Quả Cầu Vàng là niềm vinh dự suốt đời

Thứ ba, 25/08/2015

Nguyễn Vương Linh - chàng trai trẻ tài năng đạt Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2011...
Trong gặp gỡ với các gương mặt đoạt giải Quả Cầu Vàng 2011, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Các bạn trẻ nhận giải thưởng chính là tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật, góp phần đưa Việt Nam tiến kịp với bạn bè thế giới trong lĩnh vực này". Trong số "các bạn trẻ" mà Phó Thủ tướng nhắc đến đó, có một gương mặt trẻ măng, và cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất: Nguyễn Vương Linh - chàng trai sinh năm 1993, năm 2013 này tròn 20 tuổi - từng đoạt Huy chương vàng Olympic Tin học Quốc tế năm 2011; Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 môn Tin học năm học 2010 - 2011 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011.

 Nguyễn Vương Linh và tấm huy chương Vàng OlympicTin học Quốc tế (Ảnh ST)

Bước ngoặt đầu đời

Hà Nội một buổi sáng đầu năm. Tôi gặp Vương Linh lần đầu ở một quán cà phê khá yên tĩnh trên phố Trần Hưng Đạo. Vương Linh đến trước cả giờ hẹn, vì em đi xe bus, sợ tắc đường. Dù đã đọc qua hồ sơ tham dự giải thưởng Quả Cầu Vàng 2011, tôi vẫn thoáng chút bất ngờ về sự... trẻ măng của Nguyễn Vương Linh: dáng người nhỏ nhắn, ba lô trên vai, thêm đôi kính cận. Nhưng rất nhanh, Vương Linh chinh phục người đối diện bằng sự tự tin của mình, dù cũng như nhiều người của "dân" công nghệ thông tin, Vương Linh không phải là người hoạt ngôn. Bù lại, những gì Linh nói, là sự cô đọng và không chút... vòng vo.

"Từ khi còn bé, quãng 4,5 tuổi gì đó, em đã thích tính toán - Vương Linh kể - Em có thể tự cộng trừ nhẩm, nhớ dãy số điện thoại, biển số xe trước khi biết đọc chữ". Ông Nguyễn Văn Khuê, bố của Vương Linh từng kể rằng, năm lên 5 tuổi, chưa biết chữ, chưa biết số nhưng Linh lại nhớ được từ tên cầu thủ, tới số áo của 32 đội bóng tham dự Worlcup 98 tại Pháp. Đội nào lọt vào vòng nào, ghi bao nhiêu bàn thắng Linh đều nắm được

Sinh ở Ba Vì, nhưng quê Vương Linh lại ở Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội. Bố em trước là giáo viên dạy Cao đẳng Hóa chất Lâm Thao, giờ làm kinh doanh tại quê; còn mẹ làm ở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ba Vì. Nhà có hai anh em, dưới Vương Linh có cô em gái học lớp 6.
      Vương Linh kể rằng, cái may mắn lớn nhất của em là được sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ rất quan tâm đến học tập nhưng luôn dành quyền tự quyết cho con trong việc lựa chọn ngành học, trường học. Chính bởi vậy, ngay từ bé, Vương Linh đã "thích gì học ấy". Đặc biệt, đến khi học cấp 2, cộng thêm vào chút năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Vương Linh còn được học nhiều điều ở thầy giáo Kiều Cao Dũng. Chính qua những tiết học của thầy Dũng, Vương Linh đã học thêm được nhiều kiến thức bổ ích. "Thầy Kiều Cao Dũng đã chắp cánh cho em vào trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên của Đại học Tự Nhiên Hà Nội", Vương Linh nhớ lại.

Nhưng bước ngoặt đầu đời lại đến với Vương Linh chính là khi em phải đưa ra quyết định. Đó là khi em nhận được giấy báo đỗ cả 2 trường: Chuyên Tự nhiên và chuyên Sư phạm. Chọn lựa cái gì đây? Lúc đó Vương Linh cảm thấy rất khó. Ban đầu gia đình cũng có gợi ý em nên chọn vào học chuyên Sư phạm. Có lẽ, mọi người thường nghĩ rằng môi trường sư phạm sẽ rèn luyện con người cẩn thận hơn. Lúc đó, Linh cũng khá nao núng. Nhớ lại hồi ấy, Linh bảo rằng, "em đánh giá cao cả hai môi trường. Nhưng em thấy với riêng cá nhân em, Tự nhiên phù hợp hơn, có thể phát triển khả năng của mình, vì thế em đã bỏ Sư phạm".

Bố mẹ vẫn luôn để em quyết định, vì thế với sự chọn lựa đó, bố mẹ Vương Linh cũng hoàn toàn tôn trọng. Nhưng sau nhiều năm đã qua đi, giờ ngồi với tôi, uống một ly sinh tố, Vương Linh thú nhận: "Có lúc em cũng thấy ân hận". Rồi Linh nói: "Không phải do trường học, mà là do... chính em".

Bài học từ sự... sai lầm

Những ân hận mà Linh nói, bắt đầu từ những "sai lầm cá nhân của em". Đầu tiên, đó là vào năm học lớp 10, "bỗng dưng" em bị tai nạn giao thông: xe bus đâm, do em xuống xe không cẩn thận. Vụ tai nạn không quá nghiêm trọng về thân thể, nhưng khiến Vương Linh phải nghỉ học nằm viện mất một tháng. 30 ngày nghỉ học ở trường phổ thông bình thường cũng đã là một khó khăn. 30 ngày nghỉ học ở một môi trường chuyên Tự nhiên lại càng khó khăn, thậm chí là áp lực. Vương Linh nói: "Việc phải nghỉ học 1 tháng này đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng về mặt học tập của em. Sau đó em đã phải mất nhiều tháng để chạy kịp chương trình và bạn bè".

Vừa bắt kịp nhịp học bình thường, sắp bước sang lớp 11, một cú "sốc" khác lại ập đến với Nguyễn Vương Linh: Thi trượt vào đội tuyển chuyên Toán quốc gia của Đại học Tự nhiên! Đây là vòng chọn đội tuyển trường để dự thi quốc gia. Trước đó, dù biết đây là kỳ thi rất quan trọng nhưng theo Linh, "có lúc em đã chủ quan, không ôn tập cẩn thận". Cả 3 vòng thi Vương Linh đứng thứ 11 trong khi danh sách đi thi chỉ có 10 bạn. Ước mơ được cống hiến cho Toán học bỗng chốc vỡ tan như đám bọt bong bóng xà phòng. Vương Linh cảm thấy hụt hẫng.

Không vào được đội tuyển Toán, Vương Linh khá buồn, thậm chí thất vọng với bản thân. Và chính những sai lầm cá nhân ấy đã khiến Linh thức tỉnh để "đánh thức" bản thân mình.

Vương Linh tâm sự: "Những sai lầm ấy khiến em chuyển kế hoạch sớm hơn. Bởi trước đó em đã xác định: năm lớp 11 sẽ vào đội tuyển Toán, năm 12 sẽ vào đội tuyển Tin học. Bây giờ em trượt đội tuyển Toán, cũng là một cái may, để em dành thời gian nhiều hơn cho học Tin".

"Bố mẹ thấy em bỏ chuyên Toán chuyển sang chuyên Tin cũng hơi bất ngờ, nhưng vẫn luôn tôn trọng các quyết định của em. Lúc đó, cũng có người thắc mắc sao em không thi Tin cả hai năm? Nhưng theo em, phải có thất bại này thì em mới có kinh nghiệm, tâm lý vững vàng để cho những thử thách tiếp. Học Toán giúp tư duy logic hơn, giải quyết những vấn đề phức tạp" - Vương Linh chân thành. Và em cho biết thêm: "Giữa Toán và Tin có nhiều điểm chung, vì thế, khi chuyển sang học Tin không có quá nhiều khác biệt".

Sự thực thì trước đó Linh đã đọc sách tin học, nhưng em chỉ coi đó như một cách... giải trí. Và sau cú "thất bại" vào đội tuyển Toán, khoảng giữa năm học lớp 11, Vương Linh mới chính thức học Tin. Theo Vương Linh thì Tin cũng có phần giống với Toán học, nhưng thực tiễn hơn Toán. Cũng là một vấn đề khoa học, nhưng khi được chuyển đổi sang thành bài tập tin học, mức độ có thể được đơn giản hóa đi rất nhiều.

Vương Linh từng chia sẻ rất chân thành là trước năm lớp 10 em "chưa được dùng máy tính, chưa biết máy tính là gì". "Tin học có nhiều điều kì diệu, thú vị khiến con người mãi mãi muốn khám phá. Em bắt đầu chuyên tin từ giữa năm lớp 11, ngoài học trên lớp, em thường vào các trang web nước ngoài về thi tin học trực tuyến, thử làm và học tập thêm. Qua theo dõi, em rất nể bạn Gennady Korotkevic, sinh năm 1994 người Berarut, đã giành 6 huy chương Vàng tại các giải quốc tế, thực tế hôm xem bạn thi, cách bạn làm bài giống như người trên trời rơi xuống, không thể tưởng tượng được vì sao mà bạn lại nghĩ ra cách làm như thế", Vương Linh nói.

Tôi đã hỏi Linh, theo em điều quyến rũ nhất của Tin học? Linh ngập ngừng một lúc rồi trả lời: "Máy tính nó làm được nhiều thứ, có máy tính giải quyết được nhiều việc mà ta có thể không làm được trước đây như máy tính chơi cờ và thắng được cả kiện tướng... Khoa học máy tính giải quyết những vấn đề trước đây không làm được. Em muốn học hỏi, góp sức vào sự thành công chung đó".

Nhưng ngoài mê Tin học đến mức có thể nhịn ăn, quên ngủ với chiếc máy tính, Vương Linh còn rất thích chơi cờ vua, chủ yếu ngồi trong phòng lên mạng chơi trực tuyến. Bên cạnh đó, những cuốn tiểu thuyết dài kỳ như "Tam quốc Diễn nghĩa", "Thủy Hử", "Tây Du Ký" hay những cuốn tiểu thuyết dày cộp "Mật mã Da Vinci", "Biểu tượng thất truyền" của nhà văn Dan Brown cũng là sở thích của chàng trai sinh ngày 10-11-1993 này. Từng có lúc Linh ngồi liền lúc 4 tiếng đồng hồ là "đi bay" bộ "Tây Du Ký" dày hơn 1.000 trang. "Đọc tiểu thuyết giúp em thư giãn sau mỗi lần học, nghe nhạc giúp mình tìm lại ký ức", Linh thổ lộ.

"Chiến thuật" để... chiến thắng

Làm quen với máy tính không phải quá sớm, Nguyễn Vương Linh chính thức dấn thân học Tin học sau "cú ngã" không vào được đội tuyển Toán. Nhưng chính cái mà Linh cho là sự "thất bại" đó đã khiến em âm thầm mà mãnh liệt trong việc giành lại niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ. Cũng là cách để khẳng định với người thân, thầy cô, và bạn bè về năng lực bản thân.

Những nỗ lực bền bỉ của Vương Linh cũng sớm được ghi nhận khi vào năm lớp 12 (trường Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) em có tên trong danh sách đội tuyển Tin học đi dự kỳ thi Olympic quốc tế. Nhưng Linh cũng từng thú nhận: "Lúc bắt đầu ôn luyện trước kỳ thi, em chỉ mong là có huy chương, huy chương đồng cũng được. Sau khoảng hai tháng ôn luyện, vào cuối quá trình luyện tập em thấy sức mình có thể làm tốt hơn thế nên tự đặt cho mình mục tiêu Huy chương Bạc".

Nhưng kết quả đã vượt qua sự mong đợi của Vương Linh khi em giành được Huy chương Vàng lần thứ 23 tại kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế tổ chức tổ chức tại Patthaya (Thái Lan, 2011). Đây thực sự là một tấm Huy chương Vàng quý giá, bởi sau hơn 7 năm vắng Huy chương Vàng trên trường quốc tế ở bộ môn Tin học, Việt Nam đã ghi dấu ấn trở lại.

Vương Linh còn nhớ, lần thi ấy có 309 thí sinh tham gia, từ 78 nước. Đoàn Việt Nam ngoài Linh còn có 3 bạn: Nguyễn Tấn Sỹ Nguyên, Lê Khắc Minh Tuệ, Nguyễn Hoàng Yến - do thầy Nguyễn Đức Nghĩa ở Đại học Bách Khoa làm trường đoàn, thầy Phạm Bảo Sơn lúc đó là phó khoa Công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia làm phó đoàn. Mục tiêu đặt ra là đoạt 4 huy chương, song các thầy cũng không "làm khó" các trò bằng việc áp đặt ai phải đoạt Huy chương Vàng, ai Huy chương Bạc... Ngay cả gia đình Linh khi gọi điện sang cũng chỉ động viên em hãy thi đấu hết khả năng...

Tuy vậy, thời gian eo hẹp của cuộc thi cũng khiến các thí sinh vô cùng căng thẳng. Linh nhớ lại, cuộc thi diễn ra trong vòng hai ngày, mỗi ngày phải giải quyết 3 bài toán trong vòng 5 tiếng liên tục, từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Trong thời gian đó thí sinh chỉ việc tập trung làm bài, thức ăn, đồ uống đã có các tình nguyện viên mang vào tận nơi. Nhưng Linh tập trung cao độ đến nỗi quên cả ăn uống. Bởi em tự đặt mục tiêu "ngầm" cho mình là phải đoạt Huy chương Bạc. Muốn được như vậy, phải làm thế nào để phát huy tối đa sức lực, trí tuệ của mình trong sự phân bổ thời gian khoa học và hợp lí. Môn thể thao yêu thích của Linh là cờ vua và đua xe công thức. Các môn thể thao này rất cần trí tuệ và những chiến thuật để có thể ăn điểm, việc tính toán chiến thuật ra sao cũng được Linh khôn khéo áp dụng để thực hiện cho cuộc thi quan trọng này này của mình. Theo quan sát của Linh, thường thì các thí sinh có mục tiêu Huy chương Vàng sẽ chọn giải pháp "đánh" các bài khó trước. Song, lượng sức mình chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu, Linh ôn luyện các dạng bài để có Huy chương Bạc và chỉ đặt cho mình cái "đích" là Huy chương Bạc nên Linh có vẻ bình tĩnh hơn. Thực tế đã cho thấy, nhiều trường hợp của đội tuyển Việt Nam thi đấu ở kỳ Olympic trước đặt mục tiêu Huy chương Vàng, nhưng bước vào phòng thi do loạn chiến thuật kèm theo áp lực tâm lý khiến nhiều thí sinh không thể đạt thành tích như mong muốn. "Tham dự kỳ thi lần này, em giữ cho mình tâm lý thoải mái. Nếu không được giải thì đây là một trải nghiệm quý. Em không muốn vì áp lực Huy chương Vàng mà phá hỏng mất trải nghiệm thú vị ấy", Vương Linh tâm sự.

Nhớ lại buổi thi cam go đó, Vương Linh vẫn nhớ như in: ở ngày 1, bài thi thứ nhất, em cảm thấy vừa sức, làm trong khoảng 45 phút. Sang đến bài thứ 2: Khá phức tạp, mất hơn 2 tiếng để giải quyết. Tới bài 3: Tìm ra ý tưởng giải quyết rồi nhưng em lại để xảy ra một số sơ xuất trong quá trình xử lý nên bài thi không được trọn vẹn. Ngày thi thứ nhất em đạt 269 điểm, trong khi đó có 17 thí sinh đạt điểm tuyệt đối: 300/300 điểm. Trong số các thí sinh đó, nhiều người từng "chinh chiến" ở Olympic sáu lần. Hầu hết đối thủ đều ở đẳng cấp cao hơn và kinh nghiệm thi đấu dày dạn, trong khi bốn thí sinh của đội tuyển tin học quốc gia Việt Nam đều lần đầu có mặt.

Bước sang ngày thi thứ 2, đề thi khó hơn rất nhiều. Nếu ở bài thi đầu, Linh giải quyết nhanh hơn bài hôm trước, chỉ mất chừng 25 phút, thì 2 bài thi còn lại quả thực đã ngốn mất nhiều thời gian và tâm trí. Bởi lẽ trong số này có một bài hoàn toàn mới đối với thí sinh Việt Nam. Khi luyện ở nhà, các thầy chưa hề cho tập luyện với dạng đề này. Bởi vậy, khi bước vào phòng thi nếu không có sự bình tĩnh sẽ rất hoang mang. Nhưng may là Vương Linh đã cố gắng bình tĩnh để xoay xở tìm cách xử lý trong phòng thi. "Em kết hợp một chút mạo hiểm với luật thi để giải quyết từng phần của bài toán khó", Vương Linh nhớ lại. Mạo hiểm thì là cứ làm theo cách của mình nghĩ. Nhưng cũng may nhờ luật thi cho phép thí sinh xong phần nào, nộp bài phần đó máy trả kết quả ngay tức khắc, nếu còn thời gian thí sinh hoàn toàn có thể sửa chữa lại bài làm và nộp lại.

Vương Linh cứ mò mẫm từng phần, từng phần như thế, trước sự hồi hộp của những thầy cô giáo đang theo dõi qua màn hình ở ngoài phòng thi. Đã có lúc nhìn bảng xếp hạng phía ngoài, các thầy cô giáo đã thấy Linh tụt xuống xếp thứ 27. Nếu ở mức này thì Vương Linh đang đứng đầu của những người đoạt Huy chương Bạc. Nhưng 15 phút cuối cùng lại là thời khắc vàng của Vương Linh khi em đang giành giật từng điểm từ "bài văn lạ". Linh bảo, "15 phút cuối trong phòng thi, em không còn biết bất cứ điều gì đang diễn ra xung quanh mình, chỉ biết cố gắng từng phút một". Nhưng những "sai lầm", và "thất bại" đã chỉ ra cho em một bài học: "Phải bình tĩnh, cố gắng giữ thần kinh thép để làm bài". Biết trước điều này lại càng là áp lực đối với Linh, khi khoảng 10 phút cuối em đã có tổng điểm 475. Linh nhớ lại: Các bạn xung quanh cũng rất căng thẳng, còn 8 phút nữa là hết giờ em chỉ cách Huy chương Vàng 3 điểm. Bình tĩnh trở lại em ghi liên tiếp giành được 13 điểm trong 8 phút. Đó là việc xác định đúng chiến thuật, đúng đường đi". Kết quả của ngày thi thứ 2 Linh đạt 219 điểm. Tuy không cao bằng ngày thi đầu, nhưng tổng điểm thi trong 2 ngày của Nguyễn Vương Linh là 488/600 điểm, xếp thứ 23.

Vậy là, bằng việc xác định đúng đường đi, chiến thuật phù hợp với bản thân, đặc biệt là trung thành với phương châm học tập "chăm chỉ, nghiêm túc và đam mê", Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Tin học Quốc tế đã đến với Nguyễn Vương Linh - chàng trai ít tuổi nhất đến từ Việt Nam. Giờ đây, ngồi trong quán cà phê, Linh nói: "May mắn chỉ đến với những ai có năng lực và kinh nghiệm hơn mà thôi". Đồng thời, ngoài sự nỗ lực của bản thân, để giành được tấm Huy chương Vàng quý giá đó, theo Vương Linh, còn là công sức của rất nhiều thầy cô. Các thầy cô giáo không bao giờ tạo ra áp lực huy chương hay điểm thi mà luôn động viên, khích lệ học sinh cần cố gắng hết mức. "Chính điều đó đã góp phần củng cố thêm sự tự tin trong mỗi người trước những giờ phút quyết định", Vương Linh tâm sự.

Nguyễn Vương Linh cùng gia đình tại lễ gặp mặt, tuyên dương
đạt huy chương Vàng Tin học quốc tế (Ảnh ST)

Quả cầu Vàng là niềm vinh dự suốt đời

Gặp lại sau hơn 1 năm được nhận giải thưởng Quả cầu Vàng 2011, Vương Linh vẫn nhỏ bé, vẫn kính cận, và có chút gì đó như vẫn ngơ ngác với phố phường. Hiện Linh đang là sinh viên Đại học Công nghệ Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và học máy. Đó là một lĩnh vực còn tương đối mới ở Việt Nam, mô phỏng lại quá trình học tập của con người để làm sao máy tính cũng phải tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm y hệt như con người vậy.

Chính thành tích học tập xuất sắc: Giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 môn Tin học năm học 2010 - 2011, Huy chương Bạc giải Cờ vua Sinh viên toàn quốc - Bảng Phong trào Nam và đặc biệt giành Huy chương Vàng cho đoàn Việt Nam trong cuộc thi Olympic Tin học quốc tế 2011 tại Thái Lan và được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 là những bằng chứng thuyết phục để Nguyễn Vương Linh được trao giải thưởng "Quả cầu Vàng 2011" cho 10 cá nhân trẻ có thành tích trong học tập, công tác, nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. 

Nhắc lại kỷ niệm với giải thưởng Quả cầu vàng, Vương Linh chia sẻ rằng em biết tin vui này vào khoảng cuối tháng 12-2011. Điều thú vị là, em lại biết thông qua... các nhà báo liên hệ phỏng vấn. Với 40 triệu đồng từ giải thưởng Quả cầu Vàng, hỏi Vương Linh đã sử dụng vào việc gì, em chân thành: "Em gửi hết về cho bố mẹ. Vì thực sự, em không cần phải mua thêm thiết bị gì cho việc học tập. Những máy móc cần thiết, bố mẹ em đã trang bị đầy đủ cả rồi".

Nguyễn Vương Linh tại buổi lễ trao giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2011 (Ảnh ST)

Chàng sinh viên của Đại học Công nghệ cũng tiết lộ, đến tận bây giờ, đó là khoản tiền lớn nhất mà Vương Linh nhận được. "Quả cầu Vàng động viên em, giúp em tiếp tục cố gắng hết mình trong thời gian tiếp theo. Đồng thời động viên tiếp tục làm những điều mong muốn", Vương Linh nói. "Giải thưởng này rất quý giá, đáng để sinh viên phấn đấu. Mỗi năm chỉ có 10 người được nhận. Quả cầu Vàng thực sự là niềm vinh dự suốt đời với bất kỳ ai nhận được".

 Hải Linh (Theo Hoàng Thu - Gương tài năng trẻ KHCN tiêu biểu)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×