Thu hút và trọng dụng nhân tài

Thứ năm, 20/08/2020

Cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng song tấm gương và tấm lòng của những người sử dụng nhân tài vẫn là một nhân tố tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất.

Tấm lòng người sử dụng nhân tài trong mắt nguyên Phó Thủ tướng


Cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng song tấm gương và tấm lòng của những người sử dụng nhân tài vẫn là một nhân tố tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất.
 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Lê Anh Dũng
 
Không biết vì sao nhiều người để ý tới bài nói đã lâu của tôi về chủ đề này. Có lẽ nguyên do  nằm ở chỗ ai ai cũng mong mỏi có nhiều hiền tài được sử dụng để chấn hưng đất nước.

Nay VietNamNet yêu cầu chia sẻ thêm, tôi thấy rất khó đáp ứng vì chủ đề này thuộc loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, thậm chí có thời còn hình thành hội hay câu lạc bộ về vấn đề nhân tài. Vả lại, tôi đã ở tư thế “ếch ngồi đáy giếng” từ lâu nên cũng không thể bổ sung điều gì mới mẻ. 

Tuy nhiên, tôi xin làm rõ thêm đôi điều.

Nhiều vị tiền nhân đã từng nêu cao vai trò của nhân tài đối với quốc gia. Vấn đề còn lại là làm sao những ý tưởng cao đẹp của họ thấm sâu vào cuộc sống mà thôi.

Lâu nay khi nói tới “hiền tài” chúng ta thường liên tưởng tới những người kinh bang tế thế, trị nước giúp đời. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì nghề gì, tầng lớp nào chẳng cần và chẳng có những người tinh thông nghề nghiệp, đam mê công việc, đau đáu tìm cách đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, nếu mỗi người trong chúng ta phát huy hết tài năng của mình thì nước nhà sẽ sớm giàu mạnh, “sánh vai cùng bè bạn năm châu”.

Tất nhiên, đội ngũ lãnh đạo - quản lý và các nhà văn hóa, khoa học “hiền tài” có thể tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh hơn, rộng hơn. Để khơi dậy trí tuệ của họ, cần có cả một hệ thống cơ chế, chính sách thỏa đáng.

Cho tới nay, một số ngành và địa phương riêng lẻ từng đưa ra những cơ chế, chính sách này nọ song xem ra chưa thành công lắm. Còn trên phạm vi cả nước dường như vẫn chưa có được một hệ thống cơ chế, chính sách tổng thể và hữu hiệu để nhằm thu hút nhân tài.

Cho dù cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng song tấm gương và tấm lòng của những người sử dụng nhân tài ở mọi cấp vẫn là một nhân tố tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất. Và Bác Hồ chính là tấm gương sáng ngời về phương diện này.

Thế hệ chúng tôi còn nhớ rất rõ, thậm chí được trực tiếp tiếp cận các vị nhân sỹ lừng danh của đất nước tham gia Chính phủ, trong số đó không ít vị xuất thân từ các danh gia vọng tộc.

Qua các cuộc tiếp xúc với họ, tôi cảm nhận rất rõ rằng. họ đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến chủ yếu do lòng yêu nước và sự khâm phục đối với tấm gương và tấm lòng của Bác Hồ. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những minh chứng cho điều này qua những bức thư đầy tình người của Bác gửi các các vị nhân sỹ trong Tuyển tập Hồ Chí Minh.

Ở đây tôi chỉ xin lẩy ra mấy đoạn trong bức thư của Bác gửi bác sỹ Vũ Đình Tụng hồi tháng Giêng năm 1947 (Cụ Tụng từng là Bộ trưởng Thương binh trong Chính phủ kháng chiến) khi được tin con trai cụ hy sinh ngoài mặt trận. Bác viết:”Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Họ là con thảo của Đức Chúa (gia đình cụ Tụng theo đạo Thiên Chúa - tác giả)… Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ…Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc…”.

Với tấm gương và tấm lòng như vậy thì hiền tài ắt một lòng một dạ phụng sự nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
 

Nhân tài: Người là ai, đang ở đâu?


Phải chăng quan niệm của ta về người tài là quá cao nên loay hoay mãi vẫn không đưa ra được tiêu chí xác định người tài trong công vụ? Tiến sĩ Đinh Duy Hòa Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ chia sẻ:

Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh

Mấy chục năm trở lại đây, bàn về nhân tài luôn là chủ đề khó và hấp dẫn. Người bảo nhân tài phải thế này, người khác lại bảo nhân tài phải thế kia mới đúng. Tuy nhiên, bàn về người tài, không mấy ai không biết câu nói nổi tiếng của vị Tiến sỹ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sỹ Thân Nhân Trung cách đây hơn 500 năm: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí “.

Thời xưa quan niệm người làm quan thì có quan khí, quốc gia thì có quốc khí. Quốc khí gồm nhiều thứ khí tạo thành, nhưng trong đó nòng cốt chính là nguyên khí. Chỉ bằng một câu ngắn gọn như vậy, Thân Nhân Trung đã chỉ rõ vai trò của hiền tài và trách nhiệm thu hút, trọng dụng hiền tài của nhà nước.
 

Tiến sĩ Đinh Huy Hòa
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ
 
Còn thời nay thì sao? Nhân tài là ai, đang ở đâu để nhà nước này thu hút và trọng dụng? Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng là một trong số ít vị lãnh đạo bàn luận về người tài ở nước ta. Ẩn chứa trong những câu chuyện ông kể là triết lý sâu xa nơi ông về quan niệm người tài và làm thế nào để thu hút và trọng dụng họ.

Căn cứ xác định người tài

Ai là người tài? Đây quả là một vấn đề không đơn giản. Ông Vũ Khoan rất khiêm tốn khi nói mình không phải là người tài, nhưng được người tài sử dụng. Trong con mắt tôi, người tài theo tiêu chí của ông là quá cao. Đó là những vị lãnh đạo mà ông gọi là tiền bối, ít nhiều ghi lại dấu ấn lớn lao trong lịch sử đất nước. Còn riêng tôi, với những gì ông đã đóng góp trong quá trình công tác lúc đương chức, ông thừa tiêu chuẩn là người tài. Đấy là nói suy nghĩ cá nhân, còn nếu đưa ra hỏi thiên hạ thì chưa biết ra sao. Cho nên, nói công nhận ai là nhân tài ở nước ta là câu chuyện không đơn giản. 

Trước hết nói về thời điểm công nhận ai đó là người tài. Quan niệm tương đối phổ biến thiên về công nhận sau khi chết. Chết rồi thì dường như quan niệm, công nhận có thoáng hơn so với khi ai đó đang sống mà lại bảo họ là người tài. Nó hơi giống như đến dự lễ truy điệu ai đó mới ra đi. Người đã ra đi dường như cái gì cũng tốt, cũng quá tốt, làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho gia đình, cơ quan, tổ chức, địa phương, xã hội... Và do đó, người mất đi là một tổn thất lớn. Phương châm ở đây chính là người chết thì nói khuyết điểm làm chi, cứ vống lên chút thành tích cho người sống mát lòng, mát dạ. 

Mươi mười lăm năm trở lại đây rộ lên câu chuyện đặt tên đường phố mới. Rất nhiều người lúc còn sống có đóng góp quan trọng cho đất nước, thậm chí giờ đây được coi là người tài nên tên của họ rất xứng đáng được đặt cho các đường phố mới. Nhưng cũng có một số người liệu có xứng không khi mang tên của họ đặt cho phố này, đường kia. Ra đường phố ở thủ đô, thấy có những phố mang tên mới đặt gần như theo nguyên tắc cứ là lãnh đạo cao cao chút đã mất thì đều xứng đặt tên cho phố mới. Bấy lâu nay đã quen với chuyện chạy chức, chạy kỷ luật, chạy án..., có lẽ cũng có chuyện chạy đặt tên phố phường cũng nên?     

Chạy chức, chạy quyền, chạy tên phố, chạy người tài... Cho nên một trong những chuyện quan trọng phải rõ, đó là người tài thì phải như thế nào? Căn cứ vào đâu để nói người này là nhân tài thực sự, người kia thì không phải?

Không phải cứ có bằng cấp cao là làm việc tốt trong công vụ

Thời gian qua, rất nhiều tỉnh đã có khá nhiều chính sách để thu hút, trọng dụng những người có bằng cấp cao như thạc sỹ, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1, 2, rồi cả sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học trong và ngoài nước vào làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Tiêu chuẩn quan trọng nhất ở đây là bằng cấp. Sự ngộ nhận cứ có bằng cấp cao chắc chắn sẽ làm việc tốt, sẽ đạt thành tích trong công vụ là khá rõ.

Thực tiễn cho thấy không phải cứ có bằng cấp cao là ngon lành trong cơ quan, tổ chức. Đấy là còn chưa kể đến giá trị đích thực của những tấm bằng đó trong thời buổi kinh tế thị trường, lại đang cải cách giáo dục kiểu nước ta hiện nay. Cho nên mới có câu chuyện vào cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện lên đến trung ương thời nay đụng nhan nhản thạc sỹ, tiến sỹ. Càng lên cao lại càng thấy nhiều. Đây là một hiện tượng lạ so với các nước.

Bàn về những người có bằng cấp cao đã khó như vậy nên bàn đến người có tài năng lại càng khó hơn. Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. 12 năm trôi qua nhưng chưa có văn bản của Chính phủ cụ thể hóa điều này. Nguyên nhân chính vẫn là không định được người tài là ai. Năm 2019, Quốc hội sửa luật CBCC theo hướng Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Thêm được mấy chữ người có tài năng trong công vụ. Cũng vẫn không có tiêu chuẩn để định danh người tài. 

Phải chăng quan niệm của ta về người tài là quá cao nên loay hoay mãi vẫn không đưa ra được tiêu chí xác định người tài trong công vụ?

Đóng góp trong bộ máy

Trước hết nên khoanh lại chỉ đề cập đến người tài trong công vụ. Ai không thừa nhận và kính phục những nhân tài lớn của đất nước như các vị Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thời xa xưa hoặc Nguyễn Bính, Trịnh Công Sơn... thời nay. Nhưng chắc là không phù hợp nếu gọi các vị là người có tài năng trong công vụ. Những đóng góp, cống hiến của các vị không liên quan nhiều tới nhà nước, không liên quan gì tới quản trị đất nước, trong khi bàn về nhân tài trong công vụ là phải xem những đóng góp, kết quả công việc của họ cho bộ máy công quyền. Đây là một trong những điểm mấu chốt để đột phá tìm ra tiêu chí định danh người tài trong công vụ. Đi theo hướng này chắc sẽ ra tiêu chí.

Tìm ra tiêu chí để xác định ai đó là nhân tài rồi theo thời gian thì sao? Nhân tài trong công vụ là bất biến, trường tồn hay đến một lúc nào đó không đáp ứng tiêu chí thì cũng phải ra khỏi danh sách người tài? Rồi chính sách, chế độ đãi ngộ người có tài năng trong công vụ nên như thế nào là phù hợp? Đây là những loại vấn đề cần được tiếp tục làm rõ sau khi đã rõ ai là người tài trong công vụ.


Thể chế trọng người tài chọn ra những cá nhân vừa đức vừa tài


Triết lý “Đức trị” đề cao sự gương mẫu, liêm chính của các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công. Thể chế trọng người tài là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để kiểm soát quyền lực - TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ. Ông Đáng cho biết: 

Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia khu vực Đông Á, vốn có truyền thống tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất. Trong mô hình này không có sự tách bạch rạch ròi giữa cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp như ở nhiều nước phương Tây; chính quyền trung ương kiểm soát chặt chẽ chính quyền địa phương, cũng như các hoạt động đối nội và đối ngoại.  

Nhà nước là một thực thể thống nhất, bao gồm nhiều thành tố bộ phận cấu thành. Để bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước, sự gắn kết giữa các thành tố bộ phận được đề cao. Các cơ quan nhà nước vận hành theo chức năng và nhiệm vụ được giao; không một chủ thể nào có thể tuyên bố tư cách độc lập đại diện cho quyền lực nhà nước như ở các quốc gia theo mô hình liên bang. 

Trong cấu trúc tổ chức như vậy, luôn có một chủ thể hạt nhân nắm giữ và điều phối quyền lực nhà nước. Đây là một truyền thống chính trị khá bền vững dựa trên các nền tảng văn hóa và thể chế lâu đời ở Đông Á, được củng cố thêm bởi nhu cầu giành lại và bảo vệ nền độc lập quốc gia từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cũng như nhu cầu phát triển quốc gia từ nửa sau thế kỷ 20.  

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đảm nhiệm vai trò hạt nhân quyền lực trong hệ thống chính trị. Gần đây, “kiểm soát quyền lực” trở thành chủ đề được thảo luận rộng rãi kể từ sau nghị quyết Trung ương 4 khóa 12. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị cũng đã ban hành quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.  

Giám sát quyền lực 

Mỗi mô hình thể chế nhà nước lại có những nguyên tắc kiểm soát quyền lực đặc trưng. Các cấu trúc tổ chức nhà nước ở các nước phương Tây đề cao sự phân tán quyền lực; coi trọng các nguyên tắc cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa ba chủ thể quyền lực nhà nước. Bản thân mô hình này thì mức độ phân tán và kiểm soát lẫn nhau cũng khác nhau giữa các mô hình chính thể (tổng thống hoặc bán tổng thống). 
 

TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
Với cấu trúc quyền lực nhà nước thống nhất theo truyền thống Đông Á thì quyền lực hệ thống luôn được kiểm soát bởi một hạt nhân trung tâm nào đó. Bởi vậy, kiểm soát quyền lực trong một cấu trúc như vậy nên được hiểu chính xác là “Giám sát quyền lực” - theo nghĩa chủ thể trung tâm quyền lực nhà nước thực hiện các phản ứng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực, từ bên trong ra bên ngoài, từ hạt nhân đến bộ phận, từ trung ương xuống đến địa phương.  

“Đức trị” đề cao sự gương mẫu, liêm chính 

Khi đề cao sự thống nhất và tập trung quyền lực nhà nước thì “Đức trị” sẽ là chiến lược kiểm soát quyền lực luôn được ưu tiên. Bản chất của triết lý “Đức trị” là đề cao sự gương mẫu, liêm chính của các nhà lãnh đạo – quản lý khu vực công, tức là khả năng tự kiểm soát hành vi của cá nhân. Mỗi khi được bổ nhiệm vào các vị trí công quyền, cá nhân được mong đợi sẽ là tấm gương về tuân thủ các chuẩn mực để có thể thực hiện nhất quán các chiến lược, mục tiêu do hạt nhân quyền lực đề ra.  

Tuy nhiên, thách thức của triết lý Đức trị là các hạt nhân quyền lực hệ thống không thể chủ động kiểm soát hoàn toàn ý muốn hay lợi ích của các cá nhân nắm giữ quyền lực. Tức là khả năng kiểm soát quyền lực luôn bị động do phụ thuộc vào chủ quan cá nhân - thường bị chi phối bởi muôn vàn yếu tố mà trung tâm quyền lực không thể kiểm soát hết.   

Chọn người vừa đức vừa tài 

“Thể chế trọng người tài” chính là một lựa chọn phù hợp với nguyên tắc hệ thống đề cao sự tập trung và thống nhất của quyền lực nhà nước. Sở dĩ vậy bởi một niềm tin rằng những người tài năng thì thường có đam mê làm việc, cống hiến, phục vụ cộng đồng. Bởi thế họ sẽ có ý thức và khả năng tự kiểm soát hành vi, hạn chế được tính ích kỷ cá nhân.  

Theo đó, chủ thể giữ vai trò hạt nhân quyền lực của hệ thống quản trị phải thiết lập được quy trình phát hiện, đào tạo, lựa chọn, và sử dụng nhân sự khu vực công chặt chẽ, hiệu quả để có thể chọn ra được những cá nhân “vừa đức vừa tài”, với khả năng tự kiểm soát hành vi tốt nhất. 

Về bản chất, thể chế trọng người tài là một quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt thăng tiến nhân sự khu vực công dựa trên năng lực cá nhân, sự thể hiện trong công việc, và những đóng góp thực tế của cá nhân thay vì các yếu tố ngoài chuyên môn như giới tính, dân tộc, truyền thống gia đình, tôn giáo, tuổi, quan hệ cá nhân, hay sự nổi danh trong xã hội.  

Thể chế trọng người tài giúp nhà nước thu hút và khuyến khích những người có năng lực phát huy tối đa khả năng để đóng góp cho nhà nước, qua đó bồi đắp sự chính danh cũng như quyền uy của nhà nước và chủ thể giữ vai trò hạt nhân quyền lực.  

Đặc trưng cấu trúc quyền lực của hệ thống cho thấy thể chế trọng người tài là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để kiểm soát quyền lực khu vực công. Tức là chúng ta phải đặt lòng tin vào khả năng tự kiểm soát của đội ngũ cán bộ công quyền “vừa đức vừa tài”.  

Còn nếu không thiết lập được “thể chế trọng người tài” thì khu vực công có thể sẽ phải chấp nhận đội ngũ cán bộ yếu kém cả về năng lực và đạo đức. Nếu vậy, chúng ta sẽ phải đối diện một số nguy cơ như: hệ thống chính trị xa rời quần chúng, bộ máy hành chính quan liêu, yếu kém trong hoạch định và thực thi chính sách, hay tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng… do sự lạm quyền của những cá nhân hoặc nhóm vị kỷ. Tất cả những vấn đề này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhất là sự suy giảm lòng tin của người dân vào các thể chế công, khởi nguồn cho những rối loạn và bất ổn xã hội.  
Đức Anh tổng hợp (theo Vietnamnet)  

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×