Nguyễn Việt Linh và mùa xuân tuổi trẻ

Thứ tư, 19/08/2015

Nguyễn Việt Linh là một trong số 10 tài năng được vinh danh nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2012, một giải thưởng dành cho những nhà khoa học trẻ tuổi và tài năng.
Nguyễn Việt Linh là một trong số 10 tài năng được vinh danh nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2012, một giải thưởng dành cho những nhà khoa học trẻ tuổi và tài năng.

Một ngày cuối năm Nhâm Thìn, ở vào giai đoạn mà cả thiên hạ đang cùng nhau chuẩn bị tống cựu, nghênh tân, khi cái không khí Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã kéo theo tất bật, bộn bề thì anh bạn bên Nhà xuất bản Thanh Niên đưa cho tôi một bộ hồ sơ với nụ cười bí hiểm, cùng một câu ngắn gọn: “Người trẻ, việc hay!”. Dân báo là vậy, chỉ đơn giản có thế. Và nhờ người đó, tôi được biết thêm 1 trong số 10 tài năng được vinh danh trong Giải thưởng Quả cầu vàng 2012, một giải thưởng chỉ dành cho những nhà khoa học trẻ tuổi và tài năng.

TS. Nguyễn Việt Linh nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2012 (Ảnh ST)

Sau không ít lần hò hẹn qua điện thoại, cũng phải khá lâu sau đó (chừng nửa tháng), tôi mới có dịp gặp anh. Anh là Nguyễn Việt Linh, một tiến sĩ chuyên nghành công nghệ sinh học của Viện công nghệ sinh học.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh khi đọc hồ sơ xét trao giải thưởng Quả cầu vàng đó là những công trình nghiên cứu mà thoạt nghe thôi, đã thấy được vai trò to lớn và ý nghĩa thiết thực của nó. Và còn một điểm nữa, anh rất trẻ, chỉ vừa bước sang tuổi 32.

Con đường đưa Nguyễn Việt Linh đến với nghành công nghệ sinh học cứ một cơ duyên định sẵn, và cơ duyên đó bắt đầu từ năm anh Linh học lớp 8, khi đó, sinh học là một niêm hứng thú. Khi nhớ lại cột mốc quan trọng này, anh Linh cho biết: “Đến năm lớp 8, mình bắt đầu có hứng thú và yêu thích môn Sinh. Điểm số môn Sinh tăng cao hẳn so với năm trước. Rồi đến lớp 9: điểm tổng kết trung bình môn Sinh, trường Hà Nội-Ams. Lớp 10: bắt đầu học chuyên sinh,…”.

Nhưng quyết định quan trọng của Nguyễn Việt Linh lại là khi anh thi đỗ hai trường đại học là Đại học Khoa học Tự Nhiên và Đại học Giao thông Vận tải. Trước lời khuyên nên theo học trường Giao thông của người bố(vốn là một kỹ sư cơ khí) và cậu bạn thận, anh đã chọn học nghành Công nghệ Sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên để tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích nghành nghề này, nghành mà anh đã có 5 năm theo đuổi. Và anh đã chứng minh cho mọi người thấy sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Với cương vị công tác hiện giờ tại Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học Công nghệ Việt nam, quả thật những đóng góp của anh ở lĩnh vực này là không hề nhỏ,

Có lẽ nhiều người sẽ có cùng ngạc nhiên giống người viết khi nhìn vào danh mục các đề tài nghiên cứu, ứng dụng của một chàng tiến sĩ trẻ mới bước vào độ tuổi 32 như anh.

Từ mục tiêu mang lại những công trình có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, góp phần vào sự phát triển của đất nước, các đề tài của Nguyễn Việt Linh luôn hướng tới việc phát triển nhanh, mạnh, bền vững đàn vật nuôi với chất lượng và năng suất tốt, bảo tồn đa dạng sinh học các loài động vật nuôi và động vật hoang dã ở Việt Nam cũng như khu vực. Là một trong 10 nước có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, đồng thời, Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ mất đi nhiều thực thể sinh học do sự phát triển nóng và công tác bảo tồn còn chưa thực sự hiệu quả. Do đó những nghiên cứu như của Nguyễn Việt Linh có một vai trò vô cùng to lớn với các thế hệ tiếp theo, góp phần tạo nên nguồn “nguyên liệu”, ngân hàng nguyên liệu phục vụ cho việc nhân bản vô tính các động vật hoang dã đã và có nguy cơ bị tuyệt chủng sau này. Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ sinh học sinh sản và phát triển trên các đối tượng động vật cũng góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân ở các địa phương được triển khai.

Từ những năm 2002-2003, Nguyễn Việt Linh đã nghiên cứu về tế bào gốc phôi, bước đầu phân lập được nụ phôi từ phôi chuột và phôi bò thụ tinh ống nghiệm cũng như nhân bản vô tính. Trong khuôn khổ các đề tài được triển khai, cùng với Phòng Công nghệ phôi, Nguyễn Việt Linh còn trực tiếp thực hiện kỹ thuật PCR xác định giới tính phôi giai đoạn sớm để tạo ra các con bê con thụ tinh ống nghiệm với giới tính xác định đầu tiên ở Việt Nam (2003). Các thành tựu này là tiền đề quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới của Công nghệ sinh học sinh sản tại Việt Nam. Việc đưa vào áp dụng, triển khai kỹ thuật này sẽ làm cho nghành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2005, cùng với việc hoàn thành luận văn thạc sỹ, Nguyễn Việt Linh đã tạo ra được những dòng tế bào gốc phôi chuột đầu tiên được công bố trong nước. Đây là những nghiên cứu đầu tiên góp phần đưa Việt Nam từng bước tiếp cận với công nghệ tế bào gốc đang rất phát triển trên thề giới.


TS. Nguyễn Việt Linh tại phòng thí nghiệm (Ảnh ST)


Năm 2008, Nguyễn Việt Linh trở thành nghiên cứu sinh nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản tại đại học Tokyo. Tại đây, anh đã nghiên cứu phát triển một kỹ thuật mới: kỹ thuật kết hợp ly tâm và dung hợp. Kỹ thuật này có tiềm năng ứng dụng to lớn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học sinh sản, tạo phôi thụ tinh ống nghiệm, nâng cao hiệu suất nhân bản vô tính động vật, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng suất giống vật nuôi. Anh đã công bố được 2 công trình trên tạp chí quốc tế, trong đó có 1 công trình về nâng cao chất lượng trứng bằng phương pháp ly tâm – dung hợp, là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thề giới theo hướng này. Anh cũng đã đề xuất được kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm hoàn toàn mới với hiệu quả cao áp dụng phương pháp này: Thụ tinh ống nghiệm gián tiếp, một phương pháp chưa từng được công bố trên thề giới cho tới hiện nay. Kỹ thuật mới cho phép giải quyết triệt để hiện tượng đa thụ tinh – hiện tượng gây nên hiệu suất tạo phôi kém trên lợn mà cho tới hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu.

Với những người nông dân chăn nuôi bò sữa, một điếu hết sức có ý nghĩa đó là giới tính của bò sữa con mỗi khi chào đời. Mà xưa nay, điều này hoàn toàn thụ động và diễn ra một cách rất “tự nhiên”. Các hộ chăn nuôi sẽ thu được một món lợi kha khá nếu bê con là bò cái, trung bình một chu bê cái sau khi được nuôi chừng từ 6 tháng đến 1 năm sẽ có giá bán từ 15 triệu VNĐ đến 20 triệu VNĐ, còn nếu là bò đực, tương lai hầu hết là chuyển đến các lò mổ. Trước thực tế này, đề tài Trọng điểm cấp Viện KHCN Việt nam “Triển khai công nghệ thụ tinh ống nghiệm và chọn giới tính bằng kỹ thuật PCR vào sản xuất bò sữa cao sản tại Việt Nam”, một đề tài quan trọng mà Nguyễn Việt Linh tham gia từ đầu đến cuối, trực tiếp tham gia vào công đoạn quan trọng xác định giới tính của phôi thực sự mang một ý nghĩa to lớn khi góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa (loại bỏ khả năng sinh ra bò đực, vừa không sản xuất được sữa, vừa gây mất thời gian, công sức mà không mang lại hiệu quả). Nhân nhanh đàn bò sữa cao sản thích nghi với điều kiện chăn nuôi Việt Nam.

Để thực hiện được đề tài này, Nguyễn Việt Linh và các đồng nghệp, cộng sự đã kết hợp các công nghệ thụ tinh ống nghiệm, xác định giới tính, gây động dục đồng pha và cấy chuyển phôi giúp tạo ra bò sũa cao sản thuần chủng, nhanh chóng, thuận tiện, với giới tính được xác định. Do phương pháp này có thể áp dụng cả ở mô hình hộ chăn nuôi cá thể, trang trại chăn nuôi nhỏ,trang trại chăn nuôi quy mô vừa, trại bò sữa quy mô lớn đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn với nghành chăn nuôi bò sữa mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sữa.

Nếu đề tài thụ tinh ống nghiệm và chọn giới tính bằng kỹ thuật PCR vào sản xuất bò sữa có những tác động to lớn cho nghành chăn nuôi bò sữa thì đề tài “ Biệt hoá tế bào gốc màng dây rốn người thành tế bào hướng thần kinh và tế bào tim” – một đề tài nhanh, thuộc đề tài độc lập cấp nhà nước mà Nguyễn Việt Linh cà các cộng sự thực hiện lại tiếp cận hướng nghiên cứu tiên tiến và có tiềm năng ứng dụng rất lớn, hứa hẹn thay đổi cả nền y học theo một hướng trị liệu mới hiện đại và hiệu quả.

Từ ý tưởng: “Biệt hoá té bào gốc màng dây rốn vốn rất rễ thu nhận vơi số lượng nhiều, thành tế bào hướng thần kinh và tế bào tim, phục vụ cho nghiên cứu và mục tiêu lâu dài là liệu pháp tế bào gốc”. Nguyễn Việt Linh đã cùng nhóm nghiên cứu thu nhận, nuôi cấy tế bào màng dây rốn, biệt hoá tế bào gốc thành tế bào hướng thần kinh và tế bào tim. Từ đó nghiên cứu các đặc điểm của tế bào hướng thần kinh và tế bào tim thu được. Đề tài này đã bước đầu đặt nền móng cho công nghệ biệt hoá tế bào gốc ở Việt Nam theo hướng phục vụ cho sự hình thành và phát triển của liệu pháp tế bào ứng dụng trong y – sinh học (chữa trị các bệnh nhân hiểm nghèo mà hiện các phương pháp trị liệu hiện tại chưa giải quyết được triệt để).

Hay như phương pháp thụ tinh ống nghiệm gián tiếp mà Nguyễn Việt Linh đề xuất cũng có ý nghĩa xã hội rất to lớn. Điểm mới của phương pháp này là ly tâm trứng sau thụ tinh rồi dung hợp giọt noãn bào chất có chứa tinh trùng với 1 trứng yếu. Tinh trùng không trực tiếp chui vào trứng đích mà vào trứng đích thông qua quá trình dung hợp. Có ưu điểm hơn vi tiêm  tinh vì vẫn có các chất được sinh ra trong quá trình thụ tinh mà vẫn đảm bảo chỉ 1 tinh trùng chui vào 1 trứng. Nhờ đó đã giải quyết được các vấn đề: Tăng tỷ lệ sống của phôi từ các trứng quý hiếm, thậm chí có thể áp dụng trên các ca thụ tinh ống nghiệm trên người của các cặp vợ chống hiếm muộn. Phương pháp này góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và chữa trị vô sinh.

Là người thường xuyên có dịp được công tác nghiên cứu và làm việc với các chuyên gia, các tổ chức nước ngoài, có nền khoa học kỹ thuật hiện đại cùng với một tác phong làm khoa học có thể nói nhiều người khác biệt với Việt Nam, Nguyễn Việt Linh đã chịu ảnh hưởng không nhỏ và thường cố gắng để hoàn thiện mình theo các tiêu chí: nghiêm túc, kỷ luật và hiệu quả. Và để thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, Nguyễn Việt Linh đã tự trang trí cho mình thêm khả năng nghe, nói và viết thành thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp và Nhật.

Người ta thường nói tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời, và mùa xuân của cuộc đời Nguyễn Việt Linh chắc hẳn đang ở những năm tháng này đây khi anh miệt mài nghiên cứu và tham gia nhiệt tình vào rất nhiều những đề tài, công trình của Viện, Với quan điểm “mỗi thành tựu KHCN đều phải dựa trên rất nhiều hiểu biết dù rất nhỏ”, Nguyễn Việt Linh mong muốn thông qua những công việc mình làm sẽ “cung cấp những số liệu, những hiểu biết (có thể rất nhỏ) vào kho tàng tri thức của nhân loại…” và cách để chia sẻ kiến thức tốt nhất có lẽ không gì hay, hiệu quả bằng việc công bố các công trình, đề tài trên các tạp chí chuyên nghành. Đã có 18 bài viết và 27 bài báo cáo khoa học được Nguyễn Việt Linh thực hiện và công bố trên các Tạp chí chuyên nghành và tại các hội thảo khoa học có uy tín. Đặc biệt, ở hai công trình là: “Cải tiến việc nuôi thành thục trứng lợn bằng cách bổ sung Cysteine vào môi trường nuôi” và “ Nâng cao chất lượng trứng yếu bằng cách dung hợp với các giọt não bào chất từ trứng khoẻ” đăng trên Juournal of Reproduction and Development (Tạp chí sinh sản và Phát triển, một tạp chí quốc tế chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ sinh học sinh sản) đều nhận được những phản biện tốt.

Sinh ngày 02/02/1981, tuổi Dậu, người tuổi này thường mang đặc tính sau: “Người tuổi Dậu tính cách trung thực và thẳng thắn, cứng rắn, kiên cường, ý chí mạnh mẽ và có xu hướng tỉ mỉ, chi tiết, và cầu toàn,…”. Tự suy xét, tôi thấy điều này đúng và cần với những người làm công tác nghiên cứu như Nguyễn Việt Linh, Vì chỉ có những đức tính đó mới khiến cho một người làm khoa học tìm hiểu đến tận cùng của sự thật, của giá trị cuộc sống, và của cả những gì mình đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến.

Là một người trẻ tuổi, năng động, Nguyễn Việt Linh còn từng kiêm giữ nhiều vị trí công tác khác nhau như: Chủ tịch Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ, Đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên 2001 -2002, Tổ chức và trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội tại làng Hoà Bình Thanh Xuân (chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em chất độc màu da cam) (2001-2002), Tổ chức và trực tiếp tham gia cứu trợ trẻ em đường phố, lang thang, cơ nhỡ là ở cương vị nào những đóng góp của anh cho cộng đồng, xã hội cũng say mê hết mình.

Ấn tượng của tôi đến nay về Nguyễn Việt Linh có thể gói gọn trong 8 chữ: “Trẻ tuổi, tài năng, nhiệt huyết, đam mê”. Chính những yếu tố như thế đã hun đúc và tạo nên một tiến sĩ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học xuất sắc như vậy. Với nhũng đóng góp của mình, cũng khong phải là quá khi nói Nguyễn Việt Linh là một bông hoa đẹp trong vườn hoa mùa xuân, vườn hoa tuổi trẻ. Và chính những người như anh đang ngày từng ngày góp phần truyền lửa cho các đồng nghiệp, cho các bận trẻ để vững tin vào đam mê, để dấn thân, để theo đuổi và góp phần làm thay đổi cuộc sống. Xin mượn một câu nói yêu thích của Steve Jods, cũng là câu nói Nguyễn Việt Linh rất thích thay cho lời kết: “Stay Hungry, Stay Foolish” (Sống khát khao, Sống dại khờ). Có lẽ đó chính là chân lý để mỗi con người có thể đi đến tận cùng của sự đam mê, sáng tạo và thay đổi.
 
Hải Linh (Theo Đức Thành, Gương tài năng trẻ Khoa học công nghệ tiêu biểu)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×