Những nữ sinh viên giàu nghị lực và tài năng

Chủ nhật, 03/05/2020

"Mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi học cách đem những hạt nắng kết thành một mặt trời ấm áp, để rồi hôm nay tôi nhận ra hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành', cô gái trẻ Thu Loan kể.

1. Cô sinh viên khiếm thị và 'Giấc mơ nơi thiên đường'


"Mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi học cách đem những hạt nắng kết thành một mặt trời ấm áp, để rồi hôm nay tôi nhận ra hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành', cô gái trẻ Thu Loan kể.


Nghiêm Vũ Thu Loan bên người mẹ luôn hi sinh theo cô con gái suốt chặng đường học tập - Ảnh: K.ANH

Trong lời tựa của cuốn sách đầu tay Giấc mơ nơi thiên đường, Loan viết: "Dù chúng ta là ai, hoàn cảnh của chúng ta thế nào thì tôi vẫn biết rằng ở nơi sâu thẳm nhất, mềm mại nhất của trái tim, chúng ta đều cất giấu một khoảng trời an vui, vậy vì sao chúng ta không đem khoảng trời nho nhỏ ấy hóa thành thiên đường mà ta mơ ước".

Suất học bổng Chắp cánh ước mơ trị giá gần 1 tỉ đồng dành riêng cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và không có cơ hội tiếp cận với chương trình học đại học vừa được RMIT trao tặng đến Nghiêm Vũ Thu Loan, ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô sinh viên khiếm thị với mong ước trở thành một cây bút viết về hiện thực xã hội.

Khát khao học

Căn bệnh mắt bẩm sinh và một tai nạn ngày bé đã vĩnh viễn cướp đi thị lực của cô gái trẻ xinh xắn Thu Loan. Lớn lên bên nếp nhà ở vùng ngoại ô huyện Ứng Hòa của Hà Nội, cô gái nhỏ đã gặp những trở ngại khi biết mình không thể nhìn rõ mọi vật. Loan đến lớp nhưng không thể viết chữ mà chỉ nghe thầy cô giáo giảng. 

Hết nửa năm lớp 1, Loan đành phải nghỉ học dù gia đình có chạy chữa nhiều nơi vẫn không tìm lại ánh sáng cho cô con gái nhỏ. 

Ở nhà, Loan nhờ chị gái dạy cách làm toán, nghe và đọc theo chị nên Loan luôn khát khao được đi học trở lại. Thấy vậy, mẹ của Loan đã đưa cô con gái đến học nội trú tại Trường Nguyễn Đình Chiểu khi cô bé lên 9 tuổi.

Làm quen với chữ nổi một cách nhanh chóng, chỉ sau một năm Loan đã hoàn thành chương trình của hai lớp để lên thẳng lớp 3. Suốt cả thời cấp I rồi cấp II, Loan luôn thể hiện niềm say mê học tập của mình, cô bé thi đậu vào Trường THPT Yên Hòa. Mẹ của Loan lặn lội từ quê lên, thuê nhà trọ ở cạnh trường để lo cho con gái.

"Ngày còn học phổ thông, mình dựa vào bài giảng thu âm, sách nói và các nguồn tư liệu số" - Loan chia sẻ bí quyết.

Thích hoạt động cộng đồng

Từ thời học cấp II, Loan đã cùng một nhóm bạn làm sách nói để chia sẻ với cộng động. Sau đó dự án tạm ngưng, Loan hợp tác với một số chương trình quốc tế tiếp tục làm cho các bạn khiếm thị khác.

Và mới đây, Loan cùng các sinh viên khiếm thị khác lập CLB hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ. "Vì mình hiểu những khó khăn, trở ngại của người khiếm thị nên mình rất muốn làm thật nhiều những gì có thể giúp những bạn cùng cảnh ngộ, đặc biệt các bạn đi sau có thêm động lực vươn lên trong học tập, cuộc sống. Mình cũng sẽ làm những hoạt động giúp xã hội thay đổi cách nhìn về người khiếm thị, tạo điều kiện để họ hòa nhập, phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội" - Loan chia sẻ.

Gặp Loan trong lần cô có mặt tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) chia sẻ, giao lưu với bạn đọc ngày ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Giấc mơ nơi thiên đường (NXB Hội Nhà Văn Việt Nam), Loan nói về những câu chuyện đầy màu sắc, giàu nhiệt huyết của các bạn trẻ không ngừng vươn lên trong cuộc sống, trải dài trên hơn 200 trang sách.

Trong sách, Loan viết: "Mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi góp nhặt riêng cho mình những hạt nắng lung linh, mỗi ngày trôi đi là một ngày tôi học cách đem những hạt nắng ấy kết thành một mặt trời ấm áp để rồi hôm nay tôi nhận ra hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành".

Chọn học ngành truyền thông chuyên nghiệp, Loan hi vọng sẽ có kiến thức và kỹ năng để viết lách. "Mình thích viết về xã hội hiện thực và truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người khiếm thị cũng như cái nhìn của xã hội về những người khiếm thị" - cô gái trẻ bộc bạch.

Từ năm 14 tuổi đến nay, Loan đã liên tục cộng tác với Hội Người mù TP Hà Nội để chia sẻ về khát vọng, về những gì người khiếm thị đang trải qua. Bên cạnh đó, cô còn làm trợ giảng tiếng Anh cho Trung ương Hội Người mù Việt Nam trong vòng một năm. "Thu Loan đạt điểm số cao trong lớp kỹ năng hòa nhập. Với đức tính cần cù và thông minh, cô đã hoàn tất chương trình bốn năm chỉ trong vòng hai năm" - bà Chu Thị Thu Hà, phó chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội, cho biết.

Thu Loan tận dụng mọi cơ hội học tập có được để tích lũy vốn kỹ năng về công nghệ thông tin, về truyền thông trực tuyến, về cách sử dụng và làm sách nói. "Mình muốn rèn giũa những kỹ năng trong ngành truyền thông để có thể đem tiếng nói đến cho những người khuyết tật trong xã hội, để câu chuyện của họ được nhiều người biết đến hơn" - cô gái trẻ chia sẻ về ước mơ và động lực giúp cô dành hẳn một năm chuẩn bị ứng tuyển cho suất học bổng thường niên của RMIT.
 

2. Nữ sinh khiếm thị 'đem cả gia tài đi học' trở thành sinh viên sư phạm

 

Thị lực khiếm khuyết đến 87%, Vân Như phải dùng những quyển vở khổng lồ để ghi chép. Có hôm cô 'nhét' vô cặp gần 15kg sách vở và dụng cụ học tập, bạn bè chọc cô 'đem nguyên gia tài vô trường luôn hay sao vậy?'.


Vân Như dùng kính lúp để có thể đọc sách cỡ chữ nhỏ - Ảnh: TR. NHÂN

Hai huy chương vàng môn văn kỳ thi Olympic tháng 4 TP.HCM năm lớp 10 và 11, giải nhất môn văn kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, học sinh xuất sắc nhất toàn trường với điểm trung bình 9,1... Nghị lực của nữ sinh khiếm thị Yang Vân Như (THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) khiến không ít người phải trầm trồ.

Cô nữ sinh có thị lực khiếm khuyết đến 87% này cũng vừa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo hình thức ưu tiên xét tuyển.  

Những quyển tập "khổng lồ"

Trong 12 năm học phổ thông, Như chỉ học trường chuyên biệt đúng năm lớp 1, còn lại đều sinh hoạt trong môi trường hòa nhập như các bạn sáng mắt đồng trang lứa. Cũng từ năm lớp 2, Như kể, cô luôn là thành viên đặc biệt trong lớp khi lúc nào cũng "đục chấm" những quyển tập không bút mực.

Đến năm lớp 9, thấy hệ thống chữ Braille hạn chế tốc độ và các ký hiệu những môn tự nhiên, Như quyết định chuyển hẳn sang chữ sáng.

Quyển vở chữ sáng của Như cũng rất đặc biệt khi dùng loại giấy chuyên viết... chữ nổi - cứng và lớn hơn gấp 4 lần một trang vở bình thường - được gấp đôi lại và dán băng keo ở 1 đầu. Như chọn bút lông thay bút bi, bởi viết được cỡ chữ lớn hơn và đậm nét hơn để dễ theo dõi.


Những quyển vở “khổng lồ” của Vân Như - Ảnh: TR.NHÂN

"Nhiều lúc một bài học các bạn viết 2 trang nhưng tập của mình cần đến 4 tờ giấy. Bởi vậy số tập vở của mình rất nhiều, cuối năm làm kế hoạch nhỏ có khi cân được đến hơn 50kg" - Như cười.

Để chứa những quyển vở "khổng lồ", Như cũng cần một chiếc cặp cũng lớn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi cặp của các bạn khác. Có hôm cô nữ sinh này "nhét" vào bên trong gần 15kg sách vở và dụng cụ học tập. Như kể, nhiều bạn không khỏi bất ngờ và có khi đùa với Như chuyện "đem nguyên gia tài vô trường luôn hay sao vậy?".

Không chỉ sách vở khác lạ, Như còn thành thạo sử dụng một "bảo bối" hỗ trợ trong lớp học, là chiếc laptop. Như kể, trước đây cũng đã nghe nhiều lời khuyên từ bạn bè và thầy cô khiếm thị về tiện ích của laptop cho người khuyết tật thị giác, trong đó có phần mềm hỗ trợ giọng nói, nhưng Như lại cảm thấy chưa đủ can đảm để dùng trên lớp.

Còn giờ đây, Như đã là một "chuyên gia" laptop, tốc độ đánh máy đã ngang với tốc độ viết của các bạn, giúp Như ghi chép những môn phải viết nhiều, cùng Như vào những phòng thi học sinh giỏi các cấp...

"Mình dùng máy tính cho những môn phải viết nhiều như văn, sử và địa, còn những môn tự nhiên nhiều ký hiệu khó thì mình dùng máy tính, giấy và bút lông" - Như nói.

Luôn "được" chấm hội đồng

"Vì sao Như mê văn chương?" - chúng tôi thắc mắc. "Học văn giúp mình hiểu con người mình hơn, qua mỗi tác phẩm mình như mở rộng suy nghĩ thêm. Đọc truyện, đọc thơ nhiều ngôn ngữ cũng đa dạng hơn, giúp mình biểu đạt được những gì mình mong muốn. Đó cũng là khả năng mà một người khiếm thị như mình rất cần" - Như chia sẻ.


Thầy Nguyễn Đình Khoa - tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn An Ninh, người ôn luyện cho Như trong suốt 3 năm - cho biết những lần thi học sinh giỏi, bài thi của Như do làm trên máy tính rồi in ra nên đều "được" ưu ái lựa chọn cho hội đồng chấm mẫu. Dưới mắt "soi" của tất cả giám khảo, các bài văn của Như đều được đánh giá cao và nhiều thầy cô bảo vệ cho Như đoạt giải cao nhất.


"Có lần một giáo viên sau buổi chấm thi học sinh giỏi đã đăng Facebook bày tỏ xúc động về một bài viết truyền cảm hứng của học sinh khiếm thị, đó là bài của Vân Như" - thầy Khoa kể - "Văn của Như có chất riêng, không phải nét của một học sinh chăm chỉ học bài mà chứa nhiều tư duy và cá tính".


Ấn tượng về cô học trò, thầy Khoa - cũng là chủ nhiệm Như lớp 12 - cho biết mặc dù bất lợi hơn bạn bè, Như bao giờ cũng đi học đầy đủ và đúng giờ, bất kể mưa nắng. Hết năm học, dù được miễn thi THPT quốc gia nhưng Như vẫn đến trường ôn tập và làm bài chăm chỉ cho đến ngày cuối cùng, không hề lơ là.


"Như cũng là người rất tình cảm, có lần sinh nhật tôi, Như tự làm một tấm thiệp, dù bề ngoài cũng như những tấm thiệp khác nhưng tôi vô cùng cảm động. Hay trong lễ tri ân trưởng thành, Như không cầm giấy mà vẫn phát biểu truyền cảm làm học sinh, phụ huynh nước mắt ngắn dài" - thầy Khoa kể.


Nhà văn tương lai


Chiếc kính lúp giúp Như có thể đọc sách cỡ chữ nhỏ - Ảnh: TRỌNG NHÂN











Chị Huỳnh Ân Ân (Q.5, TP.HCM) - mẹ của Vân Như - chia sẻ những gì con chị đạt được hiện tại ngoài nhờ sự nỗ lực cá nhân còn có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, thầy cô, bạn bè...







Chị cho biết khi hay tin con bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình đã tìm mọi cách chữa trị nhưng không thành công. Từ đó, gia đình cố gắng vun đắp cho Như có thể hòa nhập tốt nhất với cộng đồng xung quanh.







"Ngay từ khi mẫu giáo, tôi đã cho Như học hòa nhập, lúc đó phải năn nỉ nhiều trường lắm vì người ta cũng ngại bởi chăm sóc các học sinh như Như khá khó khăn" - chị Ân nói.






"Tôi thường nói với con rằng con chỉ yếu thị lực, còn lại con hơn các bạn khác rất nhiều, nhất là các bạn khuyết tật khác. Cả nhà ai cũng dành tình thương và giúp con có thể lớn lên, bởi vậy con phải không ngừng nỗ lực để tự lập. Tôi còn hi vọng khi lên đại học, Như sẽ gặp một vài vấp ngã để trưởng thành thêm".

Chị Huỳnh Ân Ân (mẹ của Vân Như)



Với việc trúng tuyển vào khoa sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo hình thức ưu tiên xét tuyển, cô gái nhỏ này ước mơ trong tương lai sẽ có cơ hội đi sâu vào nghề viết, và có thể trở thành một nhà văn trong tương lai. 



"Mình sẽ cố gắng tìm thêm tài liệu của các trường ĐH khác nghiên cứu thêm và bắt đầu tập viết nhiều hơn. Bút danh chắc mình sẽ đặt là Bạch Vân, tại mình hâm mộ Nguyễn Bỉnh Khiêm (hiệu Bạch Vân am cư sĩ - PV) lắm" - Như cười.
 
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Minh Ngọc tổng hợp (Theo tuoitre.vn)

 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×