Tài năng trẻ
Nam sinh giành điểm cao nhất đội Việt Nam tại Olympic Toán quốc tế
Thứ tư, 24/07/2024
Từng phải xin phúc khảo ở kỳ học sinh giỏi quốc gia để có cơ hội vào vòng chọn đội tuyển thi quốc tế, Trần Duy đạt điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại IMO 2024.
Về đến Hà Nội chiều 23/7 sau 12 ngày ở Anh dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), Trần Duy xúc động khi đông đảo thầy cô, bạn bè ở trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cùng người thân đến sân bay đón em.
Duy giành huy chương bạc với số điểm 24/42, cao nhất trong 6 thành viên đội tuyển Việt Nam.
"Em rất vui và hãnh diện vì đạt được thành tích này, dù còn chút tiếc nuối khi ngày thi thứ hai làm bài chưa hiệu quả", Duy nói.
Năm nay, đội tuyển Việt Nam giành hai huy chương bạc, ba huy chương đồng và một bằng khen, đứng thứ 33 trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ tại IMO. Điểm đạt huy chương vàng là 29, bạc 22 và đồng 16.
Duy nói yêu thích môn Toán từ lớp 1. Được truyền cảm hứng từ bố, cựu học sinh chuyên Toán của trường chuyên Sư phạm, em quyết định ôn luyện và thi vào trường này, trở thành thủ khoa đầu vào cách đây ba năm.
Đến lớp 11, Duy đã được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia nhưng chỉ giành giải ba. Sang lớp 12, Duy một lần nữa thi quốc gia với quyết tâm đến được IMO. Em duy trì việc tập trung vào các bài giảng trên lớp và tự học ở nhà, không đi ngủ muộn hơn 23h hàng ngày để tránh áp lực tâm lý.
Lần này, Duy làm tốt, song vẫn thiếu nửa điểm để vào vòng chọn đội tuyển thi quốc tế.
"Em khá sốc vì biết mình đã làm tốt hơn kết quả đó. So với đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em càng chắc chắn hơn nên quyết định đăng ký phúc khảo", Duy nói. "Thời gian đợi kết quả, em tập trung ôn luyện cho việc thi vòng tiếp theo bởi tin mình được lên điểm".
Kết quả, Duy được công nhận giành giải nhất môn Toán và đủ điều kiện vào vòng chọn đội tuyển. Nam sinh sau đó đạt điểm cao nhất trong tất cả thí sinh để giành tấm vé đến IMO 2024.
Duy kể 12 ngày ở Anh là hành trình nhiều cảm xúc, từ hãnh diện khi ra đấu trường quốc tế, đến lo lắng do đồ ăn không hợp khẩu vị, đau bụng trước ngày thi, rồi tiếc nuối vì làm bài dưới phong độ.
Em và hơn 600 thí sinh trải qua hai ngày thi, mỗi ngày gồm ba bài làm trong 4,5 tiếng. Đề có hai bài tổ hợp, là phần thế mạnh của Duy nhưng bài 5 được đánh giá rất khó.
"Đáp số bài này khiến học sinh dễ hiểu nhầm và đi sai hướng. Không nhiều thí sinh làm được và em cũng không thể vượt qua", Duy chia sẻ.
Theo đánh giá Duy, học sinh các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thế mạnh là hình học nhưng đề chỉ có một bài hình, lại là bài dễ. Trong khi mọi năm, số bài hình thường là hai, một bài ở mức độ khó. Do đó, kết quả đạt được không như mong đợi.
Thầy cô và bạn bè trường chuyên Đại học Sư phạm đón Trần Duy và Tạ Đức Anh tại sân bay Nội Bài, chiều 23/7. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Cùng sang Anh với học trò, thầy Hà Duy Hưng, tổ trưởng tổ Toán của trường chuyên Sư phạm, cũng nhận định đề thi năm nay là thử thách với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, thầy tự hào khi hai học sinh chuyên Sư phạm giành một huy chương bạc và một bằng khen.
Với Trần Duy, thầy ấn tượng với niềm đam mê Toán, sự bền bỉ và năng lượng học tập tốt từ em.
"Duy có trí tuệ, tư duy rất nhanh, đánh cờ hay học Toán đều rất giỏi nhưng nhiều lúc hơi vội vàng", thầy Hưng đánh giá. "Dù vậy, em có sự tiến bộ rõ rệt kể từ năm lớp 10 đến nay".
Chính Duy cũng nhận mình hay vội vàng do mỗi lần giải Toán, ý tưởng liên tiếp xuất hiện khiến em mải đi theo mạch đó vì cho rằng "đi được càng xa càng tốt". Điều này khiến em không có thời gian xoay sang ý tưởng khác khi nhầm đường.
"Em phải rèn luyện trong quá trình học để cân bằng việc này, chọn cách đi chậm nhưng chắc", Duy chia sẻ.
Thầy Vũ Văn Tiến, hiệu trưởng, ấn tượng với học trò vì "nét mặt hồn nhiên, vô tư, lúc nào cũng vui vẻ và gần như không thể hiện áp lực gì". Theo thầy Tiến, các giáo viên Toán luôn đánh giá Duy có tiềm năng nhất trong đội, thường có cách giải độc đáo, không giống đáp án.
"Tấm huy chương bạc của Duy là minh chứng cho điều đó", thầy Tiến nói.
Được thầy cô ghi nhận, với Duy, đó là niềm tự hào. Dù có chút tiếc nuối ở IMO năm nay, Duy vui vì được gặp gỡ, giao lưu với nhiều học sinh giỏi khắp thế giới, giúp em có động lực phấn đấu trong tương lai.
Nam sinh định học về Toán hoặc Công nghệ thông tin tại Việt Nam trong khoảng một năm tới, để trau dồi kiến thức, ngoại ngữ, trước khi du học.
Theo VNExpress
Bài viết cùng chuyên mục
- Chàng cử nhân khiếm thị từng bị 30 công ty từ chối
- Cải tạo đất hoang trồng bí, chàng trai trẻ lãi 400 triệu đồng/năm
- Cùng viết lên ‘kỷ nguyên vươn mình của dân tộc’
- Nam sinh Việt lọt top thí sinh có điểm thi tiếng Anh cao nhất thế giới
- Nữ tiến sĩ trẻ lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học vì sự phát triển đất nước
- Chàng bác sĩ điển trai, sở hữu IELTS 8.0 và là tác giả sách
- Giảng viên trẻ duy nhất thuộc khối trường Kỹ thuật nhận Giải thưởng 'Khuê Văn Các'
- Nhà khoa học trẻ ‘đánh thức’ di sản văn hóa Nùng nhận giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ...
- Huyền thoại Hồng Bàng dưới lăng kính nhà khoa học trẻ: Gợi mở về nguồn gốc và bản sắc...
- TS Ngô Khắc Hoàng – nhà khoa học trẻ vươn tầm quốc tế với những dấu ấn công nghệ nổi...
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận