Tài năng trẻ
Khởi nghiệp từ con số 0
Thứ hai, 25/02/2019

Bắt nguồn từ những ý tưởng khởi nghiệp gần gũi, thiết thực với cuộc sống, họ, những người trẻ năng động đã chinh phục ước mơ của mình bằng những dự án khởi nghiệp rất có ý nghĩa, trong đó thậm chí có những dự án khởi nghiệp bắt đầu từ con số 0.
Bắt nguồn từ những ý tưởng khởi nghiệp gần gũi, thiết thực với cuộc sống, họ, những người trẻ năng động đã chinh phục ước mơ của mình bằng những dự án khởi nghiệp rất có ý nghĩa, trong đó thậm chí có những dự án khởi nghiệp bắt đầu từ con số 0.
1. Khởi nghiệp bằng "giao thương không ngủ"
Tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Vinh vào năm 2010, chàng trai xứ Nghệ đã khởi nghiệp với nền tảng quản lý bán hàng tập trung đa kênh iamSale.
iamSale là công cụ giúp khách hàng có thể vừa bán hàng trên nhiều kênh vừa quản trị quan hệ khách hàng. Xây dựng một nền tảng giúp người kinh doanh online tăng doanh số, quản lý bán hàng, khách hàng chuyên nghiệp và đưa hàng Việt đến tay bạn bè quốc tế. Đó là tham vọng của nhà khởi nghiệp trẻ Nguyễn Nghĩa Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Polaris Việt Nam, đơn vị sở hữu nền tảng quản lý bán hàng tập trung đa kênh iamSale.
Khởi nghiệp từ con số 0
Tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Vinh vào năm 2010, Nhật suy nghĩ rằng phải làm một điều gì đó thật mới mẻ để thay đổi bản thân với việc đặt ra nhiều thử thách. Từ suy nghĩ ấy, chàng trai xứ Nghệ đã chọn TP HCM là điểm đến cho hành trình khởi nghiệp. "Khi ấy sức trẻ đã cho tôi niềm tin sẽ làm được điều gì đó ở thành phố lớn nhất nước này. TP HCM phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và tôi tin mình sẽ có đất diễn" - Nhật chia sẻ.

Nguyễn Nghĩa Nhật (bìa phải) trong một lần đi tặng quà cho Mái ấm tình thương
Trải qua công việc kỹ sư phần mềm cho một số công ty công nghệ lớn trong nước, Nhật được nhiều khách hàng đánh giá cao năng lực chuyên môn và tin tưởng giao cho những dự án riêng. Không thích sự gò bó trong môi trường công sở, Nhật quyết định mở công ty riêng, đặt tên là Polaris mà không có một đồng vốn nào trong tay. Anh tự nhận dự án viết phần mềm rồi chia sẻ cùng bạn bè để kiếm tiền. "Tiếng là công ty nhưng tôi chẳng có đồng vốn, khách đặt hàng, chi trả tiền công rồi anh em cứ thế phân việc mà làm. Văn phòng làm việc lúc khởi nghiệp chỉ là quán cà phê hay tại nhà. Nhờ lấy uy tín và chất lượng sản phẩm làm trọng nên dần dà khách hàng tìm đến khá nhiều" - Nhật nhớ lại.
Hỗ trợ kinh doanh online
Nhận thấy việc kinh doanh online ngày một phát triển, việc ngồi ở Việt Nam mua hàng ở nhiều nơi trên thế giới ngày càng phổ biến, Nhật quyết tâm xây dựng một nền tảng để hỗ trợ người kinh doanh online quản lý và mở rộng kinh doanh với sứ mệnh theo cách nói của Nhật là "một nền kinh tế giao thương không ngủ". Đó cũng là lý do iamSale ra đời.
IamSale là công cụ giúp khách hàng có thể vừa bán hàng trên nhiều kênh, đồng thời tiến hành các hoạt động quản trị quan hệ khách hàng và chiến dịch tiếp thị tự động chỉ trong một phần mềm. Một trong những tính năng nổi bật của phần mềm là Sale Omnichanel - bán hàng đa kênh nhưng chỉ cần quản lý tập trung tại một điểm và tất cả dữ liệu sẽ được đồng bộ tức thì khi có sự thay đổi. Hiện tại, iamSale đã kết nối với một số kênh bán hàng online phổ biến như: website, Facebook, Zalo, Lazada, Shopee... "Nhiều người bán hàng online nhưng vẫn làm rất thủ công, chưa ứng dụng công nghệ nên khó kiểm soát công việc. Chúng tôi muốn đưa công nghệ, giải pháp để quản lý việc kinh doanh hiệu quả hơn. Trong tương lai gần, iamSale sẽ kết nối thêm nhiều kênh bán hàng trong và ngoài nước giúp người Việt có thể phân phối rộng hơn cũng như xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế chỉ bằng những cú click chuột" - Nhật cho biết thêm.
Phần mềm cũng tích hợp các tính năng như quản trị quan hệ khách hàng, tiếp thị tự động... giúp doanh nghiệp tự động hóa và quản lý chuỗi các hoạt động kinh doanh, trong đó có quản lý khách hàng và các cơ hội bán hàng. Qua hệ thống này, doanh nghiệp có thể thiết lập hệ thống giao dịch với khách hàng, sử dụng hệ thống để quản lý, tự động hóa nhiệm vụ của nhân viên, điều hướng các hoạt động tiếp thị, bán hàng, dịch vụ và hỗ trợ khách hàng theo định hướng chiến lược của công ty. "Chủ của một doanh nghiệp ở TP HCM sở hữu chuỗi cửa hàng ở khắp cả nước có thể dễ dàng quản lý việc kinh doanh chỉ bằng cách mở điện thoại hoặc máy tính là có thể biết số đơn hàng, những mặt hàng bán chạy, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, công nợ, tồn kho, giờ giấc làm việc của nhân viên..." - Nhật chia sẻ.
Với phần mềm tiện ích này, hiện Polaris Việt Nam có hơn 90.000 khách hàng trong cả nước.
Luôn lắng nghe
"Chúng tôi thích nghe lời chê, lời phàn nàn hơn là lời khen bởi vì lúc đó chúng tôi biết mình nên làm gì tiếp theo để hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Những phản hồi tích cực từ khách hàng giúp chúng tôi có thêm động lực và niềm tin để đi tiếp con đường đã chọn. Tôi tâm niệm cứ đi từng bước thật chắc chắn, rồi một ngày thành quả tốt đẹp sẽ đến" - Nhật cho biết.
2. Bí quyết của cô gái nghèo khởi nghiệp chỉ với 1 triệu đồng
Từ số vốn 1 triệu đồng, bà mẹ "bỉm sữa" ấy đã có trong tay cơ ngơi nhiều người ngưỡng mộ, bản thân chị trong những ngày bắt đầu ấy chắc cũng không bao giờ dám nghĩ đến.
Từ một cô giáo nghèo tới người sở hữu một doanh nghiệp liên quan tới giáo dục, làm chủ một trường mầm non; từ đồng vốn ban đầu vỏn vẹn 1 triệu đồng tới thành công rực rỡ với nghề kinh doanh online... hành trình 4 năm khởi nghiệp của Kim Thùy tựa như một câu chuyện truyền cảm hứng.

Nguyễn Thị Kim Thùy, cô gái khởi nghiệp với... 1 triệu đồng.
Khi ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đã gần kề, cũng là thời điểm Thùy vừa cho ra mắt tập sách đầu tay mang tên "Nghệ thuật bán hàng qua facebook". Cuốn sách là những chia sẻ, kinh nghiệm được chị đúc kết bởi 4 năm lập nghiệp với kinh doanh online.
Từ số vốn 1 triệu đồng, bà mẹ "bỉm sữa" ấy đã có trong tay cơ ngơi nhiều người ngưỡng mộ, bản thân chị trong những ngày bắt đầu ấy chắc cũng không bao giờ dám nghĩ đến.
Khởi nghiệp với... 1 triệu đồng
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Thùy đã phải rất vất mới có thể tìm được một công việc giảng dạy với đồng lương ít ỏi. Liền sau đó, chị kết hôn.
“Lúc mới lấy nhau, cả hai vợ chồng đều nghèo. Nhà mình bố bị bệnh, lại phải lo lắng nhiều khoản nên tiền lương dạy học của mình không dành dụm được bao nhiêu.
Chồng mình làm xây dựng nhưng gần 1 năm không được thanh toán tiền lương, quyết định bỏ chỗ làm để kiếm tìm một công việc khác.
Lương chỗ làm mới của chồng được 2,5 triệu/ tháng. Lương của vợ được 5 triệu. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống và các khoản tiêu, tháng đầu tiên tiết kiệm được 1 triệu đồng.
Thời gian đó mình rất mong có một đứa con, nhưng mình lại không dám đẻ. Vì nếu sinh con lúc đó chắc chắn không thể cho con một cuộc sống tốt.
Mình kế hoạch... và lên dây cót cho việc kiếm tiền”, Kim Thùy chia sẻ.
"Làm gì với số vốn 1 triệu đây?". Cả hai vợ chồng chị lúc ấy cứ loay hoay mà không có câu trả lời...
Bản thân chị tự nhận mình là người hay quan sát, thấy lúc đó nhiều chị em bán đồ lót rất đắt hàng nên nghĩ: "Hay nhập một chút về bán nhỉ?".
Nhưng mối buôn ở đâu? Thùy lên google tìm kiếm, search hàng đống cụm từ liên quan đến nội y nhưng không ra được kết quả vừa ý. Thế rồi như một cơ duyên, giữa lúc đó, tự dưng chị làm quen được một mối buôn có giá tốt.
"Như chết đuối vớt được cọc, hai vợ chồng phi xe đến luôn. Đơn hàng lấy buôn đầu tiên của mình hình như hơn 700k (1k bằng 1000 đồng), mình không nhớ rõ lắm. Mình chỉ nhớ, một chiếc quần chip lần đầu tiên mình nhập giá 20, về bán 25k, lãi được 5k/ chiếc.
Đơn hàng đầu tiên ở 38 Lê Thanh Nghị, chị khách tên Huyền Anh. Chắc đến bây giờ chị ấy vẫn chưa biết được chị ấy là vị khách đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình...", Thùy nhớ lại.
Thùy kể, đơn hàng đầu tiên, chị lãi được 15k, cộng với 15k tiền ship đoạn đường gần 20km, tổng là 30k. Trưa về nắng như đổ lửa mà chị vẫn thấy vui, "vui kinh khủng".
Thùy kể, công việc cứ tiến triển như vậy, chị bán đến đâu nhập hàng đến đấy bởi mỗi lần đi lấy hàng chỉ có vốn mấy trăm nghìn. Nhưng sau cứ tăng dần, tăng dần, 2 tháng sau nhập hàng hẳn 3 triệu. Lúc ấy, chị thấy "sao mà mình nhập nhiều, oách thế".
Vết "gai hoa hồng" đầu tiên
Đang trên đà làm ăn "được được" thì Thùy bất ngờ bị tai nạn. Trên đường đi về quê chẳng may chị bị một người say rượu đâm phải khiến Thùy bị gẫy hai xương ngón chân, phải điều trị gần hai tháng.
"Vợ chồng mới tích được vài triệu thì cho vào viện cả, cũng chỉ còn mấy trăm nghìn sót lại thôi", Thùy nhớ lại quãng thời gian này.
Bản thân mình thấy mình có động lực để phấn đấu đến hôm nay là nhờ bên cạnh có người chồng lúc nào cũng ủng hộ, yêu thương hết mực. Vì vợ, anh ấy chẳng ngại một điều gì.
Thùy kể, thời gian chị không đi làm được, chồng chị lao đi kiếm tiền như con thiêu thân. Ngày đi làm, tối về ship hàng cho vợ, chẳng ngại nắng mưa, cứ khách gọi hàng là ship.
"Có một ngày chủ nhật, khách tận Nhà máy sứ Thanh Trì order một cái quần ngố nữ. Nhà mình ở tận An Dương Vương đến đó thì mọi người biết nó xa thế nào rồi.
Khách xem quần xong từ chối không lấy vì không có túi, mà rõ ràng hình mình đăng có túi đâu, cũng không trả tiền ship. Chồng quay về, ấm ức kể với vợ.
Mồ hôi nhễ nhại, lúc anh ấy vào nhà tắm rửa mặt mà mình cứ ngồi khóc, vì tủi thân, vì thương chồng. Chồng thấy vợ khóc hỏi tại sao, chỉ dám nói em đau chân chứ không dám bảo vì thương chồng quá ".
Ba tháng sau, Thùy bắt đầu đi lại được. Lúc này, kinh tế của hai vợ chồng cũng đã kiệt quệ. Những lúc chồng đi làm, Thùy lại giấu chồng đi giao hàng cho khách. Có hôm bị chồng phát hiện, cô phải nói dối để chồng yên tâm.
Trong tuần, cô vẫn là giáo viên lên lớp bình thường, nhưng đến ngày nghỉ lại lao đi ship hàng, bất chấp nắng mưa, bởi "ngồi ở nhà mãi sao sống được, còn bao nhiêu thứ phải lo".
Những bí kíp bán hàng online đầu tiên
Bán "bia kèm lạc"
Thùy kể, thời gian này chị có nhập thêm ít áo phông nam về bán. Đến khi giao hàng cho khách thấy khách bảo: "Ơ, áo này đẹp quá, em có mang màu tím không? Chị muốn mua thêm màu tím", rồi khách đòi thêm màu này, màu kia nhưng có đâu.
Về nhà chị nghĩ "Sao mình ngu thế nhỉ? Mỗi lần đi ship mang theo hàng có phải bán được thêm không?".
Nghĩ là làm, từ hôm đó, dù khách chỉ mua 1 chiếc áo chị cũng mang cả bọc theo.
Có hôm, bán một đơn ở Hoàng Đạo Thành được lãi tổng hơn một triệu, mặc dù ban đầu khách chỉ hỏi mua hai cái áo 200k, Thùy kể.
Sau này, những đơn hàng khác Thùy vẫn duy trì, áp dụng cách bán hàng như vậy.
Bởi chị nghĩ, ban đầu khách có thể chỉ định mua cho chồng, nhưng đem đến khách lại có nhu cầu mua cho bố, mua cho em chồng, mua cho em mình, mua tặng con cháu, người thân...
Mạng xã hội là cửa hàng lớn nhất mà không mất tiền thuê
Đến khi Thùy manh nha có ý định mở một cửa hàng, chị đã lên các nhóm online hỏi ý kiến mọi người để xem có nên mở cửa hàng không.
Thế rồi, có một bình luận của một người anh đã làm Thùy đọc đi đọc lại mãi: "Facebook của em là một cửa hàng lớn mà em không phải mất tiền thuê". Chỉ một câu nói ấy thôi làm Thùy có cảm giác não của mình sáng hơn hẳn.
Chính từ đây, Thùy mới bắt đầu có niềm tin lớn, cảm thấy thị trường online là thị trường tiềm năng nhất."Mình quyết tâm khai thác thị trường này", Thùy nói.
Mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm thêm mối hàng
Bán hàng online không ai sờ, không ai nắn được sản phẩm, người mua hàng mua bằng "niềm tin". Vậy làm sao để lấy được niềm tin của khách hàng đây?... Phải cho khách hàng thấy mặt mình, biết tên mình cái đã!, Thùy đặt câu hỏi rồi tự tìm cho mình lời giải đáp.
Thùy kể, khi bắt đầu chị đã tham gia rất nhiều buổi offline, hội thảo của các nhóm tổ chức. Xa mấy cũng đi, bận mấy cũng không ngại. Các buổi offline đó cho chị niềm vui, quen nhiều người và khách hàng đông dần lên.
Bản thân mình thấy may mắn khi cuộc đời gặp nhiều người trân quý mình, tạo điều kiện cho mình đến vậy. Họ lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ mình tìm kiếm khách hàng, ủng hộ hàng của mình.
Họ an ủi, họ động viên khi mình gặp khó khăn, vấp ngã.
Cuộc đời này, nếu cho mình cơ hội trả ơn, mình sẽ trả ơn họ mãi mãi, yêu quý họ bằng tình cảm không gì đánh đổi được.
Cho nên, giờ nhiều cộng tác viên của mình, mình đều giúp đỡ họ, tạo điều kiện trong khả năng có thể của bản thân.
Với suy nghĩ, muốn mở rộng khách hàng phải xách xe lên và đi. "Nếu vượt qua được 10 cây số thì có thêm khách phạm vi 10 cây số, nếu vượt qua được quãng đường 50 cây số có thêm khách cách 50 cây số, nếu vượt qua 100 cây số...", Thùy đã tạo được một mạng lưới khách hàng ngày càng rộng lớn và ổn định cho mình.
Chị cho biết mình luôn chăm chỉ đi các nơi tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo. Từ bạn bè đại học, chỗ thân quen, thỉnh thoảng lại kiếm được mối hàng từ họ. Tiếp đến phụ huynh học sinh cũng là chủ xưởng sản xuất, giám đốc nhà máy nọ kia, họ cũng đổ hàng cho chị.
"Cô cứ lấy hàng nhà chị về mà bán, bán được thì trả tiền. Hai đứa con là tài sản lớn nhất chị giao được cho cô, mấy cái hàng này có gì ghê gớm đâu", Thùy nhớ lại khi nhắc đến những gì phụ huynh học sinh từng nói với chị.
Chiếc "gai hoa hồng" thứ 2
Công việc đang thuận lợi thì Thùy mang thai mà không hay biết. Đúng dịp đó hai vợ chồng chị lấy bưởi Diễn về bán Tết. Bưởi bán rất đắt hàng, có ngày bán hết cả nghìn quả. Buổi sáng 5 giờ hai vợ chồng đi chở bưởi, 7h lại thay quần áo đi làm.
Có lẽ vì ham công tiếc việc, có ngày chở tới 300 quả bưởi Diễn đi ship cho khách ở khắp nơi nên Thùy suýt bị sảy thai, phải vào bệnh viện bắt đầu một hành trình dài an dưỡng, tiêm thuốc, giữ con...
Thời gian này, chồng chị đi làm cách bệnh viện 50 cây số, nhưng trưa nào cũng phi về viện đem cơm cho vợ. Mặc dù lúc chồng đi làm ở một mình trong Viện Phụ sản Hà Nội, nhưng chị cho biết mình vẫn lạc quan lắm.
"Tất nhiên, không thể tránh khỏi nhưng cơn ác mộng bị mất con hàng đêm, nhưng giật mình thức dậy thì chồng ở bên ôm ấp, vỗ về rồi. Mình cố gắng vui vẻ nhất có thể, ăn uống điều độ vì con. Thật may mắn, ông trời đem đến cho mình đứa con gái khoẻ mạnh và ngoan ngoãn", Kim Thùy bùi ngùi.
Khi công việc kinh doanh online bắt đầu thu được những thành tựu nhất định cũng là lúc những dự định chưa hoàn thành ngày một thôi thúc chị nhiều hơn. "Mình yêu nghề dạy học. Đó cũng là ước mơ còn dang dở của bố mà ông đang muốn mình viết tiếp", chị Thùy nghẹn ngào.
Có vốn rồi, chị bắt đầu mở lớp Tiếng Anh, xây dựng Trường mầm non, mở Công ty về Giáo dục và làm những thứ liên quan đến giáo dục...
"Mỗi ngày, dù rất bận rộn nhưng mình vẫn thấy cuộc sống thật ý nghĩa, vì mình đang được làm thứ mình thích, mình yêu... Thành quả lớn nhất đạt được hiện tại, sau 4 năm, một cô nhóc 2 tuổi, ngoan ngoãn, đáng yêu; một anh chồng thương con, chiều vợ; một ngôi nhà nhỏ xinh xinh đứng tên hai vợ chồng", Kim Thùy chia sẻ...
Hỏi Thùy: "Sao chị làm và hoàn thành từng ấy việc chỉ trong 4 năm?". Thùy trả lời: "Vì mình làm hôm nay chứ không đợi ngày mai...".
3. CEO Nguyễn Thị Ánh và câu chuyện khởi nghiệp khiến hàng trăm người xúc động
Câu chuyện khởi nghiệp đầy nỗ lực của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều khách mời trong buổi tọa đàm với chủ đề: “Giải phóng lãnh đạo – Câu chuyện khởi nghiệp từ con số 0” diễn ra tại Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam.
Mới đây, trong buổi tọa đàm với chủ đề “Giải phóng lãnh đạo – Câu chuyện khởi nghiệp từ con số 0”, diễn ra tại Hà Nội, câu chuyện khởi nghiệp của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh – Công ty Kim Thiên Hoa đã khiến nhiều người rơi lệ vì xúc động. Từ hai bàn trắng, Ánh đã gây dựng được thương hiệu spa cho riêng mình với hơn 300 đại lý phân phối và 90 chi nhánh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Chia sẻ trước gần 200 khách mời là các doanh nhân trẻ, Ánh cho biết, cô từng trải qua quãng thời gian khó khăn, khủng hoảng. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Lục Yên, Yên Bái, bố cô từng phải cắm sổ đỏ vì vỡ nợ, mẹ đau ốm triền miên. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, Ánh quyết định xuống Hà Nội lập nghiệp.
Thời điểm đó, gia đình khó khăn nên để có tiền trang trải cô phải vay mượn bạn bè. “Tôi nhớ lúc đó, phải chạy vạy ngược xuôi mới vay được hơn 1 triệu nhưng sau khi trả nợ, trong túi còn đúng 250 nghìn đồng chỉ đủ tiền để mua vé tàu. Khi đặt chân xuống Hà Nội, tôi vẫn nhớ rõ cảm giác lạc lõng của mình. Trời mưa lạnh, ngồi sau xe ôm từ ga về nhà người bạn mà nước mắt tôi chỉ trực chào. Bản thân tôi lúc đó rất hoang mang, bế tắc vì không biết mình sẽ làm gì, sống như thế nào trong những ngày tiếp theo”, Ánh kể.

CEO Nguyễn Thị Ánh chia sẻ trong buổi tọa đàm: “Giải phóng lãnh đạo – Câu chuyện khởi nghiệp từ con số 0”.
Để có tiền trang trải cuộc sống, Ánh phải bươn chải đủ nghề. Cô từng làm nhân viên chạy bàn trong quán cà phê, thợ cắt tóc cho đến nhân viên bán quần áo. Thế rồi như định mệnh của số phận, năm 2012, cô nảy ra ý tưởng kinh doanh một spa làm đẹp cho mọi người.

Trong buổi hội thảo, CEO Nguyễn Thị Ánh đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các khách mời.
Nghĩ là làm, cô đánh liều về quê nhờ mẹ thế chấp nhà vay tiền để mở cửa hàng. Ban đầu, bố mẹ Ánh phản đối quyết liệt vì lo con gái thất bại sẽ phải vất vả trả nợ. Phải mất thời gian dài kiên trì thuyết phục, cô mới nhận được cái gật đầu đồng ý.
Có tiền, Ánh mua lại một spa cũ thanh lý. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không đơn giản như cô nghĩ. Trong 6 tháng đầu, dù cần mẫn, chăm chỉ làm việc nhưng doanh thu cuối tháng vẫn rất thấp. Có thời gian Ánh rơi vào khủng hoảng tưởng chừng phải đóng cửa spa vì không đủ chi phí để duy trì hoạt động.
“Mỗi tháng tôi phải bù lỗ 40-50 triệu, cứ đến thời điểm đóng tiền thuê mặt bằng là “lại mất ăn, mất ngủ”. Không ít lần, tôi đã nghĩ đến việc sẽ đóng cửa, về quê kiếm một công việc ổn định để duy trì cuộc sống. Thế nhưng mỗi lần định buông xuôi, tôi lại nhớ đến lý do mình đặt chân xuống Hà Nội để có quyết tâm bắt đầu lại từ đầu”, Ánh kể về khoảng thời gian khó khăn khi khởi nghiệp.
Thời gian sau đó, cô đi học các khóa học cao cấp trong và ngoài nước về trị liệu da, khóa học ngắn hạn về phương pháp làm chủ cuộc sống, quản lý nhân sự, chiến lược marketing và phát triển doanh nghiệp... Tiếp đó, Ánh xây dựng thương hiệu cho riêng mình mang tên Thiên Hoa Mộc.

Ánh cho biết, hiện tại cô đang có kế hoạch xây dựng và phát triển doanh nghiệp thứ 2 là nhà máy sản xuất mỹ phẩm mang thương hiệu Việt.
Câu chuyện khởi nghiệp đầy nỗ lực của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều khách mời.
Có mặt trong buổi tọa đàm, ông Hoàng Định Trọng, Chủ Tịch Công ty TNHH đào tạo tư vấn PDCA, Chủ Tịch Cộng đồng doanh nhân GBN cho biết, câu chuyện của Ánh đã chứng minh người phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của mình và gây dựng sự nghiệp thành công. “Tôi ngưỡng mộ, cảm động trước sự nỗ lực của Ánh và những nữ doanh nhân như cô ấy. Thành công của họ là cả một hành trình bền bỉ, đam mê, nỗ lực, tự chủ. Đó là những bông hồng “i-nox” chứ không phải thép, bởi thép còn có thể gỉ chứ i-nox thì không”, ông Trọng nói.
Trong khi đó, rất nhiều câu hỏi của các vị khách mời cũng đã được gửi đến cho nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh. Ngoài mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trong những ngày đầu khởi nghiệp, các doanh trẻ cũng mong nhận được lời khuyên của Ánh trong cách quản lý, điều hành nhân sự, huy động vốn để có thể thành công.
Chia sẻ về vấn đề này, Ánh cho biết, bí quyết của cô là đam mê, nỗ lực. Doanh nghiệp nào khi thành lập cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn, bản thân công ty của Ánh cũng vậy. “Lúc mới kinh doanh, tôi cũng không biết cách quản lý nhân sự của công ty nên gần như thả nổi, hoạt động rất trì trệ, không phát triển. Sau đó, tôi dành thời gian đi học, tìm hiểu xem công ty mình đang ở đâu, gặp vấn đề gì và quyết tâm thay đổi bằng được.
Việc đầu tiên tôi làm sau khi đi học khóa học nhân sự, quản lý kinh doanh là sa thải một loạt nhân viên không làm được việc, chỉ giữ lại những người thực sự tâm huyết. Tôi cũng đề ra chiến lược cho từng giai đoạn, để tăng hiệu quả công việc, tôi áp dụng việc giao quyền tự chủ cho các nhân viên. Với mỗi người tôi đều tìm hiểu xem họ muốn gì, cần gì và có năng lực tốt ra sao để giao việc phù hợp. Trong công ty, tôi cũng đề cao sự kỷ luật, trách nhiệm để tăng sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong công việc”, Ánh nói.
Nữ doanh nhân này cũng cho biết, để điều hành quy mô phát triển hệ thống mạng lưới đại lý chi nhánh với đặc thù là các nhân viên nữ của công ty cô không hề đơn giản. “Việc điều hành một tập thể toàn nữ, tôi ý thức phải đặt mình vào vị trí của các đồng nghiệp để tìm được tiếng nói chung, những nét tương đồng. Tôi giúp các chị em bằng những kiến thức mà tôi có và họ cảm nhận được tôi làm cho họ thành công hơn, hạnh phúc hơn”, CEO Nguyễn Thị Ánh nói.
Chia sẻ bên lề hội thảo, nói về triết lý kinh doanh của mình, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh cho biết, đội ngũ lãnh đạo của Kim Thiên Hoa luôn đề ra mục tiêu lan tỏa giá trị yêu thương, giá trị trong ngành làm đẹp. Và đây cũng là cách mà cô xây dựng doanh nghiệp của mình trong suốt những năm qua – lấy yêu thương làm gốc rễ.
“Chúng tôi hướng tới mục tiêu chung đó là sự độc lập, tự chủ trong cuộc sống, thực hiện chung một sứ mệnh “thay đổi tư duy làm giàu trong ngành làm đẹp cho hàng triệu phụ nữ Việt, khiến họ trở lên xinh đẹp, thành công và hạnh phúc hơn ”, CEO Nguyễn Thị Ánh nhấn mạnh.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khoinghiep.org.vn, DanViet)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Sản xuất axit lactic từ phần hạt mít thải bỏ
- Chàng trai miền Tây thu nhập tiền triệu/ngày nhờ trồng sen bán bông
- Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình
- 'Bún ngũ sắc' thắng giải khởi nghiệp nông nghiệp
- Khởi nghiệp từ 4 con heo giống, 8X làm chủ trang trại tiền tỷ
- Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng, cô gái Nam Định mua nhà, mua ô tô trước năm 30 tuổi
- 8X cất bằng kỹ sư, liều nuôi chim nhả 'vàng trắng', không ngờ trúng lớn
- Cô giáo 8X khởi nghiệp với xà phòng bồ ngót
- Khởi nghiệp thành công với nghề trồng rau quả hữu cơ ở các buôn làng
- Dự án khởi nghiệp cung cấp người giúp việc gia đình
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận