Nam sinh viên Bách khoa Hà Nội sở hữu 8 bài báo quốc tế
Thứ ba, 16/03/2021

Vũ Ngọc Việt Hoàng (sinh năm 1998) ở Thái Bình, là sinh viên năm cuối lớp Công nghệ chế tạo máy - khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu sở hữu 8 bài báo quốc tế đăng trên tạp chí ISI- Q1, trong đó 3 đề tài do Việt Hoàng đứng tên chủ trì. Đây là con số đáng mơ ước với nhiều nhà nghiên cứu trẻ chứ không nói đến một sinh viên sắp tốt nghiệp đại học và được đánh giá là trường hợp có một không hai ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bị bố mẹ phản đối gay gắt khi chọn con đường nghiên cứu
Say mê, quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học nhưng khi chia sẻ những dự định của bản thân, Vũ Ngọc Việt Hoàng lại bị bố mẹ phản đối gay gắt.
Gia đình Hoàng chưa có ai theo đuổi con đường học thuật, bố mẹ cho rằng ước mơ của Hoàng là viển vông, không thể thành hiện thực. Mong muốn của bố mẹ là cậu hoàn thành chương trình đại học rồi đi làm, lập nghiệp.
“Đó là dịp tết năm 2019, tôi tâm sự với bố mẹ về ước mơ theo đuổi nghiên cứu của mình. Thế nhưng, tôi không nhận được sự ủng hộ, động viên từ gia đình.
Quan điểm của bố mẹ hoàn toàn trái ngược với hướng đi của tôi. Hôm đó là ngày mùng 4 tết nhưng tôi đã xách balo trở lại Hà Nội, không hề nhụt chí, tôi đi với quyết tâm lớn và muốn chứng minh cho bố mẹ thấy mình sẽ làm được”, Việt Hoàng tâm sự.
Vũ Ngọc Việt Hoàng - Sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội có 8 bài báo ISI-Q1 được công bố (Ảnh: Phạm Minh)
Nghiên cứu khoa học như một mối duyên
Hoàng cho rằng mình đến với nghiên cứu khoa học như một mối duyên, và khi đã lỡ “kết duyên” rồi thì khó lòng gỡ ra được.
Vào năm thứ hai đại học, được học bộ môn Chi tiết máy do Thạc sĩ Đinh Gia Ninh giảng dạy, Hoàng bị cuốn hút bởi những câu chuyện truyền cảm hứng của thầy.
Thầy Ninh kể về hành trình mình đã đi qua, đặc biệt là câu chuyện nghiên cứu khoa học của thầy như “thôi miên” tâm trí cậu trò ngày ấy, cậu ước được như thầy giáo, ước một lần được ghi tên mình trên bài báo quốc tế.
Việt Hoàng gợi lại kỷ niệm: “Thầy Ninh thường kể về nhóm nghiên cứu của thầy đã có các anh khóa trên tham gia, các anh đã có những bài báo khoa học đầu tiên cho mình. Lúc đó, tôi cũng chỉ ước mong sao mình có 1 bài báo lưu lại dấu ấn trong quãng đời sinh viên.
Ngày ấy, ước mơ đó vẫn còn xa vời lắm, tôi đánh liều gửi email cho thầy, gặp thầy, chia sẻ mong muốn, quyết tâm của bản thân".
Chính thầy Ninh và hai anh khóa trên trong nhóm đã hướng dẫn và tiếp thêm động lực để Hoàng đến với nghiên cứu khoa học, từng bước chinh phục những thử thách.
Quyết tâm cao khi gia nhập vào nhóm của thầy Ninh nhưng với một sinh viên năm hai, kiến thức chuyên ngành chưa có nhiều, nghiên cứu khoa học thực sự không phải việc dễ dàng.
Thêm vào đó, muốn làm nghiên cứu cần phải có tiếng Anh chuyên ngành, khó khăn càng chồng chất khó khăn.
“Đặc biệt là phương pháp nghiên cứu phải sử dụng toán giải tích rất nhiều. Công thức toán từ đầu đến cuối, chỉ cần nhầm một dấu cộng, dấu trừ là sẽ sai kết quả.
Có khi hai tháng trời loay hoay tính mãi không ra, đôi lần tôi cảm thấy mệt mỏi, nản lòng và muốn bỏ cuộc.
Nhưng cuối cùng, tôi cũng không cho phép bản thân mình gục ngã, nghĩ đến tâm huyết của thầy, nghĩ về gia đình, tôi càng quyết tâm làm bằng được mới thôi”, Việt Hoàng chia sẻ.
Vực dậy tinh thần, Hoàng lại miệt mài đọc báo, đọc sách, tìm tài liệu vừa để học thêm kiến thức, vừa trau dồi vốn tiếng Anh chuyên ngành của mình.
Hoàng vẫn nhớ như in ngày bài báo đầu tiên được công bố, chàng sinh viên đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Cũng từ đó, Hoàng có niềm tin vào bản thân hơn, quyết tâm hơn và đặt ra những mục tiêu mới.
Kiên trì, chăm chỉ, đậm "chất" của một nhà nghiên cứu
Hướng nghiên cứu chính của Vũ Ngọc Việt Hoàng là tập trung phân tích động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng vật liệu nanocomposite chịu tác động dưới các điều kiện tải trọng, môi trường phức tạp bằng các phương pháp và lý thuyết mới có độ chính xác cao.
"Trước hết, em mô hình hóa kết cấu sử dụng các lý thuyết cơ học của Tấm và Vỏ, sau đó sử dụng mô hình vật liệu cỡ micro và nano cho những kết cấu đó.
Sau đó, em sử dụng cách tiếp cận giải tích và bán giải tích để giải ra những tần số dao động riêng và những đáp ứng động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng Vật liệu nanocomposite.
Những đề tài này có thể được ứng dụng trong các ngành Cơ khí, Xây dựng và Hàng không vũ trụ. Cụ thể, như bình chứa nhiên liệu trong ô tô, vỏ chứa hạt nhân, vỏ máy bay, vỏ tàu ngầm, bình chứa trong các thiết bị lặn, mái của các công trình xây dựng…", Việt Hoàng chia sẻ về hoạt động nghiên cứu.
Để hoàn thành một đề tài nghiên cứu là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ, không ngại khó, không ngại khổ.
Thời gian đầu, nhiều đêm Hoàng phải thức trắng để chứng minh, thực hiện đề tài. Nghĩ về khoảng thời gian đó, Hoàng nói vì mình đã "trót" đem lòng yêu hoạt động nghiên cứu mà đôi khi bỏ mặc sức khỏe của bản thân.

Vũ Ngọc Việt Hoàng đạt giải Nhất cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
ThS. Đinh Gia Ninh, giảng viên hướng dẫn đánh giá, Việt Hoàng là trường hợp chưa từng có trong lịch sử Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian đầu khi mới tiếp xúc với nghiên cứu khoa học, Việt Hoàng hoà nhập rất nhanh. Nếu các sinh viên khác mất ba, bốn tháng để quen việc thì Hoàng chỉ mất một tháng. Đây có thể nói là tố chất thiên phú.
Khi mới bắt đầu tham gia vào nghiên cứu khoa học, mục tiêu Việt Hoàng đặt ra là hoàn thành bài viết khoa học trước khi ra trường. Càng nghiên cứu, Hoàng càng bộc lộ sự say mê, khao khát chinh phục.
“Khi tôi đang học chương trình tiến sĩ ở Mỹ, khoảng 3-4 giờ sáng ở Việt Nam, Hoàng thức để hỏi han thầy. Tôi bắt đi ngủ, Hoàng không chịu. Nhưng đúng chất nghiên cứu là phải thế. Đã vào guồng thì khó bỏ lắm”, thầy Ninh chia sẻ và nhận định, giờ đây việc viết bài báo quốc tế cho các tạp chí ISI- Q1 bằng tiếng Anh với cậu sinh viên này còn dễ hơn việc viết thuyết minh bằng Tiếng Việt.

Việt Hoàng giành giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2020.
Thầy Ninh tin rằng, những thành tích và công sức Hoàng đạt được là câu trả lời hoàn chỉnh, xứng đáng cho những nỗ lực cậu đã theo đuổi những năm tháng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng làm nghiên cứu cần đam mê thật sự. Các em sẽ gặp nhiều chướng ngại vật. Có những lúc, bản thân thầy cũng cảm thấy rất nản khi sau hơn một tháng tìm hiểu, nghiên cứu, đáp án của mình vẫn không khớp với kết quả đã công bố", thầy nói và cho rằng điều quan trọng nhất để thành công trên con đường học thuật là kỹ năng nền tảng về nghiên cứu.
Sau khi có thành tích nhất định với các bài báo được công bố, Hoàng đăng ký cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường và được đại diện tham dự cuộc thi cấp Bộ. Kết quả, Hoàng đạt giải Nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020. Cũng từ đây, bố mẹ Hoàng dần hiểu và ủng hộ ước mơ của cậu con trai đam mê nghiên cứu.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Hoàng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thành những đề tài còn dang dở. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng sẽ lựa chọn du học tại Mỹ để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, bởi lẽ " là một nhà nghiên cứu thì sẽ không ngừng học tập, tìm tòi và nghiên cứu sáng tạo".
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Thạc sĩ làm mô hình tối ưu hóa đường bay, giảm trễ chuyến
- Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không
- Cô gái 9x đam mê bảo tồn động vật hoang dã
- Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa
- Chàng trai lấy mầm xanh để 'ươm mầm non'
- Tiết lộ đặc biệt về nam sinh có điểm Toán cao nhất thi HSG Quốc gia: Bị ốm ngay trước ngày...
- Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
- Giáo sư 'sát thủ' của khí thải
- 13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới
- Sinh viên dùng CO2 hãm phát triển nấm mốc trên lúa
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận