Triển vọng từ mạng lưới khoa học công nghệ công lập

Thứ hai, 07/11/2022

Việc quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, tránh sự đầu tư dàn trải, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức KH&CN công lập.
Việc quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, tránh sự đầu tư dàn trải, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức KH&CN công lập.
 
Triển vọng từ mạng lưới khoa học công nghệ công lập
Triển vọng từ việc mạng lưới khoa học công nghệ công lập. Ảnh: KHCN


Đánh giá từ thực tiễn
 

Vào ngày 27.1.2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với các mục tiêu như sắp xếp, kiện toàn và đẩy mạnh tái cấu trúc để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN công lập; Tập trung đầu tư phát triển các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm mà Việt Nam có thế mạnh để đến năm 2020 có khoảng 15 tổ chức, đến năm 2030 có khoảng 30 tổ chức KH&CN công lập đạt trình độ khu vực và thế giới.
 

Đến năm 2030, sẽ có khoảng 70% cán bộ nghiên cứu của tổ chức KH&CN công lập có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 30% là tiến sĩ. Việc lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch được quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch, tại khoản 2 Điều 10 Luật Khoa học và Công nghệ. 
 

Dự báo về những triển vọng trong tương lai, theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong thời kỳ quy hoạch, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối, bố trí nguồn vốn; Phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội liên quan; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng tổ chức KH&CN công lập để triển khai thực hiện lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  
 

Bộ KH&CN dự báo sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
 

Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Bộ xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, các địa phương. Từ đó khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3-D, Internet vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
 

Bộ sẽ quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của KH&CN. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
 

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN, đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền KH&CN tiên tiến; gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về KH&CN với hợp tác kinh tế quốc tế. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.
 

Nhiều ý kiến bổ sung phương án quy hoạch mạng lưới 
 

Qua những nghiên cứu, đề xuất của Bộ KH&CN, phía UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra điều chỉnh, bổ sung thông tin liên quan đến "Phương án quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung như: Đối tượng đưa vào Quy hoạch ngành KH&CN giai đoạn 2021 - 2030; Có 2 tổ chức KH&CN công lập năm 2021 là Trung tâm thông tin và Ứng dụng KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. 
 

Cụ thể giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hình thành dự kiến 4 tổ chức KH&CN công lập, tăng 3 tổ chức đó là Khu Khoa học và Công nghệ biển, Trạm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Côn Đảo, Quỹ phát triển KH&CN, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN sẽ bổ sung thêm chức năng là tổ chức trung gian thị trường KH&CN. Giai đoạn 2031 - 2050, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần. Giao chức năng và nhiệm vụ dịch vụ công về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho một tổ chức  KH&CN hiện có.
 

Trường hợp thành lập mới, các tổ chức KH&CN công lập phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 120/2022/NĐ-CP ngày 7.10.2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, không đưa các đơn vị sự nghiệp có hoạt động KH&CN vào quy hoạch ngành KH&CN. Đối tượng cung cấp thông tin trong Phương án quy hoạch của tỉnh là các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập do Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận hoạt động KH&CN. 
 

Đưa ra ý kiến liên quan đến Phương án quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND Thành phố Cần Thơ cũng đã trình bày bổ sung, hoàn thiện để tổng hợp chung vào Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập quốc gia. 
 

Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành uỷ đã xây dựng Chương trình triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030, thành phố Cần Thơ sẽ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm của vùng về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực KH&CN. 
 

Phấn đấu là trung tâm của vùng về KH&CN, UBND Thành phố Cần Thơ cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp như đầu tư hỗ trợ thành lập trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của các tổ chức KH&CN công lập về kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phát triển hoạt động ươm tạo, hạ tầng thông tin KH&CN, hình thành các sàn giao dịch công nghệ, kết nối Cần Thơ với các trung tâm trong nước và quốc tế. Từ đó phát triển các nhóm nghiên cứu sáng tạo, các tổ chức tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp KH&CN, thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN. 
 

Ghi nhận vai trò của các tổ chức KH&CN trong việc phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã hình thành một mạng lưới KH&CN với 21 tổ chức. Các tổ chức KH&CN công lập đã khẳng định được nhu cầu thị trường đối với hoạt động nghiên cứu và dịch vụ KH&CN (chuyển giao công nghệ, tư vấn...) góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hoá hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, vai trò của KH&CN tại Đồng Nai cũng còn gặp nhiều hạn chế liên quan đến thị trường KH&CN chưa đầy đủ và phù hợp, chưa bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ, chưa tạo động lực cho hoạt động KH&CN, cơ chế hợp tác giữa các tổ chức KH&CN và thành phần xã hội, chưa bảo đảm tốt quyền lợi của các ban tham gia. Việc sử dụng nguồn lực cho KH&CN chưa hiệu quả, chưa xây dựng nhận thức đúng đắn về vai trò của các tổ chức KH&CN...
 

Theo Báo Lao động


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×