Những tấm gương học sinh dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 27/07/2019

Em Triệu Phan Thế Phương, người đồng bào dân tộc Dao, lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk

Em Triệu Phan Thế Phương, người đồng bào dân tộc Dao, lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk


Với 2 năm liền đạt giải Nhì Học sinh giỏi quốc gia, em Triệu Phan Thế Phương, người đồng bào dân tộc Dao, lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk được đặc cách miễn thi tốt nghiệp THPT quốc gia và được 3 trường đại học lớn tuyển thẳng: ĐH Y dược Huế, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Y dược TP.HCM.
 

Triệu Phan Thế Phương xuất sắc được 3 trường ĐH lớn tuyển thẳng

Năm học lớp 11 và lớp 12 Phương đều đạt giải Nhì Học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Với việc nằm trong top 32 người có điểm thi Học sinh giỏi quốc gia cao nhất và được nằm trong đội dự tuyển thi Olympic quốc tế, Phương đã được các trường ĐH mời nhập học. Trong đó, em đã chọn trường ĐH Y dược TP.HCM để học tập theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ giỏi.

“Em thích môi trường năng động của TP.HCM, nơi này cũng gần nhà em hơn so với Huế hay Hà Nội. Trường ĐH Y dược TP.HCM là ngôi trường của rất nhiều y, bác sĩ giỏi nên em đã đăng ký học để cố gắng, rèn luyện và phấn đấu” - em Phương cho hay.

Nói về bí quyết học tập của mình, Phương cho biết do em học lớp chuyên Sinh nên môn học này em đầu tư khá nhiều thời gian, đây là môn nhiều lý thuyết nên Phương luôn nắm thật vững kiến thức ở sách giáo khoa, luôn chú trọng nghe thầy cô giáo giảng bài. Ngoài ra, em còn tham gia vào các nhóm học trên internet để cùng nhau làm bài tập, thảo luận, tranh luận các dạng bài khác nhau để nâng cao kiến thức.

“Em thường viết ra những câu hỏi cùng câu trả lời của các dạng bài tập khó vào các tờ giấy nhỏ rồi dán khắp phòng mình, để tiện đọc đi đọc lại cho nhớ kỹ. Bên cạnh đó em còn được các thầy cô giáo, nhất là thầy giáo chủ nhiệm truyền đam mê và cung cấp nhiều tài liệu, đề thi bổ ích cho việc học, trong thi cử để đạt được kết quả cao.” - Phương vui vẻ nói.


Phương rất đam mê nghiên cứu và ước mơ trở thành bác sĩ giỏi

Việc nằm trong đội tuyển thi Học sinh giỏi quốc gia của tỉnh nên trước khi bước vào năm học Phương đã học trước chương trình để có thời gian ôn thi. Tuy nhiên, Phương quan điểm không học lệch mà học chăm đều tất cả các môn học, vì vậy trong 3 năm học THPT em đều là học sinh giỏi toàn diện, nằm trong top 5 người có điểm tổng kết cao nhất trường THPT Chuyên Nguyễn Du.

Phương được cách miễn thi tốt nghiệp THPT nên trong thời gian khi bạn bè đồng trang lứa tất bật việc ôn thi em lại trau dồi, củng cố thêm tiếng Anh để chuẩn bị hành trang khi bước vào giảng đường đại học.

Với Phương người giúp sức và hỗ trợ rất nhiều cho em trong việc học ngoài thầy cô, bạn bè đó chính là mẹ em. Là giáo viên tiếng Anh, mẹ của Phương giúp em dịch rất nhiều tài liệu nước ngoài để em học và còn giúp em củng cố kiến thức bằng nhiều cách.

“Em xem mẹ như một người bạn thân vậy, em thường giảng lại bài cho mẹ nghe, sau đó em sẽ đặt các câu hỏi để mẹ trả lời. Việc làm này giúp em hiểu bài rất kỹ và sâu, em cảm ơn mẹ rất nhiều vì lắng nghe em mà không hề mệt mỏi, khi em thức khuya học bài mẹ cũng đồng hành và luôn bên cạnh em.” - Phương nói trong hãnh diện.

Phương chia sẻ thêm, việc học em luôn cố gắng để không xảy ra áp lực căng thẳng, những lúc mệt mỏi em thường đi chơi bạn bè cho khuây khỏa hoặc rủ em gái đi ăn, xem phim hoạt hình…

“Sắp tới xa gia đình để đi học, em biết sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ ban đầu nhưng em sẽ luôn cố gắng để hòa nhập, học tập, rèn luyện thật tốt không để cho bố mẹ và những người yêu thương em phải lo lắng”, Phương nói thêm.


Phương bên cạnh bố mẹ và em gái

Ông Triệu Đức Thịnh (bố em Phương) cho biết: “Ngay từ bé, Phương đã có tính tự giác trong học tập, bố mẹ chưa bao giờ phải nhắc nhở hay áp đặt việc học cho cháu mà để cháu tự phát triển. Những khi cháu ôn thi nhiều, bố mẹ chỉ động viên cháu cố gắng, giữ gìn sức khỏe và không quá coi trọng thành tích vì tương lai cháu còn dài còn rất nhiều chặng đường phía trước để nỗ lực”.

Chia sẻ về cậu học trò, thầy giáo Phạm Ngôn - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Sinh dành nhiều lời khen ngợi cho Phương. “Phương là học trò giỏi điển hình, tiêu biểu của nhà trường với hàng loạt giải thưởng các kỳ thi và em cũng nhận nhiều học bổng. Ở em nổi bật với sự đam mê, tính tự học, tự nghiên cứu, rất thông minh nhưng lại khiêm tốn. Tôi rất tự hào khi có được một học trò xuất sắc như vậy và cũng thường lấy hình ảnh của em Phương để giới thiệu cho các học sinh khóa sau noi gương”.
 

Em Lục Thị Doanh, nữ sinh mồ côi người Thái ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) phải làm thêm trang trải việc học đã đạt 27,75 điểm khối C và mở rộng cánh cửa vào Trường Đại học Vinh


Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Lục Thị Doanh (lớp 12C2, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An) xuất sắc giành 27,75 điểm xét tuyển khối C, trong đó Ngữ văn 9,25 điểm, Lịch sử 9 điểm, Địa lí 9,5 điểm. Doanh trở thành thí sinh có điểm xét tuyển khối C cao nhất trường.


Nữ sinh mồ côi người Thái Lục Thị Doanh ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn.

Nói về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Bính, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2 tự hào: “Em Lục Thị Doanh là một học sinh có tố chất thông minh, chăm ngoan, lễ phép, ham học hỏi và tính tự lập cao. Doanh đang học giữa năm lớp 12 thì bố em qua đời. Cú sốc ấy khiến em chững lại một thời gian nhưng nhanh chóng xốc lại tinh thần, nỗ lực hơn trong học tập và xuất sắc giành được kết quả này.

Không chỉ có bản lĩnh, học lực tốt mà Doanh còn là cán bộ Đoàn năng nổ, có năng khiếu ca hát. Năm học vừa qua, Lục Thị Doanh là 1 trong 5 học sinh xuất sắc được kết nạp Đảng tại trường”.


Lục Thị Doanh (ngoài cùng bên trái) là 1 trong 5 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An được kết nạp Đảng trong năm học vừa qua.

Những ngày tháng 7 nắng "đổ lửa", Lục Thị Doanh vẫn miệt mài làm thêm ở một quán cà phê tại TP Vinh thay vì tận hưởng niềm vui đạt kết quả cao như các bạn. “Em tranh thủ làm thêm kiếm tiền để trang trải cuộc sống sinh viên sắp tới, đỡ đần mẹ phần nào”, Doanh tâm sự.

Lục Thị Doanh sinh ra trong gia đình người Thái ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Bố mắc bệnh suy thận mãn, phải chạy thận chu kỳ, mẹ phải gánh vác kinh tế gia đình nên từ nhỏ Doanh đã có ý thức trong việc học cũng như phụ mẹ công việc gia đình, đồng áng.

Học hết lớp 9, Doanh khăn gói xuống TP Vinh học trường nội trú tỉnh. Tính tự lập nên cuộc sống mới không mấy khó khăn với em, đặc biệt là em luôn được các thầy cô giáo và các bạn quan tâm, động viên, chia sẻ. Suốt 3 năm liền, Doanh luôn giữ vững thành tích tốp đầu của cả lớp. Vốn có năng khiếu ca hát, tự tin và năng động, nữ sinh người Thái này luôn là hạt nhân trong các phong trào văn hóa văn nghệ, các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp.


 
Khi bước vào giai đoạn ôn thi nước rút kỳ thi THPT quốc gia 2019 thì bố Doanh qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. “Em về thăm nhà, vừa xuống được 3 hôm thì mẹ gọi điện báo bố qua đời. Em bị sốc, hụt hẫng vì lúc em ở nhà bố vẫn còn đi lại được. Vậy mà…”, nói về người cha thân yêu, nữ sinh nghẹn ngào.

Cú sốc mất đi người cha thân yêu khiến em bị ảnh hưởng tâm lý một thời gian khá dài. Thầy cô, bạn bè động viên, giúp Doanh xốc lại tinh thần để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Mục tiêu của Doanh là phải đạt từ 26 điểm trở lên, để chắc 1 suất vào đại học, được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương và quan trọng hơn là có một khoản kinh phí để lo cho việc học. “Kết quả 27,75 điểm không làm em quá bất ngờ nhưng hết sức vui mừng. Em đã hoàn thành được mục tiêu đề ra và thực hiện lời hứa với bố mẹ”, nữ sinh người Thái chia sẻ.

Với điểm số này, Doanh cho biết em đăng ký xét tuyển vào khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Vinh để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Học sư phạm không mất học phí, giảm được một phần gánh nặng kinh tế nhưng Doanh vẫn xin mẹ đi làm thêm để trang trải chi phí trong thời gian học sắp tới và có thêm nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử.
 
 Mỹ Anh tổng hợp (theo dantri.com.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×