Kỹ thuật trồng và chăm sóc cam sành năng suất cao

Thứ năm, 22/02/2018

Cam sành trái dạng tròn dẹp, vỏ màu xanh đậm, cơm vàng sậm nhiêu nước,
Cam sành trái dạng tròn dẹp, vỏ màu xanh đậm, cơm vàng sậm nhiêu nước, vị ngọt thanh, trọng lượng trung bình 275g/ trái. Giá bán trên thị trường những năm gần đây khoảng 35.000 đ/kg. Cây cam sành ghép ra trái sau 1,5 năm trồng. Chu kỳ khai thác lên đến 15 năm. Cùng với kỹ thuật xử lý ra quả trái vụ, cây cam sành đã giúp không ít hộ gia đình nâng cao thu nhập, làm giàu nhanh chóng.



1. Kỹ thuật trồng
1.1. Chọn đất
- Chọn đất trồng cam trong vùng quy hoạch phát triển cam tập trung của tỉnh Tuyên Quang.
- Chọn đất có tầng canh tác > 0,7 m. Đất thịt nhẹ hoặc trung bình, tơi xốp và thoát nước tốt, hàm lượng mùn cao, độ dốc tốt nhất dưới 15o. Độ PH từ 5,5 đến 6. Đất gần nguồn nước là tốt nhất.

1.2. Thời vụ trồng
- Vụ xuân trồng từ tháng 2 đến tháng 4;
- Vụ thu trồng từ tháng 8 đến tháng 10.
Chú ý: Có thể mở rộng thời vụ trồng nếu cành chiết đã được đem giâm hoặc cây ghép phát triển tốt.

1.3. Mật độ, khoảng cách                    
- Đối với cây chiết: Trồng với mật độ 500 cây/ha; khoảng cách cây 5 m x 4 m.
- Đối với cây ghép cành có thể trồng với mật độ:
+ Đối với đất xấu, đất trồng chu kỳ 2: Mật độ  625 cây/ha khoảng cách cây 4 m x 4 m;
+ Đối với đất tốt: Mật độ 500 cây khoảng cách cây 5m x 4m.

1.4. Đào hố
- Đào hố trồng cam theo đường đồng mức trên đất dốc; trên đất bằng bố trí hố so le giữa các hàng;
- Kích thước hố: 80cm x 80cm x 70 cm, đào xong để phơi đất 20 - 25 ngày mới bón lót.

1.5. Phân bón
- Bón lót trước khi trồng 1 tháng lượng phân bón cho 1 hố như sau: Phân hữu cơ hoai mục 40-50 kg; phân lân nung chảy 1-1,3 kg; phân kali clorua 0,3 kg; vôi bột 0,5- 0,8 kg.          
Tất cả các loại phân, vôi trên được trộn đều với lớp đất mặt đưa xuống hố, vun cao hơn mặt đất 15-20cm.

1.6. Cách trồng
 Đào 1 lỗ giữa hố trồng, sâu 15 - 20 cm so với mặt đất, vừa để đặt cây theo hướng tự nhiên, trồng thẳng hàng và lấp đất nhỏ, ấn nhẹ xung quanh bầu cây, không được để phân tiếp xúc trực tiếp với bầu rễ cây, lấp cao hơn cổ rễ 5 - 10 cm đối với cây chiết, 3-5 cm đối cây ghép, dùng tay ấn chặt từ ngoài vào trong, không ấn lên mặt bầu dẫn đến vỡ bầu, đứt rễ, cần kiểm tra mối để sử lý thuốc trước khi đặt cây. Trồng xong tủ rác quanh gốc để giữ ẩm, cắm cọc, buộc thân cây vào cọc để tránh gió làm lay gốc đứt rễ. Sau trồng tưới đẫm nước, những ngày sau tưới nước đủ ẩm.

2. Chăm sóc
- Trồng dặm: Trong những năm đầu thường xuyên theo dõi vườn, trồng dặm thay thế các cây bị chết, cây còi cọc sâu bệnh.

- Trồng xen: Có thể trồng xen ổi để hạn chế rầy chổng cánh truyền bệnh greening và khi cây còn nhỏ trồng xen với các cây họ đậu để tăng thu nhập.

- Xới đất làm cỏ: xới đất làm cỏ xung quanh gốc, kết hợp bón bổ sung phân, không nên làm cỏ trắng, phát cỏ để giữ ẩm và tránh xói mòn đất.

- Tưới nước: Năm đầu tưới đủ ẩm thường xuyên, những năm sau cần tưới bổ sung trong các thời kỳ hạn kéo dài. Chú ý tủ gốc giữ ẩm cho đất; không để cây bị úng, hạn nhất là khi cây có quả.

3. Bón phân
Đối với vườn cam từ 1- 7 tuổi
- Tuỳ theo tuổi cây, sinh trưởng của cây hàng năm lựa chọn lượng phân để bón cho phù hợp đảm bảo cây luôn xanh tốt, phát triển khung tán khoẻ.

- Thời kỳ bón và lượng phân bón:
+ Lần 1: Tháng 1-2 bón 40 % đạm + 40 % kali;
+ Lần 2: Tháng 4-5 bón 30 % đạm + 30 % kali;
+ Lần 3: Tháng 8-9 bón 30 % đạm + 30 % kali;
+ Lần 4: Tháng 11-12 bón 100 % (phân hữu cơ + phân lân).

Vườn cam trên 7 tuổi
- Đối với vườn cam trên 7 tuổi: lượng phân bón trên cơ sở năng suất vườn cam lựa chọn lượng bón hàng năm cho phù hợp.

- Thời kỳ bón:
+ Lần 1: Bón thúc hoa, thúc quả vào tháng 2, tháng 3 với lượng: 60% phân đạm + 30 % phân kali;
+ Lần 2: Bón thúc cành thu và tăng trọng lượng quả vào tháng 6, tháng 7 với lượng: 40% phân đạm + 70% phân kali;
+ Lần 3: Bón phục hồi sau khi thu hoạch quả bón toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, vôi.

- Cách bón: Đối với các loại phân vô cơ đào nhẹ lớp đất mặt theo hình chiếu tán cây, rắc đều phân, lấp đất kín, tưới ẩm nếu có điều kiện. Phân chuồng + lân, vôi đào rãnh vòng theo hình chiếu tán cây, rộng 20-40 cm, sâu 25-40 cm bón phân vào rãnh rồi lấp đất.

4. Tỉa cành, tạo tán
4.1. Tỉa tạo tán
Công việc tỉa tạo tán trong thời kỳ kiến thiết cơ bản phải thực hiện thường xuyên. Đối với cây trồng bằng cành chiết phải tiến hành từ cuối năm thứ nhất sau trồng. Đối với cây trồng bằng cây ghép phải tiến hành ngay từ trong vườn ươm.

4.2. Tạo cành cấp I
Mỗi cây nên để 3-4 cành cấp I phân đều các hướng:  Đối với cây chiết từ mặt đất đến phân cành cấp I từ 30-60 cm, các cành dưới cắt bỏ. Đối với cây ghép từ mối ghép đến phân cành cấp I là 25- 30 cm, góc cành cấp I so với thân từ 35-40 o.

4.3. Tạo cành cấp II, III
Mỗi cành cấp I để 2-3 cành cấp II, từ chỗ phân cành chính đến chỗ phân cành cấp II đầu tiên từ 40-60 cm góc tạo giữa cành cấp I và cấp II từ 30-35o. Cành cấp III không hạn chế và số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các cành mọc quá dầy, yếu.

4.4. Các dạng tán
Có nhiều kiểu dáng cây: như hình cốc, hình dù, hình quạt, hình chổi xể, hình bán nguyệt, hình bán nguyệt tự nhiên, hình trụ, hình trứng...đối với đất bằng nên tạo hình bán nguyệt hoặc hình sao (giữa cây thoáng, các cành chính phân đều 4 hướng). Đất dốc nên tạo hình bán nguyệt tự nhiên.

4.5. Tỉa cành
 Sau khi thu hoạch tiến hành tỉa loại bỏ những cành đã mang quả (khoảng 10-15 cm), cành sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán, cành đan chéo nhau, cành tăm hương...trong thời gian cây mang quả cũng cần loại bỏ những cành vượt.

5. Tỉa định quả
5.1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản
Nên cắt bỏ hết hoa, quả mới ra để tập trung dinh dưỡng cho cây ra các đợt lộc và phát triển cành lá, quyết định khung tán sau này.

5.2. Thời kỳ kinh doanh
- Thời kỳ mới cho thu hoạch, nên tỉa định quả vào tháng 3-4 sau rụng sinh lý lần 1;
- Thời kỳ cho năng xuất cao, nên tỉa định quả vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 sau khi rụng sinh lý lần 2; lúc này bón phân thúc lần 2, do đó cần tỉa định quả kịp thời. Loại bỏ những quả sâu bệnh, quả dị hình, quả nhỏ và quả quá nhiều trên 1 cành để tập trung dinh dưỡng cho số quả hữu hiệu trên cây, tránh lãng phí dinh dưỡng không cần thiết.

6. Thu hoạch, bảo quản
Thu hoạch quả vào những ngày trời nắng ráo, khi 2/3 vỏ quả xuất hiện màu chín da cam hoặc vàng da cam. Không nên để cam chín qúa trên cây làm giảm chất lượng quả, ảnh hưởng đến hình thành và phát triển hoa, quả năm sau. Thu hái nhẹ nhàng tránh làm xây sát vỏ quả, khi thu hái cần cắt sát cuống quả, tránh dập nát khi đóng gói, vận chuyển.

Bảo quản phương pháp thủ công: Chọn quả không sâu bệnh vừa chín, cắt sát núm quả, lau vỏ quả bằng rượu, bôi vôi vào núm. Chọn phòng bảo quản thoáng mát rải lên nền một lớp cát khô dầy 20-30 cm, xếp một lớp cam phủ một lớp cát, xếp không quá ba lớp; đậy bằng lá chuối khô, rơm, cót. Phương pháp này chỉ áp dung quy mô nhỏ, phạm vi gia đình, thời gian bảo quản từ 10-20 ngày;

Quả thu hoạch được tập kết để vệ sinh lau sạch vỏ quả, phân loại và đóng thùng tại nơi thoáng mát cách ly gia súc, gia cầm. Các dụng cụ: thùng giấy, thùng gỗ, sọt … Vật dụng chứa quả phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ tránh gây ô nhiễm lên sản phẩm. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ cần đảm bảo điều kiện thoáng mát.

QB tổng hợp (Nguồn: Trung tâm khuyến nông Tuyên Quang)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×