Thuần dưỡng 'báu vật' của rừng

Thứ bảy, 14/11/2020

Cây chè dược liệu mang trong mình 400 hoạt chất, trong đó có nhiều hoạt chất quý hiếm rất tốt cho sức khỏe con người, đã trở thành 'báu vật của rừng xanh'.
Cây chè dược liệu mang trong mình 400 hoạt chất, trong đó có nhiều hoạt chất quý hiếm rất tốt cho sức khỏe con người, đã trở thành 'báu vật của rừng xanh'.


Anh Hà Minh Tuấn và những cây chè hoa vàng từ giâm cành đã tươi tốt
ẢNH: K.HOAN

Được phát hiện từ năm 2012, chè hoa vàng - loại dược liệu quý hiếm ở vùng rừng núi H.Quế Phong (Nghệ An), được một tri thức trẻ của dự án 600 tri thức trẻ làm phó chủ tịch các xã nghèo vùng núi 'thuần dưỡng', nhân giống đưa về vườn nhà thành công.

Năm 2012, giáo sư người Nhật Bản Hakoda và PGS-TS Trần Ninh, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, phát hiện ra cây chè hoa vàng sinh tồn trong Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An thuộc H.Quế Phong. Kể từ đó, cây chè dược liệu mang trong mình 400 hoạt chất, trong đó có nhiều hoạt chất quý hiếm rất tốt cho sức khỏe con người, đã trở thành “báu vật của rừng xanh”.


Nụ chè hoa vàng tươi ở H.Quế Phong (Nghệ An) được bán với giá 200.000 - 400.000 đồng/kg
 
 

Đưa “báu vật” về vườn


Nằm trong số ít địa phương (Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang...) may mắn sở hữu cây chè hoa vàng, huyện biên giới Quế Phong có 6/14 xã có sự hiện hữu của loài cây dược liệu này. Giá trị của cây chè hoa vàng nằm ở hoa. Khi chè ra hoa (vào mùa đông), người dân đi tìm hái nụ mang về bán cho các cơ sở chế biến để sấy khô, với giá 200.000 - 400.000 đồng/kg. Sau khi phát hiện giá trị của chè hoa vàng, những thương lái lạ mặt tìm đến Quế Phong để mua lá và thân cây chè. Nhiều người dân ở đây vào rừng tìm chặt cả cây mang về bán.

Trước tình hình trên, lãnh đạo H.Quế Phong phát thông báo về tận các bản, yêu cầu người dân không chặt hạ chè hoa vàng. Lo lắng cho “báu vật” của rừng bị đánh cắp, anh Hà Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Châu Kim (H.Quế Phong) - một tri thức trẻ của dự án 600 tri thức trẻ làm phó chủ tịch các xã nghèo vùng núi, trăn trở và tìm cách bảo vệ, nhân giống loại cây này. Năm 2014, một người dân ở xã Thông Thụ (H.Quế Phong) cũng đã bảo tồn chè hoa vàng bằng cách vào rừng đào cây về trồng ở vườn nhà, nhưng cách này lại tận diệt cây chè ở rừng nên anh Tuấn thấy đó chưa phải là cách bảo tồn tốt nhất.

Năm 2017, anh Tuấn bắt đầu vào rừng tìm hiểu. Sau nhiều chuyến lội rừng, tìm đọc tài liệu về cây chè hoa vàng, anh đặt mua quả chè của người dân đi thu hái trong rừng với giá rất cao, hy vọng tạo giống bằng cách ươm quả. Thế nhưng, không ai tìm được quả của nó vì khi cây chè ra hoa đã bị người dân vào săn, hái trụi để bán. Anh Tuấn nghĩ đến cách giâm, ghép cành. Anh thuê người dân dẫn vào rừng, tìm tỉa những cành chè phù hợp mang về. Để có đất thử nghiệm, anh mua lại một khu vườn rừng khá rộng của người dân ở gần rừng.

Những cành chè tỉa về, anh Tuấn giâm xuống đất với hy vọng chúng sẽ mọc rễ. Sau một thời gian mày mò, những cành chè cũng “động lòng” và mọc rễ. Nhận thấy cách bảo tồn này có kết quả, anh Tuấn vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư cho dự án mạo hiểm, khiến vợ anh vô cùng sốt ruột. Sau hơn 2 năm mất ăn mất ngủ vì cây chè, anh đã ươm thành công hơn 3.000 gốc chè (tỷ lệ cành ươm thành công hơn 80%), được trồng trong khu vườn giáp cánh rừng ở xã Châu Kim. Để chiều lòng loại chè khó tính này, anh Tuấn phải tạo hệ thống nước tự chảy quanh vườn nhằm tạo độ ẩm và trồng nhiều loại cây cao che bóng nắng. Anh Tuấn nói mục tiêu của anh là tạo được giống cây từ việc giâm và ghép cành để bán cho người dân địa phương trồng.


Một công đôi việc


Những cành chè hoa vàng chỉ dài hơn gang tay được cắt từ rừng về, sau một thời gian đã mọc thành cây chè mới khiến anh Tuấn mừng như bắt được vàng. Anh cho biết số giống cây chè hoa vàng này sẽ được bán cho người dân trồng để vừa phát triển kinh tế (thu hoạch hoa chè) và bảo vệ rừng. “Loại chè này ưa bóng râm. Người dân trồng chè hoa vàng trong những khu rừng đã được giao bảo vệ, sẽ một công đôi việc, vừa giữ được rừng vì người trồng phải bảo vệ các cây lớn tạo bóng râm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc thu hoạch hoa chè”, anh Tuấn giải thích. Sau khi giâm cành thành công, hiện nay anh Tuấn đang mày mò nhân giống bằng ghép cành. Việc nghiên cứu tạo giống chè hoa vàng cũng giúp anh hoàn thành luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành trồng trọt.

Ông Lô Hùng Cường, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Quế Phong, cho biết từ khi được phát hiện đến nay, mỗi năm ở Quế Phong, người dân thu hái được khoảng 20 tấn hoa chè tươi từ rừng, thu về khoảng 50 tỉ đồng, chưa kể lợi nhuận mang lại cho các thương lái và người chế biến chè. Mỗi ký hoa chè khô được bán với giá 3 - 8 triệu đồng. Mô hình nhân giống, bảo tồn cây chè hoa vàng của anh Hà Minh Tuấn được đánh giá là cách làm rất hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, vừa giữ được rừng. Năm 2016, UBND H.Quế Phong lập đề án bảo tồn, phát triển cây chè hoa vàng, trong đó khuyến khích việc nhân giống để bảo tồn loại cây có giá trị này nhằm tạo cho người dân địa phương thoát nghèo và làm giàu từ việc trồng và thu hoạch hoa chè.
 
Theo Thanh niên
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×