Người tạo hồn cho bưởi năm roi

Thứ ba, 25/08/2015

Ngô Minh Long tài năng trẻ lĩnh vực Công nghệ sinh học đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2011
        Chiều cuối năm, Hà Nội dường như tất bật và nhộn nhịp hơn. Từng dòng người tấp nập xuôi ngược chuẩn bị tiễn năm cũ Nhâm Thìn, đón một mùa xuân mới - xuân Quý Tỵ. Tết đã cận kề. Có lẽ, ai ai cũng cảm thấy lòng mình ấm áp hơn trong cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội.

Tôi cũng cũng muốn hòa vào dòng đông đúc ấy, để nghe chồi xuân cựa nhú. Nghe nhựa xuân tan chảy trong huyết mạch, tạm quên những âu lo thường nhật. Ồ, mà không được, có điều gì đó chợt như nhắc nhủ, mình còn có việc quan trọng hơn phải làm. Thôi chết, chút nữa tôi đã quên mất lời hứa với ông Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ Phạm Tấn Công, trong một buổi làm việc những ngày cận Tết Nguyên đán bàn tổ chức bản thảo cuốn sách "Gương tài năng trẻ khoa học công nghệ tiêu biểu", nhằm tôn vinh, biểu dương những gương mặt trẻ Việt Nam có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đã giành được giải thưởng Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn trao tặng. Tôi còn nhớ như in buổi làm việc ngắn gọn đầy hiệu quả đó, ra về, sau cái bắt tay rất chặt - cảm nhận về một vị Giám đốc thông minh quyết đoán, ông Phạm Tấn Công không quên nhắc: "Gắng tổ chức bản thảo nhanh gọn, phải nhờ được những cây bút có nghề, bài viết phải lôi cuốn, có hồn, hấp dẫn người đọc, nêu bật được thành tích cùng những cống hiến đóng góp, đúng nghĩa tiêu biểu như tên sách." Và chua thêm một câu: "Này, Long bưởi Hậu Giang hay và ấn tượng lắm đấy." Thú thật, ngay lúc đó, thoáng trong đầu tôi một ý nghĩ, nhân vật này chắc có gì đặc biệt, mới có thể khiến một người như Phạm Tấn Công chú ý. Cũng bởi câu nói ngụ ý ấy tạo thôi thúc, để tôi tạm quên ngoài kia mùa xuân đang gõ cửa. Tôi nhấc điện thoại và quay số: 0918364..., đầu bên kia một giọng mỏng, pha chút phương ngữ, nhưng rắn rỏi cương nghị cất lên, xen trong không khí ồn ào phố thị. Sau màn chào hỏi xã giao, tôi nói mục đích chính của cuộc trò chuyện này, Long cho biết, anh đang theo học lớp cao cấp chính trị trên thành phố Hồ Chí Minh, hẹn tôi mấy bữa về Hậu Giang sẽ trò chuyện qua email để tôi thêm thông tin về anh. Không để tôi phải chờ lâu, chừng tuần sau tôi đã có những thông tin cần thiết về Long, từ đó cánh cửa về con người "ấn tượng" theo cách gọi của Giám đốc Phạm Tấn Công dần hiện lên mồn một trước mắt tôi.

Ngô Minh Long (bên phải) và tác phẩm "Bưởi hồ lô" (Ảnh ST)

"Long bưởi hồ lô", biệt danh theo cách mà mọi người yêu mến đặt cho tên thật là Ngô Minh Long, sinh ngày 01 tháng 12 năm 1977, tại xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Cha Long, ông Ngô Văn Gấm, sinh năm 1951 vốn trước là cán bộ, nay đã nghỉ hưu và tham gia Hội người cao tuổi huyện Châu Thành. Mẹ Long, bà Nguyễn Thị Ba, sinh 1953, làm nội trợ và giúp chồng dạy dỗ các con ăn học nên người. Long bảo, quê Long nghèo lắm, 95% dân số sản xuất nông nghiệp, vốn thiếu, kỹ thuật lạc hậu, bà con nông dân vất vả một nắng hai sương mà cũng chẳng khấm khá gì. Ngay từ hồi cắp sách đến trường Long đã khao khát, mơ ước một ngày nào đó mình sẽ mang những kiến thức đã học, tích lũy được đóng góp cho quê hương. Long muốn bà con quê mình vơi bớt nỗi nhọc nhằn cơ cực, và quan trọng hơn thay đổi những quan niệm, những cung cách làm ăn lạc hậu. Thay đổi suy nghĩ rằng, khó có thể làm giàu tại mảnh đất quê hương bằng con đường sản xuất nông nghiệp. Khao khát ấy cứ lớn dần từng ngày, nó bùng lên mãnh liệt khi Long quyết định ngành học của mình: Đại học Nông nghiệp I, với suy nghĩ giản dị, học xong ra trường sẽ về góp sức mình xây dựng quê hương. Suy nghĩ ấy của Long cũng khác với nhiều bạn trẻ bấy giờ, và bây giờ, rằng một hai nhất quyết bám trụ nơi thành phố lớn, hoặc Hà Nội, hoặc thành phố Hồ Chí Minh, chứ nhất định không chịu về quê công tác, dù biết rằng ngành nghề mình được đào tạo không phù hợp ở thành thị, vẫn chấp nhận làm trái ngành nghề để chờ những cơ hội đổi đời. Còn Long, ra trường, anh đón nhận công việc của một cán bộ Trạm thú y huyện với niềm lạc quan, bình thản. Cần mẫn đêm đêm phụ trách việc kiểm soát giết mổ của một lò mổ ở xã; ngày ngày đều đặn tình nguyện đi tiêm ngừa phòng dịch bệnh gia súc ở các xã lân cận để rút kinh nghiệm và làm quen với địa bàn. Tháng 6/2004, anh chuyển lên công tác tại Trạm khuyến nông huyện Châu Thành, vẫn là những công việc gắn bó với bà con nông dân đồng đất quê mình. Thời gian đầu công việc chủ yếu là tập huấn mảng chăn nuôi thú y cho bà con nông dân. Những lần theo chân các lãnh đạo Trạm tập huấn mảng cây ăn trái, Long chợt nảy ra suy nghĩ: ở lĩnh vực này bà con rất quan tâm, nhưng cũng có quá nhiều những băn khoăn trăn trở cần giải đáp, song không biết bắt đầu và bắt nguồn từ đâu, từ ai, từ vấn đề gì trước tiên. Những câu hỏi ấy, băn khoăn thắc mắc ấy của bà con cứ xoáy mãi trong anh, nó như thôi thúc, giục giã anh phải hành động. Và nó, dường như đã tìm được địa chỉ khi Ngô Minh Long được giao phụ trách Trạm. Anh nhận thức rằng, Trạm khuyến nông với tư cách là một cơ quan chuyển giao khoa học cấp huyện, mình không chỉ thụ động chờ kỹ thuật từ trên chuyển giao xuống, mà phải từ thực tiễn canh tác sản xuất của bà con nông dân, thấy họ vướng mắc ở đâu, cần tháo gỡ vấn đề gì, lĩnh vực gì mình phải chủ động nghiên cứu tìm lời giải cho bài toán. Long cũng thú nhận rằng, đây là lĩnh vực hoàn toàn trái ngành trái nghề (anh được đào tạo về chuyên ngành thú y), nhưng ở vào cái thế việc đã chọn người, hơn lúc nào hết anh hiểu bà con nơi đây đang khát công nghệ đến mức nào. Vậy là anh mày mò tự học, tự nghiên cứu mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong bữa ăn giấc ngủ anh cũng canh cánh trong lòng phải làm cách nào đó giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giầu từ chính đồng đất quê hương. Anh thường mang nỗi trăn trở ấy trao đổi với chính những người dân lao động, rồi động viên nhau hạ quyết tâm hành động: Mỗi ngày phải làm được một việc gì có ích cho nông dân. Anh tâm niệm, muốn có hướng đi đúng, cần phải đánh giá được thế mạnh sản xuất của địa phương, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp, và tình hình sản xuất của huyện được anh tóm lược đánh giá:

- Chăn nuôi: không thể phát triển (đất chật, người đông dẫn đến dịch bệnh và phá sản hàng loạt) chỉ có lợi thế dịch vụ, giết mổ...

- Thủy sản: phát triển tốt nhưng dân chưa đủ vốn.

- Sản xuất lúa chỉ còn 1.500 ha/9.000 ha sản xuất. Năng suất trung bình cả năm 5.7 tấn/ năm (đã triển khai nhiều giải pháp tăng năng suất nhưng chưa hiệu quả, do điều kiện tự nhiên).

- Thế mạnh là rau màu cung cấp cho TP. Cần Thơ (tiềm năng lớn nhưng còn thiếu vốn, dự án để thực hiện).

- Thế mạnh là sản xuất cây ăn trái. Có lợi thế cạnh tranh cao.

Khi xác định được, Long càng vững tin cùng với nhóm nông dân lựa chọn loại trái cây để sản xuất, định hướng phát triển. Đó là, khôi phục lại cây bưởi năm roi, phát triển và nâng tầm, tạo thương hiệu. Rồi tiếp đến là chanh không hạt. Ngược dòng thời gian một chút, và đó cũng là câu chuyện và mối duyên kỳ ngộ giữa anh và nông dân Võ Trung Thành - người giờ đã trở thành chủ nhiệm CLB Phú Trí A, xã Phú Tân. Ban đầu cũng chỉ là sự hợp tác bình thường trong công việc nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững an toàn cho trái bưởi, giữa Phòng nông nghiệp huyện và bà con nông dân (Long là Phó phòng), để bà con Hậu Giang từ đây có thể tự hào rằng họ đã ghi thêm vào danh mục những sản vật của đất nước một thứ hoa trái miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Sau bao miệt mài nghiên cứu thử nghiệm suốt ba năm trời ròng rã, khó có thể kể hết những gian truân mà Long cùng bà con nông dân nơi đây đã trải qua. Mồ hôi họ từng giọt, từng giọt thấm đẫm trên những mảnh vườn. Trời cũng chẳng phụ lòng người, thành quả đến trong nỗi mừng vui khôn xiết, trái sai trĩu cành, tỉ lệ trái loại I chiếm tỉ lệ cao trong vườn. Niềm vui trúng mùa chưa được bao lâu thì cũng kéo theo nỗi buồn rớt giá. Long buồn ghê gớm. Thành quả mình và bao bà con ngày đêm trông đợi giờ đang đứng trước thử thách của cơm áo gạo tiền. Sản xuất mà không lo tiêu thụ được sản phẩm thì chưa thể gọi là thành công đúng nghĩa, chỉ khi nào sản phẩm biến thành thương phẩm và nâng tầm lên thành thương hiệu thì giá trị kinh tế, ý nghĩa chính trị mới thật sự phát huy đủ đầy. Anh lại lặn lội gõ cửa tới các Viện, Trường tìm nguồn vốn tài trợ cho CLB hoạt động dài hơi, trở trăn nghĩ cách nâng giá trị thương phẩm cho đặc sản xứ miền Tây. Cũng từ một sự tình cờ ngẫu nhiên, nông dân Võ Trung Thành sau nhiều lần cắt tỉa cành, loại trái xấu phát hiện còn sót lại trái kẹt giữa cành cây mà vẫn phát triển bình thường, có hình dáng lạ mắt giống như hình trái bầu Hồ lô. Từ ý tưởng này anh Thành bắt đầu làm thử nghiệm bằng cách lấy dây chì cột thắt vòng eo, kết quả chỉ đạt một số ít trái để trang trí bàn thờ trong gia đình xem cho vui lạ. Nhân hội chợ Nông nghiệp Quốc tế tại Cần Thơ năm 2008, anh Thành mang hai trái trưng bày, kết quả được Ban Tổ chức tặng giấy khen mẫu mã sáng tạo bưởi Hồ lô. Qua thu thập thông tin thị trường, Long thấy người dân rất quan tâm tới sản phẩm lạ mắt này, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong anh, bài toán tìm đầu ra cho đặc sản sông Hậu đã tìm ra lời giải. Không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, Ngô Minh Long đã cùng anh Thành thường xuyên trao đổi thảo luận, phân tích giải pháp kỹ thuật tạo hình để hoàn thiện quy trình sản xuất và sản xuất đại trà. Cũng phải mất chừng ba năm nữa, Long không nhớ nổi mình đã bao lần trắng đêm, cũng không ai đong được bao giọt mồ hôi đã thấm trên đồng đất này. Chỉ biết, có những hôm Long cùng mấy anh em trong nhóm xoay trần cả ngày để nghiên cứu, cơm không buồn ăn, nước không muốn uống, mà không hề biết đói, biết khát; các anh ai cũng thấy trong lòng niềm khát khao được chinh phục khoa học kỹ thuật. Theo các cụ xưa thường nói, thì đó là cái nghiệp. Để anh luôn nặng lòng với đồng đất quê hương. Kỹ thuật tạo hình bưởi năm roi hồ lô gần như đã hoàn chỉnh, Long và các cộng sự như trút được gánh nặng ngàn cân đang ngày đêm đè trĩu hai vai. Nó đánh dấu mốc phát triển quan trọng cho thương hiệu bưởi năm roi. Bằng chứng, từ một trái bưởi thông thường có giá mua tại vườn khoảng 5- 7.000 đ/trái, nay giá trị bình quân cho các loại tới 80 - 90.000 đ/trái (tăng hơn 10 lần). Tuy nhiên, trở ngại thêm một lần thử thách khối óc luôn sáng tạo của anh, bởi lẽ bưởi này chủ yếu phục vụ Tết để trưng bày, thờ cúng cho đẹp nơi bàn thờ gia tiên; song nghịch lý ở chỗ Tết thường kéo dài 5 tới 7 ngày, sản phẩm muốn đẹp lá phải tươi lâu, đằng này mới độ 3 ngày lá đã héo rũ, bắt buộc phải tạo lá giả, vì thế giá trị của thương phẩm ít nhiều giảm sút. Trước khó khăn ấy, Long lại miệt mài nghiên cứu quy trình trang trí đẹp mắt bằng màng PVC và túi lưới bọc, xử lý trái, giúp bảo vệ cuống trái không gãy rụng tại vườn, đóng gói và bảo quản giữ được bộ lá chừng 10 ngày (thời gian đủ để kết thúc một cái Tết cổ truyền). Điều quan trọng giá trị, giá thành sản phẩm tăng lên từ 350 - 550.000 đ/cặp. Địa danh Phú Tân gắn liền với vùng bưởi đặc sản huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang qua các phương tiện thông tin đại chúng (cũng cần nói thêm rằng, PR cho thương hiệu bưởi Hồ lô không ai khác chính Ngô Minh Long) đã vang xa khắp nước, chất lượng bưởi năm roi cũng không ngừng được nâng cao bằng quy trình VietGAP có hiệu quả. Các nhà đầu tư tới ký hợp đồng xuất khẩu tấp nập, hứa hẹn một tương lai xán lạn mở ra cho thương phẩm bưởi năm roi. Không thể diễn tả được niềm vui của Long cùng nhóm cộng sự, nhìn thành quả lao động sau bao vất vả giành được, nước mắt cứ trực trào. Sung sướng xen lẫn tự hào, vui vì mình đã góp phần nhỏ bé giúp bà con vơi bớt nỗi cơ cực nghề nông, hãnh diện vì giờ đây mình đã có thể làm chủ công nghệ sinh học, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Long và các cộng sự cũng không thể ngờ rằng thành công ngoài sự trông đợi, sản phẩm lại có sức hút lớn tới như thế. Để vươn tới thành quả này, tôi biết Long đã trải qua đầy chông gai, thử thách. Anh tâm sự, rất nhiều lúc các đồng nghiệp tôi hoàn toàn bỏ cuộc, chỉ còn lại mình tôi, bản thân nhiều lúc cũng nản trước những thất bại, gian khó trăm bề, sau giây phút mềm lòng ấy mình xốc lại ý chí, kiên trì hơn với mục tiêu đã định, tìm giải pháp tháo gỡ để đi tới đích. Và làm việc với bà con nông dân lại càng khó khăn gấp bội, mình phải thuyết phục sao cho bà con hiểu, tin ủng hộ mình, nói thật ngay cả đồng nghiệp có người còn không tin vào việc mình làm, nên để thuyết phục bà con nông dân là cả quá trình bền bỉ, đòi hỏi có nghệ thuật. Tới đây tôi chợt có sự liên tưởng, Việt Nam mình có rất nhiều tiến sĩ với vô vàn luận án, công trình nghiên cứu, và về nông nghiệp cũng vô kể, nhưng không ít những luận án công trình ngủ quên trên bàn giấy, trong hộc bàn phủ dày bụi thời gian? Thì việc làm của Long dẫu chưa phải luận án này nọ, song chí ít nó đã làm sống dậy một vùng quê. Long vui một, có lẽ bà con cô bác vui bội phần, vì họ biết chắc một điều rằng cuộc sống một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của họ giờ đây, và rồi đây sẽ lật sang một trang mới bớt cơ cực và nhiều niềm vui. Tự hào hơn sản phẩm do mồ hôi nước mắt họ tạo ra giờ vươn khỏi miệt sông nước xứ Hậu Giang, vươn ra cả nước, rồi nước ngoài, ghi danh vào đặc sản cây trái Việt Nam.

Ngô Minh Long (đứng ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị tổng kết đóng góp thi đua khen thưởng
của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Long chia sẻ với người viết bài này, bản thân anh không màng tới kinh tế, không tham gia vào các hoạt động kinh tế, để toàn tâm toàn lực lo cho hoạt động nghiên cứu, có thể ai đó hoài nghi, nhưng động lực lớn nhất khiến anh say mê cống hiến miệt mài không ngưng nghỉ đó là quê hương, nơi có quê cha, đất tổ, dòng họ, bà con chòm xóm thân thương. Dù Long không tiết lộ, nhưng tôi biết anh đã được rất nhiều phần thưởng cao quý dành tặng cho những cống hiến không ngừng nghỉ:

- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2010.

- Bằng khen Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2008.

- Đoạt giải thưởng Lương Định Của dành cho 100 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2009.

- Đoạt giải thưởng Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2010, 2011.

- Bằng khen của UBND tỉnh năm 2005, 2008, 2010.

- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2010.

- Bằng khen của tỉnh Đoàn Hậu Giang năm 2011.

- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2006 - 2011... cùng hàng tá các giải thưởng khoa học sáng tạo trẻ khác mà Long là chủ nhân.

Khi tôi hỏi về những phần thưởng cao quý, mà tôi nghĩ nhiều người phấn đấu và mơ ước, đáp lại Long cười hiền khô, giọng nhỏ nhẹ: "Các phần thưởng vừa qua mình nhận được, bản thân không nghĩ là mình làm để được giải thưởng vì vậy không có động lực để đạt bằng được giải thưởng, tuy nhiên mỗi lần nhận được một giải thưởng là một niềm khích lệ động viên rất kịp thời và cũng là niềm vui vì cuối cùng kết quả công việc của mình được xã hội đón nhận. Khi nhận một phần thưởng tôi cảm thấy trách nhiệm càng lớn hơn. Với những kiến thức ít ỏi của mình thì chỉ mong muốn góp phần chung sức cùng nông dân làm giàu xây dựng quê hương ngày càng khang trang, đẹp hơn, gặp nông dân phấn khởi vui vẻ chào đón là mình thấy ấm lòng. Bản thân khi đến cơ quan, chỉ muốn làm tròn nhiệm vụ mình được phân công phụ trách và mỗi công trình, phần việc là những niềm vui vì đã góp phần làm lợi cho nông dân, cho xã hội."

Long còn cho biết thêm: "Điều tâm huyết nhất hiện nay là rất tự nào về nông dân của mình, họ đã rất sáng tạo, tích cực trong lao động sản xuất, nông dân ngày càng phát triển họ đang đặt nhiều niềm tin vào mình và hệ thống ngành mình hơn. Long có niềm tin mãnh liệt là quê mình sẽ nhanh chóng thay đổi và dân mình sẽ giàu nhanh. Qua thời gian mình và đồng nghiệp sẽ chứng minh điều đó. Với những gì đã diễn ra cũng là những bước khởi đầu thầm lặng và muôn vàn khó khăn, thử thách, tuy nhiên đã gặt hái được kết quả ban đầu tương đối tốt đẹp. Mình nhận thấy phía trước còn rất nhiều khó khăn đang chờ đón. Bản thân còn phải ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa, đa dạng hơn nữa, nâng cao kỹ thuật hơn nữa. Mình tự nhận thấy những kết quả hiện tại đạt được là những điều bình thường như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày". Long quả quyết với tôi rằng: "Nếu được chọn lại nghề nghiệp, mình vẫn chọn ngành nông nghiệp". Tôi hiểu rằng, công việc này đã trở thành máu thịt của anh rồi!

Khi hỏi về những dự định cho tương lai, Long trở nên hào hứng một cách lạ thường, và anh vạch ra trước mắt tôi hàng loạt kế hoạch, nào là:

- Nhanh chóng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu về cây ăn trái phục vụ xuất khẩu, cánh đồng chuyên trồng rau, màu an toàn, kỹ thuật cao hướng đến phục vụ xuất khẩu.

- Nhanh chóng hướng dẫn nhân dân thiết kế những logo, nhãn hiệu hàng hóa, bao bì nông sản tại địa phương.

- Mở rộng tập huấn kỹ thuật, kết hợp dạy nghề nông thôn cho đối tượng có nhu cầu.

- Nếu có kinh phí sẽ thực hiện nghiên cứu quy trình ngay trên cây cam sành (cần khuyến cáo cái gì và không khuyến cáo cái gì...), vì đây là vấn đề rất nóng, nếu để dân tự phát một thời gian nữa dân sẽ khổ dài.

- Còn rất nhiều vấn đề chỉ cần giúp dân điều chỉnh quy trình một chút thôi sẽ góp phần tăng thu nhập đáng kể, từ chăn nuôi, thủy sản, đến trồng trọt... Tiếp tục rà soát thống kê các quy trình sản xuất cây trồng vật nuôi chủ lực, có lợi thế cạnh tranh nhân rộng để sản xuất theo hướng hàng hóa...

      Ngô Minh Long luôn sát cánh cùng bà con nông dân Châu Thành, Hậu Giang

Nhiều và rất nhiều nữa, tôi biết chứ, trong bộ óc thông minh, lanh lợi kia đang ấp ủ bao hoài bão lớn lao, chứ đâu chịu dừng lại ở thương hiệu bưởi Hồ lô. Long cùng cộng sự đã và đang thành công với dưa hấu không hạt hồ lô trái đen, vàng, sọc, mít hồ lô, mãng cầu xiêm hồ lô, rồi hình ông Phật trên bưởi và nhiều hình đẹp mắt, ý nghĩa khác sẽ ra đời, có thể lắm chứ - người viết bài này - tôi tin là như vậy.

Mai đang bung từng nụ vàng e ấp. Xuân đang len trong từng ngõ nhỏ, từng gia đình trên khắp miền quê Việt. Trong mái ấm yên bình nơi vùng sông nước Hậu Giang, người đàn ông dáng cao gầy mảnh khảnh đang hạnh phúc bên người vợ trẻ Trần Ngọc Thanh Phương cùng cặp song sinh Ngô Trần Minh Anh, Ngô Trần Phương Anh chuẩn bị đón một mùa xuân mới an lành, ấm áp...

 Hải Linh (Theo Nguyễn Thái Anh - Gương tài năng trẻ KHCN tiêu biểu)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×