Giám đốc khuyết tật đầy nghị lực, chuyện cổ tích đời thường

Thứ năm, 12/10/2017

Được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, anh Lại Văn Điệp (SN 1980) là Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ ở Kiến Xương (Thái Bình), doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động.
Được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, anh Lại Văn Điệp (SN 1980) là Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ ở Kiến Xương (Thái Bình), doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động.

Đây là lần thứ 2 anh Điệp tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Anh luôn bận rộn với những đơn đặt hàng qua điện thoại và điều hành việc kinh doanh, sản xuất từ xa. Sinh ra được 9 tháng tuổi thì cơn sốt quái ác cướp đi sự lành lặn của đôi chân và một cánh tay của Điệp. 


Anh Lại Văn Điệp – xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương (Thái Bình)

Vượt lên từ đôi chân tật nguyền

Bất hạnh đổ lên đầu gia đình Lại Văn Điệp khi cậu được 9 tháng tuổi. Điệp kể ngày ấy anh bị sốt bại liệt phải đi viện gần 3 năm trời, cha mẹ chạy chữa từ bệnh viện Việt – Bun (Bệnh viện Gốc Mứt - nay là Bệnh viện Đa khoa Thái Bình) đến bệnh viện Kiến Xương... Đi đến đâu bác sĩ cũng lắc đầu, bó tay và ai cũng khuyên mang về lo hậu sự.

Bố mẹ Điệp ôm con về nhà trong niềm đau đớn vô hạn, toàn thân Điệp bất động, chỉ còn đôi mắt là đong đưa được và rất sáng. Thấy Điệp như thế có người đã khuyên gia đình đem ra chợ Gốc Mứt vứt bỏ để hóa kiếp cho Điệp. Đã từng có một ông già đến nhà để đem cậu đi, nhưng bố mẹ Điệp không đồng ý với quyết tâm dù phải ăn rau ăn cháo cũng gắng sức nuôi con.

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ đầy nước mắt, Lại Văn Điệp kể: "Năm lên 2 tuổi tôi vẫn không cử động được. Rất may bố tôi là Lại Thế Toàn có một đồng đội cùng đơn vị cũ biếu một lạng cao hổ cốt do ông tự nấu và mấy lạng mỡ trăn đem về cho tôi ăn. Và phép màu đã xảy ra, một thời gian sau tôi cử động được, đến năm thứ 4 ngồi dậy được nhưng bị teo cơ chân tay. Riêng tay phải không teo vẫn khỏe mạnh bình thường, chân trái bị teo nhưng vẫn cử động được, thế là tôi tập lê trong nhà và lê sang hàng xóm chơi, đầu móng chân móng tay tóe máu nhưng hồi ấy cứ bò lê đi là thích nên móng tay, móng chân tóe máu tôi vẫn chịu đựng được.”

Năm lên 6 tuổi, Điệp được bố làm cho đôi nạng gỗ để tập đi. Năm 11 tuổi, Điệp bắt đầu đi vững và xin bố cho đi học lớp 1. Từ lớp 1 đến lớp 3, Điệp được bố đưa đến trường bằng xe đạp, không ngày nào Điệp nghỉ học. Đến lớp 4, Điệp tự đi bằng nạng đến trường, cặp sách nhờ bạn mang giúp. Điệp luôn được các thầy cô đánh giá là sáng dạ, học đến đâu thuộc đến đấy, trong lớp ai cũng quý mến. Đến lớp 10, trường cách xa nhà nên việc đi lại với Điệp quá khó khăn, nên Điệp quyết định thuyết phục bố mẹ cho nghỉ học để đi học nghề.

Con đường đến với nghề chạm khắc gỗ

Học nghề gì với Điệp lúc đó là một bài toán khó, bởi anh không có đôi bàn tay, bàn chân lành lặn như bao người bình thường khác. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng, Điệp quyết định học nghề chạm khắc gỗ ở một xưởng gần nhà. 

Anh kể: “Việc học nghề đối với tôi gặp rất nhiều khó khăn vì tay chân tàn tật, lúc đầu đi học tôi phải mất hàng tháng trời để cầm được cái đục, cái dũa, nhưng càng học tôi càng thấy mình đam mê với nghề chạm khắc. Mỗi khi bắt tay vào việc và hoàn thành một sản phẩm, tôi có cảm giác như mình là người nghệ sĩ, vừa sáng tác xong một tác phẩm hoàn chỉnh vậy”. 

Sau một năm, anh đã học thành nghề chạm khắc ghế đi văng và có thu nhập 300 ngàn đồng/tháng. Anh bảo nếu bằng lòng với mức thu nhập ấy thì cuộc sống sẽ trôi qua một cách bình thường và có lẽ đến bây giờ anh vẫn chỉ là người đi làm thuê.

“Người ta chỉ học 6 tháng, còn tôi phải học ròng rã một năm trời, học cả ngày lẫn đêm. “Tôi học đến độ các bạn đã ra nghề, kiếm tiền, tôi vẫn xin học tiếp”, anh thật thà kể lại.

Rồi thời gian học cũng xong, anh tiếp tục xin làm trong xưởng của thầy 3 năm sau đó với thu nhập khoảng 300.000 đồng/tháng. Nhưng để tiến được xa hơn trong lĩnh vực đồ mỹ nghệ, anh muốn đi nhiều nơi khác, học thêm cách làm những sản phẩm khác, đi sâu vào những tinh túy của nghề mộc mỹ nghệ truyền thống.

“Nghe tin tôi có ý định ra khỏi làng để đi học tiếp về nghề trạm mộc, cả bố tôi cũng không đồng ý, ông khuyên tôi “ở nhà cho lành con ạ”. Hơn nữa, bây giờ làm ở gần nhà, làm được tiền để nuôi sống bản thân như vậy là tốt lắm rồi, còn viển vông đi đâu nữa”.

Nhưng, “tôi đã quyết thì nhất định phải thực hiện”, và “dứt áo ra đi”. Lúc đầu, tôi đến làng La Xuyên, Ý Yên, Nam Định để học làm đồ thờ. Khi nhìn thấy tôi, người ta nhìn đôi chân tàn tật của tôi với ánh mắt nghi ngờ lắm. Nhưng một lần nữa tôi phải thuyết phục họ, chấp nhận làm không công để được học nghề”, anh Điệp nhớ lại.

Anh Điệp tiếp tục theo tay nghề chất lượng cao tại Nam Định, các làng nghề ở Hải Phòng. Vừa học vừa làm nghề chạm khắc đồ thờ, làm hàng kỹ với những nét chạm khắc tinh vi. Các mặt hàng của anh đều được chủ doanh nghiệp đánh giá cao.

Năm 2002, anh Điệp quyết tâm mở xưởng mộc tại quê. Lúc ấy, anh tay trắng, không tiền, không máy, không gỗ, không thợ... “Trong tay không có thứ gì nhưng mong ước lớn nhất của tôi là mở xưởng để làm nghề và giúp nhiều người khuyết tật. Lúc đầu, tôi cũng hoảng lắm, bố mẹ thì can ngăn nhưng quyết là làm. Tôi phải đến các lò mộc có sử dụng đồ chạm xin làm thuê và phải cam kết “không đảm bảo chất lượng, không lấy tiền”, họ mới tin tưởng và cho tôi làm. Suốt 3 tháng như thế, tôi mới được khách hàng chấp nhận và tin tưởng”, anh Điệp chia sẻ.


Cơ sở chạm khắc mỹ nghệ của Anh Lại Văn Điệp - Xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương (Thái Bình)

Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, năm 2006, anh dành dụm được 40 triệu đồng mua mảnh đất cạnh nhà để mở thông với nhà mình làm xưởng mộc gần 100m2.

Năm 2011, anh Điệp thành lập Cty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật với doanh thu hơn 25 tỷ đồng, thu hút nhiều lao động là người khuyết tật. Anh còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Kiến Xương, Chủ nhiệm Hội Người khuyết tật của huyện, truyền tinh thần vượt gian khó cho đông đảo bạn trẻ. 

“Những người khuyết tật như chúng tôi, học nghề gì, làm ở đâu, có được xã hội chấp nhận hay không là điều vô cùng quan trọng. Khi học được nghề, thành đạt và có được ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt. Thế nhưng, trong tôi lúc nào cũng có niềm tin, nếu mình cố gắng, nỗ lực hết sức, thành công sẽ đến cho dù muộn hơn mọi người. Quê tôi còn rất nhiều người khuyết tật, họ cũng mong ước có một công việc bình thường để tự nuôi sống bản thân, không sống phụ thuộc”, anh Điệp chia sẻ.   

Với quan điểm “Danh có chính thì ngôn mới thuận”, để mọi người biết đến mình nhiều hơn, năm 2011, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật do anh đứng tên được thành lập. Với 18 lao động trong đó có 11 người khuyết tật, Công ty tập trung sản xuất đồ thờ, ghế đi - văng quy mô lớn và khép kín (tự mua gỗ, tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm), doanh thu đạt trung bình 2 tỷ/năm.

Sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ ở Thái Bình mà còn vươn ra các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Hải Phòng, đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ…

Vượt lên được số phận, giúp đỡ cho nhiều người khác có hoàn cảnh khó khăn, hạnh phúc với anh còn là một người vợ dịu hiền, chịu khó và sẵn sàng hỗ trợ chồng bất kể khó khăn, vất vả.

Bây giờ, anh Điệp có một nguyện vọng lớn là chính quyền xã tạo điều kiện thuê mặt bằng tại mảnh đất bên cạnh, được vay thêm được vốn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh và làm cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật. “Ở Thái Bình và Kiến Xương quê tôi vẫn còn nhiều người khuyết tật lắm, muốn giúp họ có được cái nghề, tự lập cuộc sống cần phải có nguồn hỗ trợ và sự chung tay của cả cộng đồng bởi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, anh Điệp tâm sự.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa 12, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Bản thân anh Điệp là một người tàn tật, nhưng với nghị lực phi thường, anh đã vượt lên số phận để làm được những việc mà nhiều người khác không làm được. Anh không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn tạo được việc làm cho người khuyết tật, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã. Anh xứng đáng là tấm gương của người khuyết tật tiêu biểu vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất nông thôn.


Thanh Thủy 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×