T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 - 2025

Thứ tư, 26/05/2021

Ngày 07/5/2021 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 - 2025
TAINANGVIET.vn - Ngày 07/5/2021 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 - 2025

I. Kết quả Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020 giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ


Sau khi thực hiện việc ký kết Chương trình phối hợp, Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình phối hợp đến các tỉnh, thành trong cả nước; chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ Chương trình phối hợp cấp Trung ương, triển khai xây dựng nội dung và tiến hành ký kết chương trình phối hợp, triển khai thực tế[1]. Hai ngành đã phối hợp chặt chẽ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác triển khai thực hiện các nội dung chương trình, kế hoạch. Hàng năm, đơn vị thường trực của hai cơ quan Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự phối hợp thường xuyên thông qua việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình, cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm. Các tỉnh, thành Đoàn đưa nội dung Chương trình phối hợp vào chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm để các cấp bộ Đoàn cụ thể hóa với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Định kỳ tổ chức các hoạt động tổng kết, sơ kết tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực KHCN.

Ở cấp Trung ương, Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có quy mô toàn quốc như: Hội thi Tin học trẻ toàn quốc, Hội thi Tin học khối các bộ công chức trẻ toàn quốc, trao giải Quả Cầu vàng, Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ,...

1. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thanh niên trong việc ứng dụng KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế

Trong 5 năm qua, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản trực thuộc mở các chuyên mục, bài viết, xuất bản nhiều loại ấn phẩm, tạp chí, tờ tin, tờ rơi nhằm tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về KHCN, tầm quan trọng của KHCN, các nội dung của Luật Khoa học và Công nghệ, chiến lược phát triển KHCN, Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các tỉnh, thành đoàn đã biên tập các loại tài liệu tuyên truyền trên hệ thống phát thanh và truyền hình, các báo, đài của địa phương, thường xuyên cập nhật bài viết, thông tin, trao đổi tương tác trên website, fanpage, bản tin nội bộ của Đoàn. Hầu hết các tỉnh, thành Đoàn trong cả nước đã có chuyên mục riêng về khoa học công nghệ, đăng tải các thông tin, bài viết, các tấm gương thanh niên, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ. Các bài viết về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế đã được đăng tải thường xuyên, giúp đoàn viên thanh niên tiếp cận dễ dàng, nhanh hơn những thông tin, kiến thức mới[2].

Trung ương Đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (cơ quan thường trực chương trình phối hợp) tiến hành nâng cấp website sẵn có của Trung tâm và tích hợp từ 02 trang thông tin khác do Trung tâm thường trực, hoàn thiện pháp lý, xin cấp phép Bộ Thông tin và Truyền thông (tháng 4/2017) và đổi tên thành Cổng Thông tin Tài năng trẻ Quốc gia (tainangviet.vn), tổ chức thành lập Ban biên tập, mở rộng mạng lưới đội ngũ cộng tác viên để thường xuyên cập nhật các tin, bài phản ánh các hoạt động về KHCN, tài năng trẻ, CNTT, các hoạt động liên quan đến Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi,… của đoàn nói chung tới đông đảo đoàn viên, thanh niên[3]. Các tin, bài viết đều có tính thời sự và từng bước được mở rộng trên kênh các mạng xã hội do tổ chức đoàn quản trị.

2. Tổ chức các hoạt động KH&CN hỗ trợ đoàn viên, thanh niên

2.1. Phổ biến, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên

Để giúp đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc, vùng sâu, vùng xa tiếp cận khoa học công nghệ, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao về KH&CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế và sản xuất. Trong 5 năm qua, đã có trên 2.500 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về chuyển giao KH&CN cho hơn 90.000 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên được tổ chức tại các cấp bộ Đoàn trong cả nước, với nhiều nội dung và hình thức khác nhau.

Tổ chức gần 300 đội hình thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện làm công tác tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Thành viên của đội hình là các thanh niên có chuyên ngành đa dạng về các mảng, lĩnh vực công tác từ các trường đại học, cao đẳng, học viện, chuyên viên kỹ thuật của các sở, ban ngành, các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật trực tiếp triển khai việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đã có 143 lớp tập huấn được các đội hình triển khai đến gần 14.500 lượt Đoàn viên thanh niên trên khắp các địa bàn trong cả nước.

Triển khai xây dựng hơn 4.200 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên, hỗ trợ kinh phí cho các mô hình có tính khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế cao[4]. Nhiều tỉnh, thành đoàn kết hợp việc xây dựng mô hình gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương và các chương trình khác, như: vay vốn giải quyết việc làm, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,...Bên cạnh đó, việc triển khai các hoạt động, các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật mới thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa luôn được Đoàn thanh niên các cấp hướng đến và ưu tiên, đã có hơn 2.000 mô hình được hỗ trợ triển khai với các lĩnh vực chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên dân tộc thiểu số được tổ chức[5].

2.2. Công tác nghiên cứu khoa học

Các cấp bộ Đoàn luôn chủ động tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học, khuyến khích sinh viên học tập, phát triển các Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong học sinh sinh viên[6]; phát huy vai trò giáo viên, giảng viên, nhà khoa học trẻ trong hỗ trợ sinh viên, học sinh nghiên cứu khoa học; duy trì các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên đưa các ý tưởng, sáng kiến, phát minh, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế. Các khóa bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn, hình thành ý tưởng sáng tạo cho đoàn viên, sinh viên. Một số cuộc thi học thuật, nghiên cứu khoa học trong sinh viên được mở rộng về quy mô và hình thức, thu hút sự quan tâm của sinh viên, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên; đồng thời có các hình thức hỗ trợ, bảo trợ các đề tài, giải pháp xuất sắc của sinh viên và nghiên cứu viên trẻ. Nhiều mô hình nghiên cứu khoa học trong thanh niên, sinh viên đã phát huy hiệu quả“Vườn ươm mầm tài năng trẻ khoa học và công nghệ”, “Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học”,...[7]

Ở cấp Trung ương việc nghiên cứu khoa học tiếp tục tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đoàn, gắn với những vấn đề thực tiễn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi. Trung ương Đoàn đã triển khai thực hiện 01 đề tài cấp quốc gia; 65 đề tài cấp Bộ; 53 đề tài cấp Học viện và 39 đề tài cấp Viện và công bố nhiều bài báo khoa học có chất lượng[8]. Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Những sai lệch xã hội trong thanh niên – thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu Thanh niên chủ trì thực hiện đã góp phần nhất định về lý luận và thực tiễn trong định hướng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, nhằm phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

3. Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Trong 5 năm qua, công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến địa phương hết sức quan tâm. Nhiều cuộc thi, ngày hội, các chương trình thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được tổ chức ở nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước. Các chương trình vay vốn hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai; nhiều chương trình tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp, những doanh nhân thành công,... được tổ chức tại các địa phương, đơn vị.

Tổ chức Đoàn đã tiến hành phối hợp với nhiều cơ quan, doanh nghiệp ký kết các biên bản ghi nhớ, phối hợp liên quan đến việc hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đoàn thanh niên đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp với tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội qua tổ chức Đoàn là trên 3.500 tỷ đồng với hơn 47.000 hộ đoàn viên thanh niên, gần 1.200 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ chức 2.205 lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu, các buổi bồi dưỡng kiến thức, tư vấn khởi sự kinh doanh cho hơn 23.000 lượt đoàn viên thanh niên là chủ doanh nghiệp khởi nghiệp, đoàn viên thanh niên, sinh viên, thanh niên nông thôn tham gia khởi nghiệp.

Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp với mục đích tạo kênh thông tin giữa cộng đồng khởi nghiệp với lãnh đạo Chính phủ nhằm đưa ra đề xuất, sáng kiến, giải pháp, đóng góp trực tiếp cho mục tiêu cải thiện đột phá sức thu hút của môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Sau hơn 2 năm kể từ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp Việt Nam”, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp.  

Với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức”, Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2020 nằm trong khuôn khổ “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest 2020” với sự tham gia của 500 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương; lãnh đạo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc; đại diện các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế; các chuyên gia, cố vấn liên quan đến nội dung của Diễn đàn. Đặc biệt, là sự có mặt của 450 đại biểu là các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đại diện của Câu lạc bộ, các vườn ươm tạo Khởi nghiệp; đại biểu là các chuyên gia/ nhà tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…. Các đại biểu đã được đặt câu hỏi, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu chính phủ, các thành viên chính phủ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với Thủ tướng, nhiều vẫn đề cũng như các chính sách đã được chia sẻ ngay tại diễn đàn.

Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp được nhiều tỉnh thành Đoàn, trường đại học, cao đẳng tổ chức nhằm thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp[9]. Nhiều ý tưởng khả thi đã được đầu tư triển khai, mang lại hiệu quả[10]. Ngoài các hoạt động tôn vinh các cá nhân, các sản phẩm khởi nghiệp xuất sắc, các đơn vị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, doanh nghiệp trẻ. Tại các buổi triển lãm, các bạn trẻ khởi nghiệp có thêm cơ hội tăng trưởng doanh thu, tiếp cận khách hàng và kiểm định lại chất lượng sản phẩm của mình dựa trên đánh giá của khách hàng. Đồng thời, giới thiệu những sản phẩm đã hoàn thiện của các bạn trẻ khởi nghiệp để tổ chức các hoạt động xúc tiến sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài nước.

Các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp được các cấp bộ Đoàn, Hội triển khai thực hiện một cách đồng bộ với nhiều hình thức sáng tạo. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được các kênh báo chí, truyền thông và mạng xã hội của Đoàn, Hội thường xuyên thông tin, đăng tải. Xây dựng các chuyên mục về khởi nghiệp trên website Đoàn Thanh niên, Fanpage để giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ hiệu quả của thanh niên; các hoạt động đã góp phần động viên, cổ vũ thanh niên thi đua khởi nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

4. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng tài năng trẻ và phát huy nguồn lực chất lượng cao trong thanh niên

Trong 05 năm qua, Trung ương Đoàn đã tập trung chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ. Đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được triển khai như: Vườn ươm khoa học công nghệ, Chương trình trí thức – khoa học trẻ tình nguyện, Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ, Ngày sở hữu trí tuệ (IP day), Ngày hội “Sáng tạo - công nghệ”...

Hàng năm Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động gặp gỡ tôn vinh, khen thưởng những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, xuất sắc trong học tập, công tác và rèn luyện; tổ chức các diễn đàn, chương trình kết nối, phát huy tài năng trẻ như: Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo”,... Đặc biệt, Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với  hơn 400 tài năng trẻ xuất sắc trên các lĩnh vực trong và ngoài nước tham dự, là hoạt động ý nghĩa để các đại biểu đóng góp trí tuệ cho công tác phát triển tài năng trẻ nói riêng và việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển đất nước nói chung. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu tài năng trẻ Việt Nam thường xuyên được cập nhật[11], trong đó chủ yếu là hồ sơ tài năng trẻ trong hệ thống đoàn tôn vinh, khen thưởng. Trong thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tổ chức khai thác, vận hành hiệu quả Hệ thống nhằm đẩy mạnh công tác tập hợp, kết nối, phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam.
Một số hoạt động tiêu biểu được Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp triển khai trong toàn quốc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ, cụ thể như:

* Diễn đàn trí thức trẻ toàn cầu:
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là hoạt động để trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước thảo luận, đưa ra các đề xuất, sáng kiến, giải pháp, đóng góp trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia; đồng thời đề xuất các cơ chế thu hút, phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, sáng tạo của đất nước. Sau 3 lần tổ chức từ năm 2018 đến năm 2020, Diễn đàn đã quy tụ  639 đại biểu trong và ngoài nước tham gia, tổng hợp được trên 400 đề xuất, khuyến nghị gắn với chủ đề của các Diễn đàn và các nội dung thảo luận, hình thành Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu gồm hơn 1000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu về cơ khí, tự động hoá, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0, nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên,… đã thu được một số kết quả nổi bật, nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước.

* Hội thi Tin học trẻ toàn quốc
Trong 5 năm qua, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam tổ chức thành công 05 kỳ Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2016-2020 (lần thứ XXII đến lần thứ XXVI) với sự tham gia của hơn 1.200 thí sinh[12] tham dự Hội thi cấp toàn quốc. Hằng năm có 50 tỉnh, thành tổ chức Hội thi từ cấp cơ sở (quận, huyện), cấp tỉnh, thành phố và lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất tham dự Hội thi toàn quốc, thu hút hàng vạn thí sinh tham gia, tạo ra phong trào học tập và ứng dụng CNTT rộng rãi trong giới trẻ, trở thành một sân chơi thực sự bổ ích cho các em học sinh.

* Hội thi Tin học khối cán bộ, công chức trẻ toàn quốc
Nhằm ứng dụng có hiệu quả CNTT, từng bước nâng cao chất lượng công việc của cán bộ, công chức trẻ, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, tiến tới xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử; từ năm 2013, hai ngành đã phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thi Tin học khối cán bộ, công chức trẻ toàn quốc. Qua 4 năm tổ chức 2016-2019 có 644 thí sinh dự thi cấp toàn quốc, 23 tỉnh, thành tổ chức Hội thi Tin học cấp tỉnh, thành phố với hàng nghìn cán bộ, công chức tham gia Hội thi cấp cơ sở. Hội thi là hoạt động bổ ích, thiết thực trau dồi kỹ năng CNTT, khả năng triển khai công việc và công tác tham mưu của cán bộ, công chức trẻ; trau dồi tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước bằng ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó Hội thi liên tục được đổi mới về nội dung và hình thức thi để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội.

* Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng và Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực KHCN
Hai ngành đã phối hợp tổ chức thành công Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng hàng năm nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ đặc biệt xuất sắc về khoa học công nghệ. Trong 5 năm qua, đã có 276 hồ sơ đề cử của các tỉnh, thành đoàn, các bộ, ngành, doanh nghiệp. 50 tài năng trẻ đặc biệt xuất sắc đã được nhận Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng. So với từng năm chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng lên. Số lượng ứng viên học tập, công tác tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu uy tín tại các nước phát triển như: Anh, Hàn Quốc, Na Uy, Áo, Canada, Trung Quốc,...có xu hướng tăng theo từng năm. Công tác triển khai giải thưởng ngày càng được mở rộng, đặc biệt từ năm 2018 hồ sơ tham gia đăng ký xét giải bằng hình thức trực tuyến. Giải thưởng ngày càng khẳng định giá trị và uy tín trong giới khoa học công nghệ. Nhiều tài năng trẻ đạt giải thưởng không chỉ đạt học vị cao mà còn giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp về khoa học công nghệ, dẫn dắt và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ Việt Nam. Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngoài thành tích học tập, nhiều nữ sinh đã tham gia nghiên cứu đề tài thuộc lĩnh vực chuyên ngành cấp khoa, cấp trường có tính thực tế và được đánh giá cao. Bắt đầu từ năm 2019 các sinh viên đăng ký tham gia xét phần thưởng bằng hình thức trực tuyến. Kết quả trong 05 năm qua, đã có 256 hồ sơ đề cử của các trường đại học, học viện trong cả nước, trong đó, 100 nữ sinh viên xuất sắc nhất đã được nhận Phần thưởng (mỗi năm trao phần thưởng cho 20 nữ sinh). Trong những năm gần đây công tác xã hội hóa cho Giải thưởng, Phần thưởng được chú trọng đẩy mạnh.

* Phối hợp tổ chức Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng thế giới và Cuộc thi Vô địch Thiết kế Đồ họa thế giới
Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hớp với các bộ, ngành và các doanh nghiệp tổ chức Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOSWC) từ năm 2018 - 2020 với sự tham gia của 2.700 thí sinh trên toàn quốc. Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, hấp dẫn mang tầm quốc tế dành cho học sinh, sinh viên, ươm mầm nhiều tài năng đam mê tin học, thiết kế đồ họa; đóng góp cho việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới.

5. Kết quả tham mưu, xây dựng chính sách, quy chế, quy định

Trên cơ sở Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu xây dựng các quy chế, quy định liên quan đến công tác quản lý, phát triển KHCN của Trung ương Đoàn như: xây dựng Quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; xây dựng Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN của Trung ương Đoàn, giai đoạn 2016 - 2020; ban hành Quy chế Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ quan Trung ương Đoàn.; chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, thu hút các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học tài năng; tạo cơ chế khuyến khích các nhà khoa học của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, …

Trong thời gian qua, các tỉnh, thành Đoàn đã chủ động tham mưu, tổ chức nhiều diễn đàn, chương trình làm việc để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, phát triển, hỗ trợ tài năng trẻ. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức các cuộc làm việc, đối thoại với thanh niên, tham mưu ban hành các cơ chế hỗ trợ thanh niên, tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ, kết nối các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, xây dựng các quỹ, học bổng nhằm khuyến khích, động viên đoàn viên thanh niên, các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực.

Nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích thanh niên nông thôn, vùng khó khăn ứng dụng KHCN phát triển kinh tế đã được Đoàn thanh niên tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền. Nhiều đề án, đề tài hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tiếp cận công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đã được phê duyệt. Các chương trình vay vốn khởi nghiệp thông qua ngân hàng chính sách xã hội được triển khai tạo động lực, nguồn lực cho thanh niên phát triển kinh tế làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Sáng tạo, đa dạng về phương thức, hình thức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN; vai trò của thanh niên trong việc làm chủ KH&CN, tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tạo môi trường hỗ trợ thanh, thiếu nhi tiếp cận và làm chủ khoa học và công nghệ. Tổ chức các hoạt động tìm hiểu, khám phá khoa học, công nghệ; định hướng nghề nghiệp. Tăng tính hấp dẫn, hữu ích của các “sân chơi” khoa học, công nghệ cho thanh, thiếu nhi. Chú trọng các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác nghiên cứu khoa học trong thanh niên.

3. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo. Phát huy vai trò của các Trung tâm Khởi nghiệp, hỗ trợ cho thanh niên tham gia các dự án,câu lạc bộ, vườn ươm sáng tạo khởi nghiệp.

5. Tổ chức các hoạt động chăm lo, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ. Duy trì tốt việc phát hiện và tôn vinh các tài năng trẻ thông qua các hoạt động, Giải thưởng. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, phát huy, hỗ trợ thanh thiếu nhi có tài năng. Tham mưu, xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh niên tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ, trọng dụng, phát triển lực lượng thanh niên có tài năng.

6. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong triển khai các hoạt động phối hợp. Chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
 

[1] Đã có 49 tỉnh, thành Đoàn và Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành ký kết phối hợp hoạt động.
[2] Đã có trên 11.000 tin, bài về cải tiến, ứng dụng, đổi mới công nghệ được đăng tải trên các website, fanpage của tổ chức Đoàn các cấp.
[3] Ttrung bình mỗi ngày có 03 tin, bài được đăng tải, trong đó có gần 200 bài viết chuyên sâu về công tác tài năng trẻ, KHCN và đổi mới sáng tạo được các chuyên gia, người trong cuộc nhìn nhận, trao đổi. 
[4] Một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được phổ biến, nhân rộng, như: Mô hình áp dụng hệ thống thông minh IOT điều khiển tự động trồng hoa hồng để chiết xuất tinh dầu dược liệu; mô hình Sản xuất tinh bột nghệ tại Làng Thanh niên lập nghiệp Biên giới Tam Hợp tỉnh Nghệ An; mô hình Trồng dưa lưới và rau sạch hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGap tại Vĩnh Phúc; mô hình Sản xuất Dâu tây công nghệ cao tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn; mô hình chăn nuôi tổng hợp tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng; mô hình Trồng cây Gai xanh (Rami) AP1 tại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Lốp tỉnh Đắk Lắk… Ở cấp Trung ương, 5 năm qua, đã hỗ trợ xây dựng 55 mô hình với tổng kinh phí là 3 tỷ 250 triệu đồng.
[5] Tổ chức hơn 800 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, các buổi sinh hoạt hướng dẫn kỹ thuật cho thanh niên vùng cao.
[6] Hiện có 358 CLB nghiên cứu khoa học với sự tham gia của 6.750 đoàn viên, sinh viên.
[7] Có 5.541 đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên và giảng viên trẻ được triển khai nghiên cứu, tham gia dự thi và báo cáo tại các Hội nghị khoa học.
[8] Công bố 34 bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI, SCOPUS và các tạp chí quốc tế có uy tín; 193 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, 112 bài đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học và trên 100 bài đăng trên Nội san Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), Nội san Thông tin Khoa học Thanh niên (Viện Nghiên cứu Thanh niên).
[9] Đã có gần 13.900 ý tưởng khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Đoàn thanh niên các cấp tổ chức trong 5 năm qua.
[10]Dự án Hana Đà Lạt của bạn Nguyễn Ngọc Hoàng Anh với doanh thu gần 2 tỷ/năm, dự án Hệ thống phần mềm bán hàng và kế toán quản trị Tainguyensoft.com của bạn Phan Đăng Nguyên với doanh thu gần 3 tỷ/năm, dự án Sử dụng pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện năng của bạn Nguyễn Trần Trọng Tuấn với doanh thu hơn 1 tỷ/năm tại tỉnh Lâm Đồng,..
[11] Đến nay đã cập nhật được 4727 hồ sơ tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực.
[12] Năm 2020, Hội thi lần thứ XXVI được tổ chức với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thi và mở rộng đối tượng tham dự. Lần đầu tiên vòng sơ khảo Quốc gia được diễn ra tại 03 miền Bắc, Trung, Nam vào tháng 8 và Vòng chung kết Quốc gia được tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào tháng 11 với 198 thí sinh xuất sắc của 3 miền đã vượt qua Vòng sơ khảo quốc gia.
 
CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC
 
Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 download tại đây
Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 download tại đây

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×