Thông tin Khoa học công nghệ
Thủ tướng: 'Khoa học là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng'
Thứ năm, 18/05/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế, cho rằng đây là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng.
Chiều 17/5, Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 được tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hàng trăm nhà khoa học tham dự chương trình.
Trước khi bước vào phiên chính của sự kiện, Thủ tướng và các đại biểu đã đi thăm các gian hàng được thiết kế bên ngoài hội trường. Đây là các đơn vị đại diện cho các ngành hàng sản xuất, tiêu dùng, nghiên cứu có những sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sản xuất, kinh doanh.
Mở đầu lễ chào mừng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã nói về lịch sử ra đời của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông cho biết, 10 năm qua Ngày khoa học công nghệ Việt Nam trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cả nước.
Ông cũng nhấn mạnh dù còn khó khăn nhưng "những người làm khoa học kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê bất tận, vượt lên khó khăn, thách thức tạo ra nhiều thành quả thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước".
Ông cho biết thêm trong 10 năm qua, nhiều hoạt động phong phú đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; dần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc. Ảnh: Giang Huy
Sau phần khai mạc của Bộ trưởng, các diễn giả là những gương mặt đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học chia sẻ những câu chuyện thực tế về con đường phát triển khoa học công nghệ của cá nhân và đơn vị.
Câu chuyện của ông Nguyễn Đức Tài, CEO Công ty cổ phần Lumi Việt Nam, kể về hành trình khởi nghiệp từ năm 2008 khi là sinh viên năm 3 thuộc đội Robocon, Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi Lumi Việt Nam ra đời, để có chi phí cho công ty, doanh nghiệp dành 50% thời gian cho việc nghiên cứu, phần còn lại kiếm tiền từ đủ việc như sửa chữa, thiết kế, lập trình hệ thống điện, chui hầm than... Sau ba năm giải pháp smarthome của Lumi ra mắt, tới nay có 135 thành viên với gần 50 kỹ sư nghiên cứu phát triển, 120 nhà phân phối trên cả 63 tỉnh; xuất khẩu Isarel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanon và triển khai nhiều dự án trọng điểm.
Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ câu chuyện đến thành công. Ảnh: Giang Huy
Sau ông Tài, TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí kể về đơn vị buộc phải "chuyển mình" để thích ứng với giai đoạn Việt Nam chuyển hướng nền kinh tế thị trường. Khi ấy, Viện hầu như không còn các công việc được giao bởi Nhà nước mà phải tự tiếp thị để có hợp đồng cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ cho khách hàng. Để bắt kịp, họ tập trung phát triển năng lực về tư vấn, thiết kế, về công nghệ cao nhằm có đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM các công trình dự án; thiết kế, chế tạo được những máy móc thiết bị công nghệ cao. Viện đã liên danh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước để học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. "Đến nay Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tham gia thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng", ông nói.
TS Phan Đăng Phong nói về câu chuyện tự chủ. Ảnh: Giang Huy
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group cho biết, trong hành trình phát triển của công ty ông đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong đó sản phẩm từ chanh leo mang lại nguồn thu nhập tỷ đô.
Ông kể thời khởi nghiệp, ông chỉ mất 5 năm để đưa doanh nghiệp của mình trở thành nhà máy hiện đại nhất miền Trung chế biến dứa xuất khẩu. Thế nhưng năm 2000, nhà máy 150 tỷ đồng "tiêu tan", nguyên nhân do mối quan hệ bốn nhà thất bại. Lúc này ông bắt đầu tiếp cận nhà khoa học từ Đài Loan đưa giống chanh leo về Việt Nam, thành lập viện nghiên cứu tại huyện Quế Phong, vùng gần biên giới Việt Lào. Nafoods áp dụng công nghệ để sản xuất chanh leo an toàn, đảm bảo chất lượng. Hiện tại dây chuyền chế biến đã được tự chủ động công nghệ 80%.
Hơn 10 năm thử nghiệm cây chanh leo đã có vùng trồng, cùng quy trình chế biến, xuất khẩu. Hiện tại, Nafoods có 6 loại giống chanh leo, sản phẩm từ cây chanh leo đã xuất khẩu đi 70 nước trên toàn thế giới, vượt qua Nam Mỹ, tạo ra giá trị 500 triệu USD. Ông Hùng nhận định, chanh leo là quả tỷ đô. Người nông dân trồng chanh leo có thể thu về 400 – 600 triệu đồng mỗi năm, nếu chịu khó chăm sóc có thể đạt doanh thu cả tỷ đồng, lợi nhuận hơn hẳn trồng cà phê.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói về câu chuyện đưa công nghệ vào các sản phẩm chanh leo. Ảnh: Giang Huy
Câu chuyện của ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đại diện cho địa phương ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Câu chuyện minh hoạ ở đây là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được nâng giá trị sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý.
Ông Nam cho hay việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu. Hiện vải thiều được tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong nước, xuất khẩu trên 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...
Ông mong các nhà khoa học tiếp tục quan tâm đến người dân, đẩy mạnh nghiên cứu về thổ nhưỡng, nhân ra những giống mới có hiệu quả cao. Đồng thời, vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để người dân sử dụng các hóa chất hữu cơ; đưa khoa học công nghệ vào giảm bớt sức lao động cho người dân, thúc đẩy công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao thời gian bảo quản vải thiều.
Ông La Văn Nam kể về sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Giang Huy
TS Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm Nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc, Viện nghiên cứu Phenikaa, giảng viên khoa Dược, trường Đại học Phenikaa, đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2021, là gương mặt đại diện nhà khoa học trẻ. Câu chuyện của TS Tùng gợi mở các nhà khoa học trẻ hãy tin tự chinh phục những vấn đề tầm thế giới.
Anh kể, khi du học trở về nước hướng nghiên cứu của anh là tìm các thuốc điều trị các bệnh "truyền nhiễm" và "bệnh hiếm". "Việc lựa chọn này cũng mang đến nhiều khó khăn khi nhiều lúc phải tổng hợp ra hàng trăm chất, mà không có chất nào có tác dụng, khiến công việc nghiên cứu đi vào ngõ cụt", anh kể. Nhờ nỗ lực tìm kiếm, phân tích và cả niềm tin, hiện nhóm có các kết quả tiềm năng làm ra thuốc công bố trên các tạp chí quốc tế.
TS Trương Thanh Tùng nói về quyết định trở về và theo đuổi ước mơ nghiên cứu. Ảnh: Giang Huy
Ghi nhận những chính sách hiệu quả về khoa học công nghệ đã được ban hành, 5 diễn giả cũng nêu đề xuất, mong muốn nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển bền vững. TS Phan Đăng Phong mong muốn Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền để vươn tầm khu vực và thế giới. Trong khi đại diện Lumi Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trẻ xuất khẩu ra thế giới. Ông cũng kiến nghị về nguồn vốn vay từ chính phủ và có chính sách cho doanh nghiệp trẻ. Trong khi đó, TS Trương Thanh Tùng bày tỏ nguyện vọng Việt Nam có thể đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ kế cận, các sinh viên không cần ra nước ngoài học tập, sẽ có những sản phẩm khoa học do 100% người Việt thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Trong chiến tranh, các nhà khoa học đã cải tiến nhiều loại vũ khí; nghiên cứu các loại thuốc chống lại các bệnh. Các nhà khoa học tiếp tục có nhiều đóng góp trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. "Chúng ta từ một đất nước từ phải lo an ninh lương thực, trở thành đất nước xuất khẩu gạo. Xuất khẩu nông sản 55 tỷ USD, xuất khẩu gạo trên 7 triệu tấn", Thủ tướng dẫn chứng.
"Khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất để đạt đến mục tiêu thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh và ghi nhận thời gian qua, đội ngũ trí thức, khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ có đóng góp cho ngành khoa học công nghệ. Thị trường khoa học công nghệ đã bước đầu hình thành và đạt được những kết quả tích cực. Song song đó, khoa học xã hội và nhân văn cũng được đẩy mạnh với nhiều thành tựu. Cùng với đó là 3 trụ cột chính: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tranh thủ sức mạnh dân tộc và thời đại.
Thủ tướng: Khoa học phải định hướng, dẫn dắt sản xuất kinh doanh. Video: Lộc Chung - Anh Phú
Ông động viên, khuyến khích nhà khoa học mạnh dạn sáng tạo và đổi mới nhưng chấp nhận sự rủi ro. Theo ông làm khoa học đôi khi phải "chấp nhận cô đơn".
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo đột phá, "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo ra môi trường, hệ sinh thái học thuật; sử dụng, trọng dụng nhân tài; tăng cường thu hút sự tham gia của các nhà khoa học để giải quyết những nút thắt; đảm bảo môi trường tự do học thuật, tự chủ trong nghiên cứu".
Ông yêu cầu các địa phương có những chính sách đãi ngộ vượt trội cho các nhà khoa học; khuyến khích dấn thân. Các doanh nghiệp coi hoạt động đổi mới sáng tạo là hoạt động quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh Các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học công nghệ, truyền thông tăng cường nghiên cứu các sáng kiến hay, khích lệ, truyền cảm hứng cho các ý tưởng khoa học công nghệ.
Theo Vnexpress
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Trí tuệ nhân tạo làm tăng tốc "khủng hoảng khí hậu"
- 'Nghiên cứu neutrino mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam'
- Việt Nam giành huy chương đồng kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2024
- Trái Đất sắp có thêm mặt trăng nhỏ trong 2 tháng
- Nhà khoa học Việt 'nhân bản' giống sâm Ngọc Linh
- Ứng dụng AI quan trắc phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ sập cầu
- GS. Cao Chi: “Và thiên thu trong một khắc đồng hồ”
- 38 nhà khoa học nữ trẻ được kết nối phát triển nghiên cứu
- Kỹ sư Việt mê công nghệ từ trường
- Thành phố Hồ Chí Minh ban hành chiến lược phát triển vi mạch đến 2030
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận