Tài năng trẻ trong lĩnh vực hoạt động công vụ

Chủ nhật, 13/11/2016

Trong khu vực sự nghiệp dịch vụ công, người có tài năng có thể được xác định theo các tiêu chí như đạo đức nghề nghiệp, trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn. 
Trong khu vực sự nghiệp dịch vụ công, người có tài năng có thể được xác định theo các tiêu chí như đạo đức nghề nghiệp, trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn.

Ví dụ như trong bệnh viện, người bác sĩ được coi là người tài năng nếu người đó có y đức và có năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị, chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh; trong nhà trường, thầy cô giáo được coi là có tài năng nếu người đó có đạo đức nhà giáo và có trình độ, năng lực hoàn thành  xuất sắc việc đào tạo được nhiều học sinh giỏi, giành được giải trong các kỳ thi quốc gia hoặc quốc tế.....
 
Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ báo công Bác

Còn trong hoạt động công vụ, với mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trên cơ sở các quy định của pháp luật, có thể thấy hoạt động công vụ bao gồm các hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội như xây dựng và thực hiện chiến lược, tham mưu hoạch định chính sách, thực thi thừa hành các nhiệm vụ cụ thể được giao gắn với chức trách, nhiệm vụ. Các hoạt động này đòi hỏi phải tuân thủ đạo đức công vụ, giao tiếp chuẩn mực, tận tụy, mẫn cán, công tâm, sáng tạo trong sự tuân thủ pháp luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, trong hoạt động công vụ, công chức được coi là người có tài năng nếu có phẩm chất, trình độ, năng lực để luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc một số nhiệm vụ được giao trong một lĩnh vực, một ngành cụ thể. Thực tế cho thấy, công chức muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải là người tuân thủ và bảo đảm sự chuẩn mực về đạo đức công vụ, có lòng tận tụy, thái độ làm việc mẫn cán với chức trách được giao, có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng và sáng tạo vượt khó khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình trong một lĩnh vực hoặc một ngành cụ thể.

Đối với các ngành, nghề cụ thể trong xã hội, việc xác định người có tài năng cũng phải thông qua quá trình hoạt động và làm việc mới có thể xác định được. Ví dụ một người thợ giỏi được coi là người có tài năng khi người đó làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị được xã hội thừa nhận. Thực tế cho thấy không phải ai có trình độ cao (thể hiện ở văn bằng đào tạo) đều là người có tài năng. Đó mới chỉ là khả năng tiềm tàng của một người về kiến thức, trình độ đào tạo, mà phải thông qua hoạt động thực tiễn để chứng minh rằng với các kết quả đạt được, đó là người có tài năng. Vì vậy, tiêu chí để xác định là tài năng trong hoạt động công vụ không phải là thành tích trường học, văn bằng, chứng chỉ học tập mà là phẩm chất, trình độ và năng lực để hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao trong một lĩnh vực cụ thể.

Khi nói một người là có tài năng, không thể nói có tài năng một cách chung chung mà phải nói tài năng một cách cụ thể, theo ngành, lĩnh vực, theo vị trí và theo nhóm các hoạt động công vụ. Theo ngành, lĩnh vực có thể phân chia ra thành các ngành như tổ chức cán bộ, kế hoạch, tài chính, kinh tế, luật pháp, lao động- xã hội, đầu tư- xây dựng- giao thông...

Theo nhóm có thể phân chia ra thành các nhóm như: a) xây dựng chiến lược, tham mưu, hoạch định chính sách; b) tổ chức, quản lý triển khai, hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra thực hiện; c) phục vụ, cung cấp thông tin, sử lý số liệu, tài liệu cho các hoạt động a và b.

Theo vị trí, có thể phân chia ra thành các nhóm như: a) lãnh đạo, quản lý, điều khiển; b) thực thi, thừa hành. 
Việc xác định người có tài năng không thể chỉ đơn giản thông qua hồ sơ lý lịch và văn bằng đào tạo đạt được trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu như tài năng được phân tích bao gồm: phẩm chất, trình độ và năng lực thì người có tài năng chỉ được phát hiện và khẳng định thông qua kết quả của hoạt động thực thi công vụ, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các yếu tố phẩm chất, trình độ, năng lực mới chỉ được coi là điều kiện cần, là những khả năng tiềm tàng của con người, còn trong thực thi công vụ, phẩm chất, trình độ, năng lực mới được thể hiện ra bằng kết quả thực tế và kết quả thực tế này chính là điều kiện đủ của tài năng.

Có nhiều người có phẩm chất, trình độ đào tạo cao, được đánh giá là có phẩm chất, trình độ, năng lực nhưng chưa chắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tham gia vào hoạt động công vụ. Điều đó do nhiều nguyên nhân như: không được bố trí, sử dụng đúng ngành nghề  đào tạo, không phù hợp với khả năng, sở trường; thiếu năng lực sáng tạo (chỉ số cảm xúc trí tuệ-EQ) để vận dụng những điều đã học vào thực tiễn; còn thiếu thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu các tố chất khác như sự tận tụy, mẫn cán, tâm huyết; thiếu sự khiêm tốn và khả năng lắng nghe ý kiến người khác; thiếu khả năng bảo đảm sự cân bằng về tâm lý trong quá trình hoạt động công vụ; tinh thần, ý chí không duy trì được thường xuyên ở mức độ ổn định; thiếu năng lực tập hợp, phối hợp với đồng nghiệp trong hoạt động công vụ.....

Người có tài năng trong hoạt động công vụ được xác định theo 2 nguồn chính: Một là ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác, làm việc; Hai là từ nguồn nhân lực xã hội (bao gồm cả từ các khu vực khác)- nguồn này có hai nhóm chính là những người mới tốt nghiệp các cơ sở đào tạo, chưa có kinh nghiệm công tác và những người có trình độ, phẩm chất và có kinh nghiệm thực tiễn công tác.

Người có tài năng trong hoạt động công vụ được xác định theo các tiêu chí sau đây:
                * Về phẩm chất: Có đạo đức, văn hóa giao tiếp và các tổ chất cần thiết khác trong hoạt động công vụ. Biểu hiện của tiêu chí này là:
                +  Có lòng yêu nước, có ý thức và lòng tự tôn dân tộc chân chính;
                +  Trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhà nước;
                + Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; trung thực, không cơ hội, vụ lợi, không tham nhũng;
                +  Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp đoàn kết và phát huy năng lực, sở trường của mọi người để hoàn thành nhiệm vụ;
                + Tận tụy, mẫn cán, trách nhiệm và hết lòng vì công việc, nhiệm vụ.
                + Có lòng tự tin; có bản lĩnh, chính kiến; quyết đoán, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm;    
                + Có đủ sức khỏe về thể lực, trí lực và sự ổn định về tâm lý, tinh thần.   
                * Về trình độ và năng lực: Biểu hiện của tiêu chí này là:
                + Được đào tạo cơ bản trong hệ thống giáo dục quốc dân về một ngành, nghề cụ thể và được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng theo quy định của pháp luật;
                + Am hiểu và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là đối với ngành, nghề được đào tạo;
                + Thành thạo về nghiệp vụ chuyên môn trong một ngành, một lĩnh vực cụ thể (ngoài ra yếu tố thâm niên, kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cũng là một nội dung để xác định sự thành thạo cũng như công trạng đã đạt được)
                + Có năng lực quản lý và tổ chức thực hiện công việc đạt kết quả cao;
                + Nắm vững và sử dụng được một số công cụ để nâng cao hiệu quả công việc ( ví dụ như công nghệ tin học và ngoại ngữ);
                + Tuân thủ pháp luật trong hoạt động công vụ và có năng lực sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc.

            Ngoài ra, do đặc thù riêng của nghề nghiệp, chuyên môn và điều kiện, hoàn cảnh hoạt động, người có tài năng trong hoạt động công vụ ở mỗi lĩnh vực khác nhau còn cần có một số phẩm chất, năng lực chuyên biệt khác, do các cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực quy định.

            Trong hoạt động công vụ, người có tài năng có thể được phát hiện theo 3 nhóm hoạt động công vụ chính như sau:
            * Nhóm lãnh đạo, quản lý.
            * Nhóm tham mưu chiến lược, hoạch định chính sách.
            * Nhóm thực thi, thừa hành. 
 
Thành Long (Nguồn Đ/c Trần Anh Tuấn - Nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Bộ Nội vụ)

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×