Quảng Bình: Sôi nổi phong trào thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp

Thứ sáu, 02/07/2021

Với sức trẻ, ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, thanh niên Quảng Bình đã vươn lên làm giàu, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, đem đến thu nhập cao cho gia đình.

Với sức trẻ, ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, thanh niên Quảng Bình đã vươn lên làm giàu, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, đem đến thu nhập cao cho gia đình.

 
Anh Nguyễn Văn Nhị cho gà ăn bằng thức ăn hữu cơ sinh học NNO1 do chính anh nghiên cứu và sản xuất

Những năm gần đây, phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi giúp nhau lập thân, lập nghiệp” được phát động sâu rộng trên toàn tỉnh. Được sự động viên, hỗ trợ của tổ chức đoàn các cấp, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã quyết định lập nghiệp từ chính mảnh đất quê hương, trên lĩnh vực nông nghiệp.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp được phát động sôi nổi và thực hiện có hiệu quả. Nhiều thanh niên trong tỉnh đã biết lựa chọn hướng đi đúng, mạnh dạn đầu tư để xây dựng các mô hình mới, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao được hiệu quả sản xuất. Chính bằng nghị lực và sự sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ, nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp của ĐVTN đã thành công, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn.

Chị Cao Thùy Dương (SN 1981, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch), Giám đốc Công ty TNHH Phong Nha là một điển hình khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp. Chia sẻ về những ngày đầu thành lập xưởng sản xuất dầu lạc nguyên chất, chị Dương cho hay: “Hồi trước, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tìm hiểu các sản phẩm sạch phục vụ cho chính bữa ăn gia đình. Nhưng sau những lần vào Huế tìm đến các cơ sở thủ công để ép lạc, tôi đã dần ấp ủ mong muốn mở riêng cho mình một xưởng ép lạc nguyên chất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Năm 2016, chị Dương đầu tư máy móc, xây dựng xưởng ép lạc. Thời gian đầu, chị chủ yếu thu gom lạc và ép giùm cho bà con quanh vùng để rút kinh nghiệm và giới thiệu cho mọi người biết đến sản phẩm của mình. Sau một thời gian đi vào hoạt động ổn định, chị Dương đã đầu tư kinh phí để mở rộng nhà xưởng, trang bị thêm máy móc,. phát triển quy mô sản xuất lớn hơn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị sản xuất khoảng 1.000 lít dầu lạc với giá 110.000 đồng/lít, những tháng cao điểm thì lượng sản xuất còn gấp đôi, gấp ba bình thường. Đồng thời, cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4-5 triệu/người/tháng.

Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm dầu lạc Phong Nha không chỉ tiêu thụ tại địa bàn tỉnh Quảng Bình mà còn được cả thị trường ở Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh đón nhận. Đặc biệt, tại chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Bình năm 2020, sản phẩm dầu lạc Phong Nha đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
 

Sản phẩm dầu lạc Phong Nha có mặt trên các thị trường

 
Anh Nguyễn Văn Nhị (SN 1992, ở thôn 5, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch), hiện đang rất thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp. Anh hiện là Ủy viên Ban Chấp hành CLB Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam, Chủ tịch CLB Khởi nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Bình.

Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, anh Nhị rất đam mê nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Vì điều kiện quá khó khăn, không thể học lên đại học nên sau khi tốt nghiệp THCS, anh Nhị đã tham gia khóa đào tạo 2 năm chuyên sâu về vi sinh vật quốc tế tại Hà Nội.Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, anh Nhị trở về quê hương, triển khai nuôi gà đồi sinh học với quy mô nhỏ, vừa làm vừa tìm hiểu thị trường và mong muốn mở rộng nguồn thực phẩm sạch, chất lượng và có giá trị kinh tế cao.

Năm 2018, khi chăn nuôi có hiệu quả, anh Nhị quyết định xây dựng trang trại gà đồi sinh học Nhị Nguyễn và chính thức mở rộng thành mô hình “Liên kết nuôi và tiêu thụ gà đồi sinh học Nhị Nguyễn”. Sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm về thức ăn hữu cơ tự phối trộn bằng công nghệ vi sinh vật tiên tiến, anh đã sản xuất thành công thức ăn hữu cơ sinh học NN01.

Đặc biệt, sản phẩm thức ăn hữu cơ sinh học NN01 của anh ra đời đã đem đến một bước đột phá mới trong ngành chăn nuôi gà, chuyển hoàn toàn từ phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ tự nhiên, hoàn toàn không dùng đến kháng sinh và các hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Sau quá trình triển khai, bước đầu, mô hình của anh đã đạt được những kết quả nhất định, đạt doanh thu 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 480 triệu/năm, giúp giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho 50 lao động mùa vụ là các hộ gia đình, các ĐVTN trên địa bàn toàn tỉnh với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Với cương vị là Chủ tịch CLB Khởi nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, anh Nhị đã đứng ra kết nối các thành viên và mở rộng nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau, đem đến các sản phẩm chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Cuối tháng 11-2020, anh Nhị được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của, đây là giải thưởng cao quý dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu, xuất sắc; đồng thời, anh cũng nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Với những thành tích đã đạt được, anh Nhị mong muốn mô hình của mình sẽ là nơi để các ĐVTN và đông đảo bà con nông dân tham gia học hỏi, phát triển tư duy tích cực, dám nghĩ, dám làm, tăng gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bảo vệ môi trường. Trong tương lai, anh hy vọng sẽ xây dựng và phát triển được một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, giúp đỡ các đội, nhóm khởi nghiệp về nông nghiệp tại các địa phương, đồng thời tạo một sân chơi giúp các thành viên tham quan, học hỏi các mô hình lẫn nhau và cùng nhau làm giàu, phát triển kinh tế.

“Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 150 mô hình khởi nghiệp của thanh niên về lĩnh vực nông nghiệp và có rất nhiều mô hình được đầu tư quy mô lớn, đạt hiệu quả cao. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhận thấy, các thanh niên khởi nghiệp đã rất mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu, học tập các mô hình hiệu quả ở các địa phương khác để áp dụng vào địa bàn của Quảng Bình. Đặc biệt, việc thành lập các CLB, đội, nhóm về khởi nghiệp có vai trò rất lớn trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp và đã mang lại những hiệu quả tích cực”, anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ.Khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, cơ hội có nhiều nhưng thách thức kéo theo cũng không nhỏ. Dẫu vậy, những người như chị Dương, anh Nhị hay nhiều thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã phải trải qua muôn vàn khó khăn trước khi nếm được “trái ngọt”. Hy vọng, câu chuyện về họ sẽ tạo nguồn cảm hứng gửi đến các bạn trẻ đã, đang, chuẩn bị đi theo con đường nông nghiệp, dám làm giàu ngay từ chính mảnh đất quê hương./.
 
Theo Đoàn Thanh niên
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×