Người thắp lửa đam mê nghiên cứu khoa học: Cống hiến hết mình cho khoa học nước nhà

Thứ tư, 26/08/2015

TS. Nguyễn Thế Hân là 1 trong 10 tài năng trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2014

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân (giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Nha Trang) là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước vừa vinh dự nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng. Anh còn là một cán bộ đoàn năng nổ.

Từ học trò quê đến nhà khoa học trẻ

Gặp Hân tại quê nhà thôn Ngọ Phúc, xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang đúng vào thời gian anh vừa trở về sau chuyến tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt- Trung lần thứ 15 tại Trung Quốc. Sự cởi mở, chân thành trong giao tiếp là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về vị tiến sỹ trẻ Nguyễn Thế Hân.

Là con út trong một gia đình nông dân nghèo, so với các anh chị trong gia đình Hân được bố mẹ tạo điều kiện hơn trong học tập. Năm 2001, Nguyễn Thế Hân đã không phụ sự kỳ vọng của gia đình khi là người đầu tiên của làng Ngọ Phúc, xã Châu Minh thi đỗ đại học. Đỗ 3 trường: Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang), Đại học Công nghiệp Hà Nội và Cao đẳng Xây dựng, nhưng Hân quyết định vào Nha Trang học đại học. Ban đầu, Hân theo học ngành cơ khí tàu thuyền, nhưng nhận thấy mình không giỏi về kỹ thuật, Hân chuyển sang ngành chế biến thủy sản. Xa quê, xa gia đình, gặp vô vàn khó khăn nhưng Hân quan niệm: Đã làm gì thì phải làm đến nơi đến chốn, đạt hiệu quả tốt nhất. Năm 2005, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và là 1 trong 3 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc anh được nhà trường giữ lại công tác tại Khoa Chế biến thực phẩm (nay là Khoa Công nghệ thực phẩm). Với mong muốn nâng cao trình độ, Hân đã tham dự các hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam để tiếp cận với các giáo sư, thuyết phục họ, giành cho mình các suất học bổng. Năm 2008, anh nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc để học thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm. Trong 2 năm học thạc sỹ tại Hàn Quốc, Nguyễn Thế Hân đã có rất nhiều bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Đặc biệt, đề tài chiết suất hợp chất, hoạt chất sinh học để ứng dụng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường từ nguyên liệu biển đã được giới khoa học đánh giá cao. Anh Hân chia sẻ: “Điều khiến tôi tâm đắc nhất là các công trình nghiên cứu tại Hàn Quốc đã được ứng dụng để điều trị bệnh liên quan đái tháo đường, béo phì, các bệnh liên quan đến quá trình oxy hóa, đồng thời là cơ sở phát triển các sản phẩm chức năng từ rong biển, hải sâm, phục vụ cho lĩnh vực thương mại”.

Sau khi anh lấy bằng thạc sĩ, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp danh tiếng ở Hàn Quốc muốn giữ anh lại làm việc với nhiều chính sách ưu đãi. Song, anh Hân đã từ chối tất cả với lý do “muốn được đến đất nước khác để có cơ hội tiếp thu thêm kiến thức, thành tựu nghiên cứu khoa học mới, mang về phục vụ cho đất nước mình”. Anh đã chọn trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hải dương Tokyo, Nhật Bản để lấy tấm bằng tiến sĩ, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học ở Hàn Quốc, anh là một trong 5 người được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng toàn phần. Say mê với nghiên cứu khoa học, anh tiếp tục có nhiều nghiên cứu thu hút được sự quan tâm của giới khoa học nước này, đáng chú ý nhất là các công trình nghiên cứu về hoạt chất sinh học trong nấm rơm. Công trình nghiên cứu làm cơ sở để anh đề xuất một đề tài hợp tác quốc tế giữa Nhật Bản và Công ty nghiên cứu thủy sản (NOVUS) của Hoa Kỳ, đặt tại Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, nhằm ứng dụng nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu. Thông qua đây, anh chuyển giao công nghệ và thiết bị cho trường Đại học Nông lâm trong một số phân tích để đánh giá chất lượng thủy sản. Anh cũng là đồng tác giả 1 cuốn sách xuất bản tại Nhà xuất bản AOCS (Hoa Kỳ). Ngoài ra, anh còn có một số nghiên cứu mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tăng khả năng miễn dịch của cá tra cũng như góp phần bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Trong thời gian học tập ở Hàn Quốc và Nhật Bản, anh đã thực hiện và đăng 7 bài báo khoa học chuyên ngành ở các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới; 21 báo cáo khoa học tại các hội thảo quốc tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Canada... Các công trình nghiên cứu của anh được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao về tính khoa học mới và tính ứng dụng cao trong thực tế.

Nói về những nỗ lực trong quá trình nghiên cứu khoa học, anh Hân cho biết, khi mới bắt tay vào làm nghiên cứu sinh gặp vô vàn khó khăn và việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đạt kết quả như mong muốn. Nhưng anh luôn tự nhủ, có môi trường thuận lợi để biến ước mơ thành hiện thực thì không có lý do gì mà không vượt qua được khó khăn. Nói là làm, anh tự học ngoại ngữ, mày mò tìm hiểu thiết bị, máy móc hiện đại ở nước bạn và dành từ 18- 20h/ngày trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Cuối năm 2013, hoàn thành tiến sĩ đúng thời hạn, anh Hân quyết định về nước để lại phía sau những lời mời làm việc hấp dẫn ở Nhật Bản. Anh tâm sự: “Ngay từ khi ấp ủ dự định đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, mình không có ý định ở lại đất nước bạn mà quyết tâm quay về nước làm việc, đứng trên bục giảng để có cơ hội truyền đạt kiến thức đã lĩnh hội và truyền cảm hứng, đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên; hơn nữa là giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh cao. Theo mình, nghiên cứu khoa học để phục vụ chính đất nước mình thì niềm vui của nhà khoa học sẽ tăng lên gấp bội và thành quả của các công trình nghiên cứu có ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Sau khi về nước làm việc, anh vẫn giữ tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Anh đặt mục tiêu dành nhiều thời gian giúp doanh nghiệp ứng dụng kết quả đã nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm từ cá, tôm... Chỉ trong thời gian ngắn, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu, như: Thử nghiệm chất chống ô xy hóa trên cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu, đánh giá và khẳng định hoạt tính sinh học quý của yến sào; ứng dụng hoạt tính sinh học từ nguồn sẵn có trong tự nhiên…

Theo đuổi đam mê khoa học

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp danh tiếng ở Hàn Quốc mời anh làm việc với nhiều ưu đãi nhưng Nguyễn Thế Hân tiếp tục chinh phục khoa học bằng việc quyết định chọn Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hải dương Tokyo (Nhật Bản) để học tiến sĩ. Do trước đó có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học nên tại Nhật Bản, anh là một trong 5 người được Chính phủ cấp học bổng toàn phần. Thuận lợi nhiều song khó khăn đến với anh cũng không ít. 

“Bất đồng ngôn ngữ, thiết bị quá hiện đại nên công việc không hề suôn sẻ. Tôi luôn tự nhủ đây là môi trường lý tưởng để biến ước mơ thành hiện thực nên chẳng lý do gì mà không vượt qua khó khăn trước mắt”, Hân chia sẻ. Nghĩ là làm, anh tự học ngoại ngữ, tranh thủ ý kiến các chuyên gia và dành từ 18 - 20 giờ mỗi ngày làm việc trong phòng thí nghiệm. 

Với đam mê khoa học cháy bỏng và sự giúp đỡ nhiệt tình của các giáo sư đầu ngành, anh nghiên cứu thành công một số đề tài như: “Phương pháp xác định một số chất có hoạt tính sinh học trong nấm ăn giúp tăng sức đề kháng và kéo dài thời gian bảo quản cá sau thu hoạch”; “Thay đổi nguồn ánh sáng để nâng cao hàm lượng một số chất có hoạt tính sinh học trong nấm”. 

Đáng chú ý nhất là công trình nghiên cứu hoạt chất sinh học trong nấm rơm được ứng dụng nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, anh còn có một số nghiên cứu tăng khả năng miễn dịch của cá tra cũng như góp phần bảo vệ môi trường trong nước.

TS. Nguyễn Thế Hân (trái) trong phòng thí nghiệm Đại học Nha Trang (Ảnh Bình Nguyên)

Tiếp tục cống hiến

Cuối năm 2013, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Nguyễn Thế Hân quyết định về nước để lại phía sau những lời mời làm việc hấp dẫn ở Nhật Bản. Anh tâm sự: “Ngay từ khi ấp ủ dự định học tập, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, tôi đã xác định sẽ trở về nước truyền đạt kiến thức, đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên; giúp doanh nghiệp trong nước ứng dụng công nghệ tiến tiến, nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh”. Với Nguyễn Thế Hân, niềm vui của nhà khoa học sẽ thực sự có ý nghĩa khi thành quả của các công trình nghiên cứu được ứng dụng, mang lại lợi ích trên chính đất nước mình.

Với vai trò Phó Bí thư Đoàn trường, Bí thư Chi đoàn giáo viên Khoa Công nghệ Thực phẩm, anh vẫn giữ tinh thần chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Thế Hân đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu, như: "Thử nghiệm chất chống ô xy hóa trên cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long”; “Nghiên cứu, đánh giá và khẳng định hoạt tính sinh học quý của yến sào”; “Ứng dụng hoạt tính sinh học từ nguồn sẵn có trong tự nhiên”… 

Hiện anh hợp tác với một số doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản chế biến; triển khai đề tài thu vi tảo bằng phương pháp sử dụng polymer sinh học thân thiện với môi trường làm thức ăn cho tôm (giảm chi phí khi thu vi tảo và tiện lợi hơn khi sử dụng), đồng thời giúp Công ty Yến sào Khánh Hòa nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới.

Nguyễn Thế Hân thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo… nhằm truyền lửa đam mê và thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Anh khởi xướng thành lập các nhóm, câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học để tạo sân chơi, vừa khuyến khích ý tưởng nghiên cứu mới, độc đáo, có tính ứng dụng cao. Lấy sinh viên làm trung tâm, anh tích cực liên kết với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm trong dịp hè, có thêm thu nhập, tiếp cận thực tế công việc. 

Ấp ủ nhiều dự định, anh cùng Ban Chấp hành Đoàn trường vừa triển khai xây dựng “Quỹ tài năng trẻ” để hỗ trợ sinh viên nghèo có ước mơ nghiên cứu khoa học. Anh cho biết: “Thời gian tới, tôi cùng Ban Chấp hành Đoàn trường sẽ tổ chức cuộc thi đề xuất ý tưởng khoa học, khơi dậy sức sáng tạo của đoàn viên, sinh viên. Những đề tài hay, có tính ứng dụng thực tiễn của sinh viên sẽ được hỗ trợ một phần tài chính để thực hiện”.

TS. Nguyễn Thế Hân nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2014 (Ảnh ST)

Với những đóng góp trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phong trào đoàn, hội, Nguyễn Thế Hân vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ của cả nước được nhận Giải thưởng “Quả Cầu Vàng” năm 2014 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng. Anh cũng là một trong 92 cán bộ đoàn tiêu biểu toàn quốc tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung lần thứ 15 năm 2015, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hai nước.

Hải Linh (Tổng hợp)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×