Tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc sau cú sốc trượt đại học

Thứ hai, 21/03/2022

Học trường chuyên, thi học sinh giỏi quốc gia nhưng Nguyệt Anh thiếu 0,5 điểm để đỗ đại học. Thất bại ấy cuối cùng dẫn em tới một hành trình khác.
Học trường chuyên, thi học sinh giỏi quốc gia nhưng Nguyệt Anh thiếu 0,5 điểm để đỗ đại học. Thất bại ấy cuối cùng dẫn em tới một hành trình khác.
 

Nguyễn Nguyệt Anh, 27 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc tại Đại học British Columbia (UBC), Canada, hiện là nhân viên phân tích dữ liệu lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học của một công ty tư vấn môi trường ở Vancouver. Trước khi giành học bổng thạc sĩ, Nguyệt Anh là cử nhân xuất sắc của Đại học Lâm nghiệp, với GPA 3.85/4.0.
 

"Em chưa từng nghĩ sẽ bước vào hành trình này, khi chín năm trước vẫn còn chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng trượt đại học", cô gái Hà Nội nói.
 

Nguyệt Anh vốn là học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông. Em từng đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Văn, nhưng thiếu 0,5 điểm để trúng tuyển nguyện vọng một Đại học Sư phạm Hà Nội.
 

"Là học sinh chuyên, thành tích học tập luôn ổn định mà lại trượt đại học. Vì thế, em đã rất chán nản, không muốn nói chuyện với ai và từng nuôi quyết tâm thi lại", Nguyệt Anh kể.

Nguyệt Anh hiện là nhân viên phân tích dữ liệu lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học của một công ty ở Vancouver, Canada. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyệt Anh hiện là nhân viên phân tích dữ liệu lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học của một công ty ở Vancouver, Canada. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyệt Anh là một trong số ít học sinh lớp Văn ngày ấy trượt nguyện vọng một. Em hạn chế liên lạc với bạn bè, thầy cô, thu mình trong nỗi xấu hổ và tự ti. Thương con, bố mẹ khuyến khích Nguyệt Anh nộp nguyện vọng hai vào Đại học Lâm nghiệp gần nhà. Nữ sinh đăng ký ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, chương trình tiên tiến (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh), liên kết giữa Đại học Lâm nghiệp với Đại học Bang Colorado, Mỹ. Em không thực sự hứng thú và vẫn nuôi ý định thi lại đại học.
 

Sau khi vào học, được gặp gỡ các giáo sư, anh chị khóa trên, Nguyệt Anh dần thay đổi cách suy nghĩ, em nhận ra ngành học có nhiều ứng dụng thực tiễn và cơ hội giành học bổng toàn phần để du học. Chương trình của em kéo dài bốn năm rưỡi, bắt đầu bằng một kỳ tiếng Anh, sau đó phải vượt qua kỳ thi chuẩn hóa để học chuyên ngành. Nguyệt Anh lên kế hoạch cho một hành trình học tập bền bỉ, không dồn vào những tháng/tuần cuối cùng của học kỳ.
 

Kế hoạch của em có nhiều cấp độ, chi tiết từng kỳ, từng tuần, thậm chí từng ngày. Nguyệt Anh cũng sử dụng một số công cụ học tập riêng để đọc và hệ thống hóa kiến thức. Em còn tạo thói quen ghi chép, phân loại chủ đề đã học và kết nối kiến thức với nhau. Bằng cách duy trì hai thói quen trên, khi gần thi, nữ sinh không phải vất vả ôn luyện và luôn giành học bổng xuất sắc trong các kỳ.
 

Nguyệt Anh cũng tham gia điều hành các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa, đoạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học, trong đó có giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học quốc tế tổ chức tại Nga. Khi đang học năm cuối, em giành học bổng thực tập ngắn hạn tại Canada. Vừa du học, nữ sinh vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Hải Hoà, Phó khoa Quản lý tài nguyên Rừng và Môi trường, Đại học Lâm nghiệp, ở Việt Nam.
 

"Nguyệt Anh năng động, thông minh, thích khám phá, tìm tòi những điều mới mẻ, đặc biệt chịu khó và ham học hỏi. Nguyệt Anh rất chủ động trao đổi với thầy giáo hướng dẫn trong quá trình làm khóa luận tốt nghiệp", thầy Hòa cho biết.
 

Theo PGS. TS Hòa, khóa luận tốt nghiệp của Nguyệt Anh được hội đồng đánh giá cao, là một trong những sinh viên có kết quả cao nhất khoá.
 

Ra trường năm 2016, Nguyệt Anh trúng tuyển chương trình trao đổi ở Mỹ trong năm tuần. Kết thúc chuyến đi cũng là lúc em nhận tin đỗ học bổng thạc sĩ Khoa học Lâm nghiệp Môi trường của UBC, ngôi trường xếp thứ 37 thế giới và thứ hai tại Canada, theo bảng xếp hạng đại học thế giới của THE.
 

Nguyệt Anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi du học là khác biệt môi trường sống, văn hóa. Thời gian đầu, choáng ngợp vì xung quanh nhiều người giỏi, Nguyệt Anh có tâm thế co cụm, không dám phát biểu.

Trong thời gian học, được bạn trong lớp rủ tham gia hoạt động của khoa, lúc đầu Nguyệt Anh định từ chối nhưng cuối cùng đã vượt qua được cảm giác tự ti. Thích chụp ảnh, em xung phong trở thành người điều phối thông tin, tổ chức sự kiện và tuyên truyền cho các sinh viên mới. Sau hôm ấy, Nguyệt Anh dần trở nên tự tin hơn.
 

"Ở trong môi trường cạnh tranh, gồm nhiều người có năng lực cao, nếu muốn 'sống sót', em cần phải chăm sóc tinh thần của mình trước. Em thay đổi suy nghĩ, không so sánh với các bạn quá nhiều và luôn cởi mở. Tôn trọng sự khác biệt là bí quyết thích nghi của em", Nguyệt Anh cho hay.
 

Khi đã vượt qua chính mình, mọi chuyện đến với em trôi chảy hơn. Em kết nhiều bạn, chịu khó tương tác, đặt câu hỏi với các giáo sư và tạo được mối liên kết với bạn bè, nhà trường và xã hội.

Nguyệt Anh (áo đỏ) cùng các bạn thực tập sinh giành học bổng toàn phần của tổ chức Mitacs Canada cho khóa thực tập sinh nghiên cứu ba tháng tại Đại học British Columbia năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyệt Anh (áo đỏ) cùng các bạn thực tập sinh giành học bổng toàn phần của tổ chức Mitacs Canada cho khóa thực tập sinh nghiên cứu ba tháng tại Đại học British Columbia năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Cựu sinh viên Đại học Lâm nghiệp cho biết, học thạc sĩ là quá trình nghiên cứu tự thân. Sinh viên phải tự tìm hiểu, đọc nhiều tài liệu, học thêm các kỹ năng mới và đề xuất hướng nghiên cứu, sau đó giáo sư sẽ định hướng và góp ý.
 

Phó giáo sư Bianca Eskelson, khoa Quản lý Tài nguyên rừng của UBC, từng là người hướng dẫn Nguyệt Anh trong chuyến thực tập hè 2016. Sau khi nữ sinh trở lại Canada học thạc sĩ, bà cùng đồng nghiệp, Phó giáo sư Mike Meitner, dẫn dắt em. Eskelson ấn tượng với du học sinh người Việt ở tinh thần ham học và không ngại mở rộng tầm nhìn. Dưới sự định hướng của bà, Nguyệt Anh nghiên cứu đề tài thực vật xâm lấn trong không gian đô thị.
 

Luận văn của Nguyệt Anh được hoàn thành sau hơn một năm, xếp hạng xuất sắc (Honours Designation) - mức chỉ dành cho 10% sinh viên tốt nghiệp cao học hàng năm tại UBC Forestry. Công trình nghiên cứu của em còn được đề cử cho giải thưởng luận văn xuất sắc ở vòng khoa.
 

"Em ấy đã xuất bản thành công hai bài báo quốc tế trên các tạp chí có bình duyệt (peer reviewed journals). Điều đó cho thấy những nỗ lực tuyệt vời của Nguyệt Anh trong quá trình học", phó giáo sư Eskelson chia sẻ với VnExpress.
 

Tốt nghiệp thạc sĩ, Nguyệt Anh trở thành trợ lý nghiên cứu cho phó giáo sư Eskelson trước khi có công việc ổn định tại Canada.
 

"Nguyệt Anh là người có kế hoạch và luôn hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian", bà Eskelson khen ngợi.
 

Nguyệt Anh gọi gần chín năm qua là hành trình tìm ra chính mình. Những tưởng Văn là đam mê của cuộc đời nhưng hóa ra đó không phải là lựa chọn phù hợp với em. Trượt đại học là bước ngoặt, giúp Nguyệt Anh học được từ thất bại và tự chữa lành.
 

"Em tâm đắc câu: 'Khi bạn cảm giác mọi thứ đều đi sai hướng, có thể đó là lúc bạn bắt đầu một hành trình đúng. Đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa thành công thì lựa chọn đó chưa phù hợp với bạn. Hãy cứ tìm tòi lối riêng, bạn sẽ đến chỗ không ai đến được", thạc sĩ 27 tuổi chia sẻ.
 

Nguyệt Anh chưa quyết định học tiến sĩ mà muốn đi làm để trải nghiệm cuộc sống và mở rộng chuyên môn. Em chia sẻ những kiến thức mới và phương pháp chuyên ngành với các anh chị, thầy cô, và bạn bè trong ngành lâm nghiệp ở Việt Nam. Ngoài công việc ở công ty, em còn viết blog (Moon in Loonie Land) về kinh nghiệm học tập, hỗ trợ và định hướng cho các bạn trẻ chọn ngành nghề.
 

"Em quan niệm, dù làm việc tại Việt Nam hay Canada thì việc tạo ra giá trị và những đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội luôn luôn là điều quan trọng nhất", Nguyệt Anh nói.


Theo VnExpress

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×