Thông tin Khoa học công nghệ


NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN – ĐÒI HỎI CẤP THIẾT TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ MẠNH MẼ

Thứ tư, 15/03/2023

TAINANGVIET.vn - Để trở thành một công dân toàn cầu thì công dân đó phải có năng lực số và thật khó để chuyển đổi số quốc gia thành công nếu năng lực số của thanh niên không được cải thiện.

TAINANGVIET.vn - Để trở thành một công dân toàn cầu thì công dân đó phải có năng lực số và thật khó để chuyển đổi số quốc gia thành công nếu năng lực số của thanh niên không được cải thiện.

Có thể bạn đã nghe thấy ở đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng: người trẻ Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia ứng xử kém văn minh trên internet. Thật là một thông tin không vui vẻ nhưng đó lại là kết quả nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) được công bố vào ngày 11/2/2020. Không khó để chúng ta nhìn thấy những bình luận thô tục, đầy tính hăm dọa liên quan tới các vấn đề như: kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín,...Một ngày không đẹp trời nào đó, một vị trọng tài từ Trung Đông, một nữ ca sĩ ở Hàn Quốc hay một diễn viên ở Mỹ cũng có thể là nạn nhân của cơn “bão” bình luận (comment), báo cáo (report) tiêu cực của “cộng đồng mạng” Việt Nam, trong đó chủ yếu là người trẻ, vì những lý do được cho là xuất phát từ sự giận dữ bộc phát của họ đối với các nạn nhân, ngay cả khi những nạn nhân đã không làm gì sai trái cả.



Chỉ số DCI càng thấp, mức độ văn minh mạng càng cao.

Nếu như biểu hiện bên trên cho thấy, nhiều người trẻ Việt là “hung thủ” thì trong trường hợp khác không ít trong số họ lại là nạn nhân bởi thiếu kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ trên môi trường internet. Theo thống kê của UNICEF năm 2019, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Khảo sát đã cho thấy, dù được phổ cập Internet nhưng thanh, thiếu niên dường như bị động mỗi khi bị tấn công qua mạng, các bạn trẻ chưa được trang bị kiến thức để phòng vệ qua mạng và đơn độc trong quá trình chống lại khủng bố trên mạng. 



Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện cho thấy, năng lực số của giới trẻ việt Nam còn rất nhiều mảng màu xám. Năng lực số là thuật ngữ mới được xuất hiện, nó được hiểu là thái độ, kiến thức, kỹ năng và hiểu biết giúp chúng ta sống, học và làm việc trong một xã hội số. Năng lực số giúp chúng ta sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp và hiệu quả trong các không gian, địa điểm và tình huống khác nhau; phục vụ cho giao tiếp xã hội, giải trí, học tập, nghiên cứu, làm việc,.. trong môi trường số. Như vậy, năng lực số không chỉ bó hẹp trong câu chuyện ứng xử trên không gian internet như hai ví dụ nêu trên, nó rộng hơn và có tác động toàn diện lên các mặt đời sống của con người. Và như vậy, có thể không quá khi nói rằng: năng lực số là hành trang không thể thiếu mà mỗi cá nhân cần có để thích ứng, tồn tại và phát triển trong thế giới hiện tại và tương lai.

Vì vậy, việc nâng cao năng lực số chính là vấn đề quan trọng đặt ra cho các nhà trường, các tổ chức thanh niên, phụ huynh và các bạn trẻ. Trước hết, năng lực số phục vụ cho chính sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân, sau đó nó góp phần quyết định việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và các mục tiêu vĩ mô khác của đất nước.

Câu hỏi đặt ra là: Trong môi trường giáo dục đại học, chúng ta có thể làm những gì để nâng cao năng lực số cho người trẻ? Thực tế, thời gian qua, câu hỏi này đã được trả lời khi hầu hết các trường đã có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp nâng cao năng lực số cho sinh viên thông qua các hoạt động của nhà trường hoặc giao cho Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức. Tuy nhiên, đã đến lúc các hoạt động này cần được nhìn nhận một cách đầy đủ, có hệ thống, từ đó có những phương thức, nội dung hữu hiệu để cải thiện những hạn chế mà chúng ta đã nhận ra.

Hầu hết các trường đã có kênh thông tin trên môi trường số và đa phần nó hữu ích với sinh viên khi họ thường xuyên được cập nhật những vấn đề mà họ quan tâm như học tập, giải trí, khởi nghiệp,…Nhưng như vậy là chưa đủ, có lẽ các kênh này cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò định hướng trào lưu, xu hướng của sinh viên, thay vì chỉ thuần túy cung cấp thông tin. Và hầu hết mọi người đều hiểu rằng, muốn làm như vậy ngoài nội dung thì kênh thông tin cần phải có hình thức hấp dẫn với giới trẻ. Việc có một đội ngũ làm nội dung, thiết kế đồ họa tốt sẽ giúp những thông tin được lan tỏa rộng rãi hơn. Quản trị các kênh thông tin này cũng nên quan tâm đến tính năng hỗ trợ sinh viên thông qua việc tư vấn, hỗ trợ sinh viên giải quyết những vấn đề phát sinh từ các tác động tiêu cực của công nghệ như: bị quấy rối, bôi nhọ, bị nghiện mạng xã hội; bị dụ dỗ tham gia hoạt động phi pháp,…

Nhà trường cũng có thể cân nhắc xây dựng riêng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho sinh viên trường mình, để tuyên truyền, khuyến khích sinh viên có hành vi, ứng xử văn minh trên môi trường số. Đây có thể vừa là công cụ giáo dục định hướng, vừa là sản phẩm để truyền thông hình ảnh đẹp của nhà trường. Bên cạnh đó, việc tổ chức những khóa học, lớp tập huấn có chất lượng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng khai thác, chia sẻ thông tin trên internet hay tổ chức các cuộc thi kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ giúp việc học tập và hành trang lập nghiệp của mỗi sinh viên thêm hoàn thiện.



Trong quá trình tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho sinh viên, các trường cũng nên khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá sẵn có của mình đó là lực lượng giảng viên trẻ tài năng, nhà khoa học có uy tín. Hãy đưa họ vào các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, sản phẩm công nghệ thông tin, kết nối các cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp trên nền tảng số,…chắc chắn giá trị tạo ra cho sinh viên từ những hoạt động đó sẽ không hề nhỏ. Nhà trường cũng nên thực hiện chuyển đổi số đối với các hoạt động của mình để nâng cao khả năng tương tác với sinh viên, tạo sự thuận lợi, an toàn, đặc biệt trong những hoàn cảnh như dịch bệnh covid-19 thời gian vừa qua. Cuối cùng, hãy tạo cơ hội để sinh viên có thể mang những kiến thức, kỹ năng số của mình để hỗ trợ lại cộng đồng, nâng cao năng lực số của thanh thiếu nhi Việt Nam, đặc biệt là những nơi còn nhiều khó khăn, thông qua hoạt động tình nguyện. Thời gian tới, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ sẽ tổ chức chương trình “Mùa hè số” nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên và người dân tại 05 tỉnh (Hòa Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Vĩnh Long) tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số; phát triển kỹ năng lập trình từ cơ bản tới nâng cao. Sinh viên các trường có kiến thức về tin học, lập trình có thể liên hệ đăng ký tham gia.

Nhưng có lẽ sẽ không đầy đủ nếu việc nâng cao năng lực số thanh niên chỉ đến từ các hành động của nhà trường. Việc này chắc chắn phải có sự vào cuộc của Nhà nước, cộng đồng xã hội, gia đình và trước hết, bản thân mỗi thanh niên, sinh viên. Họ cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của năng lực số, có hành động cụ thể để tự nâng cao năng lực số của bản thân và cộng đồng. Dĩ nhiên, ngay cả việc này, nhà trường chắc chắn cũng sẽ đồng hành với họ. Thay đổi nhận thức và hành động của một con người, một cộng đồng chắc chắn không thể một sớm, một chiều có hiệu quả, nhưng cần làm ngay, làm thường xuyên và kiên trì.


 
Để kết lại bài viết ngắn này, tôi muốn nhấn mạnh rằng để trở thành một công dân toàn cầu thì công dân đó phải có năng lực số và thật khó để chuyển đổi số quốc gia thành công nếu năng lực số của thanh niên không được cải thiện.
 

Tác giả: Đồng chí Nguyễn Thiên Tú, 
Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ
 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×