Ngày 21-6-1925: Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ ba, 21/06/2022

Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức ra đời, góp phần chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo dấu chân Người

Ngày 21-6-1925, tuần Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tờ báo còn trở thành hạt nhân tổ chức và huấn luyện đội ngũ những nhà hoạt động cách mạng. Tờ báo hoạt động đến tháng 4-1927, ra được tổng cộng 88 số báo. Ngày 21-6 trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
 



Báo Thanh Niên được coi là cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh
 

Ngày 21-6-1946, Báo Cứu Quốc tiếp tục đăng bài “Vấn đề quân nhu và lương thực” trong loạt bài về Binh pháp Tôn Tử của Bác đề cập tới một lĩnh vực quan trọng bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được...”
 
Ngày 21-6-1948, Bác gửi điện tới Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ khen đồng bào xã Giới Xuân tỉnh Gia Định về thành tích đã thanh toán xong nạn mù chữ, mong nhiều địa phương “bắt chước xã Giới Xuân” và nêu rõ: “Chúng ta cần phải đánh tan giặc dốt, cũng như đánh tan giặc ngoại xâm”.
 
Ngày 21-6-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hộ pháp Phạm Công Tắc, thủ lĩnh của đạo Cao Đài đang sống tại Campuchia nêu rõ quan điểm: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân ta từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước đều đang kiên quyết và bền bỉ đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của dân tộc, là làm cho nước Việt Nam ta được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
 
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
 
“Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi”.
 
Ngày 21-6-1959, Bác viết bài “Điện Biên Phủ” (với bút danh T.L.) để rút ra những kết luận lịch sử. Bài báo nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, nguyên nhân thất bại của quân viễn chinh Pháp và khẳng định: “Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi”. Người kết luận bằng bốn câu thơ:
 
“Cũng trong một cuộc Điện Biên
Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa.
Trăm năm trong cõi người ta
Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”.



Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: TTXVN.

 
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người quan niệm, đoàn kết là lực lượng vô địch để khắc phục mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi.
 
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
 


Bác Hồ với các phóng viên báo chí. Ảnh: hochiminh.vn
 
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, tinh thần đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đem lại kết tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII xác định cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng ta thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng chính là ngọn cờ tập hợp, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch hòng chống phá khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.
 
Theo qdnd.vn

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×