Tiến sĩ 9x truy tìm cơ chế tế bào ung thư di căn

Thứ sáu, 16/02/2024

Khát khao tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh ung thư, TS Nguyễn Chí Long, Đại học Chicago tin nghiên cứu về cơ chế tế bào ung thư di căn có thể ngăn chặn bệnh phát triển.
Sinh ra trong gia đình đều làm ngành y, Nguyễn Chí Long, sớm tiếp xúc và chứng kiến nhiều bệnh nhân chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đã tác động sâu sắc đến chàng sinh viên y khoa trẻ tuổi.
 
Long, 33 tuổi, kể "ảnh hưởng nhiều từ bố, một bác sĩ cũng đam mê nghiên cứu khoa học". Khi có cơ hội đến Mỹ học và nghiên cứu, Long dành nhiều thời gian tìm hiểu về bệnh ung thư, đặc biệt trong ung thư vú bộ ba âm tính, một loại ung thư vú ác tính ảnh hưởng đến phụ nữ.
 
Gần 4 năm qua, TS Long cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu về cơ chế tế bào ung thư di căn và cách chúng trốn tránh hệ miễn dịch. Anh cho hay, khi tế bào ung thư nhân đôi không kiềm chế là lúc chúng rất "stress" do thiếu nguồn dinh dưỡng hay khí oxy. Khi đó chúng sẽ kích hoạt nhiều cơ chế để tồn tại hay "chạy trốn" hệ miễn dịch cũng như di chuyển đến nơi khác trong cơ thể. Hiện một số phương pháp điều trị ung thư cho bệnh nhân được phát triển dựa trên những cơ chế này.
 
Các nghiên cứu của anh xoay quanh tìm hiểu những cơ chế tương tự, hướng chuyên sâu ung thư vú bộ ba âm tính (Triple-Negative Breast Cancer - TNBC), hay còn gọi ung thư vú tam âm. Đây là loại ung thư vú không có biểu hiện thụ thể hormone, chiếm 10%-15% trong tổng số trường hợp ung thư vú. Loại ung thư này phát triển nhanh, tỷ lệ tái phát cao hơn các loại ung thư vú khác. Do thiếu các thụ thể hormone nên người bệnh có rất ít lựa chọn điều trị.
 
Nguyễn Chí Long, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Chicago (Mỹ). Ảnh: NVCC
Nguyễn Chí Long, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Chicago (Mỹ). Ảnh: NVCC
 
Việc hiểu được các cơ chế thúc đẩy phát triển khối u và di căn của ung thư vú bộ ba âm tính sẽ tạo tiền đề để phát triển các phương pháp mới trong điều trị căn bệnh này. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một số kỹ thuật mới nhất như công nghệ giải trình tự tế bào đơn (single cells RNA-seq), không gian (spatial RNA-seq), biến đổi gene bằng công nghệ Crispr Cas, hay Chromatin immunoprecipitation sequencing (giải trình tự miễn dịch kết tủa chất nhiễm sắc) để nghiên cứu các cơ chế của khối u, trong đó bao gồm cơ chế kháng điều trị. Hiện nhóm đã có những khám phá quan trọng và đang trong quá trình hoàn thiện để công bố.
 
"Bất kỳ nhà nghiên cứu nào về ung thư, tôi tin đều khao khát tìm được phương pháp điều trị tốt hơn chống lại căn bệnh quái ác cho người bệnh. Đây cũng là mục tiêu chúng tôi hướng đến và trở thành động lực cố gắng", Chí Long nói.
 
Dù vậy, anh bảo con đường nghiên cứu ung thư thật sự chỉ mới đang bắt đầu, bởi rất khó do tính không đồng nhất (tumor heterogeneity) của tế bào ung thư. Một cơ chế có thể rất thành công trong kiềm chế một khối u hay một tế bào nhưng có thể hoàn toàn không hiệu quả ở một khối u hay tế bào khác. "Với thời đại dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo mở ra một kỷ nguyên mới đầy thú vị với tốc độ khám phá và hiểu biết chưa từng có về sinh học ung thư, tôi rất hứng thú vì điều đó", anh cho hay.
 
Nguyễn Chí Long là cựu học sinh trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Ngay từ thời trên ghế nhà trường, cậu đã nổi danh "con nhà người ta" vì giành nhiều giải thưởng trong cuộc thi với huy chương Vàng Hóa Olympic 30-4, các giải quốc gia Hóa học và Máy tính bỏ túi. Long cũng từng là một trong hai đại diện trẻ Việt Nam tham dự gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc thăm lịch sử tại Yangon Myanmar, được nhận bằng khen Chủ tịch nước; đề cử giải thưởng Wechoice 2015.
 
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Y Dược Huế, Long nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của chính phủ Nhật tại ĐH Y Tohoku (không cần qua thạc sĩ). Hoàn thành xuất sắc chương trình tiến sĩ năm 2020, anh tiếp tục theo đuổi làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Chicago. Nhận học bổng Miễn Dịch Ung Thư Y học từ Trung tâm Ung thư Đại học Chicago, TS Chí Long gia nhập phòng thí nghiệm của GS Marsha Rosner, Khoa Nghiên cứu Ung thư Ben May.
 
"TS Nguyễn Chí Long thực sự là một trong những nhà nghiên cứu sau tiến sĩ giỏi mà chúng tôi có tại phòng lab trong suốt 40 năm qua", GS Marsha Rosner, nói trên trang website Đại học Chicago.
 
Với những đóng góp trong nghiên cứu về ung thư, anh được Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AACR) vinh danh là Học giả Đào tạo tại cuộc họp thường niên AACR năm 2023 ở Orlando, Florida. Cùng năm, anh cũng là một trong số ít nhà khoa học trẻ đến từ 100 quốc gia được chọn để trình bày công trình nghiên cứu của mình tại Hội nghị khoa học thường niên giữa các nhà khoa học đoạt giải Nobel tại Lindau, Đức với các nhà khoa học trẻ kế cận. Tại đây TS Long chia sẻ nghiên cứu trước hơn 40 nhà khoa học từng đạt giải Nobel.
 
Giờ đây, anh mong muốn trở thành một giáo sư nghiên cứu chuyên sâu về ung thư, tập trung về cơ chế di căn, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
 
TS Nguyễn Chí Long (ngoài cùng bên trái) cùng cộng sự Thomas Li, Emily Shi và GS Marsha Rosner (từ trái sang phải), tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AACR) 2023
TS Nguyễn Chí Long (ngoài cùng bên trái) cùng cộng sự Thomas Li, Emily Shi và GS Marsha Rosner (từ trái sang), tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AACR) 2023. Ảnh" NVCC
 
Năm qua, Chí Long đưa các giáo sư từ Đại học Mỹ tham gia hội nghị ung thư thường niên và diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam. Các chuyên gia rất ấn tượng với tiềm năng của Việt Nam và mong muốn hợp tác trong tương lai. "Tôi chắc chắn rằng việc hợp tác với các nhà khoa học quốc tế là chìa khóa quan trọng để đưa y sinh học Việt Nam lên một tầm cao mới", anh nói.
 
TS Long đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm y sinh học chuyên sâu trong khu vực nếu có sự đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước, đồng thời bày tỏ mong muốn đóng góp và hợp tác với các nhà khoa học. Theo đó, với lợi thế của dân số trẻ, sự ham học và kiến thức khoa học đầy đủ thông qua hệ thống giáo dục, Việt Nam có đủ nhân lực để xây dựng những trung tâm công nghệ sinh học chuyên sâu. Anh gợi ý điều quan trọng cần tập trung đầu tư vào hệ thống giáo dục Đại học và sau đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra việc chuẩn hóa chất lượng chương trình nghiên cứu sinh tại Việt Nam là điều cần làm, và xây dựng trung tâm hay hệ thống phát triển đầu ra cho những nghiên cứu.
 
"Nếu làm chủ công nghệ cao trong y sinh học chúng ta có thể tự chủ hơn về công nghệ và giải quyết các vấn đề sức khỏe trong tương lai", TS Long nói. Anh cho hay việc thiết lập cơ chế mở cửa, với luật pháp rõ ràng cho doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác và hỗ trợ các viện nghiên cứu sẽ là một bước quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực y sinh học ở Việt Nam. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn tạo ra động lực lớn cho sự đổi mới và ứng dụng thực tế. Sự hợp tác đa bên giữa doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức nghiên cứu là chìa khóa để áp dụng các nghiên cứu vào thực tế và tạo ra giá trị kinh tế và xã hội.
Theo Vnexpress

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×