Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không

Thứ ba, 18/04/2023

Nguyễn Thị Hường, 23 tuổi, quê Thanh Hóa, là nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không tại Học viện Hàng không Việt Nam trong hơn 40 năm qua.
Nguyễn Thị Hường, 23 tuổi, quê Thanh Hóa, là nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không tại Học viện Hàng không Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Hường tốt nghiệp với điểm trung bình (GPA) 3.62/4.0 và được giữ lại giảng dạy ở Học viện vào năm 2022.

Sinh ra trong một gia đình đông con ở Hoằng Hóa, Hường nói mình lớn lên trong thiếu thốn và những bữa cơm đầy nước mắt vì bố mẹ thường xuyên cãi vã. Không có tiền cho các con đi học, bố lại hay ốm đau, mẹ Hường một mình gồng gánh cả gia đình. Sau giờ học, chị em Hường đi nhặt sắt vụn để bán, mót khoai về độn cơm. Nhà không có bếp điện hay gas, các chị em đi kiếm củi, gom lá về nấu ăn.

Hường kể ngày nhỏ mê làm cảnh sát vì mọi người ở quê thích ngành này. Em cũng thích môi trường kỷ luật, muốn được thử thách bản thân và quan trọng hơn sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình. Hết lớp 12, khi không thi đỗ trường cảnh sát, Hường tính bỏ học.

Quyết định này khiến người mẹ tần tảo trăn trở. Một người con lớn từng đỗ đại học song phải ở nhà vì gia đình không lo được. Đến lượt các chị em sau này của Hường, bà mong con được đi học.

"Tôi không đồng ý. Không có tiền tôi sẽ đi vay rồi trả dần. Xã hội phát triển, Hường lại học được nên tôi muốn con được ra ngoài", bà Lê Thị Hoa, mẹ Hường, nói. Bà là lao động tự do, 4-5h hàng ngày ra bãi biển nhặt sứa, đóng cá thuê cho các chủ hàng. Để có tiền cho các con ăn học, ngày làm việc của người mẹ 58 tuổi kéo dài hơn, có khi sang ngày hôm sau.


Nguyễn Thị Hường khi còn là sinh viên, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở quê, mỗi lần nghe tiếng máy bay, Hường và đám trẻ trong làng ùa ra chỉ trỏ và trông theo cho tới khi khuất tầm mắt. Hường chưa từng nghĩ có ngày được thấy máy bay ngoài đời và chạm vào nó.
Tìm hiểu về các ngành học sau khi được mẹ động viên, Hường biết đến ngành Kỹ thuật hàng không. Thấy tên hay, lại liên quan đến máy bay, Hường đăng ký vì không biết chọn ngành nào khác. Tuy nhiên, khi trúng tuyển vào Học viện Hàng không Việt Nam, Hường vẫn không muốn đi.

Thời điểm đó, người chị thứ ba đang học đại học còn đứa em út chưa tốt nghiệp phổ thông. Hường nghĩ thêm mình đi học, mẹ sẽ càng vất vả. Quá ngày phải nhập học khoảng một tuần, bà Hoa mới biết chuyện.

"Tôi nói mẹ đã mua vé rồi, không đi cũng mất tiền, giờ cứ vào Sài Gòn chơi trước", bà Hoa nhớ lại.

Dọc đường, Hường liên tục đòi về. Đến trường nhưng không nhập học, hai mẹ con lại bắt xe ngược về Thanh Hóa. Đi đến Kon Tum, bà Hoa dẫn con vào nhà người bạn chơi để trấn an tinh thần. Thương mẹ, Hường đồng ý quay lại trường.

"Mẹ đi theo em và khóc. Mẹ khuyên cứ học một kỳ, không thích thì Tết về thi lại", Hường kể.


Hường trong một giờ thực hành với động cơ máy bay. Ảnh: Học viện Hàng không Việt Nam

Suốt tuần đầu ở Sài Gòn, Hường khóc nhớ nhà và không thiết tha ăn uống. Nhưng nhận thấy nếu mãi thế này, bố mẹ sẽ lo lắng, còn mình đang phí phạm thời gian, Hường khiến mình bận rộn bằng cách tham gia nhiều câu lạc bộ, hoạt động đoàn để làm quen bạn bè và đi gia sư để có thêm thu nhập.
Điểm GPA kỳ 1 của Hường chỉ đạt 2,8. Khi việc học ổn định, xác định gắn bó với ngành, Hường đặt mục tiêu "cày" học bổng để đỡ tiền cho mẹ. GPA của cô sau đó tăng dần, từ 3,2; 3,4 đến 3,8 vào năm thứ ba.
Nghe các anh chị khóa trên nói cần phải học tiếng Anh để có nhiều cơ hội việc làm, Hường lao vào học, tự nghe các video trên mạng đến thuộc lòng. Với các môn học trên lớp, nữ sinh ngày nào cũng ôn và làm đi làm lại bài tập cho nhớ. Ngoài giờ học trên trường buổi sáng, Hường đi dạy thêm buổi chiều đến 20h30 rồi nghỉ ngơi và học bài đến 1-2h.

"Em không có thứ 7, chủ nhật. Sáng em dậy lúc 5-6h để đi học, đi làm hoặc nghe tiếng Anh. Nhiều hôm mệt rũ", Hường nói.

Từ chỗ chỉ định học thử, Hường dần tìm thấy niềm đam mê ở ngành Kỹ thuật hàng không. Hường tò mò tìm hiểu về quy chế hoạt động của máy bay, hiểu được tại sao cỗ máy lớn như vậy lại có thể bay lên. Em cũng được học về quy trình bảo dưỡng và làm nhiệm vụ bảo dưỡng các bộ phận của tàu bay như tháo lắp và bảo trì càng đáp, động cơ, hệ thống điện, vá cánh, sửa chữa nội thất.

Hồi còn ở nhà, Hường thường cùng mẹ sửa điện và các đồ dùng nên khi tiếp xúc với máy móc, em không quá bỡ ngỡ. Mỗi lần có buổi thực hành trên máy bay thật, Hường thích thú mặc đồ bảo hộ, kiểm tra trong động cơ có gì, tán đinh, học nối điện hay tìm hiểu đèn và hệ thống.

"Em thích được cầm dụng cụ, làm việc trực tiếp với động cơ, máy móc. Em không ngại dầu máy lấm lem", Hường nói.

Tiến sĩ Lưu Văn Thuần, phụ trách khoa Kỹ thuật hàng không, nhận xét Hường là sinh viên gương mẫu, ham học hỏi, giỏi các môn chuyên ngành về kỹ thuật hàng không, kỹ thuật bảo dưỡng.

"Tiếng Anh giao tiếp và chuyên ngành của Hường đều tốt, em ấy tự tin trao đổi khi có các đoàn khách nước ngoài đến làm việc. Hường cũng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện và cấp Bộ về 'Ứng dụng thực tế ảo trong bảo dưỡng tàu bay'", thầy Thuần cho biết.


Giảng viên Nguyễn Thị Hường. Ảnh: Học viện Hàng không Việt Nam

Theo thầy Thuần, mỗi khóa Kỹ thuật hàng không chỉ có khoảng 10% là nữ và Hường là một kỹ sư xuất sắc. Nhờ thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa tích cực, em được giữ lại trường giảng dạy sau khi tốt nghiệp.

Mới đây, Hường là một trong hai ứng viên vào vòng phỏng vấn thực tập sinh của hãng Boeing. Nếu trúng tuyển, em sẽ có hai tháng làm việc ở Hà Nội và một tháng ở Mỹ vào mùa hè năm nay. Hường cũng vừa nộp hồ sơ xin học bổng học sau đại học ở Anh và Hong Kong.

"Nếu mẹ không lôi em đi ngày ấy, chắc em đã không được như hôm nay. Em rất biết ơn mẹ", nữ kỹ sư nói.

Bà Hoa hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của con gái. Với bà, quãng thời gian nấu một nồi cơm không đủ chia cho 7 người trong nhà đã qua.

"Tôi xúc động lắm. Là bố mẹ, tôi chỉ mong ngày nhìn thấy con cái thành đạt", bà Hoa nói.
 
Theo Vnexpress
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×