“Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên

Thứ tư, 12/08/2015

Với thành tích giành 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, cùng 8 kỷ lục ở SEA Games 28, và 1 HCB, 1 HCĐ ở FINA World Cup 2015, Ánh Viên được ví như “Kình ngư” trên đường đua xanh.

Với thành tích giành 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, cùng 8 kỷ lục ở SEA Games 28, và 1 HCB, 1 HCĐ ở FINA World Cup 2015, Ánh Viên được ví như “Kình ngư” trên đường đua xanh.

8-2523-1439401919.jpg
Ánh Viên lần thứ hai ở giải FINA World Cup 2015 lên bục nhận huy chương

Nguyễn Thị Ánh Viên
 (sinh ngày 9 tháng 11 năm 1996 tại ấp Ba Cau, xã Giai Xuân
, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) là một nữ vận động viên thuộc đội tuyển bơi lội quốc gia Việt Nam. Ánh Viên cao 1m73 và có sải tay dài đến 1m98, tức là gấp 1,15 lần chiều dài cơ thể. Sải tay của Ánh Viên có chiều dài gần bằng huyền thoại Michael Phelps. Vận động viên bơi lội người Mỹ cao 1m93 và có sải tay dài 2m02, gấp 1,04 lần chiều dài cơ thể. Không sử dụng điện thoại di động, Internet hay Facebook thậm chí không biết đi xe máy, phương tiện cá nhân của cô chính là chiếc xe đạp.

Khi 19 tuổi cô đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam và phá 8 kỷ lục và được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 ở Singapore. Cô còn đứng thứ 25 thế giới cự ly 400m tự do của nữ và thứ 32 thế giới nội dung 400m hỗn hợp. Năm 2015, cô là đại úy quân đội trẻ nhất tại Việt Nam và được tặng Huân chương lao động hạng nhì. Cô cũng là vận động viên duy nhất của Việt Nam, từ khi hội nhập 1993, được đầu tư trọng điểm. Việc tập huấn dài hạn trong bốn năm tại Florida, Hoa Kỳ, cường quốc số một về bơi lội, của cô có kinh phí lên tới gần 7 tỷ đồng.

Ban đầu được ông nội dạy bơi, đến khi học lớp 5, Ánh Viên được nhà trường chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Với thành tích xuất sắc, Ánh Viên tiếp tục được chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố. Và tại đây, Ánh Viên đã được các huấn luyện viên của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) lựa chọn. Khi mới 16 tuổi, cô đã cao 1,7 m, sải tay dài 1,78 m, bàn chân to và có các nhóm cơ suôn dài. Đây là những tố chất rất thích hợp với môn bơi.

Năm 2011, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đạt được 10 HCV trong 10 nội dung đăng ký thi đấu tại Giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc. Tại SEA Games tổ chức tại Indonesia, cô đã giành được 2 HCB ở nội dung 100 m bơi ngửa và 400 m hỗn hợp.

Năm 2012, Nguyễn Thị Ánh Viên phá chuẩn B Olympic ở nội dung 200 m bơi ngửa với thời gian 2 phút 13 giây 66, giành HCV, vượt 4 chuẩn B Olympic tại Giải bơi lội Đông Nam Á. Ánh Viên đã đại diện cho Việt Nam tại Thế vận hội Mùa hè 2012, trong các môn 200m bơi ngửa và 400m bơi hỗn hợp cá nhân. Tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần 2 diễn ra ở Nam Ninh, Trung Quốc (từ 19 - 22/8), Ánh Viên giành được 4 huy chương (3 HCV, 1 HCB).

Tại SEA Games 27 diễn ra ở Mi-an-ma (12/2013), Ánh Viên giành được 6 huy chương (3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), phá 2 kỷ lục SEA Games ở các cự ly 200 m ngửa (với 2 phút 14 giây 80) và 400 m hỗn hợp (với 4 phút 46 giây 16), được bình xét là "Ấn tượng vàng SEA Games 27". Ngày 26 tháng 8 năm 2013, Nguyễn Thị Ánh Viên được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đặc cách trao cho quân hàm Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp và khen thưởng vì những thành tích mà cô đã đạt được khi đem về cho thể thao Việt Nam nhiều vinh quang . Cuối năm 2013, sau khi thi đoạt 3 HCV SEA Games 27 (diễn ra tháng 12 năm 2013 tại Myanmal) và đoạt 4HCV, 2HCB, phá kỷ lục cự ly 400m hỗn hợp tại Giải bơi Mùa xuân bang Florida, Mỹ (tháng 3-2014), Ánh Viên được Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Bộ Quốc phòng thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy trước niên hạn. Lúc đó, Nguyễn Thị Ánh Viên mới chỉ 18 tuổi.

Tháng 8/2014, Ánh Viên đoạt HCV Olympic trẻ nội dung 200m hỗn hợp. Tháng 9/2014, Ánh Viên đoạt 2 HCĐ nội dung 200m ngửa và 400m hỗn hợp tại Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 2014). Sau gần 2 năm khoác áo CLB bơi Saint Augustine (bang Florida), Ánh Viên chuyển sang khoác áo CLB nổi tiếng Ebiscobal và được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters, một trong những HLV giỏi nhất của làng bơi lội Mỹ. Ánh Viên được nhận đầu tư hàng tỷ đồng để tập huấn dài hạn ở Mỹ, quốc gia có môn bơi phát triển nhất thế giới và đã được đền đáp xứng đáng.

Sau khi trở về từ SEA Games 28, Ánh Viên đã tham gia nhiều chương trình giao lưu vô cùng ý nghĩa. Sáng ngày 22/6/2015, Ánh Viên đã có buổi giao lưu với thanh thiếu nhi Hà Nội. Cô gái giành 8 HCV, 8 kỷ lục tại SEA Games 28 đã có những chia sẻ thú vị về mục tiêu sắp tới. Mở đầu buổi giao lưu, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng bằng khen của Trung ương Hội cho Ánh Viên về những thành tích xuất sắc vừa qua tại SEA Games 28.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long tặng Bằng khen và biểu trưng cho vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên - Ảnh: HM
Nguyễn Thị Ánh Viên nhận Bằng khen của Ban Bí thư Trung ương Đoàn (Ảnh: HM)

Để có được thành tích như ngày hôm nay cô đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Ông Đặng Anh Tuấn, huấn luyện viên trực tiếp của Ánh Viên chia sẻ nhiều triệu phú đô la có thể được mọi người biết đến vì sự giàu có, sang trọng của họ, nhưng liệu có ai được ngả mũ chào trân trọng và tôn vinh đầy xúc động đến gần chục lần trong một kỳ đại hội như cô gái vàng của bơi lội Việt Nam. Cô đã làm cho tất cả mọi người đều phải đứng dậy, đồng loạt vỗ tay khi lao như mũi tên xé nước để về đích.

Cô cũng đã làm lay động con tim của giới hâm mộ khi ai cũng phải thổn thức, phải “cuồng” lên mỗi khi nhìn cô xuống nước với đôi tay quạt đều làm dậy sóng đường đua xanh. Và cô cũng đã làm cho những ai còn nghi ngờ về học vấn của vận động viên VIỆT NAM đều phải ngỡ ngàng khi trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế bằng tiếng Anh một cách tự tin, lưu loát. Nói cách khác, Ánh Viên thực sự đã là một tượng đài trong lòng công chúng.

Không chỉ ông Đặng Anh Tuấn mà cả Ánh Viên khi trả lời phỏng vấn đều luôn nhắc đi nhắc lại rằng, cô được như ngày hôm nay đầu tiên chính là nền tảng văn hóa, nhận thức được giáo dục từ nhỏ một cách rõ ràng, rành mạch nên mọi cái đều đi đúng hướng, chứ không bị phát triển lệch lạc như một số tài năng khác. Chính Ánh Viên cho biết cô may mắn được sinh ra trong gia đình ai cũng ham học và luôn ý thức rằng cuộc sống là phải biết rèn luyện, biết chịu khó chịu khổ và phải luôn cầu tiến.

Ông Tuấn có nói chi tiết rằng khi ông tiếp nhận Ánh Viên để huấn luyện cô, bài học vỡ lòng đầu tiên và cho đến tận bây giờ còn nguyên giá trị là Ánh Viên phải học làm người trước khi đạt thành tích. Nghĩa là Ánh Viên phải trui rèn đạo đức, lối sống lành mạnh, cách cư xử có văn hóa và những giao tiếp phải toát lên được trình độ của một vận động viên thể thao được đào tạo một cách bài bản, có mục đích rõ ràng, có động lực phấn đấu và phải luôn giữ mình trước mọi cám dỗ để không ngừng tiến bộ.

Để làm điều đó cho Ánh Viên, ông Tuấn cho hay ông khuyến khích việc Ánh Viên tự học, chỉ cho cô gái những điều hay lẽ phải, những ứng xử trong cuộc sống. Chính vì vậy, dù đạt rất nhiều thành tích, nhưng chưa bao giờ Ánh Viên tự cho phép mình bay bổng “lên mây”, trái lại cô luôn giữ sự hòa đồng, bặt thiệp và có nụ cười rất thân thiện với tất cả mọi người.

Không có cái gì tự nhiên mang đến thành công nếu không có quá trình rèn luyện nghiêm túc. Đó luôn là câu chuyện gối đầu giường của mỗi người, riêng với nàng tiên cá VIỆT NAM thì luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Có được như ngày hôm nay, Ánh Viên đã phải hy sinh gần như tuổi thơ và những thú vui đời thường của tuổi mới lớn. Cô miệt mài tập luyện hết ngày này sang ngày khác, không hề từ bỏ khó khăn, cũng chẳng ngại gian khổ.

Trời phú cho một cơ địa tốt rất phù hợp với bơi lội nên cô cứ liên tục lao xuống nước, vẫy vùng đôi chân và tung cánh tay chỉ với tâm niệm mỗi ngày trôi qua thì thông số kỹ thuật phải có sự thay đổi đáng kể. Tâm lý thoải mái cộng với ý chí vốn đã hun đúc từ lâu đã giúp Ánh Viên không phải đối mặt với những áp lực vô hình, không phải lao vào những tranh chấp “quân anh quân tôi” vốn thường thấy ở sân chơi thể thao Việt Nam.

Cũng phải ghi nhận sự định hướng đúng đắn của ngành thể thao khi quyết định đưa Ánh Viên sang Mỹ. Hơn 200.000 USD cho chuyến tập huấn mỗi năm ở Mỹ là sự đầu tư tuy chưa phải lớn nhưng cũng đủ giúp thầy trò cô yên tâm cọ xát trong môi trường mới, có chuyên gia giỏi kèm cặp cũng như được thường xuyên tiếp cận với những kình ngư hàng đầu thế giới trong các giải đấu khu vực hay giải do Mỹ tổ chức.

Từ đó đã giúp Ánh Viên không chỉ phát huy tốt thế mạnh sở trường trong nội dung hỗn hợp 200 m hay 400 m mà còn nhanh chóng lan ra các nội dung khác, như bơi tự do đã trở thành thế mạnh mới của cô gái vàng Việt Nam. Ngay Ánh Viên cũng cho biết sau thời gian tập ở Mỹ, cô đã cảm nhận cô đủ tiềm năng bơi tự do tốt và thực tế khi chuyên sâu bơi tự do, thành tích của nàng tiên cá VIỆT NAM tăng một cách chóng mặt. SEA Games lần này đã chứng minh sự đúng đắn của việc Ánh Viên thi đấu tất cả các nội dung tự do và cô đã chiến thắng một cách ngoạn mục ở 3/4 nội dung đó.


Ánh Viên đã làm nên lịch sử cho bơi Việt Nam khi giành Huy chương đồng nội dung 200m hỗn hợp nữ (ngày 11/8/2015) với thời gian 2 phút 12 giây 33 và Huy chương bạc nội dung 400m hỗn hợp nữ (ngày 12/8/2015) với thời gian 4 phút 40 giây 79 (chỉ đứng sau "Quý bà Thép" của đường đua xanh người Hungary Katinka Hosszu với thành tích 4 phút 36 giây 25), tại chặng một của FINA World Cup 2015 diễn ra ở Moscow (Nga)

Ánh Viên được cả làng thể thao khu vực nể phục gọi là “cô gái thép” và cô luôn tiếp tục phấn đấu bởi vì: “Tôi đã giành nhiều huy chương, phá nhiều kỷ lục ở SEA Games, nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì”.

Hải Linh (Tổng hợp)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×