Những bàn tay tài hoa

Thứ năm, 22/08/2019

Từng mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, Bùi Khắc Hiếu (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã khiến nhiều người nể phục với tài năng khắc chữ trên cây bút chì...

1. Bàn tay tài hoa của “chàng trai bút chì”


Từng mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, Bùi Khắc Hiếu (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã khiến nhiều người nể phục với tài năng khắc chữ trên cây bút chì... 
 
Đến xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hỏi thăm về chàng thanh niên Bùi Khắc Hiếu (22 tuổi) không ai là không biết. Người dân nơi đây thường dành cho Hiếu cách gọi thân thương “chàng trai bút chì”, bởi Hiếu có biệt tài khắc những ước mong lên cây bút chì nhỏ bé.


Bùi Khắc Hiếu với niềm đam mê khắc chữ trên bút chì của mình.


Khi chúng tôi đến, Hiếu đang say sưa với từng nét khắc trên cây bút chì. Qua câu chuyện về cuộc đời của chàng trai có đôi bàn tay khéo léo này, không ai nghĩ rằng, trước đây Hiếu từng mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh.

Hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không có điều kiện chạy chữa cho Hiếu. May mắn đã đến khi năm 15 tuổi, Hiếu được chương trình “Trái tim cho em” hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa bệnh.

Ca mổ thành công, Hiếu trở về nhà với sức khỏe ổn định. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, cũng vì điều kiện gia đình, Hiếu không chọn con đường vào đại học.



Bộ đồ nghề và những sản phẩm của Hiếu làm ra.

Chia sẻ về cơ duyên của mình với cây bút chì, Hiếu nhớ lại, cuối năm học lớp 12, một lần tình cờ thấy cây bút chì được tạo hình tinh xảo trên mạng xã hội. Với niềm đam mê sẵn có trong người, Hiếu mày mò, tìm hiểu.  

Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu do khắc chưa quen nên Hiếu thường bị dao cứa đứt tay đến chảy máu. Thậm chí, có những lần, tác phẩm sắp hoàn thành thì bút bị gãy. Đòi hỏi của công việc này là sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Có những lúc, Hiếu cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc.


Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi cần có một khoản tiền mua bút chì, dụng cụ khắc, keo dán, sơn...Để có tiền theo đuổi đam mê, ngoài giờ học, Hiếu đi làm thêm, ai thuê gì làm nấy. Thương con vất vả, bố mẹ không đồng ý cho em đi làm thuê, em đã phải đấu tranh và quyết tâm để thực hiện được mong ước của mình.

Với những nỗ lực, cố gắng cùng với niềm đam mê của mình, Hiếu đã được đền đáp bằng những giải thưởng cao trong các kỳ thi mỹ thuật do địa phương tổ chức.

Mới đây nhất, ngày 17/3/2019, tại thủ đô Hà Nội, Hiếu đã vinh dự đạt giải Nhì cuộc thi “Khắc bút chì nghệ thuật” lần thứ 6 do câu lạc bộ Khắc bút chì Việt Nam tổ chức.



Hiếu đã giành được những thành công nhất định với niềm đam mê của mình.

Không những vậy, Hiếu còn lập một câu lạc bộ khắc bút chì và trở thành sân chơi sáng tạo thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Những dòng chữ bất kỳ được Hiếu khắc với sự tinh xảo và rất đẹp trên cây bút chì nhỏ bé.

Giờ đây, những sản phẩm nghệ thuật do Hiếu làm ra, không chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân, mà nó đã mang lại cho Hiếu một nguồn thu nhập nhất định.

Ban đầu, những sản phẩm như móc khóa, bút chì khắc được bạn bè trong trường đặt mua với giá 25 - 30.000 đồng. Tiếng tăm ngày một “nổi” nên lượng người đặt hàng cứ đông dần lên. Những ngày khó khăn cũng dần qua, Hiếu tự nuôi được bản thân bằng chính niềm đam mê của mình.



Những sản phẩm của Hiếu đã ngày được nhiều người biết đến.

Không chỉ có đam mê với nghệ thuật khắc bút chì, Hiếu còn đam mê nhiều bộ môn nghệ thuật khác như: Kirigami (cắt giấy), origami (gấp giấy), lightbox (áp phích bằng hộp đèn), tranh cắt dán...

Những tác phẩm điêu khắc, cắt, vẽ của mình được Hiếu trưng bày, giữ gìn cận thận trong chiếc tủ kính. Đó như là cả gia tài của Hiếu.




Không chỉ có đam mê với nghệ thuật khắc bút chì, Hiếu còn đam mê nhiều bộ môn nghệ thuật khác như: Kirigami (cắt giấy), origami (gấp giấy), lightbox (áp phích bằng hộp đèn), tranh cắt dán...

Chia sẻ về dự định sắp tới, Hiếu cho biết em đã nộp đơn vào làm việc cho một công ty gần nhà để có thêm điều kiện trang trải cho cuộc sống và nuôi niềm đam mê nghệ thuật khắc bút chì của mình. Đồng thời, Hiếu cho biết sẽ cố gắng cho ra những sản phẩm khắc, vẽ mới.

“Hy vọng một ngày không xa, những sản phẩm mà em làm ra sẽ được nhiều khách hàng đón nhận. Và biết đâu, em sẽ có một công ty chuyên sản xuất ra những tác phẩm từ nguyên liệu giấy và bút chì của riêng mình...”. Chàng  trai 22 tuổi khép lại câu chuyện của mình bằng niềm mơ ước trong tương lai.



Những mơ ước được Hiếu thể hiện trên cây bút chì với vẻ đẹp và sự tinh xảo.
 

2. Bàn tay tài hoa làm nên thương hiệu 'nón lá bàng'

 

Những chiếc lá bàng rừng qua đôi bàn tay tài hoa của người đàn ông đam mê sáng tạo nghệ thuật đã làm nên chiếc nón cách điệu ấn tượng.



Thương hiệu "nón lá bàng" của ông Võ Ngọc Hùng ở kiệt 36 Kim Long (P.Kim Long, TP Huế) như trở nên cuốn hút hơn khi có nhiều du khách tìm đến xem cách ông làm và đặt mua. 

Ông Hùng tự nhận mình có duyên với những nghề liên quan đến sự khéo léo, tỉ mỉ. Ông mưu sinh bằng nghề vẽ tranh, đục đẽo…, rồi tìm đến nghề làm nón lá bàng.

"Tôi vẽ tranh lên gỗ, sau một thời gian dài không có ai mua. Tôi phải tự mình mày mò, kiếm một sản phẩm gì mới, vừa độc đáo, vừa lạ lẫm nhưng phải mang dấu ấn của Huế", ông Hùng nhớ lại.

Cách đây gần năm, xem được đoạn phim nói về nón lá, ông trằn trọc nhiều đêm nghĩ về nguyên liệu để đổi mới cho chiếc nón thoái khỏi phận truyền thống nhưng phải được thị trường chấp nhận, bởi đó không chỉ là đam mê mà còn là miếng cơm manh áo.


Trong rất nhiều công đoạn, việc đánh lá bàng cho ra màu trắng vô cùng công phu, khó khăn - Ảnh: AN NHIÊN

Ông kể: "Tôi lên mạng tìm những đoạn phim để tìm hiểu, mày mò học cách xử lý. Tôi tìm đến rất nhiều loại lá cây, từ lá bồ đề, lá vả, lá môn, lá sakê… nhưng càng thử lại càng thất bại".

Người bạn mách có loại lá bàng, nhưng lá bàng rừng phải lên núi mới tìm được. Không ngại đường xa, theo chỉ dẫn của bạn, ông chạy gần 30km, sau đó đi bộ cả tiếng để vào khu vực rừng thuộc vùng núi Bình Điền (thị xã Hương Trà) để hái những ngọn lá bàng rừng. Có được "bảo bối", ông vội vàng trở về và may mắn lần này ông thành công.

Những ngọn lá được chọn phải đáp ứng tiêu chuẩn có độ già vừa phải, không bị sâu, không rách. Trải qua một quá trình xử lý hóa chất, lớp màu xanh của lá phai nhạt. Ông chảy đánh nhẹ để từng chiếc lá trở dần hiện ra màu trắng, hiện rõ hình xương lá và rồi đưa vào máy ép. 

Với kinh nghiệm thất bại trước đó, ông Hùng cho rằng lá bàng rừng có độ dày cơ bản, bề dài của một chiếc lá có thể kéo dài từ đỉnh nón đến xuống vành cuối cùng.

Mỗi chiếc lá bàng rừng được ông Hùng đưa lên khung nón một cách nhẹ nhàng. Để xây khung cho một chiếc nón cần 15-16 lá. Chỉ có công đoạn cuối cùng - chằm nón, ông thuê chị em trong xóm, những người chuyên chằm thực hiện.


Những chiếc lá bàng rừng qua đôi bàn tay ông Hùng đã trở thành sản phẩm vô cùng ấn tượng - Ảnh: AN NHIÊN

Ngày chiếc nón đầu tiên hoàn tất, nhiều người trong xóm nhỏ bất ngờ. Ai cũng tỏ ra thích thú xin đội thử và chụp ảnh. Chính những bức ảnh ấy sau đó được chia sẻ, làn truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phương xa ngỡ ngàng. Từ đó những cuộc gọi liên tiếp dồn về đặt hàng.

"Tôi vui đến muốn khóc. Không ngờ công sức sao bao nhiêu năm mày mò cuối cùng cũng được thị trường, khách hàng chấp nhận", ông Hùng nói khi bán đi hơn 60 chiếc nón lá đầu tiên với mức giá 450.000 đồng/chiếc.

Niềm vui ấy trở nên ý nghĩa hơn đối với người vợ của ông Hùng, bà Lê Thị Kỳ Ngộ. Mỗi lần chồng thử nghiệm thất bại, bà lại động viên và lận lưng tiền cho ông nghiên cứu. "Có đợt gần như trong nhà hết tiền, không còn cách nào khác tôi chấp nhận bán đi hai chiếc xe đạp đua với giá 30 triệu để ông theo đuổi cuộc chơi", bà Ngộ kể.

Những ngày này, chiếc nón nào vừa "ra lò" có người đặt mua ngay. Nhiều khách hàng vì tò mò cũng đã xin đến tận nơi để trải nghiệm. Tuy hứng thú, nhưng ai khi bắt tay thực hiện từng công đoạn mới hiểu được sự gian nan, bỏ cuộc giữa chừng.

Bạn trẻ Nguyễn Tùng, một trong những người mua nón lá bàn do ông Hùng làm ra, đã không khỏi trầm trồ. Hùng nói đã đội rất nhiều nón từ nón bài thơ, nón lá sen, nhưng ấn tượng với sản phẩm nón lá bàng. 

Nhiều vị khách khác khi đội chiếc nón trên tay đã xúc động bởi hiểu được tâm sức của người làm ra là một hành trình không hề đơn giản.

Còn ông Hùng đang tìm cách truyền nghề đến với nhiều người, cũng như tiếp tục nghiên cứu một số loại lá cây phù hợp tạo nên họa tiết để gắn vào nón lá bàng. 

"Tôi chuẩn bị thử nghiệm đưa lên nón những hình ảnh về danh thắng Huế, và nếu khách hàng yêu cầu tôi có thể in album ảnh lên đó", ông Hùng chia sẻ trong lúc đóng thùng hàng nón lá chuyển cho khách ở Hà Nội, TP.HCM...


Những chiếc nón được làm từ lá bàng rừng vô cùng đẹp mắt, ấn tượng trở thành sản phẩm được nhiều du khách ưng ý, chọn mua - Ảnh: N.H.

Minh Hoa tổng hợp (Theo dân trí, Tiền phong)


 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×