Phải thu hút nhân tài từ trong "trứng nước"

Thứ năm, 01/06/2023

Trao đổi với TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc về những kinh nghiệm hay trong thu hút và trọng dụng nhân tài ở Hàn Quốc.



Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài hiệu quả. Theo ông, những chính sách, cách làm và kinh nghiệm nào của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể áp dụng được?

Hàn Quốc không có bất cứ nguồn tài nguyên thiên nhiên gì nhưng phát triển như ngày hôm nay một phần nhờ vào việc tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức. Những người này được đào tạo bài bản ở các nước phát triển, sau đó trở về đóng góp cho đất nước.

Bên cạnh đó những chính sách về đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề kèm theo chương trình phát triển nhân lực trình độ cao trong khoa học công nghệ (KHCN), công nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, xây dựng thành công những TP thông minh trên khắp Hàn Quốc.

Ở Hàn Quốc, mối quan hệ giữa Chính phủ và giáo dục đại học không thể tách rời. Chính phủ ban hành các chính sách hợp lý cải tổ nền giáo dục đại học để “sản xuất” ra nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với nền tảng KHCN. Chính điều này đã cung cấp đủ nguồn nhân lực đặc biệt phát triển kinh tế quốc gia.

Nhìn tổng thể khách quan, học sinh tốt nghiệp THPT ở nước ta không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, người tốt nghiệp đại học của Việt Nam có thể nói phần nhiều còn thua kém so với người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, đặc biệt về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc…

Trong khoảng thời gian khá dài gần đây, ở Việt Nam tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục đại học và đào tạo nghề mà xã hội thực sự cần thay đổi.



Ông có thể nói rõ hơn về điều này trong đào tạo nguồn nhân lực?

Thứ nhất, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình: Đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Trong đó trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học.

Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải. Điều này đã được quy định cụ thể hơn trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.

Thứ hai, giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như Hàn Quốc hay các nước phát triển.

Thứ ba, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương. Tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc đang cần đến. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung vào nghiên cứu, phát triển KHCN.

Thành lập một số nhóm nghiên cứu cho lĩnh vực trọng tâm như công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm, cấp cho họ khoản kinh phí hoạt động ban đầu nhất định. Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể.

Các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng. Đặc biệt là khả năng áp dụng thành tựu KHCN trong đời sống thực tiễn, tạo giá trị thặng dư cho việc phát triển kinh tế.



Vậy mối qua hệ giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhân tài được tính toán ra sao, thưa ông?

Nói một cách đầy đủ thì CHÍNH QUYỀN – NHÀ TRƯỜNG – NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO – SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - DOANH NGHIỆP luôn phải là cầu nối và có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết lẫn nhau.

Ở Hàn Quốc có chương trình mang chiến lược như Brain Korea 21 đã định hướng và liên kết giữa giáo dục đại học và các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong phát triển KHCN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cần được hình thành hoàn chỉnh hơn, có sự kết nối tốt với những quỹ đầu tư tăng tốc toàn cầu, có những “mentor” – người hướng dẫn có kinh nghiệm, có khả năng để tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản là trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Các tổ chức dịch vụ tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá, ươm tạo, môi giới chuyển giao công nghệ được khuyến khích hình thành và phát triển với sự liên kết với những đơn vị quốc tế có khả năng phù hợp với Việt Nam.



Có ý kiến nói rằng thu hút nhân tài bằng tiền (lương cao, chế độ tốt) là thất bại, theo ông liệu có đúng?

Có thể nói thu hút nhân tài bằng tiền chỉ đúng một phần nhỏ, chứ chưa phải là tất cả. Ở các quốc gia phát triển thì thông thường có 4 tiêu chí để đánh giá một quốc gia có thu hút, khai thác sử dụng được nhân tài hay không, gồm: hỗ trợ để phát hiện nhân tài; thu hút nhân tài; bồi dưỡng nhân tài và giữ được nhân tài.

Báo cáo Chỉ số cạnh tranh Thu hút Nhân tài Toàn Cầu năm 2021 (The Global Talent Competitiveness Index 2021), Việt Nam đứng thứ 82, đạt 40.85 điểm, xếp sau các nước trong khu vực như Thái Lan (68) Philippines (70) và Indonesia (82), và thua xa các nước phát triển khác của Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Ở Việt Nam, ví dụ như TP.HCM là TP năng động, đông dân và có môi trường kinh doanh, kinh tế được cho là tốt nhất, chương trình thu hút nhân tài trong 5 năm (2018-2022) với kết quả 14/19 nhà khoa học đã rời đi sau khi được chiêu mộ về và trong 3 năm gần đây không thu hút được một nhân tài nào.

Chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Bởi thời điểm sau đại dịch Covid-19 thì rất cần các chuyên gia trí thức, doanh nhân hay nhà quản lý giỏi để đóng góp vào phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhiều người lo ngại việc thu hút nhân tài trẻ vào cơ quan Nhà nước với đãi ngộ vượt trội sẽ dẫn đến tình trạng đố kỵ, so đo của những người cũ, người làm lâu năm, khiến cho nhân tài bị cô lập, thiếu môi trường để phát triển?

Nghị quyết Đại hội XIII định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, “tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam”.
Từ thực tiễn tại TP.HCM và các địa phương cho thấy, cần phải có sự thay đổi cơ bản trong chiến lược, đặc biệt phải giải quyết được những điểm nghẽn về thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến và sáng tạo thì “cánh cửa” cho nhân tài mới thực sự rộng mở, để họ yên tâm cống hiến và phát huy tài năng cho đất nước.

Trong đó việc thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là những “nhân tài trẻ” cần phải có sự chú trọng nhất định.

Trong 30 năm qua, Hàn Quốc cải thiện đáng kể về việc làm, sức khỏe và cơ hội cho tất cả mọi người… Hàn Quốc xây dựng một xã hội bình đẳng giới hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động lớn tuổi và quản lý tốt hơn vấn đề di cư và hội nhập.

Một trong những thành công nhất định của Hàn Quốc, đó chính là nhân tài sẽ có môi trường được trọng dụng.



Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách đãi ngộ rất thỏa đáng. Lương của các nhà khoa học không theo thang bậc lương chung mà được trả theo kết quả công việc.

Đối với trí thức trẻ, Hàn Quốc còn hỗ trợ về kinh phí để đào tạo nâng cao trình độ, cải thiện điều kiện sinh hoạt bằng cách cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà, mua ô tô, tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học…

Một GS trẻ sau khi học hành, nghiên cứu và đã có thành tựu nhất định ở nước khác, khi quay trở về Hàn Quốc làm việc thì được trường đại học và các GS có tuổi trong trường, trong khoa tạo điều kiện. GS trẻ đó hoàn toàn có thể đứng đầu các đề tài nghiên cứu, tự tạo đội ngũ nghiên cứu, đội ngũ trợ giảng.

Trong dự thảo chiến lược về thu hút, tận dụng nhân tài do Bộ Nội vụ xây dựng có nêu nguyên tắc nhân tài thì “không phân biệt tuổi tác, người trong đảng hay ngoài đảng, ở trong nước hay ngoài nước, không chú trọng bằng cấp”. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài do Bộ Nội vụ soạn thảo đặt mục tiêu từ năm 2021 đến 2025, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên là chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao...

Từ năm 2026 - 2030, nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2-5% trở lên; từ 10-15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Với phương châm “Bốn tốt”: Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt, dự thảo nhấn mạnh việc “có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, thể hiện tài năng cống hiến cho đất nước”; “có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng nhân tài”; “xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài...”.

Câu chữ trong dự thảo đều mang ý nghĩa tốt, nhưng quan trọng nhất đó là khi bắt tay vào thực hiện, để làm sao không có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, và nhân tài “có đất dụng võ”.


Theo Vietnamnet.vn

 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×