Từ cậu bé M'Nông nói ngọng thành người diễn thuyết được yêu thích

Thứ hai, 10/01/2022

Điểu Vượt từng tự ti khi nói ngọng, không rành rọt tiếng Việt. Tuy nhiên, môi trường học tập mới đã thay đổi và giúp cậu sinh viên M'Nông trở thành một người diễn thuyết.
Điểu Vượt từng tự ti khi nói ngọng, không rành rọt tiếng Việt. Tuy nhiên, môi trường học tập mới đã thay đổi và giúp cậu sinh viên M'Nông trở thành một người diễn thuyết.

Điểu Vượt (sinh năm 1998) là người con M'Nông. Sinh ra và lớn lên ở một bon làng nhỏ thuộc huyện biên giới Tuy Đức nên chính Điểu Vượt cũng không nghĩ tới chuyện mình sẽ bước ra thế giới bên ngoài, trở thành một người diễn thuyết.

Theo lý giải của Điểu Vượt, những đứa trẻ ở bon (hay còn gọi là buôn) Bu Ndrong A, xã Quảng Tân lựa chọn học hết bậc THPT để đi làm công nhân hoặc trở về với vườn rẫy của gia đình. Riêng Vượt, cậu chọn cách học lên cao khi đăng ký vào ngành Xã hội học của Đại học Bình Dương.


Điểu Vượt sinh ra tại một bon nhỏ của đồng bào M'Nông, tại huyện biên giới Tuy Đức (Ảnh: Đ.H.).

Lý do để Điểu Vượt chọn ngành học này cũng hết sức bất ngờ và đơn giản, khi chỉ muốn khắc phục khuyết điểm nói ngọng, diễn đạt sai chính tả, vượt qua sự tự ti trong chính bản thân mình.

Vượt kể, bước chân vào đại học khi điều kiện kinh tế không mấy dư giả đã là một vấn đề lớn đối với gia đình cậu. Ngày ấy, điều mà gia đình lo lắng nhất còn là chuyện Vượt bị ngọng, nói thường sai ngữ pháp và không rành rọt tiếng Việt. Bản tính nhút nhát, sống thu mình, tự ti trong giao tiếp, khiến cả gia đình "không có niềm tin" cậu sẽ trưởng thành trong môi trường đại học.

Nỗi lo lớn dần khi Vượt lựa chọn ngành Xã hội học và sống cuộc sống tự lập, đòi hỏi sinh viên phải năng động và có khả năng thuyết trình.


Khó khăn lớn nhất khi Vượt bước chân vào đại học đó là khả năng giao tiếp (Ảnh: NVCC).

"Mỗi lần phải tham gia phát biểu, em thường hồi hộp, lo lắng đến toát mồ hôi nên không diễn tả đầy đủ những điều mình muốn nói, thậm chí có lần còn "làm trò cười" cho các bạn khác. Năm 2018, khi là sinh viên năm 2, em quyết tâm phải thay đổi bản thân, làm sao để mình vượt qua khó khăn trong giao tiếp với mọi người", Vượt kể.

Nghĩ là làm, Vượt đã lập kế hoạch khắc phục khuyết điểm, tự học thêm kiến thức thông qua đọc sách, tham gia các khóa phát triển kỹ năng nói, đồng thời, tìm cơ hội để bắt chuyện với bạn bè, thầy cô, trình bày trước đám đông.

Sau thời gian lên lớp, Vượt đều tranh thủ tập nói khan cả cổ trước gương, tự tập ngôn ngữ cử chỉ để diễn đạt lưu loát hơn. Vừa học, vừa sửa, Vượt dần tự tin hơn, nhận được nhiều sự khen ngợi và dần trở thành một người diễn thuyết, truyền cảm hứng đầy năng động tới mọi người xung quanh.


Điểu Vượt (thứ 2 từ trái qua) đạt giải "Người diễn thuyết được yêu thích nhất" (Ảnh: NVCC).

Từ năm 2019 đến nay, Vượt đã tham gia và tổ chức hàng trăm buổi chia sẻ về các chủ đề hướng nghiệp, phát triển bản thân, chia sẻ kỹ năng thuyết trình cho học sinh, sinh viên ở các tỉnh Bình Dương, Đắk Nông, TP HCM.

Những nỗ lực không ngừng của chàng trai trẻ đã được đền đáp xứng đáng khi năm 2020, Điểu Vượt đạt giải "Người diễn thuyết được yêu thích nhất" tại cuộc thi diễn thuyết "Thế hệ bình đẳng - Tương lai tôi muốn" do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức.

Kết quả này là một dấu ấn, động lực để Vượt càng thêm tự tin với chính mình và sẵn sàng truyền nguồn cảm hứng, nhiệt huyết, sự tự tin đó cho người trẻ khác.


Hiện Điểu Vượt đang là giáo viên dạy kỹ năng mềm tại Đắk Nông (Ảnh: NVCC).

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại giỏi, hiện Vượt đang làm việc tại một trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp ở TP Gia Nghĩa (Đắk Nông). Vừa làm việc, vừa trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm nơi mảnh đất mình sinh ra, Vượt cũng đang tự học tiếng Anh để mở rộng thêm những cơ hội cho mình trong tương lai.  

Vượt cho biết, công việc hiện tại vừa giúp cậu có thể chia sẻ những kinh nghiệm vượt lên những rào cản của bản thân cho những bạn trẻ địa phương, nhất là những bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, công việc hiện tại cũng mang lại thu nhập ổn định cho Vượt, đặc biệt là giúp cậu thỏa mãn đam mê của một cử nhân ngành Xã hội học.


Vượt mong muốn những bạn trẻ tự tin vượt khỏi rào cản, ra ngoài buôn làng để có cơ hội thay đổi cuộc sống (Ảnh: NVCC).

"Là con út trong nhà, lại là người đồng bào dân tộc thiểu số, em hiểu được những khó khăn mà người dân nơi em sinh sống gặp phải. Có lẽ, nếu không đến trường, em sẽ đi làm thuê hoặc đi chăn bò để phụ giúp bố mẹ. Thế nhưng được đi học, được tiếp xúc với nhiều người, được thực hiện ước mơ của mình, em cảm thấy sự lựa chọn đó là đúng đắn. Chính vì vậy, em muốn những bạn trẻ tại nơi mình sống, tự tin vượt khỏi rào cản, ra ngoài buôn làng để có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình", Điểu Vượt tâm sự.
 
Theo dân trí
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×