Hội nghị giáo dục nghề nghiệp (TVET) lần thứ 3 tại Lào

Thứ ba, 01/03/2016

Từ ngày 14-16/12/2015, tại Thủ đô Viên Chăn, Lào đã diễn ra Hội nghị giáo dục nghề nghiệp (TVET) lần thứ 3, kết hợp chuyến thăm quan khảo sát tại 2 trường nghề do Chính phủ Đức tài trợ.
Từ ngày 14-16/12/2015, tại Thủ đô Viên Chăn, Lào đã diễn ra Hội nghị giáo dục nghề nghiệp (TVET) lần thứ 3, kết hợp chuyến thăm quan khảo sát tại 2 trường nghề do Chính phủ Đức tài trợ. Tham dự Hội nghị có đại diện 10 nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại châu Á Thái Bình Dương và một số quốc gia, đại diện Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (BMZ) và một số doanh nghiệp chế tạo, kinh doanh các thiết bị dạy nghề của Đức. Hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề “Hỗ trợ hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua giáo dục nghề nghiệp hòa nhập và theo định hướng thị trường lao động”. Mục tiêu của Hội nghị nhằm: (i) thúc đẩy chia sẻ và đối thoại giữa các chuyên gia về đào tạo và giáo dục nghề nghiệp hướng tới thị trường lao động trong bối cảnh Cộng đồng chung ASEAN; (ii) thúc đẩy hợp tác và hài hòa hóa khu vực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; (iii) xây dựng sự đồng thuận chung nhằm hài hòa các hệ thống giáo dục nghề nghiệp.



Tại phiên thảo luận giữa đại diện Chính phủ, Cơ quan phát triển GIZ, Ban thư ký ASEAN và đại diện doanh nghiệp Đức, các đại biểu đều cho rằng việc phát triển giáo dục nghề nghiệp tại ASEAN gắn bó mật thiết với quá trình phát triển kinh tế và tiến trình xây dựng một thị trường chung và đây được coi là một trong những ưu tiên của khu vực trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện các hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa theo kịp và chưa xóa bỏ được các khoảng cách, việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết. Các hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia vẫn đang thiếu năng lực trong việc hài hòa hóa thị trường lao động khu vực, cụ thể thiếu nhân sự cho ngành dạy nghề, năng lực giáo viên dạy nghề và sinh viên học nghề. Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ thực tế rằng, nhận thức và hình ảnh của việc học nghề tại các nước trong khu vực cần tiếp tục được cải thiện nhằm giúp người dân có thể hiểu rõ được việc học nghề sẽ là một trong những lựa chọn thay thế cho việc theo học đại học và cũng sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người học nghề trong tương lai.

Tại Hội nghị, thay mặt đoàn Việt Nam, đại diện Tổng cục Dạy nghề cũng đã chia sẻ điển hình tốt trong mối quan hệ hợp tác Đức – Việt, cụ thể về sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác GIZ trong việc giúp Tổng cục dạy nghề xây dựng báo cáo hàng năm về giáo dục nghề nghiệp, giúp các nhà hoạch định chính sách có thể tiên lượng các khuynh hướng giáo dục nghề nghiệp trong tương lai nhằm đưa ra các quyết định và hành động phù hợp. Ngoài ra, Trường cao đẳng nghề - kỹ thuật Hồ Chí Minh và Công ty cấp thoát nước môi trường Bình Dương cũng đã chia sẻ điển hình tốt về sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực của công nhân công ty, giúp họ được trang bị các kiến thức cần thiết và cập nhật nhất trong lĩnh vực cấp thoát nước một cách hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí đào tạo một cách đáng kể, cụ thể chi phí dành cho đào tạo của doanh nghiệp chỉ bằng 1/3 so với mặt bằng chung các doanh nghiệp cùng ngành nghề tại Việt Nam, cao hơn 10% so với một số doanh nghiệp Sing-ga-po. Ngoài ra, đối với nhà trường, sự kết hợp này không chỉ giúp cho trường có thể xây dựng các chương trình đào tạo sát với thực tế yêu cầu của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho học viên có cơ hội được thực tập tay nghề ngay tại chính doanh nghiệp cấp thoát nước này. 
 
Kim Phượng (Theo molisa.gov.vn)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×