Thanh niên sống đẹp

Thứ ba, 30/10/2018

Họ đều là những thanh niên có tấm lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước

1. Những người trẻ bắc nhịp cầu nhân ái


Người có duyên với học sinh nghèo miền núi

Anh Lê Đình Oanh (27 tuổi, kỹ sư cơ khí ô tô của Công ty cổ phần cơ khí ô tô 19/5, TP.Thanh Hóa) được nhiều người dân ở các huyện miền núi khó khăn biết đến như một ân nhân, vì anh đã mang đến cho con em họ tương lai tươi sáng hơn. Anh không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao, mà luôn quan tâm đến các hoạt động tình nguyện an sinh xã hội vì cuộc sống cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, anh đã cùng các tình nguyện viên kêu gọi, quyên góp được nhiều phần quà và hơn 2,5 tỉ đồng để tổ chức các chương trình, xây dựng các điểm trường cho học sinh, nhân dân các huyện nghèo, khó khăn của tỉnh.

“Hồi còn là sinh viên, khi tham gia các chương trình tình nguyện đến các huyện miền núi, tôi thấy các em còn khổ quá. Nhiều học sinh đi chân đất đến trường, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nên tôi đã ấp ủ nguyện vọng sẽ giúp đỡ bà con dân tộc thoát nghèo”, anh Oanh chia sẻ.

Nhiều năm anh tham gia ban tổ chức chương trình Đông ấm xứ Thanh để vận động xã hội xây giúp đỡ bà con ở các huyện nghèo của tỉnh như Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn… Anh còn tham gia tổ chức các chương trình “Hướng về miền lũ”, “Vì trẻ em vùng cao”, “Trung thu cho em”… mang đến cho con em những vùng khó khăn hàng trăm phần quà là quần áo ấm mới, sách vở, đồ dùng học tập; xây dựng phòng học ở các điểm trường; tạo khu sân chơi cho học sinh.

Điểm nổi bật trong các chương trình vận động xã hội của anh là quyên góp ủng hộ để xây dựng các điểm trường và giúp các em học sinh nghèo có nguy cơ phải nghỉ học được cắp sách tới trường.

“Tôi muốn thay đổi tương lai của bà con dân tộc bắt đầu từ giáo dục. Nếu học sinh được đến trường học, khi có kiến thức, các em sẽ biết làm kinh tế và tự phấn đấu vươn lên. Đồng thời, những người thành đạt sẽ quay trở về xây dựng và hỗ trợ người dân trên quê hương. Từ đó, kinh tế xã hội sẽ phát triển, đời sống của bà con sẽ dần đổi thay”, anh Oanh bày tỏ.

Cô gái vượt qua nghịch cảnh

Chị Ngô Thị Liên (34 tuổi, ở xã Việt Thành, H.Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) nhiễm HIV 14 năm nay. Vượt qua nghịch cảnh, chị đã trở thành tình nguyện viên tích cực tham gia các dự án vì cộng đồng, giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh éo le, vận động các nhà thiện nguyện giúp thanh thiếu nhi và nhân dân các vùng khó khăn. Nổi bật, trong các năm 2017 và 2018, chị Liên đã tham gia kêu gọi và huy động được hàng tỉ đồng, hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, trẻ em và người già neo đơn, hỗ trợ học phí cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, phối hợp xây cầu dân sinh...


Chị Ngô Thị Liên với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được chị giúp đỡ
 
 
Hỏi bí quyết nào giúp chị có thể vận động được nhiều nguồn tài trợ như vậy, chị Liên cho biết chị được mọi người biết đến vì “sinh ra” ở một nhóm phụ nữ bị tổn thương. Chị bị lây nhiễm HIV từ chồng, do anh nghiện ma túy.

“Tôi thực sự chới với khi phát hiện mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Lúc đó, tôi đã tham gia vào một nhóm những người cùng hoàn cảnh và được chia sẻ để có thêm nghị lực vươn lên. Cũng vì được “cứu vớt” từ những vòng tay thiện nguyện, nên tôi nghĩ rằng, nếu tôi có sức khỏe, tôi cũng sẽ làm các công việc thiện nguyện để giúp đỡ những người khác”, chị Liên nói.

Hiện vợ chồng chị đã chia tay nhau, chị nuôi con gái trong một hoàn cảnh khá éo le. Bố chị vừa mất do bệnh ung thư phổi. “Với tôi, cuộc sống như thế là tốt lắm rồi. Tôi chỉ mong có sức khỏe để giúp đỡ mọi người được nhiều hơn”, chị Liên chia sẻ.
 

2. Ươm bàng vuông, nhân tình yêu biển đảo

 
Từ việc ươm giống cây bàng vuông bán cho du khách, mỗi năm anh Bùi Tấn Niệm (31 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có thu nhập hơn 100 triệu đồng.


Vườn ươm giống cây bàng vuông của anh Niệm. ẢNH: HIỂN CỪ

Điều ý nghĩa hơn, theo anh Niệm, cây bàng vuông trên quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa được trồng trên khắp mọi miền đất nước sẽ nhân lên tình yêu biển, đảo trong tim con dân đất Việt.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử, anh Niệm xin vào làm cho một doanh nghiệp tư nhân ở TP.HCM. Tuy nhiên, với đồng lương chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên sau 2 năm “bám trụ” đất phương nam, anh quyết định quay về quê hương Lý Sơn để tìm hướng đi cho riêng mình.

Theo anh Niệm, cơ duyên đưa anh đến với công việc ươm giống cây bàng vuông bắt đầu từ sự phát triển của du lịch trên đất đảo. Cách đây 4 năm, khi lượng du khách từ khắp nơi đổ ra đảo tham quan ngày càng đông, mỗi năm lên đến hơn 200.000 lượt người. Đây cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện nhu cầu mua giống cây bàng vuông đưa về đất liền trồng làm kỷ niệm.

“Nắm bắt nhu cầu của du khách, tôi quyết định dành hẳn 150 m2 đất vườn để ươm giống, kiếm thêm nguồn thu cho gia đình, đồng thời mong muốn cây bàng vuông ở Lý Sơn theo chân du khách về đất liền hiện diện trên khắp đất nước VN nhằm hun đúc tình yêu, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo”, anh Niệm thổ lộ.

Thành công trong việc ươm giống bàng vuông bán nên bình quân mỗi năm, anh Niệm xuất bán cho du khách và các cơ quan, doanh nghiệp khoảng 3.000 cây. Với giá bán mỗi cây từ 35.000 - 45.000 đồng, gia đình anh Niệm có thêm nguồn tiền trang trải cuộc sống.

Mô hình ươm giống cây bàng vuông bán cho du khách là hướng làm ăn mới, góp phần giúp người dân Lý Sơn thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bây giờ, ở đảo Lý Sơn, sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ có hành, tỏi mà còn có cả giống cây bàng vuông theo chân du khách đi muôn nơi.
Ngọc Mai tổng hợp (Theo Thanh niên)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×