Nhà khoa học lý giải cá voi xuất hiện trên biển Bình Định

Thứ ba, 16/08/2022

Các chuyên gia nhận định cá voi khỏe mạnh xuất hiện ở biển Đề Gi chủ yếu do di chuyển theo nguồn thức ăn và cho biết đó là tín hiệu tốt, khá hiếm gặp.

Các chuyên gia nhận định cá voi khỏe mạnh xuất hiện ở biển Đề Gi chủ yếu do di chuyển theo nguồn thức ăn và cho biết đó là tín hiệu tốt, khá hiếm gặp.
 

Những ngày qua khu vực Vũng Bồi - Đề Gi, một điểm đến hoang sơ thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cách TP Quy Nhơn hơn 40km, thu hút sự chú ý nhờ sự hiện diện của cá voi. Hình ảnh những con cá voi nhảy lên đớp mồi liên tục, phía trên là đàn chim biển, khiến nhiều người thích thú.
 

Theo thông tin ghi nhận từ chuyên gia lặn, hướng dẫn viên du lịch người địa phương Tommy Toàn, đàn cá voi xanh xuất hiện khoảng một tháng nay, ban đầu có 8 con, hiện còn 2 con một đực và một cái (con đực nhỏ hơn). Cá voi vào rất gần bờ, có khi cách bờ chừng 500 m.
 

Cá voi xuất hiện trên biển Bình Định báo hiệu điều gì

Cá voi xuất hiện tại biển Đề Gi, Bình Định. Ảnh: Hoàng Đức Ngọc
 

 

TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết cá voi xuất hiện ở vùng biển Việt Nam là hiện tượng bình thường. Hàng năm không hiếm các cá thể cá voi hay cá heo dạt vào bờ. Tuy nhiên, việc xuất hiện cá voi khỏe mạnh ở những vùng biển gần bờ khá hiếm, thường chủ yếu là cá heo.
 

Theo TS Bền, chưa có căn cứ khoa học nào về việc cá voi chỉ xuất hiện ở vùng biển này mà không ở nơi khác. Vào mùa này hàng năm, những loại cá nhỏ (nguồn thức ăn) theo dòng nước vào bờ nên thu hút cá voi vào kiếm ăn. "Việc xuất hiện cá voi là tín hiệu tốt, ít nhất cho thấy môi trường sống của nó không bị tác động quá nhiều và khu vực đó vẫn còn thức ăn nên cá voi di chuyển đến kiếm ăn", ông nói.
 

Cũng theo TS Bền, cá voi thường sống ngoài khơi, vùng biển sâu nên khả năng chúng dạt vào bờ do nguồn nước ô nhiễm là "không có sơ sở". Loài này thường dạt vào bờ khi bị đau bệnh hoặc tai nạn như va chạm tàu, bị tấn công.
 

TS Võ Văn Quang, Trưởng phòng Động vật có xương sống biển, Viện Hải dương học, cũng cho biết cá voi xuất hiện chủ yếu theo nguồn thức ăn di cư, là các đàn cá mồi nhỏ như cá cơm, cá trích, ruốc hay sinh vật nổi. Cá mồi nhiều do môi trường, dòng chảy và dinh dưỡng ở vùng biển đó quyết định.
 

TS Quang nói, khó có thể để đánh giá sự xuất hiện của cá voi là dấu hiệu hệ sinh thái biển khỏe mạnh nếu chỉ bằng quan sát, mà cần phải thu mẫu phân tích. Song các bức ảnh cho thấy nước biển ở khu vực Đề Gi tương đối trong xanh.
 

Theo người dân địa phương, hầu như năm nào vùng biển này cũng có cá voi xuất hiện một hai ngày, riêng năm nay ở lại lâu hơn. TS Quang lý giải việc cá voi thường chỉ ở vài ngày có hai khả năng, một là chúng bắt hết mồi rồi di chuyển qua vùng khác, hai là ngư dân đánh bắt cá khiến cá mồi giảm nhanh nên thời gian cá voi ở khu vực ngắn lại. "Việc ở lại một tuần đến mười ngày là điều khá thú vị, nhiều khả năng do khu vực có cá mồi tập trung nhiều", ông nói và thêm rằng cần bảo vệ vùng nước cho cá voi. Đây sẽ là cơ hội để phát triển du lịch sinh thái quan sát cá voi.
 

Cả hai chuyên gia đều cho rằng việc nhận biết cá voi phải căn cứ vào tên khoa học, dựa theo đặc điểm loài. "Cá voi xanh là cách người dân gọi chung loài này bởi trông có màu xanh lam dưới nước, nhưng việc gọi đúng tên phải quan sát kỹ đặc điểm ví dụ gờ dưới bụng, màu sắc lưng, vây ngực hay gờ trên đầu cá...", TS Quang nói.
 

TS Quang cho biết, cá voi có thân hình lớn, có loài nặng tới cả chục tấn, như loài cá voi Bryde dài khoảng 15 m, nặng khoảng 10 tấn. Qua các bức ảnh chụp tại Đề Gi, một số con cá voi có gờ trên đầu, một số không, cho thấy có khả năng hai loài cùng xuất hiện.
 

 Cá voi xanh là cách người dân địa phương gọi, dựa theo việc chúng trông có màu xanh lam dưới nước, nhưng trên bề mặt nước, chúng có màu xanh xám lốm đốm nhiều hơn.

Cá voi xanh là cách người dân địa phương gọi, dựa theo việc chúng trông có màu xanh lam dưới nước, nhưng trên bề mặt nước, chúng có màu xanh xám lốm đốm nhiều hơn. Ảnh: Hoàng Đức Ngọc
 

 

Cá voi không phải loài dữ, không cố tình tấn công con người, song ông khuyến cáo nếu cá đang há miệng đớp mồi thì tốt nhất tránh đối đầu, cần bơi né ra bởi chỉ cần chúng lao nhanh thì khả năng nuốt thẳng người vào dạ dày là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đuôi cá voi được coi là vũ khí để chúng chống lại kẻ thù như các loài cá mập hoặc cá voi sát thủ. Khi đập mạnh xuống, đuôi có thể gây thương tích. Tốt nhất nên rời khỏi khu vực của cá voi khi thấy chúng.
 

Ông Quang cho biết thêm, cá voi được ngư dân tôn thờ như "cá ông", "cá thần" và thuộc nhóm kích thước lớn đang bị nguy cơ cao tuyệt chủng, nên cần bảo vệ.
 

Theo VnExpress


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×