Giải thưởng - Hội thi


Tổng kết, trao giải Cuộc thi “Oraichain Hackathon” năm 2023

Thứ hai, 15/05/2023

Ngày 13,14/5, tại Hà Nội đã diễn ra Vòng Chung kết và Gala tổng kết, trao giải Cuộc thi “Oraichain Hackathon” năm 2023 do Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (CYTAST) và Công ty Cổ phần Oraichain Labs phối hợp tổ chức.
Tham dự Gala Tổng kết, trao giải Cuộc thi có đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn, Ban Tổ chức Cuộc thi, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, sinh viên một số trường đại học, cao đẳng, học viện tại Hà Nội.
 

 
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thiên Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển KHCN và Tài năng trẻ; anh Đào Thành Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Oraichain Labs trao giải Nhất cho đội thi
 
Trên cơ sở thành công của cuộc thi lần thứ nhất, Cuộc thi lập trình “Oraichain Hackathon” năm 2023 trở lại nhằm tiếp tục thúc đẩy phong trào sáng tạo, ứng dụng, phát triển các thành tực khoa học, công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ dẫn dắt Cách mạng Công nghiệp 4.0; đồng thời mong muốn đồng hành, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên, thanh niên. Trong gần 4 tháng diễn ra, Cuộc thi đã thu hút 185 thí sinh, đội thi trên toàn quốc và đặc biệt là các thí sinh đang học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia. Điều này khẳng định sự kết nối không giới hạn của cộng đồng những bạn trẻ yêu công nghệ.
 
Căn cứ thể lệ Cuộc thi, kết quả đánh giá bản đề xuất dự án của các đội thi, Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân có uy tín trong lĩnh vực blockchain, đã lựa chọn ra 08 đội thi xuất sắc nhất tham dự Vòng Chung kết với nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa như: Chương trình tư vấn, giao lưu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của Oraichain Labs; hoạt động sáng tạo video ngắn giới thiệu đội thi và bình chọn qua mạng xã hội; Ngày Hackathon cho phép các đội thi sử dụng 24 giờ làm việc trong không gian tập trung được Ban Tổ chức chuẩn bị để phát triển những sản phẩm mang tính hoàn thiện và trình bày trước Ban Giám khảo.
 
 
 
Trao giải Cuộc thi “Oraichain Hackathon” năm 2023
 
Căn cứ kết quả của các đội thi, Ban Tổ chức trao 01 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng tiền mặt cho đội UIT-OraSci  gồm 03 chàng trai đang là sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP. HCM và 01 kỹ sư IT đến từ Huế, 01 giải Nhì trị giá 60 triệu đồng tiền mặt cho đội Bánh giò là "Những sinh viên có tâm hồn ăn uống" đến từ Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Quốc tế, ĐHQG Hà Nội, 01 giải Ba trị giá 40 triệu đồng tiền mặt cho đội Nghệ nhân, Đội thi duy nhất các thành viên cùng một trường với 04 thí sinh là sinh viên Bách khoa Hà Nội, 02 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 10 triệu đồng tiền mặt cho đội HomeLab.ai là Những kỹ sư IT điển trai đến từ thành phố biển Đà Nẵng và đội AICLUB@UIT Team Một đội thi khác với nòng cốt là các thí sinh đến từ Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP. HCM và 01 bạn nữ sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM và 01 giải thưởng bình chọn trực tuyến trị giá 10 triệu đồng tiền mặt. Bên cạnh đó, các đội có ý tưởng chất lượng có cơ hội hấp dẫn để hợp tác, đầu tư bởi Oraichain Labs.
 
 
Tin tưởng rằng Cuộc thi sẽ trở thành một sự kiện thường niên về công nghệ chuối khối dành cho đoàn viên, thanh niên cả nước nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ; đồng thời tham gia xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
 
THÔNG TIN 08 DỰ ÁN VÀO CHUNG KẾT
 
Mỗi mùa giải Oraichain Hackathon không chỉ dừng lại sau Vòng Chung kết, các dự án có khả năng triển khai thực tế sẽ được Oraichain Labs đầu tư, hỗ trợ trở thành các dự án khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ chuỗi khối, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ.
 
Trên cơ sở hệ sinh thái của mình, Oraichain Labs sẽ chia sẻ các công nghệ cốt lõi để các dự án phát triển nhanh và chắc chắn hơn; đồng thời nhóm chuyên gia, kỹ sư sẽ thường trực để nhanh chóng giải đáp thắc mắc và cố vấn các đội mỗi khi có vấn đề gì trong quá trình phát triển. Cuối cùng, Oraichain Labs và Trung tâm Phát triển KHCN và Tài năng trẻ hỗ trợ, kết nối những dự án khởi nghiệp này tới thị trường và các đối tác quan trọng trong cùng lĩnh vực.
 
08 dự án xuất sắc tham gia vào Vòng Chung kết cuộc thi năm 2023
 
1. Dự án: "AIAudit - Hệ thống kiểm tra chất lượng AI API và cấp chứng chỉ chất lượng"
 
Đội Nghệ Nhân: Trần Thế Anh, Trần Đình Nguyên, Lê Minh Anh, Nguyễn Tuấn Minh – Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
Ứng dụng AIAudit tập trung vào quy trình quản lý và xác minh Bản quyền hình ảnh giữa bối cảnh gia tăng không ngừng của các loại tài sản số trong lĩnh vực sáng tạo, trong khi đó thực trạng vi phạm bản quyền số ở Việt Nam, đang ở mức rất cao. Với AIAudit, các nhà sáng tạo nội dung có thể đưa các tác phẩm số tới cộng đồng một cách an toàn, đồng thời tạo ra một môi trường phi tập trung hiệu quả cho người sử dụng.
 
Với yêu cầu về quản lý, AIAudit sử dụng cộng nghệ Blockchain với khả năng lưu trữ dữ liệu minh bạch, bền vững cộng với quá trình xử lý rõ ràng, không bị tác động bởi bên thứ ba. Với yêu cầu về xác minh, công nghệ AI được tích hợp vào AIAudit giúp đưa ra các quyết định mang tính chính xác cao trong việc phân loại và giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền.
 
2. Dự án: "PATÉ - OPTIMIZING IMAGES FOR CASUAL RESTAURANTS"
 
Đội Bánh Giò:
- Trần Đặng Kim Nguyên – Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
- Phan Hoàng Vinh Hiển – Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
- Nguyễn Khánh Linh – Sinh viên Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.
 
Trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại, để có thể khiến món ăn của mình trở nên nổi bật, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Ẩm thực (F&B) cần phải đầu tư rất nhiều về mặt hình ảnh. Sử dụng công nghệ AI và Blockchain, Paté là ứng dụng giúp tạo nên những bức hình sản phẩm ấn tượng và đang được phát triển để trở thành một nền tảng cho phép người dùng trao đổi các tài sản mang tính sáng tạo này dưới dạng NFT.
 
Ngoài Ẩm thực, mô hình của Paté có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm  m nhạc, Phim ảnh, Thiết kế, Xây dựng. Với hướng tiếp cận, dùng công nghệ mới để giải quyết những vấn đề cũ, Paté mong muốn tạo ra nhiều giá trị ý nghĩa dành cho cộng đồng khách hàng và doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
 
3. Dự án: "HomeLab.ai – Define your Design"
 
Đội HomeLab.ai:
- Nguyễn Lê Anh Minh – Lập trình viên tại NapaGlobal (TP. Đà Nẵng)
- Nguyễn Đình Huy – Lập trình viên tại DataHouse Asia (TP. Đà Nẵng)
- Nguyễn Minh Thắng – Lập trình viên tại LSS Việt Nam (TP. Đà Nẵng)
 
HomeLab.ai xây dựng một hệ sinh thái gồm các sản phẩm công nghệ khác nhau phục vụ cho lĩnh vực Xây dựng thông qua việc tích hợp AI và Blockchain để mang đến sự tối ưu về thời gian, hiệu quả và chi phí giữa các đối tượng trong hệ sinh thái.
 
Ý tưởng của HomeLab.ai cho phép sử dụng AI để tự động hóa các bản thiết kế xây dựng dưới dạng mô hình 2D và 3D. Công nghệ Blockchain được ứng dụng như một phương thức truy vấn, trao đổi thông tin các loại giấy tờ và hợp đồng một cách minh bạch và khách quan.
 
4. Đội thi AIClub@UIT Team với dự án: "SLearn - Smart learning with AI on Oraichain platform"
 
Đội AIClub@UIT:
- Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Khắc Thái, Nguyễn Minh Lý – Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Trần Thị Thanh Hiếu – Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
 
Dự án “SLearn - Smart Learning with AI” là một nền tảng Học tập thông minh và Giáo dục cộng đồng, tích hợp trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối và Web3 trên nền tảng Oraichain. Với phương châm "Smart - Flexibility - Transparency", dự án tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng, đưa Giáo dục thông minh đến với cộng đồng trên toàn thế giới, với tầm nhìn trở thành nền tảng áp dụng công nghệ tiên tiên giúp số hóa giáo dục và phát triển giáo dục bền vững.
 
Với SLearn, AI sẽ được ứng dụng để phát triển các giải pháp học tập sáng tạo và phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân, trong khi đó tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao chất lượng đào tạo. Quá trình đánh giá và xác thực kết quả học tập sẽ được thực hiện một cách minh bạch thông qua công nghệ Blockchain, giúp người dùng và tổ chức tuyển dụng có thể đưa ra các kết quả đánh giá hay phương án học tập và đào tạo phù hợp.
 
5. Dự án: "SCR - SMART CONTRACT IN REAL ESTATE"
 
Đội Hướng Nội:
- Nguyễn Cảnh Vinh – Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.
- Nguyễn Ngọc Huyền – Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
- Hứa Quang Huy – Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
- Lê Phúc Quốc Trình – Lập trình viên tại KSS Software Sài Gòn.
 
"SCR - Smart Contract in Real Estate" là một nền tảng dịch vụ được phát triển nhằm tối ưu hóa thời gian trong các giao dịch bất động sản. Được xây dựng trên nền tảng blockchain, SCR là một hợp đồng thông mình đặc biệt cho lĩnh vực bất động sản. Sản phẩm cung cấp một phương tiện an toàn và tin cậy để giao dịch bất động sản, với tính linh hoạt cao và tiết kiệm thời gian và chi phí.
 
SCR đã đưa ra một số giải pháp tiên tiến để giải quyết các vấn đề phổ biến trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm sự thiếu minh bạch và các vấn đề về an ninh thông tin. Giải pháp của SCR giúp giảm thiểu rủi ro và tăng tính minh bạch trong các giao dịch bất động sản, đồng thời giúp tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch và công bằng hơn cho tất cả các bên liên quan.
 
6. Dự án: "FLEUR - APP HỖ TRỢ CHĂM SÓC DA MẶT"
 
Đội Terrametriks:
- Dương Ngọc Mai – Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Ngô Hoàng Thụy Khuê – Sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
- Nguyễn Hoàng Tùng – Sinh viên Đại học Deakin (Victoria, Úc).
- Phan Minh Quang – Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
 
Nhận thấy tầm quan trọng của các ứng dụng công nghệ trong đời sống hiện đại, dự án FLEUR tập trung vào việc sử dụng trí tuệ và các công nghệ tiên tiến để tạo ra những giải pháp đáp ứng nhu cầu làm đẹp của con người một cách toàn diện. Mục tiêu của dự án là cung cấp cho người dùng một giải pháp hỗ trợ chăm sóc da mặt toàn diện.
 
Để đảm bảo tính minh bạch và trải nghiệm sử dụng tối ưu cho người dùng, dự án FLEUR sử dụng các công nghệ tiên tiến như EUENO và nền tảng chuỗi khối Oraichain cho ứng dụng về lưu trữ dữ liệu phi tập trung. Ngoài ra, AI API được sử dụng để cá nhân hoá và tối ưu hoá trải nghiệm người dùng, giúp mang lại một trải nghiệm người dùng tốt nhất có thể.
 
7. Dự án: "OraSci - Nền tảng khoa học phi tập trung trên Oraichain"
 
Đội UIT-OraSci:
- Võ Nhật Cường, Huỳnh Bảo Khánh, Đặng Huỳnh Phúc Hiển – Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Hồ Đình Dụng – Vietnam Blockchain Innovation (VBI).
 
Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hệ thống khoa học hiện tại đang gặp nhiều thách thức, chẳng hạn như kinh phí tài trợ nghiên cứu, đánh giá bài báo khoa học, khả năng tiếp cận các nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu và phương pháp nghiên cứu.
 
Dự án OraiSci của đội thi tạo ra một giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề này bằng cách trao quyền cho các nhà nghiên cứu sở hữu, chia sẻ và phân phối các kết quả và tài nguyên nghiên cứu. Nền tảng cũng cung cấp cơ hội tiếp cận với khoa học mà không mất bất kỳ chi phí trung gian nào, tăng tính minh bạch cho các kết quả nghiên cứu, giải quyết vấn đề tài chính cho các dự án cần nguồn quỹ thông qua sức mạnh của cộng đồng.
 
8. Dự án: "Mạng xã hội Rades"
 
Đội Rades:
- Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Quang – Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
- Phạm Cẩm Tú – Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
 
Rades là một nền tảng mạng xã hội phi tập trung cung cấp thị trường kiếm tiền từ nội dung độc quyền thông qua NFT. Với sự phát triển của các mạng xã hội, những người sáng tạo nội dung đang phải đối mặt với nhiều thách thức để bảo vệ tác phẩm của họ khỏi vi phạm bản quyền và giả mạo. Rades sử dụng cơ chế thưởng Proof of Work để khuyến khích người dùng báo cáo các bản sao không được phép của nội dung độc quyền và xác minh tính xác thực của nội dung bằng Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) và hệ thống AI được huấn luyện dựa trên dữ liệu trên nền tảng EUENO.
 
Ngoài ra, Rades còn cung cấp mô hình chia sẻ doanh thu minh bạch, cho phép tác giả nội dung kiểm soát thu nhập của mình. Với mô hình này, tác giả nội dung có thể kiếm tiền một cách công bằng và bền vững, đồng thời thúc đẩy một môi trường kỹ thuật số công bằng hơn. Điều này đảm bảo rằng những người sáng tạo nội dung có được sự đánh giá và công nhận xứng đáng cho công việc của họ, đồng thời xây dựng sự hiện diện trực tuyến và danh tiếng của họ một cách bền vững.
 
Ban Tổ chức

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×