Mô hình phát triển kinh tế bền vững

Thứ tư, 08/12/2021

Đón những hộ dân đầu tiên vào sinh sống từ năm 2018, đến nay diện mạo của Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang đang đổi thay từng ngày bởi những mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho cư dân. Trong đó có thể kể đến mô hình nuôi trùn lai kết hợp chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp sạch vừa được triển khai vào đầu năm 2021.
Đón những hộ dân đầu tiên vào sinh sống từ năm 2018, đến nay diện mạo của Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang đang đổi thay từng ngày bởi những mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho cư dân. Trong đó có thể kể đến mô hình nuôi trùn lai kết hợp chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp sạch vừa được triển khai vào đầu năm 2021.
 

Hướng phát triển bền vững


Xác định rõ, một trong những phương thức để phát triển Làng Thanh niên Lập nghiệp một cách bền vững là việc định hướng cho các hộ dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Tập trung vào chủ đề “Năm thanh niên khởi nghiệp”, trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, Tổng đội TNXP Quảng Nam đã nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao nhiều mô hình nuôi, trồng phù hợp với đặc điểm vùng núi Nam Giang. Tuy nhiên, vấn đề chất thải chăn nuôi là một trong những bài toán cần phải giải quyết trong câu chuyện về phát triển bền vững. Từ sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển KHCN và tài năng trẻ Trung ương Đoàn và sự tham gia của các hộ dân, mô hình “Nuôi trùn lai kết hợp chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp sạch” được triển khai với mong muốn thông qua sử dụng chất thải chăn nuôi làm nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm có giá trị, vừa giúp nâng cao thu nhập của người dân, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường. 

Anh Bùi Thành Vinh- Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong cho biết: “Khi đàn gia súc, gia cầm của các hộ dân mở rộng về số lượng thì khâu xử lý chất thải chăn nuôi là một vấn đề lớn. Có nhiều công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng như công nghệ khí sinh học, ủ phân hữu cơ,.. Đối với các vùng nông thôn, miền núi, thì việc áp dụng công nghệ vào xử lý gặp khó khăn vì chi phí cao, các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, địa bàn rộng, đồi dốc… Mô hình này đã chứng minh hiệu quả bởi sự đơn giản và phù hợp.”

Theo anh Vinh, Trùn lai có nhiều ưu điểm như: Sinh sản tốt, dễ nuôi, thức ăn đa dạng dễ tìm, năng suất cao, giá trị dinh dưỡng cao và rất dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh. Sản phẩm từ việc nuôi trùn lai cũng rất đa dạng: làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ cho cây trồng và quan trọng nhất vấn đề chất thải chăn nuôi được xử lý một cách triệt để.


Sinh khối
 

Hình ảnh trùn lai khi thu hoạch
 

Những tín hiệu khả quan


Triển khai từ đầu năm 2021, mô hình “Nuôi trùn lai kết hợp chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp sạch” ban đầu được chuyển giao cho 03 hộ dân.

Phương pháp áp dụng là chăn nuôi trùn lai kết hợp với chăn nuôi heo, gà và trồng rau, cây ăn quả tạo thành mô hình khép kín. Theo đó, mỗi hộ sẽ thực hiện: nuôi từ 10m2 đến 15m2 trùn lai, 4- 10 con heo, 50 con gà, 20 m2 rau sạch.
 
Anh Zơ Râm Trãi- một hộ thanh niên tại làng chia sẻ: «Nuôi trùn lai kết hợp với các con vật khác thì mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Thứ nhất nguồn phân thải của các con vật nuôi, giúp nuôi con trùn lai, góp phần giữ môi trường. Bản thân con trùn lai là một loài vật giàu dinh dưỡng cung cấp làm thức ăn cho heo gà, nuôi trùn quế để làm thức ăn thì tiết kiệm chi phí thức ăn trên 50%. Hiện thức ăn nhà mình dùng trùn lai là chủ yếu, vật nuôi lớn nhanh, kháng bệnh tốt, thịt thơm ngon và giá thành chăn nuôi giảm giúp dễ có lợi nhuận từ việc chăn nuôi từ mô hình này. Bên cạnh đó phân trùn thích hợp với nhiều loại cây trồng, chúng chứa các khoáng chất mà cây trồng có khả năng hấp thụ trực tiếp không cần quá trình phân hủy trong đất như những loại phân hữu cơ khác rất thích hợp cho việc trồng rau sạch.”
 

Cung cấp thức ăn cho gà
 

Làm phân bón cho cây
 
Anh Bùi Thành Vinh- Tổng đội Trưởng Tổng đội TNXP Quảng Nam cho biết sau 03 tháng sẽ thu hoạch  phân và sinh khối 1 lần, riêng trùn tinh cho heo và gà sẽ thu hoạch sau 1 tháng và thu hoạch theo tuần để cho heo gà ăn hằng ngày..
 
Có thể thấy từ những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Mô hình “Nuôi Trùn lai kết hợp chăn nuôi sản xuất nông nghiệp sạch” đã góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội cho thanh niên trong Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa đưa vào sử dụng, tạo thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
 
Tổng đội TNXP Quảng Nam (TL)
 
 
 
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×