Kỹ thuật trồng khoai lang (Phần 2)
Thứ sáu, 30/11/2018

Phương pháp trồng khoai lang sai củ
1. Phương pháp trồng khoai lang sai củ

- Chọn và làm đất: Nên chọn đất cát, đất pha thịt nhẹ; làm đất kỹ, bón lót nhiều phân chuồng. Trường hợp phải trồng trên đất xấu, đất ruộng mạ… cần cày bừa, làm đất kỹ và bổ sung thêm đất nhỏ, đất bột vào giữa luống rồi mới tiến hành trồng.
- Chọn giống: Chọn giống tốt, đặc biệt là các đoạn thân bánh tẻ, thân đoạn 1 để trồng sẽ cho củ nhiều, củ to, năng suất cao và chất lượng khoai ngon, mẫu mã củ đẹp, bán được giá cao.
- Cách trồng: Theo cách truyền thống trồng dây nghiêng 30- 45 độ theo lối áp tường, nên chỉ có 1-2 mắt dây có khả năng ra củ; các mắt trồng sâu và các mắt trồng nông phía trên sẽ không ra được củ. Theo phương pháp cải tiến, trồng dây thẳng hàng giữa luống gối đuôi nhau; khoảng cách trồng là 4 giây/m dài (mỗi dây cắt dài 35cm, trừ lại 10cm vươn lên mặt đất, như vậy các dây trồng gối nhau 25cm dưới mặt đất sẽ có điều kiện cho các mắt mầm ra củ nhiều hơn). Khi đặt dây, nên cuộn hết các lá phía dưới lại quanh thân rồi vùi hết xuống đất, chỉ chừa phần ngọn 10cm vươn lên khỏi mặt đất sẽ hạn chế dây bị mất nhiều hơi nước như cách trồng cũ và rễ sẽ bén nhanh hơn; hầu hết các mắt mầm trên hom dây đều có khả năng ra củ. Cần tháo nước vào rãnh sau khi trồng từ 3- 5 ngày để đảm bảo có đủ độ ẩm cho khoai sinh trưởng và phát triển.
- Chăm sóc:
+ Trong 1 vụ khoai chỉ nên vun xới kết hợp bón thúc 2 lần: Lần 1, sau trồng 20- 25 ngày; lần 2, sau lần 1 15- 20 ngày. Không nên cuốc xới nhiều và muộn sẽ làm ảnh hưởng đến sự hình thành và tích lũy tinh bột củ củ.
+ Bấm ngọn khi dây đã dài khoảng 25cm (35- 40 ngày sau trồng), vừa để cho khoai ra nhiều nhánh cấp 1 vừa để lấy nhiều đoạn giống khác nhau cung cấp cho sản xuất (giống đoạn 1 cho nhiều củ hơn giống đoạn 2), vừa giúp cho cây tổng hợp được nhiều chất hữu cơ để nuôi củ tốt hơn.
+ Nhấc dây (sau trồng 35- 40 ngày) cho đứt bớt rễ phụ, nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi củ lớn.
- Phòng trừ bọ hà:
+ Lên luống cao, vụ kỹ không để củ lộ ra để hạn chế bọ hà đẻ trứng vào củ; trồng luân canh với các cây trồng khác, đặc biệt là lúa nước
+ Trước khi thu hoạch 20 ngày, cắt củ khoai thành nhiều mảnh rải lên mặt ruộng nhử bọ hà trưởng thành đến đẻ trứng rồi sáng hôm sau thu gom tiêu hủy. Kết hợp rải các thuốc như Basudin 10H. Rengent 5G… vào giữa luống (1kg/sào Bắc Bộ) trước khi thu hoạch 15- 20 ngày để diệt hết con trưởng thành, ngăn không cho chúng đẻ trứng gây hại.
2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai lang Nhật
Hiện nay, khoai lang Nhật đang được nhiều nông dân chọn trồng. Ưu điểm của giống khoai này là năng suất rất cao, dễ trồng và rất được thị trường ưa chuộng.

Đặc điểm của khoai lang Nhật là thân to mập, ít phân cành và có màu tím; khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, thời gian sinh trưởng từ 105- 120 ngày; năng suất 9- 15 tấn/ha. Củ có hành dạng thuôn dài, vỏ nhẵn màu tím, ruột màu vàng đậm. Hàm lượng chất khô 27- 33%; phù hợp ăn tươi, chế biến và xuất khẩu.
- Chọn giống: Giống khoai để trồng có thể là dây hoặc củ. Dây giống phải đảm bảo khỏe mạnh, không sâu bệnh, chưa ra rễ và hoa, dây bánh tẻ; tuổi dây từ 45- 75 ngày, chỉ sử dụng dây đoạn 1 và 2 kể từ ngọn để làm dây giống. Độ dài dây giống từ 25- 30cm.
- Thời vụ: Khoai lang Nhật có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất là trồng vào tháng 2-3, hoặc tháng 8- 9.
- Làm đất: Đất trồng phải được cày bừa kỹ, tươi xốp và làm sạch cỏ; luống lên rộng từ 1,2- 1,5m, cao 35- 40cm và nên chọn hướng Đông Tây là thích hợp nhất với khoai.
- Cách trồng: Nên trồng khi đất ẩm và thời tiết mát mẻ. Trồng với mật độ từ 38.000 - 40.000 khóm/ha; khoảng cách giao động từ 5- 6 dây/m chiều dài luống. Trồng hàng đơn, vùi dây ở giữa dọc theo luống và nối đuôi nhau và các đoạn dây song song với mặt luống; ngọn phải ở trên mặt đất 5- 10cm (2 đốt), vùi với độ sâu khoảng 5cm.
- Bón phân:
Lượng: 10- 15 tấn phân chuồng; 60kg urê; 90kg kali; 30kg lân/01ha
Cách bón (chia thành 3 lần):
+ Lần 1: Bón tất cả lượng phân chuồng, 30% lân và 20% kali
+ Lần 2: 50% urê, 30% kali (bón sau trồng 20- 25 ngày)
+ Lần 3: Tất cả số lượng phân còn lại (bón sau khi trồng 40- 45 ngày)
- Chăm sóc:
Sau khi trồng 20-25 ngày thì tiến hành xới đất, làm sạch cỏ, kết hợp bón phân lần 2; đồng thời vun nhẹ vào gốc khoai.
Sau trồng 40- 45 ngày, tiếp tục xới đất, làm sạch cỏ, vun nhẹ và bón phân lần 3.
Thường xuyên giữ đất ẩm, độ ẩm thích hợp khoảng 65- 80%; nếu gặp khô hạn cần tháo nước vào rãnh cho ngập ½- 2/3 luống.
Sau trồng 25- 30 ngày, tiến hành bấm ngọn để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu và tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Nhấc nhẹ dây làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng về củ. Việc nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ, tránh lật dây gây tổn thương đến thân lá.
Thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
- Phòng trừ sâu hại:
Có 2 loại sâu bệnh hại khoai là sùng non và bọ trưởng thành. Để giảm bớt sâu bệnh trên khoai, nên trồng luân canh vụ khoai, vụ lúa, vụ bắp. Sau thu hoạch gom toàn bộ dây, đặc biệt là những củ bị sùng đưa ra khỏi ruộng để hủy, nhằm hạn chế bớt mật độ sùng cho vụ sau. Nếu sẵn nước thì ngâm ruộng vài ngày để diệt nhộng nằm trong đất. Ngâm hom giống trước khi trồng trong dung dịch Oncol 20EC (30ml/10l nước) hoặc Oncol 25WP (25g/10l nước) trong 30 phút, sau đó vớt ra để ráo rồi trồng.
Ở giai đoạn hình thành củ, rắc thuốc hạt Lorsban 15G (6- 8kg/ha) kết hợp vun luống cao, phủ kín gốc. Tưới nước sau khi rắc thuốc và thường xuyên đảm bảo đủ ẩm cho luống (chú ý: thời gian cách ly của thuốc là 21 ngày).
- Thu hoạch: Khi khoai có biểu hiện ngừng sinh trưởng, lá ở phần gốc ngã màu vàng, kiểm tra thấy củ có vỏ nhẵn, ít nhựa thì tiến hành thu hoạch. Nên thu hoạch vào những ngày khô ráo, hạn chế làm tổn thương xây xát, bong vỏ làm ảnh hưởng đến mẫu mã và giá trị sản phẩm.
3. Quy trình sản xuất khoai lang K51
- Nguồn gốc, đặc điểm:
Giống khoai lang K51 được lai giữa giống CN 1028- 15 (nhập từ CIP- Philippine) với giống khoai lang số 8. Khoai K51 nhiều tinh bột, lượng đường cao nên ăn rất ngọt, thích hợp ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến dưới dạng khoai chiên, khoai thái miếng đông lạnh để xuất khẩu có giá trị cao.
Khoai K51 sớm hình thành củ và nông từ các đốt thân nằm sát mặt luống, do đó cần hết sức chú ý khi chăm sóc, nhất là làm cỏ, xới xáo, vun luống.
Giống K51 có tính thích ứng rộng, trồng nhiều vụ trong năm, thời gian sinh trưởng ngắn (70- 80 ngày). Vụ đông trồng đến giữa tháng 11 hàng năm.
Khoai có thân, lá đều xanh đậm, đốt thân ngắn, lá hình tim, không có vị chát, thích hợp làm rau xanh chăn nuôi.
Củ hình thoi, vỏ nhẵn màu vàng nhạt, ruột màu vàng đỏ, được hình thành rất sớm và nông từ các đốt thân nằm sát mặt luống.
Sau bảo quản 15 – 20 ngày trở đi tỷ lệ chất khô, tinh bột và đường đều tăng dần.
- Vị trí giống K51:
- Giống K51 có khả năng trồng 4 vụ liên tiếp trong năm, nhằm giải quyết thức ăn chăn nuôi, tăng hệ số sử dụng đất, giải quyết công ăn việc làm khi nông nhà và tăng thu nhập.
- Sản xuất ở điều kiện bình thường, khoai cho năng suất từ 16- 25 tấn củ và 10- 15 tấn thân, lá/ha với thời gian 70- 80 ngày. Nếu được tham canh, trồng đúng kỹ thuật và bón cân đối, nhất là kali thì có thể đạt năng suất rất cao từ 30- 40 tấn củ và 15- 30 tấn thân, lá/ha.
- Làm đất, bón phân:
+ Đất: Yêu cầu đất thoát nước, vụ Đông chỉ nên đánh luống hẹp từ 0,9- 1m và độ cao bình thường từ 35- 45cm. Làm đất, bỏ phân, lên luống cần tạo rãnh nông ở giữa luống.
+ Bón phân:
Mức trung bình: Phân chuồng 10 tấn; phân hóa học: N,P,K theo tỷ lệ 30: 40: 60/ha.
Mức cao hơn: Phân chuồng 15 tấn; N,P,K theo tỷ lệ 60: 80: 100/ha (tùy đất mà điều chỉnh tỷ lệ cho thích hợp).
- Kỹ thuật trồng:
+ Cắt dây, chỉ dùng đoạn 1 và 2, dây dài 25- 30cm, không có rễ trên dây (khoảng từ 1.200- 1.500 dây/sào Bắc Bộ, trồng 5 dây/m dài).
+ Cách trồng: Phải trồng nông theo kỹ thuật mới (không trồng sâu và áp tường); đặt dây thẳng dọc theo luống, nối đuôi nhau và dùng tay lấp đất, đập nhẹ (đất cát, thịt nhẹ lấp 5- 7cm; đất thịt nặng lấp 4- 5cm); chú ý giữ phần dây được lấp ở giữa luống theo rãnh và thẳng.
- Chăm sóc:
+ Tuần đầu sau trồng, nên tưới nước giữ ẩm để đảm bảo tỷ lệ cây sống.
+ Chú ý bón thúc sớm ở giai đoạn 30- 40 ngày sau trồng và vun cao, lấp kỹ gốc để củ phát triển.
+ Sau giai đoạn trên, nếu gặp hạn (nhất là vụ Đông), cần được tưới đủ ẩm để kích thích củ phát triển (nếu có điều kiện nên tháo nước ngập 2/3 luống, củ ngấm và phải tháo nước ngay, không để tràn mặt luống khoai).
- Thu hoạch, bảo quản:
+ Nếu các vụ có nhu cầu cắt dây cho chăn nuôi, nên cắt dây sau khi thân lá đã phủ luống. Nên cắt tỉa nhánh dây ra trước và nằm sát mặt đất, không tỉa dây chính; mỗi gốc chỉ nên tỉa 1- 2 dây nhánh.
+ Sau trồng 70- 80 ngày, có thể thu hoạch củ (vụ Đông 70- 90 ngày). Nếu để quá thời hạn trên củ dễ bị nẩy mầm trên ruộng.
+ Nếu bảo quản củ để ăn dần, dùng cát hoặc tro bếp khô rải đều với củ và phủ lá xoan lên trên để tránh bọ hà phá hoại.
ĐH (Theo nhóm tri thức Việt)
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam có thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Na Uy mở đường hầm dài nhất thế giới cho xe đạp
- Ngày mai có thể quan sát nhật thực lai hiếm gặp
- Phó giáo sư Việt làm hệ thống sạc không dây cho ôtô điện
- Thủ tướng: 'Tập trung nhân lực cho công nghệ chip, vi mạch là hướng đi đúng'
- Tuổi Trái Đất được tính như thế nào?
- Ngoại trưởng Mỹ xem trình diễn robot tại Đại học Bách khoa Hà Nội
- Vì sao khi huấn luyện mô hình ChatGPT cần tới 700.000 lít nước?
- Ảnh chụp chưa từng có về 'tinh vân con cua'
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận