Kỹ thuật nuôi tôm hùm

Thứ năm, 20/09/2018

Để tận dụng tối đa diện tích thì lồng nên thiết kế hình khối hộp vuông
1. Lồng bè nuôi

- Để tận dụng tối đa diện tích thì lồng nên thiết kế hình khối hộp vuông, vì hình vuông có diện tích lớn nhất, đồng thời lưu thông nước ở từng vị trí đặt lồng nuôi không theo một hướng nhất định.

- Lồng được đăng lưới 6 mặt, mặt trên có nắp đậy để thuận tiện cho việc kiểm tra, vệ sinh lồng và có ống nhựa đường kính 100mm, chiều dài nhô lên khỏi mặt nước lúc triều cường trên 0,5m để cho tôm ăn.

- Lồng nuôi thường có kích cỡ 3 x 3x 1,5m; 3 x 3,5 x 1,5m hoặc 2 x 3 x 1,2m, 3 x 2,5 x 1,2m. Đối với lồng bè, khung bè được làm bằng những cây tre già hoặc bằng cây gỗ có đường kính từ 10 – 15 cm, chắc chắn, chịu được sóng gió và nước biển, chiều dài cây gỗ khoảng 4 – 6m, được liên kết lại với nhau bằng đinh vít và dây thép có đường kính từ 3 – 5mm tạo thành những ô lồng 3 x 5 m, thường thì mỗi bè có 6 – 10 ô lồng, tùy theo khả năng đầu tư của từng người nuôi.
 

- Bè nuôi được giữ nổi bởi các phao làm bằng thùng phuy hoặc can nhựa. Bốn góc bè có 4 neo để giữ cho bè luôn ở thế ổn định.

2. Kỹ thuật nuôi

a) Vị trí đặt lồng

- Vị trí đặt lồng bè nuôi có nền đáy là cát hoặc cát pha bùn có lẫn san hô Gạc Nai và không bị ô nhiễm. Nên đặt lồng ở vùng nuôi có độ muối từ 30 – 33 ‰; oxy hòa tan từ 6,2 – 7,2 mg/l; pH từ 7,5 – 8,5; nhiệt độ từ 24 – 31 độ C.
 

-  Nên đặt lồng bè nuôi ra vùng xa bờ, nơi có độ sâu mức nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là từ 4 – 8m (đối với lồng chìm) và hơn 8m (đối với lồng bè) để trao đổi nước tốt hơn. Khoảng cách giữa các lồng nuôi cần bố trí phù hợp để đảm bảo sự lưu thông nước tốt. Đối với các vùng nuôi tập trung nhiều lồng nên duy trỡ 30 – 60 lồng/ha mặt nước.

b) Mật độ thả

Mật độ ương nuôi tôm hùm tùy thuộc vào kích cỡ của tôm giống. Cỡ giống “tôm trắng” thả 30 – 40 con/m2 lồng; cỡ giống 1,5 – 4,0 gr/con thả 25 – 30 con/m2 lồng; cỡ giống 4 – 10 gr/con thả 15 – 20 con/m2 lồng; cỡ giống 10 – 50 gr/con thả 10 – 15 con/m2 lồng; cỡ giống 50 – 200 gr/con thả 7 – 10 con/m2 lồng; cỡ giống hơn 200 gr/con trở lên thả 3 – 5 con/m2 lồng.

c) Thức ăn

- Chủ yếu là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ…), động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng…), nhuyễn thể hai mảnh vỏ (vẹm xanh…), các loài cá tạp. Trong đó, thức ăn là giáp xác đóng vai trò quyết định trong thành phần dinh dưỡng của tôm hùm nuôi.

- Tuy nhiên, nên kết hợp ba loại thức ăn tươi là cá, giáp xác và thân mềm theo một tỷ lệ nhất định ở từng thời kỳ phát triển của tôm. Công thức cho ăn: 1 phần giáp xác + 1 phần thân mềm + 2 phần cá tạp, tôm sẽ có tốc độ sinh trưởng nhanh.

d) Kỹ thuật chăm sóc, quản lý

-  Đối với cỡ tôm từ 200 gr/con trở lên, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, lượng cho ăn vào chiều tối chiếm 70% lượng thức ăn trong ngày. Thức ăn cho tôm có thể là nguyên con hoặc cắt nhỏ. Tùy loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý, khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15 – 17% khối lượng tôm thả.

- Hàng ngày kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có điều chỉnh hợp lý. Loại bỏ thức ăn thừa, vỏ tôm lột xác; định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bịt lỗ lưới lồng.

- Đối với các lồng nuôi tôm hùm con, do có mắt lưới nhỏ thường bị sun, hà bám, vì vậy cần phải vệ sinh lồng định kỳ để tạo cho sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm. Khi tôm đạt kích cỡ 500 – 600 gr/con nên san thưa với mật độ 4 – 5 con/m2 lồng.

- Trong quá trình quan sát thấy màu chất đáy có màu nâu và sinh vật đáy chủ yếu là nhuyễn thể thì đó là dấu hiệu tốt. Nếu chất đáy có màu đen đậm, mùi khó chịu và sinh vật đáy chủ yếu là giun nhiều tơ thì đó là những dấu hiệu không tốt, không nên tiến hành vụ nuôi hoặc phải di chuyển lồng nuôi đến nơi thích hợp.

- Trường hợp phát hiện tôm bị bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và các cơ quan có chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cơ chế miễn dịch của tôm hùm

Trong một nghiên cứu mới công bố của Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho thấy sự phóng thích các tế bào máu từ mô tạo máu được kiểm soát bởi nhịp sinh học, và hiện tượng này có mối tương quan với sức đề kháng của tôm hùm Pacifastacus leniusculus với một loài vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm Pseudomonas.

- Tạo máu là một quá trình mà qua đó, các tế bào máu trưởng thành và tham gia vào hoạt động của hệ tuần hoàn. Ở giáp xác, các tế bào máu được tái tạo liên tục và phóng thích ra khỏi mô tạo máu. Hai quá trình này được kiểm soát chặt chẽ bởi hai loại protein có tên astakine. Ở tôm hùm, astakine 1 điều hòa sự phóng thích các tế bào máu mới vào trong hệ thống tuần hoàn, còn astakine 2 đóng vai trò trong quá trình biệt hóa tế bào máu có hạt. Hai loại astakine này đều thuộc họ protein cytokines, nhưng chúng khác nhau về cấu trúc không gian ba chiều, phương thức tiếp nhận thông tin và thời điểm tổng hợp. Đại học Uppsala đã chứng minh rằng, sự biến thiên về mức độ biểu hiện của astakine 1 và astakine 2 tại mỗi thời điểm có tác động lên số lượng tế bào máu cũng như sức đề kháng của tôm.
 

- Sự cảm nhiễm virus thường xảy ra ở giao điểm của quá trình gia tăng và chết đi của tế bào (do virus cần ngăn cản quá trình chết sinh lý của tế bào). Qua đó, virus có thể sử dụng các nguyên liệu từ tế bào chủ cho quá trình tái bản của chúng – việc thúc đẩy sự chết đi của các tế bào miễn dịch trong các tế bào tăng sinh cũng là mục tiêu quan trọng trong quá trình hóa trị liệu ung thư. Các loại protein gắn kết C1q (như CRT hay gC1qR) đều là những protein phổ biến có tính bảo thủ cao. Chúng là đối tượng để virus tấn công. Các protein này hình thành nên một phức hệ trong tế bào chất để phản ứng lại sự xâm nhập của virus, giúp ngăn ngừa quá trình chết sinh lí của tế bào. Sự hình thành của phức hợp CRT/gC1qR trong tế bào chất làm giảm chuyển đoạn gC1qR vào trong ti thể. Nhờ đó, ngăn chặn sự chết đi của tế bào.

- Phát hiện này cho thấy mối liên hệ nhân quả giữa virus và ung thư. Từ đó, có thể sử dụng phát triển các phương pháp mới để chống nhiễm virus. Động vật không xương sống dựa vào miễn dịch tự nhiên để đáp trả sự xâm nhập của các vi sinh vật lạ. Một trong những đáp ứng miễn dịch tự nhiên quan trọng ở động vật chân khớp là sự kích hoạt proPO nhờ vào quá trình phân giải protein, được hoàn tất bởi enzym kích hoạt ppA. Qua đó, tác nhân gây bệnh sẽ bị bao bọc bởi melanin và bị thải loại ra khỏi cơ thể.

- Các quá trình phân giải protein đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng miễn dịch tự nhiên, vì chúng được kích hoạt nhanh hơn nhiều so với các phản ứng miễn dịch cần có sự thay đổi về biểu hiện gene. Các men phân giải protein nội bào có liên quan chặt chẽ đến sự phân hủy có giới hạn và có điều tiết của protein trong các quá trình thu hồi và tinh sạch, và cũng liên quan đến các đáp ứng viêm khi bị nhiễm khuẩn.

- Kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ ‎ý nghĩa của việc so sánh các đáp ứng miễn dịch tại những thời điểm định trước mà không bỏ qua các quá trình điều hòa mang tính chu kỳ sinh học của đáp ứng miễn dịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu bệnh tôm, nhóm nghiên cứu Kenneth Soderhall đã chỉ ra được mối liên hệ giữa sự phân cắt proPO thành các mảnh và sự phóng thích của protein này, chức năng sinh học của các mảnh cắt trong phản ứng chống lại sự nhiễm khuẩn. Hiện tại, các nhà khoa học trong nhóm đang tiếp tục nghiên cứu về các đáp ứng kháng virus, đặc biệt là kháng virus gây bệnh đốm trắng WSSV.
 
                                                                        ĐH (Nguồn: Nongnghiepvn)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×