Giải thưởng - Hội thi


Những nỗ lực sáng tạo nhân văn dành cho người khiếm thị

Chủ nhật, 22/07/2018

Người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc sách hay tiếp cận thông tin từ sách, báo, trong khi không phải ai cũng có cơ hội học chữ nổi, không phải sách nào cũng được chuyển thể qua chữ nổi. Với nỗ lực không mệt mỏi, các bạn trẻ đã sáng chế ra những thiết bị nhằm hỗ trợ cho những người khiếm thị trong việc học hay làm việc hằng ngày.
Người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc sách hay tiếp cận thông tin từ sách, báo, trong khi không phải ai cũng có cơ hội học chữ nổi, không phải sách nào cũng được chuyển thể qua chữ nổi. Với nỗ lực không mệt mỏi, các bạn trẻ đã sáng chế ra những thiết bị nhằm hỗ trợ cho những người khiếm thị trong việc học hay làm việc hằng ngày.
 

Nỗ lực mang thiết bị hỗ trợ đọc, viết đến người khiếm thị của hai học sinh Đà Nẵng
 

Mong muốn người khiếm thị có thể thuận lợi hơn trong học tập và làm việc, nhóm học sinh Nguyễn Văn Hoài Linh và Ngô Quang Hiếu (học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP.Đà Nẵng) đã chế tạo nên “Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị”.

Ý tưởng chế tạo thiết bị xuất hiện trong một lần hai bạn đi thăm những bạn học sinh ở trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đà Nẵng). Tại đây, Linh và Hiếu nhận thấy nhiều bạn khiếm thị hiếu học nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp và học tập. Việc học bằng chữ nổi Braille chưa mang lại hiệu quả cao. Thầy và trò phải dùng tay đục thủ công từng kí tự một lên tấm giấy bìa cũ và các bảng nhựa để có tài liệu học, ký tự lúc đục vào phải là ký tự ngược, rất dễ có sai sót và nhầm lẫn,…
 

Hiếu và Linh thuyết trình về sản phẩm tại Cuộc thi Young Makers Challenge 2017 khu vực miền Trung (Ảnh: Đoàn Lê)
.
Chứng kiến những trở ngại đó, Linh và Hiếu nảy ra ý tưởng sáng tạo một chiếc máy có thể hỗ trợ người khiếm thị đọc và viết. Từ ý tưởng này, thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị đã ra đời sau một năm được nhóm tác giả mày mò nghiên cứu.

Thiết bị hỗ trợ gồm hai bộ phận chính: Mô hình hiện chữ nổi và bàn phím. Trên thân máy có 2 nút bấm là nút nhập và nút kích hoạt in văn bản cùng dãy ký tự chữ nổi được tích hợp.

Khi sử dụng, chỉ cần đưa văn bản thông thường vào thiết bị bằng cách đọc hoặc gõ văn bản, sau đó nhấn nút kích hoạt; thiết bị sẽ chuyển nội dung văn bản sang ngôn ngữ Braille và in nội dung chữ nổi ra giấy.

Nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để có thể tạo ra một thiết bị hoàn chỉnh, người sáng chế cần phải có những kiến thức chuyên sâu ở cấp độ đại học trở lên, đó cũng là khó khăn mà những học sinh THPT như Linh và Hiếu gặp phải. Chính vì vậy cả hai đã rất nỗ lực học hỏi từ Internet và sách vở chuyên môn,… Theo Linh và Hiếu, chi phí để tạo ra một thiết bị như vậy tốn hết 1,5 triệu đồng.

Điểm đặc biệt của thiết bị so với những thiết bị khác trên thị trường chính là khả năng hỗ trợ được cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đồng thời có cả hai chức năng là đọc và viết.

“Mục tiêu của nhóm khi tạo ra thiết bị chính là việc làm thế nào để hỗ trợ tối đa cho người khiếm thị trong việc học và làm việc. Chính vì vậy, thiết bị cần phải có nhiều chức năng và có tính ứng dụng cao”, Linh cho biết.
 
Chiếc máy được đánh giá có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. (Ảnh: Đoàn Lê).
 
Với nỗ lực không mệt mỏi, Hiếu và Linh đã đưa thiết bị đến tay thầy và trò trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Hầu hết mọi người đều nhận xét thiết bị rất trực quan, dễ sử dụng; học sinh có thể thao tác nhanh chóng sau khi được hướng dẫn.

Mục tiêu của nhóm trong tương lai chính là mong muốn thiết bị có thể đến với nhiều người hơn, được biết đến rộng rãi hơn, từ đó thay thế hoàn toàn sách khắc chữ nổi nhằm cải thiện chất lượng học tập và làm việc cho người khiếm thị.

Hiện tại thiết bị đã được cải thiện đáng kể về ngoại hình và tốc độ xử lý ký tự nhằm tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Với tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và ý nghĩa nhân văn của mình, trong năm học 2016 - 2017, thiết bị đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP. Đà Nẵng và Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam lĩnh vực Hệ thống nhúng.
 

 “Máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách” của sinh viên Việt vang danh trên đất Mỹ


Vừa trở sau chuyến “trình diễn” thành công trên đất Mỹ, đội Curiosito gồm 5 thành viên: Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Khánh Trình, Nguyễn Thiên Phước, Tạ Sinh Phúc và Bùi Lê Đạt lớp 14TDHCLC (Khoa Điện, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) lại vùi đầu vào nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới.

Vượt qua nhiều đội thi đến từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới, thiết bị “FingerReader” của đội Curiosito được ban giám khảo đánh giá cao bởi cách áp dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn.

Bạn Nguyễn Thái Hoàng - đại diện Đội Curiosito chia sẻ, chiếc máy được cấu tạo khá đơn giản và nhỏ gọn (kích thước tổng cộng chỉ bằng bao thuốc lá).
 

Đội Curiosito thuyết trình về sản phẩm "máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách". (Ảnh: Đội Curiosito cung cấp).
 
“Thiết bị bao gồm một camera nhỏ gắn trên một hộp 3D thiết kế đặc biệt để tay người có thể đeo được. Camera được nối với một máy tính nhúng Raspberry Pi có chức năng nhận và truyền dữ liệu cần tính toán lên Cloud. Khi người đọc chỉ tay vào ký tự của sách và chụp ảnh lại bằng tay mình, hệ thống sẽ đưa lên Cloud xử lý và sẽ nhận về dữ liệu là audio để xuất ra loa hoặc tai nghe. Hiểu một cách đơn giản là máy sẽ làm nhiệm vụ chuyển từ ký tự của sách sang giọng đọc để người khiếm thị có thể nghe được”, Hoàng giải thích.

Với sản phẩm “độc nhất vô nhị” này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách trên thị trường mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ.

Chia sẻ thêm về ý tưởng chế tạo máy FingerReader, bạn Nguyễn Khánh Trình nói: “Tụi mình nhận thấy rằng, việc đọc sách là cách hữu ích và tiện lợi để tiếp cận, thu thập thông tin ngày nay. Nhưng đối với người khiếm thị thì lại rất khó khăn, vì không phải ai cũng có cơ hội học chữ nổi, không phải sách nào cũng được chuyển thể qua chữ nổi… Chính vì thế, nhóm em mới nảy ra ý tưởng thiết kế ra một thiết bị giúp họ có thể đọc được những cuốn sách bình thường mà không cần phải có sự trợ giúp của người khác”.

Để có thể đưa sản phẩm FingerReader vang danh trên đất Mỹ, nhóm của Hoàng, Trình đã phải mày mò, vật lộn với những dữ liệu, thông số phức tạp hàng tháng liền. Có những lúc tưởng chừng như phải dừng lại ở mức ý tưởng, còn không thể cho ra thông số để chế tạo máy. Nhưng với quyết tâm, niềm đam mê, các bạn đã cho ra đời “đứa con” FingerReader độc đáo và ý nghĩa.

“Từ lúc lên ý tưởng đến nay đã khi bắt tay vào chế tạo máy chỉ vỏn vẹn trong vòng ba tháng. Trong quá trình làm thì nhóm em gặp rất nhiều khó khăn về xử lý phần mềm vì hầu hết nhóm em đều là dân không chuyên về lập trình. Nhưng sau một thời gian tìm tòi và với sự trợ giúp tận tình của thầy Ngô Đình Thanh và các bạn trong câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học Emaker của khoa Điện thì bọn em cũng xử lý được các vấn đề liên quan đến phần mềm” Hoàng nhớ lại.
 

Sản phẩm FingerReader của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. (Ảnh: đội Curiosito cung cấp).
 
Dù đạt giải Nhất trong một cuộc thi về công nghệ nhưng Nguyễn Thiên Phước khiêm tốn bày tỏ: “Qua cuộc thi lần này, tụi em cũng rút ra được nhiều bài học. Bản thân nhóm em còn khá nhiều thiếu sót. Nhưng thông qua các áp lực từ phía ban giám khảo và trải nghiệm thực tế đã góp phần giúp em tìm ra và bổ sung các thiếu sót của bản thân. Chính vì vậy, nhóm em luôn coi áp lực chính là động lực cho bản thân để chinh phục nó”.

Tương lai, nhóm cũng sẽ nghiên cứu sâu hơn để phát triển thiết bị không chỉ để dùng vào việc đọc sách mà còn để giúp người khiếm thị nhận diện các đồ vật ở siêu thị hoặc để dạy ngôn ngữ cho trẻ em khi không có người lớn ở nhà...

“Sau khi hoàn thiện sản phẩm như mong muốn, nhóm sẽ hướng đến việc thương mại hóa sản phẩm, để có nhiều người không may bị khiếm thị có thể tiếp cận thiết bị, hỗ trợ họ những sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống”, Hoàng cho biết thêm.
 

Thiết bị dạy học cho người khiếm thị


Đó là sáng kiến của hai em Nguyễn Lê Sang và Lê Nguyên Trí, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên, giải pháp góp phần khơi dậy niềm đam mê học tập cho người khiếm thị.
 
Nguyễn Lê Sang cho biết về ý tưởng sáng tạo của mình: Trong một chuyến đi từ thiện giúp đỡ các học sinh khuyết tật đang học tập tại một lớp học tình thương ngoại tỉnh, từ thực tế quan sát người khiếm thị, Sang nhận thấy những người khiếm thị ở đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong học tập; từ tình thương và lòng cảm phục, em cảm thông sâu sắc sự khó khăn vất vả của các bạn học sinh khiếm thị khi phải dò đọc bằng chữ nổi trên giấy và bảng gỗ. Sang chợt nảy ý định chế tạo ra thiết bị dạy học cho người khiếm thị, giúp họ có thể đọc, viết dễ dàng hơn, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Em Nguyễn Lê Sang chia sẻ: “Dịp đó, em đã tiếp xúc rất nhiều với trẻ khiếm thị. Được trò chuyện và vui đùa cùng, em càng khâm phục những đứa trẻ ấy. Mặc dù không nhìn thấy nhưng các em luôn khao khát được học tập, tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình. Vì vậy, ngay sau chuyến đi, em quyết tâm thực hiện bằng được một chiếc máy để giúp các em phần nào trong việc đọc, viết và có cơ hội tiếp cận với kiến thức trong sách vở nhiều hơn”.

Mãi đến năm lớp 11, khi được tiếp xúc với phần mềm Arduino - “Xe điều khiển qua bluetooth”, Sang mới chia sẻ với Lê Nguyên Trí về ý tưởng này, Trí tỏ ra thích thú và nhanh chóng tham gia chế tạo. Thế là Sang và Trí bàn nhau tìm cách chế tạo một thiết bị giúp người khiếm thị đỡ vất vả khi học tập trên nền tảng phần mềm Arduino.
 
Nguyễn Lê Sang và Lê Nguyên Trí với giải pháp sáng tạo “Thiết bị dạy học cho người khiếm thị”.  

Sang và Trí nhận thấy ở các trường hoặc trung tâm khiếm thị, để có sách cho người khiếm thị đọc, giáo viên phải dịch từ văn bản bình thường sang chữ nổi Braille bằng cách chấm thủ công trên giấy mất nhiều thời gian. Trong khi đó, các thiết bị hỗ trợ hiện đại của nước ngoài khá đắt tiền khiến việc học tập và cơ hội hòa nhập của người khiếm thị bị hạn chế và khó đạt hiệu quả cao.

Một khó khăn hai em gặp phải khi thực hiện mô hình được Lê Nguyên Trí chia sẻ rằng: “Vì chúng em học khác lớp nên quỹ thời gian học tập và nghỉ ngơi của cả hai cũng không trùng nhau. Vì vậy, em và Sang luôn cố gắng sắp xếp thời gian để nghiên cứu cùng nhau. Trong quá trình thực hiện, em đảm nhận mảng thiết kế, còn Sang đảm nhận bên lập trình. Mặc dù bước đầu, cả hai gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm tìm tòi nghiên cứu và khắc phục khó khăn của mình, sau 3 tháng ròng nghiên cứu, các em cũng đã hoàn thành xong mô hình “thiết bị dạy học cho người khiếm thị”.

Là người luôn bên cạnh hỗ trợ và giúp đỡ hoàn thành thiết bị dạy học cho người khiếm thị của Sang và Trí, em Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, chủ nhân của máy cắt Laser nghệ thuật KlaserCutter, vui vẻ nói: “Em rất vui thi thấy các em có niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Vì vậy, em luôn sẵn sàng hỗ trợ các em bằng những kiến thức và kinh nghiệm của mình. Ban đầu, em tập trung hướng dẫn nền tảng công nghệ cơ bản: Arduino, 3D, Sketchup... Sau khi dự án đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 4, em còn hướng dẫn thêm các phần mềm dùng để cải tiến và nâng cấp thiết bị”.

Tuy nhiên, để chế tạo thiết bị trên không chỉ cần kiến thức về lập trình mà còn phải hiểu biết về điện, các loại IC, vi điều khiển, cơ khí... Những kiến thức này chủ yếu chỉ được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng... Mặt khác, công việc nghiên cứu phần cứng vô cùng tốn kém về đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Nhưng bằng sự nỗ lực và động viên của gia đình, cả hai đã vượt qua những thử thách ban đầu để tiếp tục thực hiện đam mê sáng tạo của mình.

Sang chia sẻ thêm: “Trên thực tế, để người có bệnh về mắt có thể đọc được thì họ chủ yếu áp dụng phương pháp đâm vào giấy tạo ra những lỗ hổng theo đúng chữ cái cần thiết. Dựa vào phương pháp này, em và Trí đã sử dụng phương thức mã hóa ngược để chuyển hóa các chữ Braille thành các chữ nổi thông qua các nút bấm vật lý. Đối với phương pháp này, người sử dụng chỉ cần nhấn các phím trên máy, máy sẽ hiển thị trên khung hiển thị rồi sau đó sẽ truyền thông tin đến website điều khiển vào màn hình LCD để giáo viên hoặc các thành viên trong gia đình có thể thấy được những chữ cái mà người khiếm thị viết lên có đúng hay không”.

Với hy vọng nhân rộng giải pháp nhằm giúp người khiếm thị thuận tiện trong sinh hoạt cũng như học tập hằng ngày. Do đó, các bạn Sang và trí đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình chế tạo thiết bị đã góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy học cho người khiếm thị. Đây là thiết bị mang nhiều tiện ích phù hợp để sản xuất cung cấp cho các trung tâm dành cho người khiếm thị. Và một điều hết sức nhân văn nữa đó là giải pháp này lóe lên niềm tin cho những người không có ánh sáng biết đọc, viết và hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
 
Ngọc Lam tổng hợp (Theo dân trí, Khoa học, báo mới)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×