Những con số kinh hoàng về công nghệ 4.0: Niềm vui mừng hay Nỗi lo ngại?

Thứ hai, 18/06/2018

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố một báo cáo cho thấy sẽ có khoảng 56% người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc, trong hai thập kỷ tới. Đây sẽ là tín hiệu vui mừng cho các doanh nghiệp hay là nỗi lo sợ cho những người lao động?
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố một báo cáo cho thấy sẽ có khoảng 56% người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc, trong hai thập kỷ tới. Đây sẽ là tín hiệu vui mừng cho các doanh nghiệp hay là nỗi lo sợ cho những người lao động?

 

Từ chuyện “30.000 người máy hoạt động, 50 giây xuất xưởng 1 ô tô Volkswagen” 


Đứng thứ 6 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất năm 2017 của Fortune bình chọn, mới đây, tập đoàn Volkswagen đã vui mừng công bố cho toàn thế giới biết đến những hiệu quả của họ trong việc ứng dụng cải cách công nghiệp 4.0.
 
Theo như mô tả, tại một dây chuyền lắp đặt trong nhà máy của Volkswagen, các công nhân tất bật lắp đặt bảng điều khiển và các bộ phận nội thất của ô tô với sự trợ giúp của “Một cánh tay rô-bốt”. Chỉ mất vài phút, bảng điều khiển đã được lắp đặt một cách chính xác và nhanh gọn. Các robot này hoạt động nhịp nhàng và ăn khớp với con người
 

Sản xuất tự động nhờ Rô-bốt trong nhà máy xe hơi Volkswagen

Giáo sư Wolfgang Hackenberg, Chủ nhiệm phòng thí nghiệm sản xuất thông minh bộ phận IT tập đoàn Volkswagen cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đã thực hiện được việc đồng bộ kết hợp trực tiếp giữa con người và người máy”. Thế nên trong công xưởng của Volkswagen tại Slovakia, hiện tại sản xuất và lắp đặt 3 chiếc xe chỉ tốn 2,5 phút,. Như vậy, mỗi 50 giây, Volkswagen có thể sản xuất được một chiếc xe. Một con số thực sự đáng kinh ngạc!
 
Một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2016 tại Mỹ cho thấy nếu thay 3 công nhân làm máy khâu bằng một chiếc máy tự động, công ty có thể tiết kiện được 180.000 USD trong vòng 5 năm.
 
Theo dữ liệu công bố trong một bài viết trên tờ Financial Times ngày 24/2/2017, có 77,4% trong số các công ty khảo sát tại Trung Quốc cho biết chi phí mua và lắp đặt robot trong các dây chuyền sản xuất đã được thu hồi trong 3 năm ( tất nhiên là trong số này có một số công ty được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trang bị robot).
 
Cụ thể, công ty Henghui Funiture ở Quảng Đông, nơi đã cắt giảm được 40 trong số 200 nhân công trong vòng 2 năm sau khi lắp đặt robot, đã tiết kiệm được 1,9 triệu Nhân dân tệ tiền lương một năm, tương đương với chi phí trang bị robot, trong khi lợi nhuận tăng thêm 10% so với mức tăng hàng năm khoảng 5-10% trước đây.
 
Rõ ràng, những ứng dụng công nghệ 4.0 đang làm rất tốt vai trò của mình trong việc điều phối nắng suất và chất lượng sản phẩm thông qua những số liệu đáng kinh ngạc. Nhưng sự xuất hiện ồ ạt của máy móc và công nghệ tự động trong thời kì số hoá này sẽ đẩy những người lao động trình độ thấp đi về đâu?
 

Cánh tay Rô-bốt giúp đỡ con người hoàn thiện sản phẩm
 

Đến nỗi lo “Một công ty có thể phải sa thải 90% công nhân vì Robot” 


Đừng nghĩ chuyện robot cướp việc của con người vẫn còn đang đâu đó xa vời ngoài thế giới. Mới đây, một công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương, Việt Nam đã phải cho 90% công nhân nghỉ việc vì sự có mặt của Rô-bốt.
 
Con số này hoàn toàn là sự thật. Với năng suất và cường độ làm việc vượt trội, 5 robot có thể thay thế được số lượng lớn tới hơn 100 công nhân, và cứ sau 1 tiêng vận hành, mỗi rô-bốt sẽ cho ra 500 sản phẩm có độ chính xác cao đến từng milimet. Hiệu suất của dây chuyền này quả thật rất đáng nể.
 
Các rô bốt này hoàn toàn không bị chi phối bởi tâm lý và tình cảm, không có cảm giác mệt mỏi hay đau đớn, tất cả đều được vận hành đồng bộ, giảm thiểu tối đa rủi ro lao động và sai lệch trong sản phẩm tạo ra.

Tại Hà Nội mới đây, Đức Giang - công ty hóa chất hàng đầu Việt Nam, có mã giao dịch trên sàn chứng khoán là DGC cũng sa thải đến 80% lao động. Ông Đào Hữu Huyền, giám đốc công ty chia sẻ: “Tại nhà máy Lào Cai của chúng tôi, cứ 1600 người thì 300 người bị mất việc, các phòng ban của công ty tôi giờ hoạt động tự động hết.” Thậm chí tốc độ mất việc còn khủng khiếp hơn đối với các công nhân của ông Huyền tại nhà máy tại Long Biên. Xét riêng trong dây chuyền bột giặt vốn có 100 người vận hành nhưng khi thay thế bằng toàn bộ hệ thống máy móc, sẽ chỉ cần có 10 - 15 người vận hành.
 
Trước thực trạng này, có lẽ nhiều người công nhân trình độ thấp trên toàn thế giới hay là tại cả 340 khu công nghiệp ở Việt Nam, có lẽ đang rất lo lắng rằng rồi mình sẽ trở thành nạn nhân thất nghiệp tiếp theo của robot.
 

Tương lai, liệu có như thế này?
 

Giải pháp nào cho Doanh nghiệp và Người lao động thời kì số hoá? 


Lợi ích của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất về phía doanh nghiệp không thể bàn cãi. Về phía người lao động, hiển nhiên là sẽ có một bộ phận lao động nhất là lao động giản đơn, không có kỹ năng, sẽ bị đào thải trong quá trình các doanh nghiệp trang bị robot.
 
Tuy vậy, xu hướng robot hóa lại mở ra một con đường mới cho người lao động. Các vị trí làm việc liên quan đến robot đòi hỏi kiến thức chuyên biệt về máy móc và lập trình, và điều này dẫn đến sự thiếu hụt (và theo đó là tiền lương tăng lên cho) lao động có kỹ năng. Bởi vậy, các ngành và khóa đào tạo liên quan cũng bùng nổ tương ứng, đáp ứng nhu cầu mới của doanh nghiệp và người lao động.
 
Với một bộ phận những người lao động bị dôi dư sau khi doanh nghiệp lắp đặt robot mà không thể chuyển dịch sang vị trí liên quan đến robot, tình hình cũng không hoàn toàn tuyệt vọng. Cũng theo bài báo cáo trên, một số doanh nghiệp đã đào tạo lại và sắp xếp cho các lao động dôi dư vào các vị trí khác như kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cũng có những doanh nghiệp nhờ năng suất lao động, cải thiện hiệu quả kinh doanh do lắp đặt robot nên đã mở rộng quy mô doanh nghiệp nhanh chóng, nhờ thế mà có điều kiện tái tuyển dụng hầu hết những lao động dư thừa vào vị trí robot không thể đảm nhiệm được.
 
Nhìn từ góc độ toàn bộ nền kinh tế xã hội, xu hướng tự động hóa trước hết là hoàn toàn phù hợp với và là một lời giải hữu hiệu cho chủ trương của nhà nước nhằm chuyển đổi kinh tế theo hướng chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, cải thiện tính cạnh tranh, tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng trong bối cảnh đang diễn ra tình trạng già hóa dân số. Tự động hóa, robot hóa cũng mang đến những lợi ích to lớn và ít ngờ tới như giảm thiểu tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra các trung tâm kinh tế và công nghiệp làm quá tải cơ sở hạ tầng tại đó, đi kèm với những hệ lụy kinh tế xã hội to lớn.
 
Tất nhiên trong quá trình tự động hóa sẽ làm gia tăng những tranh chấp lao động giữa giới lao động và chủ doanh nghiệp, cũng như một số vấn nạn đi kèm như tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng trong một giai đoạn, một số khu vực cụ thể nào đó. Lúc này, chính quyền có một vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công việc từ người sang máy móc trở nên êm thấm hơn, thông qua những chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ năng, chuyển dịch lao động từ ngành, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, trợ cấp cho lao động mất việc, hỗ trợ doanh nghiệp tái sắp xếp lao động, phát triển ngành nghề thu hút lao động tại địa phương…
 
Suy cho cùng, dẫu vẫn sẽ có một bộ phận doanh nghiệp, ngành nghề và người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình động hóa nhưng đây là một xu hướng tất yếu khi đất nước đang “già” đi nhưng lại muốn leo lên bậc thang mới về giá trị gia tăng và năng suất lao động.
 
Hoàng Anh (Tổng hợp từ Cafebiz, Báo mới, Thanh niên)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×