Những trái tim vì sự phát triển của cộng đồng

Thứ tư, 18/09/2019

Xuất phát từ nhu cầu tự học và bảo tồn tiếng dân tộc Raglai, hai học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pinăng Tắc, huyện miền núi Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) là Mai Vĩ Hào (học lớp 12A1) và Pinăng Bảo (học lớp 12A2) đã tìm hiểu, sáng chế thành công phần mềm tự học tiếng dân tộc Raglai trên điện thoại thông minh với nhiều tính năng hữu ích.

Sáng chế phần mềm học tiếng Raglai trên điện thoại


Xuất phát từ nhu cầu tự học và bảo tồn tiếng dân tộc Raglai, hai học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pinăng Tắc, huyện miền núi Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) là Mai Vĩ Hào (học lớp 12A1) và Pinăng Bảo (học lớp 12A2) đã tìm hiểu, sáng chế thành công phần mềm tự học tiếng dân tộc Raglai trên điện thoại thông minh với nhiều tính năng hữu ích.

Đề tài của hai em đã đoạt giải Ba cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII năm 2019”.


Mai Vĩ Hào và Pinăng Bảo ghi âm tiếng Raglai để đưa vào phần mềm ứng dụng học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh.

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế ứng dụng, em Pinăng Bảo cho biết: “Trường của em là trường dân tộc nội trú, đa số các bạn học sinh là người dân tộc Raglai. Ở trường và khi đi chơi với bạn bè, em nói tiếng Raglai nhiều bạn không hiểu. Xuất phát từ nhu cầu trao đổi, bảo tồn tiếng dân tộc của mình, em cùng với bạn Hào tìm hiểu, xây dựng phần mềm học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh để tạo thuận lợi cho việc học tiếng Raglai ở mọi lúc mọi nơi, dành cho tất cả mọi người có nhu cầu".

Từ tháng 2/2019, các em bắt đầu thiết kế ứng dụng. Mai Vĩ Hào cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các em là sử dụng ngôn ngữ lập trình và nhập liệu. Để mã hóa tất cả các dữ liệu ngôn ngữ Raglai thông dụng thành một ứng dụng chạy trên nền tảng hệ điều hành Android trên điện thoại thông minh, các em nghiên cứu, thu thập tiếng Raglai rồi hệ thống lại trên phần mềm Microsoft Word. Sau đó, đọc ghi âm lại để xây dựng dữ liệu rồi sử dụng ngôn ngữ lập trình Java viết Code mã hóa ngôn ngữ thành các lớp theo chủ đề tiếng Raglai liên kết với nhau.

Nhiều từ ngữ Raglai cổ, phương ngữ địa phương được bà con dân tộc Raglai sử dụng với nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trong quá trình xây dựng ứng dụng, các em phải tham khảo tài liệu, chuyên gia ngôn ngữ tiếng Raglai, hỏi ông bà cha mẹ, người lớn tuổi trong làng giải thích cặn kẽ để nắm chắc ý nghĩa của từ đó mới đưa vào phần mềm. Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, các em đã hoàn thành xong phần mềm ứng dụng học tiếng Raglai trên điện thoại.

Ứng dụng học tiếng Raglai được tạo với 15 textbox có giao diện thân thiện, dễ sử dụng gồm các phần: Màn hình giao diện, từ điển, cách đọc, câu, màu, từ nhân xưng, món ăn gia vị, con vật, số đếm, cơ thể người, thời gian, dụng cụ nhà bếp, thực vật, gia đình, trường lớp. Phần mục từ điển, khi nhập từ cần tra thuật toán phân tích sẽ tìm kiếm và hiện ra các từ, chữ có các âm đầu giống nhau với hai song ngữ Raglai - Việt. Mỗi từ có quy ước đọc âm đầu, phiên âm, dịch nghĩa và phần phát âm mẫu.


Phần mềm học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh.

Thầy giáo Bùi Hữu Pha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pinăng Tắc cho hay, hai em đã vận dụng tốt các kiến thức được học trên lớp, kết hợp nghiên cứu qua tài liệu và sách báo, mạng internet để tạo ứng dụng tự học tiếng dân tộc Raglai trên điện thoại thông minh rất hữu ích. Trong quá trình thực hiện, hai em có nhiều cách làm rất sáng tạo, mỗi khi gặp khó khăn các em không nản chí mà kiên trì tìm cách vượt qua.

Đồng bào dân tộc Raglai có những trường ca, truyện thần thoại, cổ tích có giá trị lịch sử, nghệ thuật và mang tính giáo dục sâu sắc, tuy nhiên phần lớn chỉ được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Hiện nay có rất ít người Raglai biết đọc, biết viết tiếng dân tộc của mình. Ứng dụng tự học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh giúp học sinh dễ dàng học, tra cứu tiếng Raglai. Đồng thời, ứng dụng cũng giúp cán bộ, giáo viên lên địa bàn công tác biết được tiếng nói, chữ viết của đồng bào để có thể giao tiếp, hiểu biết hơn về văn hóa, phong tục tập quán, từ đó phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn.

Mai Vĩ Hào và Pinăng Bảo chia sẻ, phần thưởng lớn nhất đối với hai em là những kinh nghiệm các em rút ra từ quá trình nghiên cứu, sáng tạo thành công phần mềm ứng dụng nhằm góp phần bảo tồn tiếng Raglai. Các em sẽ cố gắng thu thập nhiều từ ngữ hơn nữa để bổ sung cho phần mềm, cải thiện giao diện, đồng thời tải lên CH Play (kho ứng dụng hệ điều hành Adroid) để mọi người tải ứng dụng về sử dụng dễ dàng hơn.
 

Những người trẻ mang tiếng Anh về làng


Đều đặn thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần, căn nhà nhỏ nằm sâu trong con đường ở làng quê thuộc thôn Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lại rộn vang với tiếng đọc bài, giảng bài của lớp học tiếng Anh miễn phí do các bạn trẻ lập nên.

"Lớp học 1 đô - Mang tiếng Anh về làng"

Nguyễn Thành Long (22 tuổi) - người lên ý tưởng cho dự án này – cho biết bản thân sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn và nhận thấy bản thân mình cũng như các em học sinh ở vùng nông thôn đều thua thiệt hơn so với những đứa trẻ ở thành phố, nhất là trong việc tiếp cận và học bộ môn tiếng Anh.

Với mong muốn dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng quê, Long quyết định mở lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nông thôn trên chính quê hương của mình.


Nhóm bạn trẻ mở lớp học “Tiếng anh 1 đô - Mang tiếng Anh về làng”

“Chúng tôi muốn đóng góp sức trẻ của mình cho quê hương, giúp các em nhỏ học tốt ngoại ngữ. Lúc đầu tôi chỉ mong muốn là dạy tiếng Anh cho trẻ em ở quê mình thôi.

Nhưng từ khi lớp học đầu tiên được ra đời, tôi lại có hoài bão lớn hơn là sẽ mở nhiều lớp học trên toàn huyện Hoà Vang. Và sau đó là các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam, và xa hơn nữa là cả nước”, Long chia sẻ.

Bạn Phạm Thị Bích Thảo (Giáo viên tại trường tiểu học số 2 Hoà Nhơn) là thành viên của dự án cho rằng học tiếng Anh rất quan trọng. Tuy nhiên, ở đây nhiều em điều kiện gia đình thiếu thốn không có cơ hội để đến các trung tâm tiếng Anh.

“Tiếng Anh 1 đô - Mang tiếng Anh về làng” là một dự án vì cộng đồng, với khao khát phổ cập tiếng Anh cho trẻ em vùng nông thôn Việt Nam.

Đúng như slogan, chúng mình sẽ mang tiếng Anh đến từng địa phương nơi các em sinh sống, mở những lớp học miễn phí với phương pháp học hiện đại, tập trung phát triển kỹ năng nghe nói, rèn luyện sự tin”, Thảo chia sẻ.


Lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở độ tuổi từ 6 - 11 ở vùng nông thôn

Được sự ủng hộ từ cộng đồng và nỗ lực của các thành viên, Long cùng nhóm đã lập ra một lớp học với mục đích tổ chức các lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở độ tuổi từ 6 - 11 ở vùng nông thôn ngay tại địa phương các em sinh sống.

Sở dĩ lớp học được mang tên “Tiếng Anh 1 đô – 1$ English” là vì ban đầu các thành viên trong nhóm sẽ đóng góp mỗi người khoảng 23 nghìn đồng, tương đương với 1 đô Mỹ.

Bên cạnh đó, các thành viên tham gia vận động kinh phí chủ yếu qua các mối quan hệ của mỗi cá nhân, trên trang cá nhân facebook đóng góp mỗi người 1 đô.

Số tiền đó nhóm sẽ tích góp mua trang bị dụng cụ học tập và mở các lớp tiếng Anh miễn phí tại từng địa phương nơi các em sinh sống.

Nhóm tập hợp nhiều tình nguyện viên đến từ các ngành nghề khác nhau nhưng ở họ đều có điểm chung là yêu công việc chia sẻ kiến thức, có khả năng về ngoại ngữ. Và đặc biệt là có tình yêu lớn đối với trẻ em.

Dự án được gắn kết và duy trì bằng những nỗ lực và sự động viên lẫn nhau của các thành viên. Tuy có những khó khăn nhưng chính tình yêu dành cho các em, sự tâm huyết dành cho cộng đồng đã tiếp thêm sức mạnh, tinh thần để cả nhóm tiếp tục công việc thầm lặng, bền bỉ.

Lớp học thân thiện, hiệu quả

Ngày 1/6, nhóm bắt đầu tổ chức lớp dạy tiếng Anh đầu tiên cho các em với khoảng 10 học sinh tại thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Và hiện tại nhóm của Long đã mở thêm lớp học tiếng anh miễn phí cho 12 học sinh ở thôn Phước Hưng, xã Hoà Nhơn huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng.

Theo như Long cho biết, việc dạy tiếng Anh cho các em ở đây là cả hành trình. Con đường lớp học “Tiếng Anh 1 đô - $1 English” đang hướng đến là muốn các trẻ em ở đây đều phải giỏi tiếng Anh.


Thầy cô tổ chức trò chơi sau giờ học căng thẳng

“Mỗi bạn vào lớp đều phải trải qua 1 khoá học 3 tháng. Sau 3 tháng sẽ có bài kiểm tra kiến thức, nếu các em vượt qua thì sẽ tiếp tục học chương trình tiếp theo, còn em nào không vượt qua thì phải học lại.
Hiện tại nhóm đã soạn ra được 6 giáo trình chia thành 6 bậc khác nhau. Đây là quá trình dạy học mà nhóm muốn áp dụng cho các em với mong muốn sau khi kết thúc 6 khoá học này các em sẽ thành thạo tiếng Anh”, Long chia sẻ.

Là chàng trai sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Chuyên ngành công nghệ phần mềm, nhưng Long lại có thành tích rất đáng nể trong việc học tiếng Anh và có kinh nghiệm gần 2 năm dạy tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ.

Từ những kinh nghiệm được học, Long cùng với các cộng sự của mình soạn ra những giáo trình phục vụ cho lớp học của mình.

Bạn Lê Nhật Duy (21 tuổi sinh viên Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) là thành viên của nhóm chia sẻ, bên cạnh bám sát giáo trình, lớp học cũng liên tục mời các bạn tình nguyện viên, giáo viên nước ngoài đến để hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các hoạt động cho các em.


Lớp học với tâm niệm phổ cập tiếng Anh cho trẻ em vùng nông thôn khó khăn

“Chúng tôi nghĩ ra rất nhiều hoạt động ngoại khóa, đánh vào tâm lý trẻ em thích điều gì để từ đó thiết kế chương trình học mới mẻ, thiết kế mô hình học tiếng Anh hấp dẫn trẻ em”, Duy cho biết.

Nhờ lớp học này, nhiều học sinh theo học trong lớp đã học tốt hơn và tự tin hơn so với bạn bè trong năm học mới.

“Những ngày đầu tôi phải dùng đến 99% là tiếng Việt trong buổi dạy tiếng Anh, vì các em không biết gì cả. Nhưng sau hơn 2 tháng học tại đây, nhiều em đã bắt đầu hiểu, tiếp thu và tự tin giao tiếp với các cô thầy”, bạn Bích Thảo vui vẻ chia sẻ.

Nhiều phụ huynh khi nghe lớp học “Tiếng Anh 1 đô – 1$ English” của anh Long cùng nhóm bạn, đã cho con mình theo học, với hy vọng con mình sẽ có được những kiến thức bổ ích, trau dồi vốn tiếng Anh.

Anh Nguyễn Thanh Hậu (35 tuổi, quê Hoà Nhơn, Hoà Vang, TP Đà Nẵng), phụ huynh của bé Minh Khang cho biết lúc đầu cho con đi học chỉ là muốn con được tiếp cận gần hơn với tiếng Anh, vui chơi với bạn bè nhưng sau thời gian thì thấy lớp tiếng anh này rất bổ ích nên anh cũng bắt đầu khuyến khích con đi học đúng giờ và làm bài tập của các thầy cô đưa về.

“Sau khi tham gia lớp học này, bé về nhà thường nói rất nhiều bằng tiếng Anh. Từ những con vật như cá sấu, chó, mèo đến câu chào hỏi ba mẹ bé đều nói bằng tiếng Anh. Tôi thấy lớp học này giúp ích rất nhiều cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nông thôn ở đây”, anh Hậu tâm sự.

Không chỉ dạy ngoại ngữ, các bạn trẻ còn tranh thủ chỉ dạy và rèn luyện cho các em thái độ, tác phong. Các thầy cô ở đây luôn yêu cầu các em phải lễ phép, lắng nghe và tự tin trong giao tiếp.
 
Nhật Anh tổng hợp (theo dantri.com.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×