Kỹ thuật giâm cành chè (p3)

Thứ hai, 17/06/2019

Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của hom chè mà nước tưới khác nhau.
+ Quản lý chăm sóc vườn ươm:

10-15 ngày sau khi cắm hom thì hom chè liền vết cắt, sau 15-30 ngày hom hình thành mô sẹo, sau 30-60 ngày hom chè ra rễ, thời kỳ này cần được chăm sóc chu đáo. Đó là yếu tố quyết định tỷ lệ sống cao.

- Chăm sóc vườn ươm là công việc thường xuyên liên tục bao gồm các công việc : tưới ẩm, điều chỉnh ánh sáng, bón phân, phá váng, giặm hom, vê bỏ nụ chè, phòng trừ sâu bệnh, phân loại cây con...

- Tưới giữ ẩm: 

Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của hom chè mà nước tưới khác nhau.

Giai đoạn 1:

Từ khi cắm hom đến 15-20 ngày đầu, hom chè vừa tách khỏi cây mẹ sống tự lập, chưa ổn định, lá từ trạng thái tươi đến rủ lá, giai đoạn này tế bào bắt đầu phân chia mạnh mẽ, vết thương bị cắt đang liền, sức hút nước chưa mạnh, mặt lá bốc hơi nước nhiều do đó dễ bị héo. Giai đoạn này cần được tưới ẩm đầy đủ, yêu cầu độ ẩm không khí cao, giảm bớt sự thoát nước qua mặt lá, vườn ươm cần che đậy cẩn thận cả trên mái và xung quanh, để giữ ẩm cần phun mù trên mặt lá vào khoảng không trong vườn ươm. Độ ẩm không khí yêu cầu 80-90%, độ ẩm đất yêu cầu 80%, giai đoạn này nếu trời không mưa mỗi ngày tưới 1-2 lần, lượng tưới 1 lít nước cho 1m2 bầu (dùng bơm con gà để tưới). Cuối giai đoạn 1 lá trở lại xanh tươi, vết thương cắt liền trở lại.

Giai đoạn 2:

Khoảng 15-30 ngày sau, vết cắt hom được phục hồi, hom chè hút nước mạnh, mặt lá có sức căng lớn, xanh bóng, bắt đầu hình thành mô sẹo, các tế bào nơi vết cắt dưới hom phình to thành 1 vòng (mô sẹo), lượng nước tưới lúc này vừa phải, 2 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới 1,5 lít nước cho 1 m2 bầu, độ ẩm đất yêu cầu 70-80% (dùng loại bơm con gà hoặc ô doa tưới nước).

Giai đoạn 3:

Từ ngày 30 đến ngày thứ 60, rễ bắt đầu hình thành và phát triển, lượng nước phải được bảo đảm thường xuyên đầy đủ, nếu không rễ non mới ra dễ bị khô hoặc phát triển chậm 

Hai hoặc ba ngày tưới một lần, mỗi lần tưới 1,5 lít nước cho 1 m2 bầu, độ ẩm đất yêu cầu 75-80% (dùng ô doa tưới).

Giai đoạn 4: 
Từ 60-90 ngày sau khi cắm hom, hệ rễ phát triển mạnh, đặc biệt là rễ hút, cây bắt đầu sử dụng dinh dưỡng trực tiếp từ bầu đất, giai đoạn này kết hợp với việc bón phân cần duy trì lượng nước thường xuyên đầy đủ để phát triển tốt. Ba ngày tưới từ 1 lần, mỗi lần tưới từ 1,5 đến 2,0 lít cho 1 m2 bầu, độ ẩm đất yêu cầu 75-80% (dùng ô doa tưới).

Giai đoạn 5:

Từ 90-120 ngày là giai đoạn  sinh trưởng của mầm chè, mầm phát triển mạnh, khi nhiệt độ cao, lúc này nếu trời nắng khô 6 ngày tưới 1 lần với 2 lít nước/m2 bầu, nếu quá khô phải tăng số lần tưới lên 2-3 ngày tưới 1 lần đảm bảo độ ẩm đất 70-80%.

Giai đoạn 6:

Từ 120-180 ngày, giai đoạn này cây đã có chiều cao 15-30cm, rễ dài 10-20cm, cây con đã hoàn chỉnh, nhiều cây đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn cứ 10-15 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới với lượng  3 lít nước/m2bầu, vì để luyện cho cây khỏe nên chỉ giữ ẩm đất khoảng 70-75% (tưới bằng ô doa).

- Điều chỉnh ánh sáng:

Điều chỉnh ánh sáng có sự khác nhau giữa vụ đông xuân và vụ hè thu.

Vụ đông xuân:

Trong thời gian 60 ngày đầu chỉ cho ánh sáng trực xạ chiếu vào ít (15%) vì thế phải che kín cả trên mái và xung quanh, chỉ mở xung quanh khi trời râm mát. Từ 60-90 ngày sau cắm hom mở xung quanh cho ánh sáng tỏa vào. Từ 90-120 ngày mở giàn che trên mái 30% để có ánh sáng làm tăng quang hợp của cây chè con, Từ 150-180 ngày tách 50% giàn che, tăng cường ánh sáng nhiều hơn. Sau 180 ngày mở toàn bộ giàn che và xung quanh để cây thích ứng với điều kiện ánh sáng tự nhiên.

Vụ hè thu: 

Trong phạm vi 1-30 ngày đầu che xung quanh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ 30-60 ngày tiếp theo che xung quanh từ 10 giờ đến 3 giờ chiều, từ 120-150 ngày mở 50% mài giàn che, sau 150 ngày mở hẳn giàn che.

Chú ý: cả vụ xuân và vụ hè thu cần phải có sự kiểm tra, giám sát điều chỉnh ánh sáng hàng ngày, nếu trời mưa, mù, ánh sáng thiếu có thể mở thật rộng giàn che ở các giai đoạn (trời mưa to), còn nếu trời nắng to, nhiệt độ cao thì cần phải che toàn bộ giàn và xung quanh.

- Bón phân:

Cây chè từ nhỏ đến lớn cần được bón phân với lượng tương ứng của các giai đoạn. Tổng số phân NPK/m2 bầu là 140g gồm đạm sunfat 60g (nếu là đạm Urê thì chỉ tính bằng 1/2 lượng đạm sun phát). Supe lân 30g, Kali sun phat 50g, trong thời gian từ lúc cắm hom khoảng 2 tháng đầu không được bón bất kỳ loại phân gì, lượng bón tăng dần theo tháng tuổi, lượng bón cho các giai đoạn vườn ươm được quy định như sau:

Lượng bón phân cho vườn ươm (g/m2)
Thời gian cắm hom Đạm Sun phát Supe lân Kali Sunphat hoặc Kali chlorua
Sau 2 tháng 9 4 10
Sau 4 tháng 13 6 10
Sau 6 tháng 17 8 11
Sau 8 tháng 21 12 19
 
Cách bón: Hoàn tan NPK trong ô doa tưới rải đều trên mặt luống (nồng độ 1%) sau đó tưới rửa lại bằng nước lã. Khi mầm chè mọc cao, có 2-3 lá có thể phun urê 2%, 1 lít dung dịch phun cho 5 m2 bầu kết hợp với phun thuốc trừ sâu, phun vào thời gian giữa 2 lần bón phân.

Kết quả nghiên cứu mới đây của viện nghiên cứu Chè cho thấy có thể tăng lượng phân bón lên 1,5 lần nhưng phải tăng số lần tưới dung dịch NPK lên 6-8 lần trong thời gian từ sau cắm 2 tháng đến 8 tháng tuổi (tổng số 6 tháng) sẽ làm tăng chiều cao cây, tăng tỷ lệ cây xuất vườn.

- Phòng trừ sâu bệnh cỏ dại:

Sau khi cắm hom 7 ngày ta nên phun kép 2 lần cách nhau 10 ngày các thuốc sau: Comite 73EC 10ml +Manage 5WP 10 gam + Atonik 3ml cho 1 bình 10 lít phun cho 3 vạn bầu. Mục đích phun Comite để trừ nhện đỏ còn lại trên lá chè từ vườn giống gốc, thuốc manage 5WP có tác dụng làm cho nấm không xâm nhập vào các vết cắt và diệt các nấm ký sinh còn trong đất, Atonik là thuốc kích thích sinh trưởng khi phun lên đất có tác dụng làm hom chè nhanh hình thành mô sẹo và ra rễ.

Sau hai tháng hom chè đã bắt đầu nảy mầm đồng thời cũng là thời kỳ phát sinh của rầy xanh nên dùng thuốc Actara 25WG pha 1 gói 1 gam cho 10 lít nước phun cho 3 vạn bầu hoặc dùng Admire 50EC pha 10 ml cho bình 10 lít nước; Butyl 10WP pha 25 gam cho bình 10 lít nước; Padan 20 gam cho bình 10 lít nước.

Sau 5 - 7 tháng trong vườn ươm xuất hiện bọ cánh tơ ta dùng thuốc Confidoe 100 SL pha 10ml cho bình 10 lít nước. Đồng thời trong thời gian này thường có bọ xít muỗi gây h ại có thể dùng các loại thuốc sau: Bulldok 25 EC pha 15 ml cho 1 bình 10 lít nước hoặc Bestox 5EC.

Trong vườn ươm thường có nhện trắng hại lá và búp non cần phát hiện sớm phun Comite 73EC hoặc Nissorun 5EC, chú ý khi phun thuốc phải ngửa vòi phun cho ướt đều mặt dưới của lá, búp non hoặc thuốc Dandy 15EC pha 20 ml cho bình 10 lít.

Ngoài ra, trong vườn ươm còn xuất hiện một số bệnh đốm nâu, đốm xám, thối búp, rụng lá... cần vệ sinh vườn ươm thường xuyên, khi thấy bệnh xu ất hiện từng chòm nhỏ nên phun thuốc ngay, tốt nhất là dùng Manage 15WP một gói 10 gam pha cho 10 lít nước đồng thời có thể kết hợp 3-5 ml Atonik để cây chè phát triển nhanh và tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra có thể dùng Daconil 500 SC, Til-supe và Boocđô để trừ các bệnh này.

Thường xuyên vệ sinh vườn ươm, nhặt những hom chết, que, cọc, lá rụng và nh ổ cỏ xung quanh vườn và trong bầu đất để tránh tranh chấp dinh dưỡng và giảm tác hại của sâu bệnh.

- Giặm hom, phá váng, vê nụ và bấm ngọn.

Hom chết hay bị bệnh thì nhổ lên, giặm lại hom mới, ngắt hết nụ và hoa trên hom chè, 10-15 ngày trước khi đem bầu đi trồng tiến hành bấm ngọn cây chỉ giữ lại ở mức cao 15-25cm.

- Luyện cây, phân loại:

Thực tế sản xuất cho thấy giống cây trồng trong vườn được tôi luyện tốt sẽ làm tăng tỷ lệ sống đáng kể khi trồng mới. Vì thế trong các khâu quản lý, chăm sóc vườn ươm không thể coi nhẹ khâu này. Luyện cho cây cứng cáp, khỏe mạnh để có thể chịu đựng được khi cây chè thay đổi môi trường sống từ điều kiện vườn ươm được chăm sóc chu đáo đến nương chè trồng mới thích ứng với môi trường khí hậu thời tiết tự nhiên. Luyện cây là một biện pháp tổng hợp bao gồm các yếu tố chủ yếu: điều chỉnh ánh sáng, ẩm độ đất cho thích nghi dần, điều chỉnh phân bón (gồm cân đối các yếu tố NPK và thời gian bón phân), nhấc đầu cắt đứt rễ bám ở phần dưới đất, luyện cây yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm ngặt các bước sau:

Bước 1: Điều chỉnh ánh sáng: khi cây đã đủ chiều cao cần đưa ra khỏi vườn ươm (không cần che bóng) thời gian không che hoàn toàn cần từ 1-2 tháng.

Bước 2. Điều chỉnh độ ẩm: giai đoạn trước khi đem bầu đi trồng 1-2 tháng không nên tưới quá ẩm mà chỉ tưới độ ẩm đất 70%.

Bước 3. Phân bón: 2 tháng trước khi xuất bầu trồng tuyệt đối không được bón, hoặc phun bất cứ loại phân bón nào.

Bước 4. Cây cần được nhấc ra khỏi vị trí để cắt đứt rễ ăn ra khỏi bầu và bám sâu vào đất trước 1-2 tháng xuất bầu đi trồng,

Kết hợp với nhấc bầu ra khỏi vị trí với phân loại bầu. Khi vườn ươm đã có 60% số cây cao trên 20cm thì phân loại, những cây cao đưa ra khỏi vườn ươm để kết hợp luyện cây. Những cây thấp giữ lại vườn ươm tiếp tục chăm sóc chu đáo để cây mau lớn và có đủ tiêu chuẩn xuất vườn trồng đúng thời vụ. Thời gian cây chè sống trong vườn ươm 8-12 tháng, nhưng nói chung thời gian sống trong vườn ươm dài, cây sẽ khỏe và khi trồng ra nương sẽ có tỷ lệ sống cao.

Thực hiện quy trình kỹ thuật vườn ươm tốt, tỷ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn có thể đạt 75-80% (tùy theo giống).

+ Tiêu chuẩn bầu xuất vườn và thời gian chuyển bầu:

Cây quá non khi trồng dễ bị chết, còn cây quá già thì bộ rễ thường đâm sâu xuống đất khi nhấc lên dễ bị chột. Cây con khi đem trồng yêu cầu có chiều cao trên 20cm, có trên 6 lá, đường kính sát gốc từ 3-5mm (tùy giống), các giống khác nhau thì sự hóa nâu khác nhau, song yêu cầu thân cần hóa nâu 50%, vỏ ngọn xanh thẫm, không có nụ, ngọn non đã được bấm trước khi trồng 10-15 ngày, bầu đất còn nguyên vẹn. Khi vận chuyển bầu có thể bằng xe thô sơ (khoảng cách gần), xe ôtô (nếu ở xa) nhưng cần đặc biệt lưu ý khi xếp bầu không được xếp quá nhiều lớp, khi xếp không được làm vỡ bầu, rơi đất hoặc làm dập nát thân cây.
 
Hoài Nam tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×