Tiến sĩ Quả Cầu Vàng nghiên cứu về năng lượng và năng lượng tái tạo

Chủ nhật, 22/10/2023

TAINANGVIET.vn - Đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023 là một sự là động viên, khích lệ rất lớn để bản thân tiếp tục phát triển, nỗ lực nghiên cứu trong tương lai.
TS. Lê Đình Anh – Giảng viên Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành một trong 10 gương mặt đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu vàng năm 2023 trong lĩnh vực công nghệ môi trường. 

Hiện nay, Tiến sĩ và nhóm nghiên cứu đang có định hướng nghiên cứu sản phẩm nào trong lĩnh vực công nghệ môi trường?

Hiện nay, tôi cùng nhóm nghiên cứu đang tập trung vào 3 lĩnh vực là:
– Nghiên cứu về hiện tượng xâm thực trong máy và thiết bị thủy lực, trong đó có các thiết bị liên quan trực tiếp đến Công nghệ hàng không vũ trụ như: động cơ tên lửa, bơm, vòi phun nhiên liệu,…;
– Nghiên cứu giảm cản cho thiết bị và phương tiện bay, phương tiện công cộng;
– Nghiên cứu năng lượng tái tạo với định hướng chính về cải tiến tua-bin gió trục đứng. Đây cũng là định hướng nghiên cứu cấp thiết và nhận được học bổng từ Quỹ Phát triển ĐHQGHN.

Tôi và nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc nghiên cứu phát triển biên dạng cánh giúp nâng cao công suất khí động cho tua-bin gió trục đứng Savonius. Các kết quả của nghiên cứu đã được ghi nhận bằng các công bố trên các tạp chí ISI uy tín trong ngành. Bên cạnh đó, biên dạng cánh phát triển đã và đang được xây dựng nguyên mẫu để thử nghiệm thực tế. Đây có lẽ là các sản phẩm mà tôi và nhóm nghiên cứu cảm thấy tâm đắc bởi hai lý do: Đó là tôi đã phát triển được hướng nghiên cứu mới bên cạnh định hướng hướng nghiên cứu cơ bản đã và đang thực hiện kể từ khi học cao học và nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Tiếp đó, sự thành công của nghiên cứu có thể hứa hẹn tiềm năng áp dụng trong thực tế, đặc biệt hướng đến hỗ trợ an sinh xã hội.


TS. Lê Đình Anh – giảng viên Viện Công nghệ Hàng vũ trụ
 
Hành trình đến với nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ như thế nào?
 
Hành trình đến với nghiên cứu khoa học của tôi bắt đầu từ năm thứ 3 Đại học. Khi đó tôi đang là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thầy chủ nhiệm khi đó của tôi là TS. Trương Việt Anh đã giúp tôi định hướng con đường nghiên cứu hiện nay. Thầy và các anh chị trong nhóm đã nhiệt tình hướng dẫn chỉ bảo cho tôi từ những ngày đầu tiên tham gia nhóm nghiên cứu. Năm 2012, dưới sự hướng dẫn và động viên của thầy, tôi đã độc lập viết báo cáo khoa học vể tua-bin gió và lần đầu tiên trình bày tại hội nghị Quốc tế. Qua đó, tôi có thêm tự tin và đam mê để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học như hiện nay.

Trên hành trình nghiên cứu khoa học Tiến sĩ đã gặp những khó khăn gì? Động lực nào giúp anh vượt qua khó khăn để theo đuổi đam mê và đến được với thành công như ngày hôm nay?
 
Con đường nghiên cứu khoa học là không hề dễ dàng. Trong nghiên cứu luôn tồn tại những câu hỏi mà lời giải không phải bao giờ cũng dễ dàng tìm ra, gây ra những áp lực không nhỏ đến người làm nghiên cứu. Các áp lực này càng có phần lớn hơn với các học viên và nghiên cứu sinh học tập và làm việc ở nước ngoài, không có gia đình bên cạnh để chia sẻ khó khăn. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ và cũng không ít lần ý tưởng bỏ cuộc cũng đã nảy lên trong suy nghĩ của tôi. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, nghĩ về việc mình đã làm và cố gắng những gì để đến được ngày hôm nay, nghĩ về gia đình về thầy đã tin tưởng vào mình, đặc biệt là nhờ sự động viên của mẹ tôi, tôi đã vượt qua những trở ngại đó và đến được như ngày hôm nay.
 

TS. Lê Đình Anh (áo đỏ) cùng các cán bộ Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ triển khai “Nghiên cứu cải tiến công suất khí động cho tuabin gió Savonius”

Vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một giảng viên trẻ, theo Tiến sĩ yếu tố nào giúp thúc đẩy, nuôi dưỡng đam mê của bản thân và các bạn trẻ hiện nay? 
 
Từ khi trở thành thành viên của Trường ĐH Công nghệ, tôi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thầy cô lãnh đạo của trường, sự hỗ trợ và tạo điều kiện nghiên cứu của các thầy trong Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ để phát triển nghiên cứu. Đây là điều kiện quan trọng cho sự phát triển của các thầy cô trẻ khi mới về đơn vị công tác như tôi. Bên cạnh đó là môi trường làm việc năng động và bề dày truyền thống của trường với các thành tích xuất sắc của nhiều nhà giáo lão thành.

Hiện nay, có rất nhiều yếu tố từ xã hội có thể ảnh hưởng đến định hướng của giới trẻ, đặc biệt khi các bạn trẻ gặp phải những điều kiện không thuận lợi. Vì vậy để nuôi dưỡng được đam mê, các bạn trẻ cần có sự kiên định, biết cân bằng giữa thời gian học tập, công việc và các yếu tố khác trong cuộc sống. Các bạn trẻ không nên quá lo lắng về việc mình “sẽ trở thành người như thế nào” mà trước tiên nên quan tâm đến việc mình “sẽ làm cái gì”.

Tiến sĩ có thể chia sẻ những dự định về nghiên cứu và giảng dạy trong thời gian tới?

Giải thưởng Quả Cầu vàng là động lực to lớn để tôi tiếp tục tham gia nghiên cứu, giảng dạy và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, tôi sẽ từng bước gây dựng phát triển nhóm nghiên cứu với nòng cốt là các bạn sinh viên trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học. Đồng thời bên cạnh nghiên cứu cơ bản, tôi cùng nhóm nghiên cứu sẽ đẩy mạnh nghiên cứu có khả năng ứng dụng thực tế phục vụ xã hội. Đây cũng là định hướng mà tôi và nhóm nghiên cứu đang dần phát triển hiện nay.
 
Như Nguyệt

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×