Nhà nông học trẻ và khát vọng những mùa vàng…

Chủ nhật, 23/08/2015

Tống Văn Hải là một trong số 10 tài năng trẻ có thành tích nổi bật về Khoa học - Công nghệ năm 2012 vinh dự nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng.
Tống Văn Hải là một trong số 10 tài năng trẻ có thành tích nổi bật về Khoa học - Công nghệ năm 2012 vinh dự nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng.

 
Con ngõ nhỏ dài hun hút ở cuối xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vốn thường ngày rất đối yên bình và vắng lặng, hôm nay bỗng trở nên rộn ràng khác thường. Vốn dĩ đây là một xã nghèo thuần nông nghiệp của huyện, giờ này ai ai cũng đang mải mê với công việc đồng áng. Nhưng hôm nay, bà con xóm giềng trong ngõ vui vẻ tụ tập ở nhà cậu học trò nghèo Tống Văn Hải, uống cốc chè xanh để tiễn cậu lên đường vào Đại học. Bà con làng xóm ai cũng vui mừng cho gia đình Hải có đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng nếu ai tinh ý, sẽ nhận thấy đằng sau niềm hạnh phúc, tự hào về thành tích của cậu con trai, đâu đó phảng phất trên gương mặt bố mẹ Hải sự lo âu, cực nhọc. Không lo âu sao được khi ngày mai, đứa con trai lớn, hàng ngày vẫn đỡ đần bố mẹ biết bao công việc sẽ khăn gói lên thủ đô tiếp tục con đường đèn sách. Rồi đây, gánh nặng áo cơm sẽ lại oằn hơn trên đôi vai  của hai người nông dân chân đất quê mùa vốn chưa một lần ra khỏi lũy tre làng này.
 
Nhưng có lẽ bố mẹ Hải, cũng như bà con hàng xóm ít ai ngờ được rằng, chỉ vài năm nữa thôi, cậu học trò nghèo nhút nhát ấy sẽ mang lại cho gia đình và tất cả những người nông dân trên mảnh đất này những thành tựu khoa học đáng nể, làm giảm đi cái đói nghèo, vơi đi những mồ hôi cực nhọc của những người nông dân, nỗi ám ảnh suốt những năm tháng tuổi thơ của Hải.

Cậu bé Tống Văn Hải sinh năm 1979, trong một gia đình thuần nông ở xã nghèo của huyện Hưng Hà, quê lúa Thái Bình. Gia đình Hải , từ đời cụ kị ông bà chỉ có một nghề duy nhất “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm bạn với cây lúa, củ khoai. Những năm tháng tuổi thơ, cũng như tất cả những đứa trẻ ở cái xóm nhỏ này, Hải một buổi đến trường làng, những người nông dân chân đất như bố mẹ Hải chỉ biết cho con đến trường học lấy cái chữ cho biết đọc biết viết chứ cũng chả có ai nghĩ xa hơn. Đến trường nửa buổi, nửa buổi Hải cùng trẻ con trong xóm giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, đánh đáo với lấm lem đất cát đồng quê. Tuổi thơ của những đứa trẻ nhà nghèo sinh ra ở những vùng nông thôn Việt Nam đều thế, tuy thấm đẫm vất vả nhưn rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Hải kể, hồi ấy nhà ai cũng nghèo, cơm không đủ no chứ nói gì đến quần áo mặc. Sự đói nghèo, thiếu thốn cuốn vào vòng xoay của nó cả những đứa trẻ vốn “ăn chưa no, lo chưa tới”. Những đứa trẻ thời ấy đâu có nhiều thời gian dành cho việc học hành như bây giờ, vì ngoài giờ đến trường chúng còn phải giúp đỗ bố mẹ những công việc hàng ngày, rồi bắt tôm bắt cá kiếm ăn. Có lẽ chỉ những ngày mùa mới có được bữa cơm no. Vất vả và nghèo đói là thế nhưng Hải học rất giỏi, luôn xếp top đầu trong lớp. Học hết cấp 1, cấp 2 ở trường làng, một số bạn bè nghỉ học ở nhà lao vào kiếm sống thì Hải vẫn cặm cụi với sự nghiệp học hành. Thi dỗ vào lớp chọn của trường cấp 3 huyện, cách nhà 6, 7 cây số. Thấy con ham học, lại học tốt, bố mẹ Hải cùng động viên nhau để con học tiếp chứ không lỡ bắt con nghỉ học. Hải cũng biết, để Hải tiếp tục được đi học cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ thêm phần gánh nặng. Thế là mỗi buổi sáng, trước khi đến trường, Hải phải thức dậy từ 4 giờ sáng, thồ rau giúp mẹ ra chợ huyện, xong xuôi rồi mới tất tả đến trường. Nhiều người ở xã Tân Tiến này vẫn nhớ như in hình ảnh cậu học trò Tống Văn Hải gầy gò, nhỏ bé còng lưng trên chiếc xa đạp mỗi buổi sáng mờ sương với xe rau chất ngất phía sau. Trong lớp, Hải thuộc nhóm những bạn có hoàn cảnh khó khăn nhất, không có đủ điều kiện để học thêm hay mua đầy đủ tài liệu học tập như các bạn, nhiều khi Hải phải tranh thủ mượn tài liệu học thêm của các bạn để tham khảo. Cậu học trò nghèo nung nấu một quyết tâm học thật tốt để các bạn không thể vì thấy Hải nghèo mà có thể coi thường. Và hơn hết, Hải biết rằng, đối với mình, chỉ có con đường học tập mới có thể giúp cậu thoát ra khỏi cái nghèo, cái đói bủa vây gia đình và làng xóm của cậu, chỉ có học thật tốt thì mới hy vọng xua đi những cực nhọc của ông bà, cha mẹ. Bởi thế, suốt ba năm cấp 3, Hải luôn đạt kết quả học tập tốt.

Những ngày tháng 3 năm 2008, lớp Hải rộn rã với việc làm hồ sơ thi Đại học. Các bạn trong lớp chủ yếu thi Y, Dược hay Kinh tế, Giao thông, là những trường đang hot lúc bấy giờ. Chỉ có riêng Hải làm hồ sơ thi Đại học Nông nghiệp. Có lẽ nhiều bạn bè cũng ngạc nhiên với sự lựa chọn “quê mùa” của Hải. Nhưng ít ai biết dược rằng, Hải vẫn ám ảnh không nguôi về những lần sau bao tháng chăm bón, đến mùa thu hoạch nông sản mà không bán được, hay những lần đàn lợn, gà sắp đến ngày xuất chuồng bỗng lăn ra chết. Nghĩ đến những ngày ấy, Hải vẫn rơi nước mắt. Và không biết từ khi nào, trong Hải đã nhen nhói ước mơ trở thành một anh kỹ sư nông nghiệp, có thể tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, giúp cho những người nông dân nói chung và chính ông bà, cha mẹ mình nói riêng phần nào vơi bớt những nhọc nhằn, vất vả. Khi nghe con chia sẻ những mơ ước ấy, cha mẹ Hải chỉ biết lặng im. Ông bà vốn chỉ quen với cây lúa củ khoai, đâu biết được phía sau lũy tre làng kia còn có nhiều chân trời đến thế. Thấy con ham học, học giỏi, lại biết nghĩ cho quê hương, cha mẹ, cũng mừng, nhưng bố mẹ Hải đâu biết nói gì vì đối với ông bà, lo cho con còn chưa đủ, biết lấy gì cho con ra Hà Nội học, mà rồi đây không biết sẽ ra sao, vì ở cái làng nhỏ này chưa ai học hành vinh hiển cả. Nhưng thấy một quyết tâm ngời ngời lên trong đôi mắt cậu con trai, bố mẹ Hải lại một lần nữa động viên nhau để con đi tiếp trên con đường mình đã chọn. Nọp hồ sơ xong, Hải lao vào học, và ông trời đã không phụ lòng người. Tháng 8 năm 2008, Tống Văn Hải nhận giấy báo nhập học Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chuyên ngành di truyền, chọn giống. Cầm tờ giấy báo nhập học mà Hải thấy cay xè nơi sống mũi. Bố mẹ cậu cũng không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc và âu lo.

Tháng 9 năm 2008, Hải một mình khăn gói về Hà Nội nhập học. Ngay từ những ngày bắt đầu, Hải đã xác định, mình phải tự bươn chải kiếm tiền đi học, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là học thật tốt để thực hiện ước mơ của mình. Thế là đồng thời với việc nhập học, Hải đi kiếm việc làm thêm. Ngày thì cặm cụi trên giảng đường, thư viện, tối tranh thủ đi dạy thêm, đêm lại mải miết ngồi nghiên cứu tài liệu, tìm tòi những cái mới. Hình ảnh một cậu sinh viên sớm phải bươn chải nhưng vẫn hăng say học tập, say sưa nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia nhiều hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa, trường khiến thầy cô, bạn bè ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội khi đó ai cũng cảm mến. Bốn năm học, năm nào Hải cũng được nhận học bổng của trường, của khoa. Chàng sinh viên nghèo vùng quê lúa là tấm gương cho nhiều bạn bè trong trường với những công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ đạt kết quả cao.
 
Năm 2012 tốt nghiệp ra trường, vào thời điểm ấy, với thành tích học tập xuất sắc, Tống Văn Hải đã được một công ty phi chính phủ của Úc mời về làm với mức lương khởi điểm 300$ - một số tiền quá lớn lúc bấy giờ, với một sinh viên mới ra trường và có hoàn cảnh khó khăn như Hải thì số tiền đó càng thêm giá trị. Trước lời đề nghị ấy, Hải không khỏi nghĩ về những bữa cơm toàn khoai độn của bố mẹ và các em, về những mảnh vá trên tấm áo mẹ anh vẫn mặc. “Nó có thể giúp mình lo cho cuộc sống của cả gia đình”, Hải tâm sự.  Vậy mà, thật không ngờ, Hải đã từ chối, quyết định tiếp tục ở lại trường học tập, nghiên cứu, vui vẻ nhận đồng lương 200.000 đồng! Giải thích về quyết định được cho là “kỳ quặc” này, Hải tự tin nói rằng: “Mình muốn lấy chất xám để tạo ra được những sản phẩm thật cụ thể, được nông dân chấp nhận”.

Trở thành cán bộ nghiên cứu, hướng đi của Hải ngay từ đầu đã được xác định là tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng với năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thân thiện với môi trường.


ThS. Tống Văn Hải theo dõi đánh giá sự phát triển giống cà chua lai tạo
bằng phương pháp chỉ thị phân tử (Ảnh ST)
 
Từ đó đến nay, có thầy dạy đại học cùng đồng hành, Tống Văn Hải đã chọn tạo thành công giống lúa nếp NV1. Đây là giống lúa nếp thơm cấy được cả hai vụ, có năng suất và chất lượng cao hơn các giống lúa nếp thơm hiện tại đang trồng như: TK90, nếp cái hoa vàng, nếp nhung, nếp 352…NV1 thích ứng rộng từ đồng bằng cho tới miền núi, kháng sâu bệnh tốt nên bớt chi phí bảo vệ thực vật, thân thiện với môi trường.   

Giống nếp thơm này lại kháng được bệnh bạc lá, đạo ôn, chống đổ và chịu rét tốt, thích ứng rộng, dễ trồng nên diện tích canh tác không ngừng được mở rộng. Tính đến năm 2012, diện tích gieo trồng giống NV1 đã lên đến hàng nghìn ha ở nhiều tỉnh khu vực đồng bằng và trung du bắc bộ như: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh,…góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Sau NV1 là giống lúa tẻ N91 với những ưu điểm nổi bật là năng suất cao, kháng bệnh tốt, ít phải phun thuốc phòng trừ nên giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm công lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo nông sản sạch, giảm thiểu rủi ro do các bệnh hại gây ra.
 
Từ năm 2010, giống N91 đã được đưa vào trồng thử và phát triển ở nhiều nơi ở miền Bắc như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang,…Tính đến năm 2012, diện tích gieo cấy cũng đã đạt hàng nghìn ha. Đặc biệt ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), diện tích gieo cấy đã đạt gần 1000 ha, nông dân đã trồng N91 thay thế dần giống khang dân và các giống lúa cũ khác.   
 
Khẳng định tên tuổi qua hai giống lúa kể trên, hiện Tống Văn Hải đang tiếp tục gửi đi khảo nghiệm quốc gia 2 giống lúa tẻ và 3 giống lúa nếp mới. “Được nông dân ghi nhận, được gặp họ và nghe họ nói lời cảm ơn, đó là niềm hạnh phúc vô bờ để mình phấn đấu chọn tạo những giống lúa tiếp theo”, Tống Văn Hải nói.    

Ngoài ra, anh còn chọn tạo được hai dòng cà chua chín chậm, kháng virut xoăn vàng lá gửi khảo nghiệm trên diện rộng. Là tác giả và đồng tác giả của 12 công trình, trong đó 3 công trình đăng trên tạp chí nước ngoài, 9 công trình khác đăng trên tạp chí và hội nghị chuyên ngành trong nước. Những công trình này là tài liệu quý cho các nhà khoa học tham khảo và ứng dụng, đặc biệt là các nhà khoa học trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng. Chia sẻ về những thành công Hải đã bày tỏ lòng chi ân, kính trọng của mình tới người thầy- PGS.TS. Phan Hữu Tôn: “Thầy đã ở bên tôi từ khi còn là sinh viên, hướng dẫn tôi những bước đầu đời khi tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học. Nhiều cánh đồng lúa đã ghi dấu bước chân của thầy trò tôi. Thành công của tôi có ngày hôm nay là nhờ có sự động viên, hỗ trợ của thầy. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những đề tài mà hai thầy trò còn đang dang dở”.

Thành đạt nhờ có thầy và giờ đây, Tống Văn Hải lại noi gương thầy để dìu dắt lớp trò sau. Những học trò do thầy Hải hướng dẫn đã dành giải Nhất VIFOTEC và giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc” năm 2009, rồi giải Ba giải thưởng này năm 2010. Anh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2009-2010.

Dành phần lớn thời gian cho nghiên cứu khoa học, Hải tâm sự, làm khoa học không có giờ giấc, có khi ở phòng thí nghiệm từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, khi phải mở cửa phòng thí nghiệm lúc nửa đêm. Vậy mà Hải còn kiêm chức Bí thư Liên chi đoàn Khoa Công nghệ Sinh học từ năm 2008 đến nay.
 
Đúng như quan điểm sống của Hải: “Sống hết mình, làm việc nhiệt tình”, nhà khoa học này xung phong làm Đội trưởng đội Sinh viên tình nguyện Khoa Công nghệ Sinh học để trong hai mùa hè 2011, 2012, trực tiếp dẫn đội về xã An Lạc (Lục Yên, Yên Bái) giúp xã vệ sinh môi trường, làm đường, trồng rừng, tập huấn kiến thức về gieo cấy một số giống lúa mới, dạy chữ và tập văn nghệ cho các em nhỏ.
 
Được vinh danh là 1 trong 1000 Đảng viên trẻ xuất sắc của Thành phố Hà Nội năm 2012 và mới đây nhà khoa học sinh năm 1979 này vinh dự là 1 trong 10 tài năng trẻ nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng – Giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, trao cho những người trẻ có thành tích nổi bật về Khoa học – Công nghệ.
 
ThS. Tống Văn Hải nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng (Ảnh ST) 

Chia sẻ về giải thưởng vừa nhận được, niềm vui vẫn tràn ngập trong ánh mắt của người con quê lúa: “Mình vui lắm. Ở quê mình vẫn còn nhiều người nghĩ “Con vua thì lại làm vua”, cứ ngồi học mãi cũng chả thành đạt được. Mình sẽ mang giải thưởng về khoe với họ hàng, dòng tộc để mọi người thay đổi suy nghĩ, để nhiều bạn trẻ phấn đấu cho sự học, dù có gặp phải không ít khó khăn”.

Hải Linh (Theo Bình Minh - Gương tài năng trẻ Khoa học Công nghệ tiêu biểu)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×