Trả lương gấp đôi, hỗ trợ 500 triệu để thu hút nhân tài

Thứ sáu, 02/06/2023

Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua tại 37 cơ quan Trung ương và 58 địa phương có 387 hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn theo Nghị định 140. Kết quả, thu hút được 135 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 123 nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước.



Là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức thực hiện thu hút và tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Bộ Tài chính đã tổ chức tuyển dụng 88 chỉ tiêu và đã tuyển dụng được 51 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác. Trong đó 49 trường hợp công tác tại cơ quan Bộ Tài chính và 2 trường hợp công tác tại Kho bạc Nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được tuyển dụng đều hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, có người được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng áp dụng kiến thức vào lĩnh vực phụ trách, có triển vọng phát triển; có tư duy, năng lực chuyên môn tốt, có khả năng làm việc nhóm cũng như làm việc độc lập tốt, có tinh thần học hỏi, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngoài Bộ Tài chính, ở Trung ương còn có Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ và nhiều bộ, ngành khác cũng tổ chức tuyển dụng công chức theo chính sách này.



Ở góc độ địa phương, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng tuyển được 17 trường hợp (2 công chức, 15 viên chức) theo Nghị định số 140.

 Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 10 tiến sĩ, 11 thạc sĩ ở nước ngoài, thuộc lĩnh vực tỉnh cần, có kinh nghiệm giảng dạy về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015 – 2020 với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 61 tỷ đồng.

Trong 4 năm qua, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 4 kỳ xét tuyển công chức, viên chức theo Nghị định số 140/2017. Với 213 chỉ tiêu được tỉnh phê duyệt, có 60 thí sinh tham gia nộp hồ sơ ứng tuyển và 48 thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Kết quả, Hà Tĩnh đã tuyển dụng được 32/48 thí sinh đủ điều kiện (gồm 30 công chức và 2 viên chức), trong đó, có 13 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 19 cán bộ khoa học trẻ.



Bộ Nội vụ cho biết, khác với cách tuyển dụng thông thường bằng con đường thi tuyển, các ứng viên đặc biệt này sẽ được xét tuyển và hưởng nhiều đặc cách trong việc bổ nhiệm, nâng ngạch, đào tạo và cả chính sách lương bổng.

Sau khi tuyển dụng, tập sự đạt yêu cầu, họ chính thức được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương. Lương của các sinh viên xuất sắc được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34. Ngoài ra, họ còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương hiện hưởng nhưng không quá 5 năm. Tức là họ được hưởng lương gấp đôi so với những trường hợp được tuyển dụng bình thường.

 Như vậy, với mức lương cơ sở từ ngày 1/7 là 1,8 triệu đồng,  sinh viên xuất sắc vào công chức sẽ được hưởng ngay mức lương 8,424 triệu đồng. 

Ngoài ra, họ còn được hưởng các khoản phụ cấp lương theo quy định hiện hành đối với khu vực, ngành, lĩnh vực đặc thù (nếu có).

Riêng Hà Nội và TP.HCM, ngoài việc thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định 140 còn được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định. 



Ngoài việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, nhiều tỉnh thành đã đưa ra các chính sách vượt trội để thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, thời gian qua TP.HCM đưa ra chính sách khi chuyên gia mới nhận vào được trợ cấp 100 triệu đồng, sau đó lĩnh lương Nhà nước như quy định với mức lương trên 8,0. Ngoài ra, còn có các chính sách khác như sinh hoạt phí 30 - 50 triệu đồng, nếu không có nhà công vụ thì được trợ cấp thêm 7 triệu đồng/tháng…

Kèm theo đó là chính sách khuyến khích các chuyên gia có công trình ngoài công việc thường xuyên. Công trình đó sẽ được thưởng tùy theo giá trị. Ví dụ công trình trị giá 100 tỷ thì họ được 1 tỷ.

 Tuy nhiên ròng rã từ năm 2018 đến cuối năm 2022, TP.HCM mới thu hút được 5 người, trong đó có 1 người Việt Nam, 1 người Mỹ, 3 người Nhật.

 Mới đây, HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã thông qua Nghị quyết xây dựng Chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025 với mức chi từ 50 - 200 lần mức lương cơ bản, tức là từ 70 đến gần 300 triệu đồng.

Cụ thể, người trong diện thu hút được hưởng chế độ thu hút 1 lần ngay sau khi về nhận công tác. Với bậc tiến sĩ được nhận chế độ bằng 200 lần mức lương cơ sở. Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 được nhận mức tiền bằng 180 lần mức lương cơ sở. Bác sĩ nội trú được nhận 150 lần mức lương cơ sở…



UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tỉnh đang xây dựng danh mục ngành, nghề cần đào tạo, thu hút và hỗ trợ sau tuyển dụng giai đoạn 2022 - 2025 để làm cơ sở tuyển dụng, tiếp nhận, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thuộc đối tượng thu hút theo Nghị định số 140/2017 nếu thuộc danh mục ngành nghề tỉnh cần thu hút, tuyển dụng, tham gia tuyển dụng và trúng tuyển, tùy theo đối tượng cụ thể sẽ được hưởng thêm chính sách hỗ trợ từ 40 - 500 triệu đồng.



Từ thực tiễn thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cũng như các chính sách vượt trội khác, các bộ ngành, địa phương cũng nhận thấy một số bất cập của các chính sách này.

Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định số 140/2017 thực chất mới chỉ quy định chủ yếu về công tác tuyển dụng đầu vào. 

Ngoài ra, chế độ lương, phụ cấp theo quy định tại Nghị định 140/2017 cũng còn bất cập. Chẳng hạn như trường hợp không trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc hết thời gian 5 năm được hưởng phụ cấp tăng thêm thì công chức được tuyển dụng cơ bản không còn được hưởng chế độ đãi ngộ tăng thêm như lúc đầu.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu thực tế, điều kiện và môi trường làm việc dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi tuyển dụng còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng không giữ chân được “nhân tài” sau khi tuyển dụng.

 Một số trường hợp sau khi tiếp nhận, bố trí công tác lại ngại khó, chưa thật sự gắn bó với công việc, có tâm lý thăm dò, thử việc, đôi lúc còn so sánh mức lương và chưa thực sự an tâm công tác nên xin thôi việc hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

 Bên cạnh đó, lĩnh vực tư nhân với môi trường làm việc năng động, linh hoạt và chế độ tiền lương hấp dẫn đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực chất lượng cao từ khu vực công, trong đó, có cả những sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ được thu hút theo chế độ đặc cách. 

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ minh họa cho thực tế này bằng câu chuyện của TP.HCM. Năm 2014, TP.HCM ban hành chính sách thu hút nhân tài, trong đó có quy định tiền lương thỏa thuận nhưng tối đa 150 triệu, kèm theo nhiều ưu đãi khác về nhà ở, về đi lại…

Sau 5 năm, TP.HCM thu hút 19 chuyên gia. Đến 2019, TP.HCM chuyển sang các chế độ chính thức thì 14 người bỏ đi, còn lại 5 người và không tuyển được thêm người mới.

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG CHÚ Ý

Kết quả thống kê từ 24 bộ ngành, tỉnh thành (3 bộ, 21 tỉnh thành ) cho thấy, có 3.128 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, có 2.903 người vẫn đang công tác, chiếm 92,8%; 225 người đã nghỉ việc, chiếm 7,2%.

Về trình độ chuyên môn khi được thu hút có 68 tiến sĩ, 853 thạc sĩ, 1.899 có trình độ đại học.

Về trình độ lý luận chính trị: Số người có trình độ lý luận chính trị sơ cấp chiếm tỉ lệ cao nhất với 1.421 người, chiếm 76,94%; trung cấp 316 người, chiếm 17,11% và 110 người có trình độ cao cấp, chiếm 5,96.

Về cơ cấu tuổi khi được thu hút: Từ 20 – 25 tuổi có 1.180 người, chiếm 42,5%; từ 25 – 30 tuổi có 1.115 người, chiếm 40,1%; trên 30 tuổi có 484 người, chiếm 17,4%.

Về ngành nghề được đào tạo, bồi dưỡng sau khi thu hút: Nhiều nhất là ngành Y tế có 842 người, chiếm 30,97%; ngành khoa học công nghệ có 363 người, chiếm 13,35%; ngành kinh tế có 231 người, chiếm 8,5%; tài chính có 219 người chiếm 8,05%. Các lĩnh vực khác 1.064 người, chiếm 39,13%.
 
Theo Vietnamnet.vn

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×