nhà tuyển dụng cân nhắc về việc ứng viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế. Đối với nhà tuyển dụng Singapore, 38% đồng tình với Malaysia về yêu cầu lương không hợp lý từ phía ứng viên, 21% cũng không hài lòng về kỹ năng giao tiếp, 15% cho rằng kỹ năng tiếng Anh của ứng viên mới ra trường kém, 14% cân nhắc về trình độ học vấn, 12% còn lại quan ngại về kinh nghiệm làm việc liên quan.

Qua đây có thể thấy được, kinh nghiệm việc làm là một trong những yếu tố khiến nhà tuyển dụng cân nhắc, nhưng kỹ năng mới là điều khiến họ có đồng ý tuyển dụng ứng viên mới ra trường hay không.

Đây cũng là một trong những yếu tố khiến phần lớn sinh viên mới tốt nghiệp trên toàn khu vực  mất từ 2 tháng đến hơn 1 năm để tìm việc. Mặc dù ít sinh viên Việt Nam có thể tìm được việc làm đầu tiên dưới 1 tháng so với Malaysia, số lượng sinh viên nhận được đề xuất việc làm trước khi tốt nghiệp lại cao hơn so với Malaysia ở mức 25%.

Tuy nhiên, tỉ lệ ứng tuyển trung bình của một ứng viên tại Việt Nam lại thấp nhất so với toàn khu vực Theo số liệu của JobStreet.com, Singapore là nước có tỉ lệ ứng tuyển trung bình của mỗi ứng viên là cao nhất trong khu vực, tiếp đến là Indonesia, Malaysia và Phillipines.

Trong xu thế liên kết sâu rộng với các cộng đồng kinh tế trong khu vực và quốc tế, người lao động Việt Nam hiện vẫn đứng cuối trong bảng xếp hạng về năng lực lao động, đặc biệt là khả năng tiếng Anh được coi là kỹ năng cần thiết hàng đầu trong thời kỳ hội nhập. Số liệu của JobStreet.com cho thấy Việt Nam chỉ đứng hạng 4/5 về tiếng Anh so với khu vực. Khảo sát đối với lao động mới ra trường, chỉ có 5% tự tin về khả năng tiếng Anh, nhưng lại có đến 27% thừa nhận kém toàn diện về ngoại ngữ. Đây trở thành điểm yếu lớn, khiến nguồn lực lao động Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, và đặc biệt khi các nhà tuyển dụng cũng đồng ý sẽ dành mức lương cao hơn từ 11-20% đối với những ứng viên có trình độ tiếng Anh lưu loát.

Yếu kém về kỹ năng, non nớt về kinh nghiệm hiện đang là thử thách lớn nhất của nhân sự Việt Nam đặc biệt tại phân khúc lao động mới tốt nghiệp, khi mà có đến 50% nguồn nhân lực này đang làm việc trái chuyên ngành. Không thể tìm được việc làm phù hợp là vấn đề khiến 17% ứng viên không làm việc đúng chuyên ngành, 45% ứng viên chỉ làm một công việc tạm thời cho đến khi tìm được đúng việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học.

Mặc dù 54% nhân sự mới ra trường cho rằng họ không gặp phải vấn đề gì về năng lực ngay cả khi làm trái chuyên ngành, 46% còn lại thừa nhận sẽ gặp khó khan và tốn nhiều thời gian để học lại những kỹ năng và kiến thức mới nếu bắt đầu một việc làm mới trái với chuyên ngành đã học.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong thời kỳ hội nhập dường như không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn là vấn đề lớn của cả thị trường nhân sự, tuyển dụng. Và một trong những thách thức lớn nhất đối với thị trường là mang đến việc làm phù hợp, đúng chuyên ngành và năng lực của lực lượng lao động.
 

Kim Phượng (theo JobStreet.vn)

 

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×