Đề xuất 5% đại biểu Quốc hội là các chuyên gia, nhà khoa học

Thứ hai, 02/03/2020

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp thứ 42, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp thứ 42, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.
 

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ QH.

Nhiều tranh luận về tỉ lệ số đại biểu (ĐB) hoạt động chuyên trách...

Trình bày báo cáo tiếp thu ý kiến chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có hai phương án đề xuất về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Phương án một: Giữ quy định về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (khoảng 175 ĐB) như luật hiện hành.

Phương án hai: Tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (khoảng 200 ĐB). “Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án một” - ông Tùng cho hay.

Về cơ cấu ĐBQH, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút những người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đồng thời, sẽ không khống chế độ tuổi tối đa của ĐB hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) để phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của ĐB.

Về việc này, ông Tùng cho hay cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nhận định đây là một đề xuất có tính tích cực, cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, ĐBQH hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với ĐBQH thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Về nội dung trên, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho hay việc nâng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách đã được bàn từ Đại hội XI và được ghi vào nghị quyết.

“Hướng phấn đấu là 37%-40% ĐBQH hoạt động chuyên trách thì tôi nghĩ chúng ta sẽ thu hút được những chuyên gia đã từng công tác tại các cơ quan QH, các bộ. Nếu được thì không giữ chức vụ gì cả, chỉ làm ĐBQH để thu hút chất xám và kinh nghiệm công tác, trí tuệ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của QH” - bà nói.

Bà Phóng cũng đề nghị nên ghi thẳng vào luật tỉ lệ ĐBQH chuyên trách là 40%, trong đó có khoảng 3%-5% ĐB là chuyên gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng QH có thể quyết định số cơ quan của mình vào đầu mỗi nhiệm kỳ.

“Tôi đề nghị đảm bảo khối lượng công việc của QH, đề nghị số lượng ĐBQH chuyên trách dành 100% thời gian làm việc cho QH là 40%” - ông nói và lý giải: Nếu 35% thì 60 người là ở địa phương, ở trung ương có 100 người lại gánh phần việc lập pháp của trung ương sẽ rất nặng nề. “Trong khi chúng ta giám sát cả hoạt động hành pháp, kể cả trung ương lẫn địa phương” - ông Bình nói.
 
Kết luận của Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp thứ 42, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu việc dành tỉ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu làm đại biểu Quốc hội. Cơ quan này giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và ban soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH để chỉnh lý dự luật. Trong đó, tiếp tục nêu hai phương án về tỉ lệ đại biểu (ĐB) QH để thảo luận, xin ý kiến.

Cụ thể, phương án 1, quy định tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số ĐBQH. Trong đó, nghiên cứu cơ chế dành tỉ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của QH.

Phương án 2, giữ quy định tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như trong Luật Tổ chức QH hiện hành.

Canh đó, Ủy ban Thường vụ QH cũng yêu cầu Thường trực Ủy ban Pháp luật và ban soạn thảo tiếp tục xác định đoàn ĐBQH là hình thức tổ chức của các ĐBQH, được bầu ở địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ĐBQH thực hiện nhiệm vụ ĐB.

Đoàn ĐBQH không phải là cơ quan của QH. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH và đoàn ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy giúp việc của đoàn ĐBQH.

Để có cơ sở quy định về bộ máy giúp việc cho đoàn ĐBQH trong dự thảo luật, Chính phủ được đề nghị khẩn trương hoàn thành tổng kết việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh, thành một văn phòng chung.

"Trong đó, cần thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH” - thông báo kết luận nêu rõ.

Về đề xuất chuyển các ban thuộc Ủy ban Thường vụ QH thành cơ quan chuyên môn thuộc QH, Ủy ban Thường vụ QH đánh giá đây là nội dung rất quan trọng, qua thảo luận trong ủy ban Thường vụ QH còn có ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến phát biểu tán thành việc chuyển Ban Công tác ĐB và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc QH. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban công tác ĐB và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc QH.

“Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Đảng đoàn QH sẽ bố trí một phiên họp riêng để thảo luận kỹ hơn các đề án về bộ máy giúp việc của QH và các vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…” - Ủy ban Thường vụ QH cho hay.
Mỹ Anh tổng hợp (theo Pháp luật TP HCM)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×