Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, môi trường đến Giải thưởng thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024

Thứ năm, 07/11/2024

TAINANGVIET.vn – Điều thôi thúc TS. Trương Hải Bằng, Nghiên cứu viên, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang theo đuổi lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, môi trường của bản thân, cũng như được gia đình giáo dục ý thức giữ gìn không gian sống  gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp.

TS. Trương Hải Bằng tham gia Hội thảo quốc tế  “Công nghệ, tái sử dụng và quản lý nước” (Water Technology, Reuse and management) tổ chức tại Trường Đại học Việt Đức, Bình Dương, tháng 3 năm 2024. Ảnh: NVCC

Tình yêu với công nghệ môi trường

TS. Trương Hải Bằng chia sẻ, khi còn nhỏ, được xem các bộ phim nước ngoài và cảm nhận thấy đô thị ở các nước thật sạch và đẹp với nhiều công viên, mảng xanh trong khi ở cuộc sống thực con đường mình đi học có nhiều bãi rác không được xử lý, không khí ô nhiễm nhiều khói bụi và đô thị thì rất ít mảng xanh. Từ những trải nghiệm như vậy, qua thời gian, ý thức theo đuổi con đường nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ môi trường trong anh dần hình thành với mục tiêu ban đầu tìm hiểu tri thức liên quan đến các phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường, sự cân bằng sinh thái, bản chất của sự chuyển hóa các hiện tượng trong thiên nhiên.
 

Ts. Trương Hải Bằng tham gia chiến dịch “Ngày chủ nhật xanh” với các hoạt động vớt rác, lục bình, khơi thông kênh rạch tại Quận 12, Hồ Chí Minh

Anh chia sẻ thêm điều thú vị trên con đường học tập đó là trong kỳ thi đại học năm 2008, anh đã thi đậu ba trường, trong đó có ngành công nghệ môi trường của trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh nhưng bản thân lại lựa chọn đăng ký ngành Công nghệ Hóa dầu, thuộc trường Đại học Công Nghiệp. Trong suốt thời gian gần 10 năm học đại học và làm nghiên cứu tham gia vào các đề tài thuộc lĩnh vực hóa hợp chất thiên nhiên, nhưng bản thân vẫn đau đáu khát vọng được học tập và nghiên cứu lĩnh vực đam mê của mình trước đây là Công nghệ Môi trường. Chính vì vậy, anh đã cố gắng tìm kiếm các học bổng liên quan đến ngành Công nghệ Môi trường và bước ngoặt đã đến vào cuối năm 2017 khi anh nhận được học bổng du học tiến sĩ toàn phần ngành Công nghệ Môi trường tại Đại học Sejong, Hàn Quốc, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Jin Hur, editor nổi tiếng của tạp chí khoa học uy tín đứng đầu chuyên ngành công nghệ môi trường là Water Research. Mất hơn 10 năm để quay lại lĩnh vực yêu thích, anh đã dành toàn bộ sự nỗ lực và tập trung để học hỏi kiến thức chuyên ngành, từng bước rèn luyện và nâng cao kỹ năng nghiên cứu, thực hiện đề tài, khả năng công bố công trình nghiên cứu khoa học.

Nước mắt rơi trên những thành quả khoa học

Chia sẻ với phóng viên, TS. Trương Hải Bằng cho biết thách thức lớn mà anh đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu là điều kiện nghiên cứu hạn chế và thiếu kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực mới. Cần nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp thu kiến thu và mày mò làm thí nghiệm. Một kỷ niệm không quên đó là năm đầu tiên trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại DOM lab của thầy Jin Hur, do thiếu kinh nghiệm mà anh đã làm sai thí nghiệm trong vòng hơn 7 tháng. Đến lúc gửi mẫu đi phân tích mới biết toàn bộ các mẫu nước đã bị xử lý sai, các mẫu đó đều không thể dùng được nữa. Thời điểm đó là vào mùa đông giá lạnh, anh vẫn nhớ như in là khoảng 3h sáng bản thân đã lội tuyết về, nước mắt cứ rơi vì thất vọng. Rút kinh nghiệm từ đợt đó, trong quá trình nghiên cức anh đã nắm thật vững lý thuyết và kỹ năng thí nghiệm, tham khảo các nguồn tài liệu và kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước để thực hiện nghiên cứu thật chuẩn, tránh lãng phí thời gian và công sức trong quá trình nghiên cứu.


TS. Trương Hải Bằng đang thực hiện thí nghiệm xúc tác quang phân hủy chất hữu cơ ô nhiễm trong nước tại phòng thí nghiệm của Lab DOM, Đại học Sejong, Hàn Quốc

Kỳ vọng những nghiên cứu sẽ góp phần làm sạch môi trường Việt Nam

Các công trình nghiên cứu của anh tập trung trong về phân tích chuyên sâu cơ chế xúc tác và tính chất của vật liệu ảnh hưởng đến cơ chế phân hủy phức tạp các hợp chất hữu cơ trong nước. Là một trong số ít những nhà khoa học công bố được những nghiên cứu chuyên sâu về bản chất và hiệu quả ứng dụng xúc tác quang hoạt hóa trong vùng ánh sáng nhìn thấy nhằm xử lý hợp chất hữu cơ tổng (natural organic matter) bởi vì hợp chất hữu cơ tổng là hỗn hợp hàng trăm hàng ngàn chất hữu cơ khác nhau trong tự nhiên, rất khó bị phân hủy khi so với một đơn chất hữu cơ cụ thể. Các công trình được đánh giá cao khi công bố trên nhiều tạp chí uy tín hàng đầu chuyên ngành như Chemical Engineering Journal, Chemosphere, Journal of Cleaner Production, Journal of Environmental Chemical Engineering, và Journal of Environmental Sciences, và được trích dẫn rất nhiều, cho thấy ảnh hưởng học thuật trong cộng đồng khoa học. Bên cạnh đó, một số công trình mang tính ứng dụng tương đối cao, đã triển khai ở quy mô rộng lớn. Tiêu biểu như vật liệu hấp phụ công bố trên tạp chí Chemosphere (Chemosphere, 243, 125454) được hoạt hóa từ tro bay và biochar đã được tạo viên nén, nhồi trên cột hấp phụ quy mô pilot, và cho thấy hiệu quả hấp phụ liên tục trong xử lý nước mặt có hợp chất hữu cơ tổng. Vật liệu xúc tác quang NGQD/nsC3N4/Bi2WO6 được cấp bằng sáng chế Hàn Quốc, cho hiệu quả tốt trong xử lý nước thải hữu cơ dưới sự kích thích bởi ánh sáng mặt trời, mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Một dự án hiện nay anh đang triển khai là tận dụng sinh khối lục bình đang làm tắc nghẽn kênh mương ở TP. Hồ Chí Minh để sản xuất vật liệu than sinh học hoạt tính ứng dụng hấp phụ xử lý nước ô nhiễm thuốc kháng sinh phát thải từ bệnh viện, mang tính ứng dụng kép trong xử lý môi trường.
 

TS. Trương Hải Bằng là 1 trong 31 học giả tiêu biểu (scholars) từ 10 nước Châu Á được Hội Đồng Khoa Học và Công Nghệ Quốc Gia Đài Loan lựa chọn từ 320 hồ sơ để tài trợ 3000 USD cho chuyến công tác 12 ngày tham dự hội nghị, đào tạo, hợp tác về “Công nghệ Môi trường Xanh và Mục tiêu phát triển bền vững hướng đến phát thải ròng bằng không” tại trường đại học Quốc lập Thanh Hoa, Đài Loan.
 
TS. Trương Hải Bằng chia sẻ, anh kỳ vọng các nghiên cứu chuyên sâu của mình trong lĩnh vực ứng dụng vật liệu vào xử lý môi trường sẽ mang ý nghĩa học thuật và giá trị cao để các nhà khoa học có thể tham khảo các kết quả tin cậy đó để làm cơ sở cho nghiên cứu của mình. Ngoài ra, anh cũng hy vọng các nghiên cứu ứng dụng mình đang và sẽ triển khai dựa trên sinh khối phổ biến tại Việt Nam mang lại hiệu quả xử lý ô nhiễm nước và không khí, kinh phí sản xuất thấp để sớm ứng dụng đưa ra thị trường, góp phần làm sạch môi trường Việt Nam.
CYTAST

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×